#SingleDay - Gợi ý 4 tựa phim Châu Á đáng xem cho những tâm hồn cô đơn - Tạp chí Đẹp

#SingleDay – Gợi ý 4 tựa phim Châu Á đáng xem cho những tâm hồn cô đơn

Giải Trí

“Có những khoảnh khắc cô đơn không phải là trống trải, mà là khi ta hiểu rõ hơn về chính mình”. Lấy cảm hứng từ những xúc cảm ấy, ngày độc thân (11/11) trở thành thời khắc tuyệt vời để tận hưởng sự tự do, nhìn lại chính mình và trân trọng từng khoảnh khắc nhỏ nhặt nhất. Đó cũng là dịp để bạn dành thời gian khám phá những câu chuyện đầy cảm hứng qua các tác phẩm điện ảnh châu Á. Những bộ phim này đưa bạn bước vào hành trình sâu sắc về sự yêu thương và kết nối nội tâm.

“Dear Ex” (2018) – Ai cũng xứng đáng được yêu thương 

Mở màn cho danh sách là một dự án điện ảnh đến từ Đài Loan mang tên “Dear Ex” (tạm dịch: “Ai Yêu Anh Ấy Trước”). Không câu khách bằng những phân cảnh gắn mác 18+, cũng chẳng mang đến câu chuyện tranh đấu gia tộc xoắn não, nhưng bộ phim khiến người xem phải suy ngẫm về giá trị của tình yêu và gia đình.

“Dear Ex” là góc nhìn của cậu bé 13 tuổi Tống Trình Hi (Hoàng Thánh Cầu) về những mối quan hệ rắc rối của người cha Tống Chính Viễn (Trần Như Sơn) vừa mất vì căn bệnh ung thư. Một ngày nọ, cậu phát hiện ra sự thật rằng cha mình là người đồng tính. Thậm chí, ông đã âm thầm sửa đổi di chúc và để lại toàn bộ tiền bảo hiểm cho người tình A Kiệt (Khưu Trạch). Biết được chuyện này, mẹ của Trình Hi là bà Lưu Tam Liên (Tạ Doanh Huyên) rất tức giận và quyết tâm đòi lại phần tài sản đó từ A Kiệt. Những cơn phẫn uất cộng thêm sự “giận cá chém thớt” từ mẹ đã khiến Trình Hi chán ghét về nhà. Cậu quyết định bỏ sang ở cùng A Kiệt. Từ đây, mối quan hệ của cả ba ngày càng trở nên căng thẳng. 

Bằng cách khắc họa những xung đột qua cái nhìn của cậu bé 13 tuổi, bộ phim khéo léo làm nổi bật số phận của những nhân vật trong cuộc. Những sự kiện dù đớn đau hay cay đắng đều khiến người xem không khỏi thở dài, vừa thương cảm vừa cảm thấy bối rối cho nỗi khổ tâm mà cả ba phải đối mặt. Đồng thời, tác phẩm cũng mở ra những câu hỏi sâu sắc về việc sống thật với chính mình, về những mối quan hệ phức tạp cũng như hành trình tìm kiếm sự thật giữa những dối gạt và đau khổ.

“Better Days” (2019) – Hành trình định nghĩa sự “trưởng thành”

Nếu chỉ nhìn first look hay poster thì khán giả sẽ lầm tưởng rằng “Better Days” (tạm dịch: “Em Của Thời Niên Thiếu) là dự án thuộc thể loại thanh xuân vườn trường. Trái ngược với sự tươi sáng như tựa phim đã đặt, tác phẩm lại nhuốm màu bi kịch pha lẫn chất hình sự ly kỳ. 

“Better Days” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Thời niên thiếu tươi đẹp ấy” của nhà văn Cửu Nguyệt Hi và do đạo diễn Tăng Quốc Cường cầm trịch. Phim kể về Trần Niệm (Châu Đông Vũ), một cô học sinh cấp ba ít nói, chăm học và có cuộc sống nghèo khó. Mẹ cô đi làm xa để trốn nợ. Cuộc sống của Trần Niệm không chỉ thiếu tình thương, mà còn đơn độc chống lại những kẻ xấu vây quanh. Ở nhà, cô luôn bị chủ nợ đập cửa và hăm họa. Khi đến trường, Trần Niệm trở thành mục tiêu bị bắt nạt của nhóm nữ sinh giàu có. Trong những lần bị ức hiếp, cô chọn cách âm thầm chịu đựng thay vì phản kháng.

Nhưng Trần Niệm không thể đơn phương độc mã đối đầu với những kẻ bắt nạt mãi được. Rơi vào bước đường cùng, cô cầu cứu Tiểu Bắc (Dịch Dương Thiên Tỉ) – một tên lưu manh mà cô tình cờ cứu mạng. Từ những mảnh ghép tăm tối bên rìa của cuộc sống, hai người đã gặp gỡ, gắn bó và nảy sinh tình cảm. Cả hai cùng mơ về một tương lai tốt đẹp hơn, bảo vệ nhau theo cách của riêng mình. Tuy nhiên, giấc mộng đó không kéo dài được bao lâu vì Trần Niệm vướng vào một vụ án mạng trước ngày thi đại học. 

