Hơn 10 bộ phim truyện nhựa đang và sẽ được bấm máy phần lớn do hãng tư nhân đầu tư. Và một phong trào ca sĩ, người mẫu chuyển qua đóng phim như một sự lựa chọn tối ưu. Sinh viên điện ảnh đứng trước thực tế đó, họ hoang mang hay hy vọng?
Nghịch lý rõ ràng và đáng lo lắng là: ca sĩ, người mẫu vốn là dân không chuyên điện ảnh, không được đào tạo về diễn xuất, không hẳn sẽ sống chết cùng điện ảnh, thậm chí chỉ coi việc đóng phim là cơ hội để đánh bóng tên tuổi… song lại được các đạo diễn, hãng phim ráo riết săn lùng. Trong khi, nhiều diễn viên và nhiều sinh viên điện ảnh đang được học hành, đầy đam mê điện ảnh lại hiếm có cơ hội đóng phim, đặc biệt là những kịch bản hay những vai diễn nhiều đất diễn.
Khi các đạo diễn (chủ yếu là phim truyền hình) vào trường đại học SKĐA tìm diễn viên, nhiều thầy cô đã khuyến cáo: đừng làm trước những gì mình không biết, làm tốt thì không sao, nhưng không tốt coi như mình tự mình giết mình, chưa kịp sống đã chết. SV năm nhất, năm hai bị cấm không được bỏ học đi làm phim. Biết thầy nói đúng, nhưng trước sức hút của điện ảnh, nhiều SV bứt rứt nôn nóng trốn thầy đi casting. Họ rất háo hức, nếu may mắn sẽ được một vai nào đó trong phim truyền hình, dù cátsê không bõ bèn gì. Mong muốn có thực của họ là được đóng phim, được khán giả nhớ mặt thuộc tên.
Thế nhưng mong muốn chính đáng đó đang bị dòng phim thị trường dội một gáo nước lạnh, khi các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến SVĐA. Sẽ có người phản đối, không có phim thị trường, SVĐA vẫn sống ngon lành, phim nghệ thuật mới là thước đo giá trị của họ. Hơn nữa, nghề tay phải của sinh viên học trường điện ảnh là sân khấu. Nhưng nếu làm một cuộc thăm dò, chắc chắn trong 10 SVĐA thì cả 10 người mong muốn có vai phim nhựa, phim thị trường càng tốt. Bởi phim thị trường là phim có người xem.
Trung Kiên (SV 2, SKĐA HN) tâm sự: “Tôi ao ước được đóng phim thị trường, vì dòng phim này có mục tiêu rõ ràng: đầu tư để kiếm lợi nhuận. Xác định như vậy, nhà sản xuất có chiến lược cụ thể, từ việc làm phim thế nào đến việc PR sản phẩm. Nhờ đó, diễn viên nhanh nổi tiếng, đến được khán giả, nhất là giới trẻ. Cátsê cũng được trả tương xứng”. Diệu Hương, (SV năm thứ nhất, ĐHSKĐA HN) cũng thật lòng: “Xem Gái nhảy, tôi thèm lắm. Chắc chắn tôi cũng sẽ làm được như vậy, nếu có cơ hội”.
Trong khi đó, nhà sản xuất Phước Sang lại quả quyết: “Tôi tin tưởng vào khả năng diễn xuất của diễn viên chuyên nghiệp, sinh viên có đào tạo. Nhưng khi chưa có diễn viên điện ảnh ngôi sao, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng có sức hút hơn hẳn. Nên trong những phim tôi đầu tư, không ít thì nhiều phải có sự xuất hiện của họ”. Phó giám đốc Hãng phim Việt, diễn viên Ngọc Hiệp cũng khẳng định: “Lúc này chúng tôi phải chọn những gương mặt đẹp, nổi tiếng để tạo sức hút cho phim, chứ chưa thể mạo hiểm đầu tư, nuôi nấng SVĐA. Vì khán giả quyết định sự sống còn của bộ phim”.
SVĐA (hiện tại cũng như khi họ ra trường) không thể ngồi chờ đợi một đạo diễn tài ba nào đó, đem đến một kịch bản hấp dẫn. Nhất là khi họ lại mờ nhạt trong những bộ phim truyền hình cũng mờ nhạt trước đó. Phải tự tìm những cơ hội để phô diễn và đánh bóng tên của bản thân bằng nhiều cách. Con đường ngắn nhất là đầu tư nghe ngóng xem có đoàn phim nào tuyển diễn viên để đến thử vai. Thường thì kết quả bao giờ cũng buồn nhiều hơn vui, bởi vai chính hầu như đã được ém từ trước. Và ca sĩ, người mẫu nổi tiếng cũng đang cạnh tranh trực tiếp với các diễn viên trẻ. Một SV bức xúc: “Đọc được mẫu tin tuyển diễn viên trên báo, tôi mừng rỡ đi chụp ảnh gửi về tòa soạn. Chưa đến ngày casting đã thấy đoàn làm phim thông báo về dàn người mẫu, ca sĩ vào vai chính. Vậy là tôi đã bị loại ngay từ vòng lựa ảnh”. Một SV khác thì lạc quan và kiên nhẫn hơn: “Tôi biết mình khó có cơ hội được đóng phim, nhưng cứ đi casting để may ra đạo diễn… nhớ mặt!”.
Nhưng SVĐA, 1, 2 năm nữa sẽ là những diễn viên trẻ sung sức nhất, nhiệt huyết nhất, nhan sắc ở thời kỳ sung mãn nhất… lại phải mất bao lâu nữa để đạo diễn “nhớ mặt”? Phải đợi đến khi nào để gió xoay chiều – vai diễn trở lại với diễn viên chuyên nghiệp chứ không dành cơ hội cho ca sĩ, người mẫu nữa? Và đến khi có câu trả lời, liệu bầu nhiệt huyết với nghề của họ có còn căng? Đối diện với những câu hỏi này, không ít SVĐA đã thừa nhận: “tôi thật lòng hoang mang!”
Xin mượn câu nói của đạo diễn Khải Hưng dành cho đương kim hoa hậu Nguyễn Thị Huyền (đóng phim Thời xa vắng) tại lễ trao giải Cánh diều vàng: “Vì nghề nào cũng có giá của nó và nghề nào cũng phải học!” để trấn an các SVĐA. Gió xoay chiều khi có những người tài năng biết tận dụng cơ hội biết gieo một hạt thóc trở thành cây lúa!./.