Skinlosophy - Tiềm năng của mỹ phẩm nội địa - Tạp chí Đẹp

Skinlosophy – Tiềm năng của mỹ phẩm nội địa

Làm Đẹp

Tháng 3 năm 2020, khi đài CNN từ Mỹ sang Việt Nam thực hiện phóng sự về một hãng mỹ phẩm Việt có tên Skinlosophy, Đỗ Duy Khánh và Đinh Phương Anh, hai founder của thương hiệu này, đưa 20 nhân viên của mình từ Hà Nội vào xưởng sản xuất tại Long An để ghi hình, rồi trở về Sài Gòn thuê một căn penthouse tổ chức tiệc liên hoan cho cả công ty.

Đỗ Duy Khánh và Đinh Phương Anh, hai founder của thương hiệu mỹ phẩm Việt Skinlosophy

Khi mọi người đã ngủ hết, họ ra ban công lặng nhìn thành phố, nói với nhau rằng hai đứa mình đi ra từ hai gia đình phá sản, bố mẹ li dị, chị từng có thời gian phải ăn cơm với muối, còn em từ chỗ sống trong khá giả thành đứa chẳng có gì, mình đã đi từng bước, gom góp từng đồng và cuối cùng cũng có ngày được công nhận như hôm nay. Khởi nghiệp khi vừa bước qua tuổi 20 với số vốn là “đôi trăm triệu mỗi đứa tự đi vay mượn”, bằng kiến thức của một cô cử nhân Đại học Dược Hà Nội và sự năng nổ say mê của một chàng trai đam mê mỹ phẩm, họ chọn con đường sử dụng khoa học để tối ưu hóa những dược liệu địa phương. Năm 2013, Khánh và Phương Anh cho ra đời thương hiệu Skinlosophy kết hợp giữa cả Tây y hiện đại và Đông y truyền thống.

Không cạnh tranh bằng sự hào nhoáng hay những chiến dịch marketing quy thành số tiền khổng lồ, các bạn chọn con đường nào để ghi dấu ấn cho Skinlosophy trên thị trường mỹ phẩm đang bị chiếm giữ bởi những thương hiệu ngoại nhập?

Chúng tôi kết hợp kho tàng đồ sộ các bài thuốc cổ của Việt Nam với những thành tựu khoa học tiên tiến của Tây y và tin rằng bằng cách này, mỹ phẩm Việt có thể trở thành một ngôi sao mới. Việt Nam đứng trong top 3 các quốc gia có nguồn dược liệu phong phú nhất trên thế giới, có nghĩa là chúng ta đang nằm trên một kho báu đến từ thiên nhiên. Sâm Ngọc Linh, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo của Việt Nam đều có giá trị dược liệu mạnh mẽ và đang được sản xuất theo quy chuẩn quốc tế. Thông đỏ tưởng là “vũ khí” của mỹ phẩm Hàn Quốc nhưng Việt Nam có thể nuôi trồng và bào chế ra chiết xuất tốt hơn cả họ. Bồ hòn Việt Nam trông bình dị mộc mạc nhưng được đem ra làm xà phòng dùng cho khách sạn 6 sao ở châu Âu… Trước đây, người nước ngoài nhập thô nguyên liệu của Việt Nam để bào chế mỹ phẩm rồi chúng ta lại phải nhập sản phẩm tinh chế của họ, nhưng thời đại này đã khác, Việt Nam thực sự có thể làm tất cả.

Từ việc kem chống nắng của Skinlosophy được chứng nhận SPF50 PA++++ và khả năng chống bụi mịn từ viện MERCK của Thụy Sĩ, hai bạn có thể cho biết đâu là sự khác biệt giữa những hãng mỹ phẩm “made in Vietnam” được công nhận bởi tiêu chuẩn thế giới và phần còn lại?

Nhờ những lần “đánh liều” gửi nghiên cứu khoa học của Phương Anh cho các phòng thí nghiệm uy tín trên thế giới, chúng tôi may mắn có mối liên hệ khá tốt với các trung tâm này và được họ cập nhật liên tục những công nghệ mới nhất của ngành mỹ phẩm. Đó là lý do mà nhiều sản phẩm của Skinlosophy không hề thua kém các thương hiệu toàn cầu trong cuộc chạy đua về công nghệ.

Thực tế, ở Việt Nam hiện nay không thiếu những nhà máy đáp ứng được các tiêu chuẩn của thế giới. Nhưng là những người thực sự nghiêm túc với ngành mỹ phẩm và muốn mỹ phẩm Việt đứng ở vị thế cao hơn trong lòng người tiêu dùng, chúng tôi không coi mỹ phẩm đơn thuần như một món hàng hay là đồ lưu niệm chỉ có mùi hương hay ho hoặc chiết xuất nghe lạ tai. Chúng tôi muốn nâng tầm khoa học Việt bằng cách đi cùng với ngành nông nghiệp công nghệ cao. Cùng sử dụng nguyên liệu Việt và sản xuất tại Việt Nam, có hãng là kem trộn, có hãng lại trở thành niềm tự hào của mỹ phẩm nội địa. Mỹ phẩm Việt không nên là đồ tự hái tự pha, chúng phải là thành quả của khoa học và cần được kiểm nghiệm an toàn.

