Lần đầu tiên, Siu đề cập đến một nguyên nhân khác để biện minh cho “tiếng oan” “lười” làm show và ra đĩa của mình: giọng kén bài. Và vì “cái khó bó cái… chăm” ấy, chị nhất quyết “kêu oan”: “Tôi đâu có lười!”
Chưa thấy Nguyễn Cường thứ hai
“Gái đẹp khó kén chồng” – có thể nói vậy về tình trạng “giọng kén bài” ở chị không?
Chưa nói đến chuyện ra đĩa, mà tìm một bài mới, hợp ý mình, vừa tai khán giả để hát trên sân khấu bây giờ sao khó quá! Mà chấp nhận hát một bài mình không ưng, tôi không làm nổi.
Vì bản thân mình nghe mình mà còn thấy chán, sao lại dám bắt khán giả phải chịu đựng mình? Giờ ca khúc thị trường tràn ngập, mà ca khúc nào cũng chăm chăm nói mỗi một việc: Ngày thứ nhất tôi yêu em, ngày thứ hai tôi đã muốn em…, Siu Black làm sao mà có thể hát được những ca từ nhố nhăng như thế?
Nói thật là ngay cả những bài không thể… sạch sẽ hơn như “Bức thư tình đầu tiên” tôi thấy chị cũng không hợp, công nhận là giọng chị kén bài! Bài toán thông dụng nhất và nhiều người đã làm thành công (kể cả khi không hẳn thực tài), sao chị lại không dùng đến nhỉ: Đặt bài, theo kiểu “đo ni, đóng giày”?
Ai bảo tôi chưa đi đặt bài? Tôi từng đặt khá nhiều là đằng khác, và đơn đặt hàng là rock. Nhưng cái tôi nhận được là gì? Một thứ rock không ra rock, ca từ hát khiến tôi không thoải mái. Trong khi hồi trước, tôi hát Nguyễn Cường rất “chạy”, vì ca từ của anh rất dễ nhớ, rất logic, chỉ cần học một ngày là thuộc. Còn những bài về sau tôi có, tôi thuộc không nổi, tôi mất hàng ngày trời đánh vật với nó và cuối cùng thì đành chào thua.
Chị có nghĩ là một phần vì “của đau, con xót” mà chị mới trở nên khó tính như vậy không, so với thời… hát miễn phí nhạc Nguyễn Cường?
Đúng là tôi đi lên từ nhạc Nguyễn Cường, cũng như nhạc Nguyễn Cường được biết đến nhiều là qua Y Moan và Siu Black (về sau này tìm được người hát đúng chất Tây Nguyên như tụi tôi rất khó, ngay cả với những em người gốc Tây Nguyên vì các em để mình bị “phố thị hóa” quá sớm!).
Vấn đề ở đây không phải là tiền mà là gần như không thể có thêm một Nguyễn Cường thứ hai cho tôi. Và một khi không tìm ra được Nguyễn Cường, thì bao nhiêu tiền cũng là nhiều, 3 – 4 triệu/bài (là trước đây, giờ thì phải chừng 10 triệu/bài), đối với tôi cũng là quá đắt!
Khỏi lo tôi bị phân tán năng lượng!
Nản chí với việc đặt bài cũng có nghĩa là… “botay.com” với nghiệp hát, thế nên giờ chị chủ yếu đi làm giám khảo để nghe người khác hát, hoặc làm thí sinh thi nhảy, đi đóng phim…?
Làm giám khảo hay chứ, tôi thích lắm! Không giống như nhiều người thường kêu ngồi chấm thi “cực thấy mồ”, tôi lại cảm thấy rất thích thú với việc tìm kiếm tài năng và tôi vui vì cái điều mà tôi cho là có ích ấy. Thi nhảy thì thắng lợi nhất là… sút được 6 ký thịt, nên tới đây tôi sẽ vẫn tự tổ chức một cuộc thi “Bước nhảy hoàn vũ” nữa cho… riêng mình.
Cái được thì xem ra không nhiều lắm, mà cái mất, chị có nghĩ là không hề nhỏ không: sự phân tán năng lượng, khi những cái chị đang làm rõ ràng không phải là thế mạnh lớn nhất và là cái công chúng chờ đợi nhất ở chị?