Dù tập trung xây dựng hành trình vào đời, nhưng đạo diễn Tăng Quốc Cường khiến người xem phải nể phục trước cách dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn. Cách thức vị đạo diễn đặt để câu chuyện qua các tình tiết tưởng chừng như ngẫu nhiên nhưng lại góp phần làm nổi bật những chủ đề lớn lao như tình yêu, sự cô đơn và mong muốn tìm kiếm sự thay đổi trong cuộc sống. Mỗi cảnh phim không đơn giản là một bước tiến trong câu chuyện mà là một lời nhắc nhở tinh tế về những khó khăn mà người trẻ tuổi phải đối mặt trong xã hội hiện đại. Từng bước đi của nhân vật chính như một lời mời gọi người xem vào một thế giới đầy cám dỗ và thử thách, nơi những quyết định dù là nhỏ nhất cũng có thể thay đổi cuộc đời.

“Our Season” (2023) – Tình thân là món quà vô giá 

Tiếp nối hành trình khám phá những tâm hồn đầy cảm xúc, “Our Season” (tạm dịch: “Kỳ nghỉ phép 3 ngày”) mở ra một không gian tràn đầy tình yêu thương. Bộ phim kể về của Bok Ja (Kim Hae Sook), một người mẹ được ban cho cơ hội trở về hạ giới trong ba ngày để thăm cô con gái Jin Joo (Shin Min Ah). Trong ba ngày ngắn ngủi, Bok Ja chỉ có thể quan sát con gái từ xa mà không thể giao tiếp hay chạm vào Jin Joo.

Khi trở về, bà vô cùng bất ngờ khi phát hiện Jin Joo không còn là cô giảng viên mà mình từng tự hào. Giờ đây, Jin Joo quay về sống trong căn nhà cũ và mở một quán cơm truyền thống ở quê. Điều này khiến Bok Ja cảm thấy thất vọng và có nhiều câu hỏi trong lòng nhưng không thể nói ra. Sắp đến thời hạn của “kì nghỉ”, Bok Ja dần nhận ra con gái đang phải đối mặt với những cảm xúc phức tạp. Cô đang vật lộn với nỗi cô đơn và tự trách bản thân vì đã không dành nhiều thời gian cho mẹ mình.

“Our Season” mang đến câu chuyện về tình mẫu tử và hành trình khám phá sự kết nối giữa người thân trong gia đình. Với những khung cảnh bình yên và nhẹ nhàng, bộ phim sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc chân thành về tình cảm mẹ con trong cuộc sống.

“Perfect Day” (2023) – Niềm hạnh phúc đến từ sự giản đơn 

Cái tên cuối cùng nằm trong danh sách này là “Perfect Day” (tạm dịch: “Những ngày hoàn hảo”), một tác phẩm đã ghi danh trong hạng mục “Phim Quốc tế xuất sắc nhất” của giải Oscar 2024. Bộ phim theo chân nhân vật Hirayama (Yakusho Koji) – một người đàn ông ngoài ngũ tuần, sống một cuộc đời giản dị và hài lòng với công việc dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng ở Tokyo. Mỗi ngày, ông dậy sớm, mua một lon cà phê và bước lên chiếc ô tô cũ để bắt đầu công việc của mình.

Hành trình của nhân viên vệ sinh đưa ông qua nhiều ngõ ngách ở quận Shibuya tấp nập, nơi ông không chỉ dọn dẹp mà còn tìm thấy vẻ đẹp trong những điều bình dị xung quanh. Ngoài công việc dọn dẹp, Hirayama còn dành thời gian nghe nhạc qua băng cassette, đọc sách và chụp ảnh cây cối. Mặc dù cảm giác cô đơn luôn hiện hữu xung quanh, nhưng cuộc sống của ông thêm phần rực rỡ nhờ các sở thích này. 

Tưởng chừng như một tác phẩm quá đỗi bình dị nhưng “Perfect Days” đã khám phá ra cách mà con người sống trong những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất. Đó là trân trọng những thứ nhỏ bé hiện hữu xung quanh mình. Phim khéo léo khám phá cách Hirayama cùng những nhân vật khác tìm kiếm và tạo ra những khoảnh khắc đẹp giữa guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại. Cuộc sống của Hirayama được miêu tả qua những thước phim tỉ mẩn và nhẹ nhàng, nhấn mạnh sự lặp đi lặp lại của những thói quen hàng ngày, từ lúc thức giấc cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Với những cảnh tĩnh đầy chất thơ, bộ phim thành công khắc họa vẻ đẹp của sự đơn giản và niềm vui đến từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. 

Tác giả: Trọng Nguyễn

11/11/2024, 11:06