"Silver Linings Playbook": Phản hình của nước Mỹ - Tạp chí Đẹp

“Silver Linings Playbook”: Phản hình của nước Mỹ

Review

Đã từ lâu, phim Hollywood thường bị phê phán vì sáo mòn, công thức. Đặc biệt là mô típ nhân vật nỗ lực phấn đấu để vượt lên chính mình – tư tưởng dường như đã trở thành nỗi ám ảnh của cả một dân tộc, mà một trong những ví dụ điển hình là câu khẩu hiệu tranh cử trứ danh của Barack Obama: “Yes we can!”. “Silver Linings Playbook” của David O. Russell cũng không ra ngoài khuôn khổ ấy.

Khi Pat (Bradley Cooper) kết thúc tám tháng điều trị tâm thần và gặp Tiffany (Jennifer Lawrence), người cũng vừa trải qua một khóa điều trị tương tự, ta đều biết giữa hai người rồi sẽ nảy nở một tình yêu, kéo họ lên khỏi vũng lầy số phận đã dìm họ xuống. Vũng lầy của chàng là cơn sang chấn tâm lý vì bắt quả tang vợ ngoại tình trên nền bài hát đám cưới của họ! Vũng lầy của nàng là chứng nghiện sex sau khi chồng qua đời vì tai nạn ô tô. Trong khi chàng nỗ lực tuyệt vọng cứu vãn cuộc hôn nhân thì nàng cần một bạn nhảy để tham dự cuộc thi khiêu vũ địa phương. Nắm thóp được chàng, Tiffany nhận lời làm chim xanh đưa thư cho vợ chàng với một điều kiện: chàng phải làm bạn nhảy của nàng…

Ấy thế mà cốt truyện tưởng chừng rất cũ và rất sến này lại bất ngờ giành được sự tán thưởng gần như tuyệt đối, từ cả khán giả lẫn giới phê bình khó tính, đồng thời bỏ túi tới tám đề cử Oscar 2013. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn một chút, ta sẽ thấy đây không phải là một bất ngờ may mắn. Ở “Silver Linings” chứa đựng không ít yếu tố có khả năng biến nó thành bộ phim con cưng của nước Mỹ năm nay.

Trục chính của phim là câu chuyện giữa Pat và Tiffany. Nhưng xoay quanh họ là rất nhiều thân phận điển hình của xã hội Mỹ hiện đại. Không chỉ mất vợ, Pat còn mất cả việc lẫn nhà – bi kịch tiêu biểu của Mỹ quốc thời khủng hoảng. Trong khi đó, cha của Pat cũng vừa mất lương hưu và đang gặp khó khăn tài chính. Ronnie, bạn thân của Pat, than vãn về sức ép khủng khiếp đến ngạt thở từ gia đình, công việc và một cuộc hôn nhân đang ngầm rạn nứt. Chồng quá cố của Tiffany là cảnh sát, và sự mất cân bằng tâm lý của nàng cũng rất gần nỗi đau của những góa phụ có chồng chết trận ở Iraq hay Afghanistan.

Nhà Solitano, trước khi tai biến xảy ra với Pat, là một gia đình Mỹ kiểu mẫu, gắn kết với nhau bằng tình yêu màu cờ sắc áo dành cho đội Philadelphia Eagles. Như chính Pat thú nhận, một cách đầy tính biểu tượng ở đầu phim, mỗi Chủ nhật, cả gia đình lại tụ họp, Mẹ lại làm braciole, bố lại mặc áo đấu của Eagles, và tất cả lại quây quần xem bóng đá.

Và, không chỉ nhà Solitano, tất cả nhân vật: từ anh bạn tâm thần Danny tới tay bác sĩ tâm lý gốc Ấn của Pat, từ Tiffany tới viên cảnh sát khu vực, họ đều chia sẻ niềm đam mê rất Mỹ này. Vì thế “Silver Linings” (có số nhiều) không giản đơn là cuộc vật lộn của riêng Pat và Tiffany, mà là cuộc hì hục bình sinh của mỗi cá nhân ngõ hầu tìm lại một ngày-xưa-tươi-sáng, để được háo hức mong đến Chủ nhật, để được xem đội bóng ruột bên bạn bè và người thân. Đây cũng là tâm thế chung của cả nước Mỹ sau bốn năm khủng hoảng và hy vọng để rồi thất vọng, nhưng không vì thế mà ngừng hy vọng. Như người Mỹ đã cho Obama một cơ hội thứ hai, Tiffany và Pat đã tìm được dũng khí để mang đến cho nhau, và cho chính mình, một cơ hội thứ hai. Sự đồng cảm lớn mà khán giả dành cho bộ phim, có lẽ đã bắt nguồn từ đó.

Rất hiếm khi có một bộ phim, dù đi theo lối mòn, nhưng lại mang đến một cảm giác trẻ trung tươi mới như “Silver Linings”, thứ cảm xúc hồn nhiên của cái thời khi xưa ta bé và lần đầu chạm ngõ điện ảnh qua một bộ phim hay (có khi chỉ cần hay vừa chứ chưa phải là hay lắm). Và Russell không thể làm được điều này nếu như thiếu vắng “cặp đôi hoàn hảo” Coop và Jen.

 

Nếu tài năng của Jen phát lộ từ rất sớm với vai diễn giúp cô giành đề cử Oscar trong “Winter’s Bone”, thì Coop, ở tuổi 38, chưa bao giờ được coi là một gương mặt có chiều sâu tâm lý. Bởi thế anh đã thật sự làm khán giả bất ngờ khi hiện lên như một gã trai chênh vênh, trồi sụt và dễ tổn thương. Cái bao tải rác Pat mặc để tập chạy là một ẩn dụ rõ ràng rằng với tình trạng hiện thời, anh hoàn toàn là một kẻ bỏ đi, bế tắc và “ngạt thở” về tâm lý như bị trùm bao tải lên đầu.

Trong khi đó, Tiffany là một cô gái có khí chất mạnh mẽ. Chất giọng trầm khàn đầy khiêu khích và bướng bỉnh ở cô che giấu một nội tâm hoang mang và cũng dễ tổn thương không kém gì Pat. Thật khó mà tin được ở tuổi 22, Jennifer lại có thể khắc họa thành công đến thế hình ảnh nàng sương phụ trẻ Tiffany. Nếu Pat còn có cha có mẹ để vỗ về, an ủi và hứng chịu những cơn mưa nắng thất thường của anh, thì Tiffany chỉ có một mình. Có lẽ bởi vậy mà cô quả quyết và chủ động một cách đáng ngưỡng mộ trong mối quan hệ này. Chính cô, dưới sự trợ giúp dễ thương của bà Solitano, đã trở thành vầng-sáng-bạc không chỉ của Pat mà của cả bộ phim. Cũng chính cô đã dạy chúng ta rằng, đôi khi, hạnh phúc không thể đạt được bằng cách làm người bình thường. Mà bằng cách tìm được một người điên giống mình.

Phim khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 15/3/2013



Bài: Nham Hoa

Thực hiện: depweb

03/03/2013, 09:15