Về khoản năng lượng ở Siu Black thì khỏi lo đi, tôi có đi đâu làm gì thì khi về lại sân khấu, tôi vẫn “máu lửa” và đủ sức đáp ứng mọi yêu cầu mà công chúng cần ở tôi. Tôi biết nhiều người chỉ cần sốt nhẹ đã không thể lên sân khấu được nhưng cảm sốt tới mức phải bỏ ăn với tôi cũng không thành vấn đề, một khi tôi đã máu hát.
Nên có lần tôi đã bị đồng nghiệp la: “Bà này cảm sốt chi mà sao vẫn làm dữ vậy? Muốn chết à?”. Đi đóng phim cũng vậy, có hôm cả đoàn mệt tới mức không ai nói nổi câu nào nữa, chỉ còn mình tôi… còn giọng nói.
Trong những sự lãng phí ở mình, đã bao giờ chị nghĩ: đơn giản nhất, mà cũng là căn bản nhất, đó chính là sự lãng phí về sức khỏe? Khi mà tôi ngờ rằng, cân nặng ở chị trước hết không phải là gây lo ngại về ngoại hình, mà chính là sức khỏe?
Trừ bệnh hiểm nghèo rơi từ trên trời xuống là mình không tránh khỏi, bằng không, tôi tìm cách tránh hết. Tôi tránh theo cách của tôi. Đi mưa bao giờ tôi cũng có áo mưa. Gì chứ riêng về khoản ăn ngủ thì tôi điều độ hết sức, không như người ta vẫn nghĩ về ca sĩ. Vì cái này tôi từng nếm đủ rồi, với căn bệnh đau bao tử gần chết, trăm sự cũng chỉ vì ăn uống thất thường.
Mấy năm nay tôi thoát khỏi nó cũng nhờ biết ăn uống điều độ. Đi đâu mà đoán trước kiểu gì cũng ăn uống trật giờ, tôi thường thủ sẵn mấy miếng bánh để kịp thời lót dạ. Và hàng ngày, tôi thường dậy rất sớm – nó là thói quen từ hồi ở làng – tầm 5 – 6 giờ sáng, để đi bộ. Người gầy, họ đi chừng 5 – 10 vòng thì mình đi cỡ 2 – 3 vòng thôi, vậy là đủ!
Ra là chị ăn uống, thể dục thì điều độ mà ra đĩa thì thất thường nhỉ?
Ừ thì đấy, như đã nói, là do giọng kén bài, và cũng còn vì nhiều nguyên nhân khác nữa nên tôi chấp nhận chừng lâu lâu mới ra một đĩa. Sắp tới đây nè, cũng sẽ có một đĩa nữa, cũng tính là ra lâu lâu rồi nhưng rồi vướng hết cái này tới cái khác, hết “Bước nhảy hoàn vũ” rồi tới đây lại là vụ “Idol” nên cứ khất lần hoài…
Đấy, ý tôi nói lúc nãy, “sự phân tán năng lượng” chính là ở đó. Có Siu chỗ này, thì sẽ không có Siu ở chỗ khác, vì con người ta không có tài phân thân như Tôn Ngộ Không. Cái thiếu ở chị vì vậy có thể là một chiếc “vòng kim cô” chăng, để chị không được “chạy đi chơi xa quá”?
Khỏi cần cái vòng đó đi, vì sắp tới chị Siu không những ra album mà còn làm show nữa kìa, ở show đó tôi sẽ chơi tới 20 bài lận, hát đã đời, máu lửa. May cho tôi là tìm được nhà tài trợ yêu quý giọng hát của tôi và liveshow này có tên là “Siu và những boyband”. Đang tính nếu là thứ rock vừa phải thì chơi ở sân Lan Anh, nhưng nếu là rock nặng thì phải kéo nhau ra sân Quân khu 7 đây!
Tôi không dễ tính như người ta tưởng
Chị rất có duyên chơi với “trẻ con” nhưng lại rất ít hát nhạc của người trẻ. Không tính dân làm nhạc thị trường, thì một số nhạc sĩ trẻ được phát hiện ở Bài hát Việt – nơi chị từng “ghé chơi” và góp lửa bằng rock – chẳng lẽ không cho chị được một gợi ý nào sao?
Cũng có những nhạc sĩ trẻ tìm đến tôi nhưng rồi không có duyên. Không phải vì họ dở mà có lẽ vì tôi khó. Tôi khó lắm. Tôi kỹ tính chứ không dễ tính như người ta tưởng đâu! Cái chỗ nhạc sĩ cho là cao trào, đôi khi tôi lại không thấy thế và cái tôi cho là cao trào, đôi khi nó lại nằm ngoài chủ ý của nhạc sĩ. Thế nên tôi rất hãy “cãi” nhạc sĩ.