Ngoài việc sử dụng nguồn dược liệu chất lượng từ bản địa, giá thành phù hợp với mức chi trả cơ bản của người Việt có phải là yếu tố để Skinlosophy cạnh tranh cùng các thương hiệu lớn nước ngoài hay không?

Giá sản phẩm không quá xa vời với người tiêu dùng có thể đến từ nhiều yếu tố: thứ nhất, mỹ phẩm nội địa không mất thêm thuế phí nhập khẩu và vận chuyển; thứ hai, giá nguyên liệu nội địa không quá đắt đỏ; thứ ba, ngân sách dành cho quảng cáo đã giảm bớt. Chúng tôi không muốn so sánh về giá cả mà chỉ muốn người tiêu dùng tập trung vào chất lượng. Thực chất, tệp khách hàng trung thành của Skinlosophy suốt 8 năm nay vẫn luôn là phụ nữ ở độ tuổi 20-35 có học thức và hiểu biết rất tốt về làm đẹp. Họ nắm rõ mọi xu hướng và hoàn toàn có khả năng chi trả cho sản phẩm của các thương hiệu lớn nước ngoài nhưng vẫn lựa chọn Skinlosophy, nghĩa là giá cả thực ra đối với họ không phải vấn đề.

Vai trò của hai bạn được phân chia thế nào trong sự phát triển chung của Skinlosophy suốt 8 năm qua?

Phương Anh phụ trách nghiên cứu sản phẩm và điều hành nội bộ, còn Khánh kiêm cả một bộ máy marketing lẫn bán hàng. Kể từ ngày đầu không có gì trong tay ngoài sản phẩm là một hũ mặt nạ bé xíu, để đi đến ngày hôm nay, chúng tôi đã cùng trải qua nhiều kỷ niệm cay đắng. 6 cái Tết đầu tiên là 6 lần hai đứa ôm nhau khóc vì phải đi vay tiền trả lương cho nhân viên, chẳng có đồng nào mang về cho gia đình. Cũng từng có lúc chúng tôi ngồi giữa nhà kho chất hàng trăm nguyên liệu và hàng chục ngàn vỏ chai lọ mà không hiểu sao mình càng bán hàng càng chẳng thấy tiền đâu. Cả hai đã phải học cách vượt qua sai lầm mà không đổ lỗi cho nhau, trao nhau niềm tin như những người ruột thịt. Dần dần thành quả đã vượt qua cả ước mơ của chính mình. Hành trình này dạy cho chúng tôi rằng, dù bạn khởi nghiệp chỉ bằng niềm đam mê, không một chút kiến thức về vận hành hay marketing, bạn vẫn có thể học hỏi, miễn là đủ kiên nhẫn.

Hai bạn có ý định tìm nhà đầu tư để hiện thực hóa những mục tiêu cao xa hơn của mình không?

Thật ra chúng tôi vẫn hạnh phúc với sự tự do này, bởi có toàn quyền quyết định cho đứa con của mình, có thể làm bất kỳ điều gì với nó kể cả chi hàng trăm triệu mỗi năm cho việc mua mỹ phẩm về nghiên cứu… Có lẽ không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu được những điều điên rồ như vậy. Nhưng vì nhận thấy hoài bão của hai đứa đang dần lớn hơn rất nhiều so với lúc bắt đầu, chúng tôi cũng nghĩ rằng đã đến lúc nên tìm cho mình một nhà đầu tư tâm đầu ý hợp.

Mục tiêu lớn nhất của hai bạn đối với Skinlosophy là gì?

Đây cũng là câu hỏi mà quỹ đầu tư Mekong Capital từng hỏi chúng tôi. Lúc ấy hai đứa đã trả lời rằng tất cả những gì chúng tôi muốn chỉ là hai cửa hàng thật xinh đẹp ở Hà Nội và Tp. HCM. Trong con mắt hai đứa lúc đó, việc có hai cửa hàng trường tồn với thời gian và có được sự yêu mến ngày một sâu sắc của khách hàng đã là một hạnh phúc lớn lao rồi. Nhưng kể từ khi có vinh dự được xuất hiện trên đài CNN, chúng tôi lại có một ước mơ lớn hơn, đó là đưa mỹ phẩm Việt Nam lên bản đồ thế giới. Khoa học Việt Nam cùng kho tàng những bài thuốc Nam xứng đáng được thế giới công nhận và tôn vinh.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng truy cập:
Website: http://skinlosophy.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/skinlosophy.vn
Showroom: Tầng 2, khu tổ hợp Complex 1 – 31/167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội

Tác giả: Hương Thủy

03/06/2021, 09:00