Slimane: Cú cải cách kịch tính - Tạp chí Đẹp

Slimane: Cú cải cách kịch tính

Thời Trang

Câu chuyện Saint Laurent

Chỉ trong vòng một thế kỷ, thế giới thời trang cùng cả hệ thống xung quanh nó, từ lý thuyết như thẩm mỹ ứng dụng, cách mạng giới tính trong trang phục cho tới thực tiễn ngành công nghiệp vải vóc, đều có những biến chuyển sâu rộng nhất. Tinh thần cải cách của những nhà thiết kế thời ấy đã đặt nền móng cho toàn bộ cỗ máy thời trang đang vận hành ngày nay. Một trong những cái tên không thể không nhắc tới là Yves Saint Laurent, người gắn liền với các danh hiệu như ông hoàng haute couture, kẻ chơi trội với prêt-à-porter (thời trang may sẵn), người cách tân dáng hình phụ nữ,… Khi dòng thời gian thuộc thế kỉ 21 đang cuộn chảy, những bậc hậu sinh kế nghiệp tượng đài Yves Saint Laurent cầm tiếp ngọn đuốc sáng tạo này như thế nào?

Stefano Pilati nói lời từ biệt nhà Yves Saint Laurent (YSL) sau 12 năm gắn bó và Hedi Slimane trở lại vị trí “phía trước máy ảnh” tiếp quản thương hiệu YSL với những thay đổi mới mà ai cũng có thể tiên liệu trước. Vậy nhưng mọi người vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi thương hiệu Yves Saint Laurent được đổi tên thành Saint Laurent Paris. Quá nhiều thay đổi cho một thương hiệu lừng lẫy liệu có cần thiết?

Trong mấy năm qua, chưa lúc nào giới phóng viên, biên tập viên, chủ bút, nhà phân phối và chủ đầu tư lại trông ngóng đến Tuần lễ thời trang Xuân Hè như năm nay. Bởi lẽ, thế giới tạo mẫu vừa chứng kiến nhiều cuộc đổi ngôi liên tục tại các nhà mốt danh tiếng nhất. Bà hoàng tối giản Jil Sander quay trở lại thương hiệu do mình sáng lập. Trong khi đó, Raf Simons giã từ Jil thuộc tập đoàn Prada để về với Dior, nhà mốt đã mất hơn một năm để tìm kiếm vị trí giám đốc sáng tạo thay thế John Galliano. Stefano Pilati bất ngờ rời bỏ vị trí “cầm cương” tại YSL và mới đây đã nhận làm thiết kế chính cho nhãn hàng trang phục nam truyền thống lâu đời Ermenegildo Zegna và cả dòng sản phẩm cho phụ nữ mang tên Agnona của hãng này. Đương nhiên, không thể không kể đến nhà mốt huyền thoại của ngài Yves Saint Laurent với những biến chuyển mạnh mẽ từ gốc rễ thương hiệu.

Yves Saint Laurent chào đón những vị khách đầu tiên đến cửa hàng “Saint-Laurent Rive Gauche” với những thiết kế ready-to-wear – ảnh chụp ngày 25/9/1966 tại Paris.

Hedi Slimane – “Gã điên” quay trở lại

Những ai theo dõi sát sao thế giới thời trang, hẳn đã biết cái tin Hedi Slimane bước về nhà YSL. Nhưng lần này, “gã điên rồ” Slimane không chỉ ở gian nhà phụ YSL Rive Gauche Pour Homme như hồi năm 1997 tới năm 2000, khi anh phụ trách mảng trang phục nam giới, mà được tập đoàn PPR – chủ sở hữu YSL giao trọng trách thiết kế toàn bộ các dòng sản phẩm thời trang của thương hiệu.

Hedi Slimane đã gác kiếm mấy năm nay, kể từ lúc anh rời bỏ nhà Dior 5 năm trước. Anh tạm thôi không đụng tới chiếc kéo, thước dây, để đắm mình trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Những tấm ảnh chân dung đen trắng gai góc, tràn đầy cảm xúc khiến người ta cảm thấy sự níu kéo, mong muốn tác động tới cơ thể con người của Slimane. Chẳng phải đó cũng là cảm giác của nhà thiết kế thời trang, những kẻ dùng vải vóc tạo hình mẫu trên cơ thể người mặc hay sao? Cái chất “phiêu” của Hedi Slimane làm giới hâm mộ thẩm mỹ sáng tạo phấn khích, họ mong chờ được nhìn ngắm bộ sưu tập mới của anh. Nhưng cũng tồn tại rất nhiều luồng ý kiến lo lắng đến từ các chuyên gia tư vấn tài chính, bởi YSL chỉ vừa vực dậy về doanh số được hơn hai năm. Liệu hai năm có là khoảng thời gian đủ an toàn cho sự quay trở lại của một cuộc cách tân táo bạo?