Còn nhớ có lần có một nhạc sĩ là Việt kiều Úc, nhờ chuyển tới tôi một ca khúc và cho biết là trước tôi, đã có 5 ca sĩ từ chối vì cho rằng nó rất khó hát: âm vực quá rộng, chỗ thấp thì rất thấp mà chỗ cao thì rất cao. Ở ngoài Bắc thì có nhưng ở Sài Gòn rất hiếm và gần như không có những ca sĩ có được quãng rộng.
Tuy nhiên, tôi vẫn không tin đấy là “cửa ải” duy nhất khiến 5 người trước tôi phải từ chối. Vậy là tôi đi tìm… cái dở khác của nó, và rồi tất nhiên tôi tìm thấy. Tôi thấy ở ngay vào cái chỗ hay nhất, cao trào nhất, thì cái sự luyến láy như tác giả muốn, lại chính là cái dở, cái làm khó người hát nhất vì nếu hát không khéo sẽ rất dễ bị phô.
Thế nên tôi nói thẳng: Cái nốt “si thăng” của anh ở đoạn đấy nghe khó chịu lắm, cho nên hoặc là anh chấp nhận bỏ đi, hoặc là em sẽ hát nó theo kiểu của em… Cuối cùng thì ông ấy nói: “Anh chưa gặp em, nhưng em quả là một best singer!”. Nói chung, nhạc sĩ đã đưa bài cho tôi và một khi tôi đã gật rồi là có thể yên tâm, kể cả khi tôi tìm cách “phá” họ.
Ấy vậy mà tôi nghe nói, ở trường quay, chị lại dễ bảo lắm, chưa bao giờ biết cãi đạo diễn!
Ờ thì đúng quá còn gì! Tôi biết gì về phim mà cãi, để người ta cười cho à? Phim không phải nghề của tôi. Cái gì đúng nghề thì mới nên cãi. Ở đời phải biết cái gì nên cãi, cái gì không.
Chị cũng có vẻ dễ bảo khi nghe người ta xui đi thi “Bước nhảy hoàn vũ” nữa!
À cái đó thì lúc đầu là tôi chối nhé, tôi chối thiệt lực, vì nghĩ người ta mời lộn người, hết người hay sao mà phải “vần” một thân hình thế này lên sàn nhảy? Nhưng người ta vẫn “ngoan cố”, mời bằng được. Thế nên cuối cùng tôi đồng ý, với điều kiện: Tháng đầu tiên mà cảm thấy không được thì cho chị rút, OK? Chẳng bao giờ tôi thấy tự ái hay mặc cảm vì thua cuộc hết.
Không bao giờ tôi sợ người ta bảo mình không biết. Không biết thì học, OK! Biết rồi học thêm cũng chẳng sao. Thế nên có lần, có người dạy tôi hát tức cười lắm, nhưng không sao, tôi vẫn ngồi nghe. Nghe xong, tôi bảo: Tôi luôn sẵn sàng nghe góp ý, OK, nhưng góp ý thì phải góp cho đúng nha, và phải cố mà làm cho được, bằng không thì… đừng góp!
Show riêng? Tôi làm không đủ để mất!
Chị chăm chỉ xuất hiện trên truyền hình, liệu có phải vì chị nghĩ: Thay vì ra đĩa và làm show, chị dùng kênh đó cũng được: vừa phủ sóng rộng rãi, lại không lo… lỗ vốn?
Làm gì khác ngoài hát, để người ta nhớ đến mình, tại sao không? Không lẽ đời tôi chỉ biết làm một việc duy nhất là hát? Làm nhiều việc cũng là một cách làm mới mình và tìm được những niềm vui khác nhau trong cuộc sống. Với tôi, giúp được một em thí sinh tuần này hát tốt hơn tuần sau, nhờ vào những góp ý của mình, là một niềm vui có ý nghĩa.
Tuy nhiên, cũng không hẳn vì tôi có nhiều cơ hội lên sóng, vì tôi thấy “bi nhiêu đó đủ rồi” mà tôi mới bỏ bê chuyện làm show và ra đĩa. Kể ra, nếu tôi có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, thì chắc tôi cũng sẽ đốt tiền làm show.
Nhưng đây, một tỷ để làm show? – Tôi làm không đủ để mất đi như thế! Không phải tôi không có được một tỷ, nhưng khi có nó, tôi lại muốn làm một việc gì khác hơn thế, ý nghĩa hơn thế đối với tôi: mở một quán café để làm sân chơi riêng cho mình và cũng là một sân khấu nhỏ cho các em trẻ có được cơ hội vào nghề, và giờ thì tôi đã làm được.
Lên sóng truyền hình nhiều thì sẽ nhanh chóng nổi tiếng hoặc giữ được lâu hơn sự nổi tiếng, nhưng lại… ít tiền. Tại sao chị lại không đi diễn tỉnh, để túi tiền của mình được rủng roẻng hơn? Chị bị đè nặng bởi hai chữ “đẳng cấp” sao, nên nhất thiết, phải luôn là những chương trình lớn?
Không có, tôi vẫn đi hát bar đấy thôi, đâu có sao! Tôi rất kính nể những người đi hát tỉnh, vì sức làm việc và năng lực phủ sóng của họ. Còn tôi, cái thời tôi hát nhạc Tây Nguyên mới mẻ quá, đi tỉnh e không hợp. Những thành phố lớn, tôi nghĩ họ cần tôi hơn.
Nhiều người nói đi bar nghe chị hát nhạc ngoại rất đã, tại sao chị lại không mạnh dạn đưa sở trường hiếm có ấy ở chị lên sân khấu?
Sân khấu, tôi thấy, thường người ta thích nghe bài quen, bài cũ. Chưa nói, hát nhạc ngoại trên sân khấu còn liên quan đến bản quyền. Thế nên, tôi không nuôi ý định, trừ khi đó là show riêng của mình.
Không “chắc”, làm sao “sống” được đến giờ?
Chỉ hát khi thấy thoải mái và tin là sẽ gây được hiệu ứng, chị có nghĩ mình chắc ăn quá không, mà tận cùng của sự “chắc ăn”, an toàn biết đâu lại là sự thiếu tự tin, là bản năng cố thủ – rất không nên có ở một nghệ sỹ lớn?
Phải chắc chứ, nếu không chắc thì làm sao “sống” được đến tận bây giờ? Và vì sao mà Siu Black tồn tại đến giờ, nếu như không phải vì cô ấy đã đi một con đường riêng khác hẳn? Đường mình đi nếu biết làm mới sẽ không bao giờ cũ. Làm mới có nhiều cách.
Biết giữ mình cũng là một trong những cách. Giữ sự trẻ trung, tươi mới. Giữ ngọn lửa Tây Nguyên sẵn có trong mình. Trời phú cho tôi cái giọng âm vực rộng, nên mình muốn kiểu gì, nó sẽ ra kiểu đó. Chẳng hạn như bài “Ly cà phê Ban Mê”, ở chỗ này tôi “rót” kiểu này, ở chỗ khác tôi “rót” kiểu khác, tới nỗi có người trố mắt hỏi tôi: “Có phải “ly cà phê” mọi hồi không đó?”.
Biết ở bar tôi còn hát nhạc Trịnh và nhạc Phạm Duy nữa không, là mấy bài “Ru ta ngậm ngùi”, “Rừng xưa đã khép”, “Còn chút gì để nhớ” đó… Mấy nốt cao trong đó tôi hát nhẹ hều, giọng khỏe mà mềm mại, lạ lắm – cách tôi “đánh lừa” khán giả đấy! Có những bài ai cũng biết là thế, nhưng đến lượt mình hát là phải khác, phải của riêng mình.
Có những bài không ai dám hát, tôi lại hát. Đó không phải là mạo hiểm thì là gì? Tôi mạo hiểm nhiều chứ! Nhưng chỉ xin đừng ép tôi phải hát những bài tôi không thích, tôi cũng lén thử rồi đó nhưng cú nào không thật ưng là y như rằng cú đó trật lấc! Mà những lần đó, tôi buồn ghê lắm, tôi buồn hết một đêm luôn vậy đó!
Ai nói tôi xấu, tôi béo tôi không buồn, không quan tâm nhưng tự mình cảm thấy mình hát không tới, thì buồn lắm! Thế nên chẳng nên gấp gáp mà làm gì, từ từ là chắc cú nhất!
Chị có thấy mình chưa có sự đầu tư đúng mức cho ngoại hình trên sân khấu ca nhạc? Đó là vì chị tin rằng giọng hát của mình đã là quá đủ, hay vì chị không tin rằng trên đời này lại có thể có một “cây đũa thần” cho vóc dáng quá khổ của mình?