 

BST Thu Đông 2001-02 của Dior Homme

 

Thực tế, bộ phận marketing của YSL đã có những bước đi khá khôn ngoan. Sau thông cáo báo chí về quyết định bổ nhiệm Slimane tại YSL vào tháng bảy, bộ sưu tập Resort 2012 và trang phục nam được giới thiệu tới những nhà phân phối và tiêu thụ thời trang ngay tại showroom của YSL ở Paris. Tất cả các thiết kế được trưng bày đơn giản trên giá mắc áo, không sàn catwalk, không người mẫu và không có báo chí nhằm tránh phản ứng tiêu cực. Lần ra mắt ngắn ngủi này như một cuộc thăm dò, khảo sát ý kiến khách hàng đối với gu thẩm mỹ của Hedi Slimane cho nhà YSL. Thật may cho Slimane và nhà YSL, các nhà phân phối mua hàng tỏ vẻ ưng ý và dễ chịu. Cái gật đầu về doanh số dường như khả quan.

 

Nhà thiết kế Hedi Slimane chào nhà thiết kế Yves Saint Laurent sau khi buổi ra mắt BST Thu Đông 2001-02 của nhãn hiệu Dior Homme diễn ra. 

Từ Paris tới Los Angeles: Thế kỉ 21 ngược về thập niên 60

BST Haute Couture Xuân Hè 1989

“Gã điên” Hedi Slimane đã tiết chế sự phá cách của mình? Không hề có chuyện ấy. YSL, nhà mốt đóng bản doanh ở kinh đô ánh sáng, kinh đô thời trang Paris dời sang Los Angeles tràn đầy nắng ấm. Tính nghệ của Slimane không chịu nổi cái lạnh và mưa gió dầm dề tại châu Âu. Hơn thế nữa, thoát khỏi Paris đồng nghĩa với việc thoát khỏi sự dòm ngó, kìm kẹp, cạnh tranh trực tiếp từ chủ tập đoàn đầu tư, từ các nhà mốt đối thủ và cả từ giới báo chí soi mói. Los Angeles là thành phố của ngôi sao màn bạc, nơi các tay săn ảnh phần nhiều lơi lỏng cho những kẻ sáng tạo cô đơn như Slimane.

 

Nhà thiết kế Yves Saint Laurent trong buổi ra mắt BST Haute Couture  Thu Đông 1984-85 

Nhưng sự việc đình đám nhất Hedi Slimane đem đến cho nhà YSL chính là một cái tên mới. Dòng sản phẩm chính của YSL là trang phục nữ, thường xuất hiện cùng logo của nhà mốt. Nay, Slimane chính thức đổi Yves Saint Laurent thành Saint Laurent Paris. Chữ Yves bị xóa bỏ và thêm vào địa điểm Paris. Tại sao Slimane, người vừa chuyển toàn bộ văn phòng và đội ngũ thiết kế sang Los Angeles, lại muốn đẩy tính “Paris” của thương hiệu lên một cách kịch tích đến vậy?

Câu trả lời nằm ở lịch sử thương hiệu YSL. Năm 1966, huyền thoại thiết kế Yves Saint Laurent đã gây nên một cuộc cách mạng cho nền công nghiệp thời trang. Ông cho ra mắt dòng sản phẩm ready-to-wear (áo quần may sẵn) chứ không “đo ni đóng giày” từng khách hàng. Khái niệm nhà may bị đẩy lùi, thay vào đó, thương hiệu trở nên lớn hơn, như một nhà máy sản xuất trang phục, lượng khách hàng được mở rộng, bình dân hơn. Và dòng sản phẩm đó được gọi tên “Saint Laurent Rive Gauche”, không hề có chữ “Yves”. Rive Gauche nghĩa là tả ngạn của dòng sông Seine, nơi trước đây là chỗ tập trung của dòng văn hóa “ngoài luồng” của sinh viên, dân nghệ sĩ, nhạc công, hippy trẻ tuổi. Tinh thần Paris phá cách đấy chính là lời tuyên ngôn sáng tạo mà Hedi Slimane muốn mang trở lại vào thế kỉ 21 này.

 

Yves Saint Laurent và siêu mẫu Katoucha trong buổi ra mắt BST ready-to-wear Thu Đông 1989

BST Thu Đông 2004-05 của Yves Saint Laurent do Tom Ford thực hiện

Karl Lagerfeld, một trong những huyền thoại cùng thế hệ Yves Saint Laurent vẫn còn sống và lao động không ngừng nghỉ, đã lên tiếng phát biểu đồng tình với cú cải cách ngoạn mục của Slimane. Kể cả Pierre Bergé, đồng sáng lập nhà mốt YSL, cũng hồ hởi đón nhận tin này. Vậy cùng chờ xem, cái vỏ đã thay, ruột nó – bộ sưu tập Xuân Hè 2013 sẽ được Hedi Slimane ra mắt như thế nào.

Chuyên đề Câu chuyện Saint Laurent

>> Slimane: Cú cải cách kịch tính

>> Stefano Pilati: Người Ý trầm lặng

Thực hiện: Arlette Quỳnh Anh 

Thực hiện: depweb

15/10/2012, 13:25