Không phải là tự tin hay tự ty mà là hát kiểu nào phải ăn mặc, trang điểm kiểu đó. Hát kiểu Tây Nguyên phải trang điểm, ăn mặc hoang dã mới ra Tây Nguyên, và ra Siu Black. Nhưng cũng đừng nói tôi bỏ lơ trang phục nha! Tôi cũng đã nhờ đến Công Trí, Sỹ Hoàng rồi đó! “Đơn đặt hàng” của tôi là càng ít phụ kiện và điểm nhấn càng tốt.
Một thân hình phì nhiêu như tôi mà làm quá, nom sẽ chẳng ra gì, sẽ gây khó chịu cho chính người mặc lẫn người nhìn. Tôi từng thách Trí: Em làm đồ cho các người đẹp thì xuất sắc rồi, nhưng với chị, em làm nổi không? Trí từng mất một dạo không hiểu được… thân hình của tôi nhưng về sau, đã giúp tôi có được những bộ trang phục vừa hoang dã vừa sang trọng, tôi ưng lắm.
Có một thứ gây… khó xử ở chị: đó là cái giương mắt giả đò ngơ ngác và những tràng cười “ha ha”. Người khoái thì cho đó là tự nhiên, dễ gần; người dị ứng thì gọi đó là “tự nhiên chủ nghĩa” một cách thái quá. Tôi thì chỉ khoái ở những lần đầu, còn những lần sau, khi mọi thứ trở nên quen thuộc và dễ đoán, nói thật là tôi không còn thấy vẻ đẹp tự nhiên ở chị nữa…
Ý bạn bảo tôi cười là vì dụng ý? Dụng ý, nếu có, thì chỉ là để rút ngắn khoảng cách với khán giả, bằng sự hài hước và thoải mái. Hơn ai hết, tôi luôn tin rằng cái gì không tự nhiên thì sẽ khó mà tồn tại được lâu bền.
Số người không đồng tình với cái gọi là “tự nhiên chủ nghĩa” ở tôi, tôi chắc là không nhiều. Vì khi tôi đi hát, hay giao lưu trực tuyến, trong 100 câu thì chỉ có khoảng 1 câu than phiền về điều đó, tôi đáp: “Chỉ có mình em kêu thôi đó, chứ ai cũng xui tôi cười. Nên nếu gặp em, tôi sẽ lại càng cười, và cười thiệt lớn, thiệt đã, tới chừng nào em quen thì thôi, nghe lại xem: Hahaha…
Chị không quan tâm đến số ít?
Không phải. Chỉ là vì mình thế nào thì nó là thế, sao khác được?
Chị nghĩ, thế mạnh của chị là gì?
Nam tính.
Điểm yếu?
À điểm yếu thì chị Siu chưa bao giờ xài nghe!
Ví dụ?
Sự e thẹn!
Hình ảnh: LoanBB
“Mẹ tôi cũng là cha tôi” (Nguyễn Siu Hiếu – Con trai Siu Black ) “Tôi nhớ hồi nhỏ, tôi hay bị mẹ cho ăn đòn lắm. Nhưng chỉ chừng khoảng một tiếng sau, đã thấy mẹ cười ha ha, mẹ Siu không giận con lâu được. Lại có bữa, mẹ Siu đánh hai anh em tôi mà vừa đánh vừa khóc. Lúc đó, tôi đã không hiểu được giọt nước mắt ấy của mẹ… Có thời gian, mẹ phải gửi hai anh em tôi ở nhà bác tôi để đi hát. Thương mẹ phải bươn chải kiếm tiền lo cho tụi tôi, tôi với anh tôi thường hay ra đứng bên đường ngóng xe mẹ về. Mẹ về thì mẹ ôm tôi, rồi mẹ mua bánh cho tôi ăn. Hồi nhỏ, rất hay bệnh, không ít lần không dưng té xỉu nên mẹ Siu rất lo lắng… Khi bố mẹ li dị, tôi phản ứng mạnh lắm. Tôi bắt mẹ giải thích, nhưng mẹ tôi nói chừng nào con lớn mẹ sẽ giải thích. Nhưng bây giờ tôi lại không cần mẹ giải thích nữa. Giờ sống với mẹ (anh trai tôi sống với bố tôi), tôi chỉ muốn mẹ được vui vẻ. Tôi hài lòng về mẹ. Với tôi, mẹ vừa là mẹ vừa là bố. Mẹ luôn dạy tôi không được ghen tỵ và khoe khoang. Vì mẹ tôi cho rằng đó là hai tính xấu nhất…”
Bài: N.V (ghi)
|