Siêu mẫu Hà Anh bức xúc trước cách quản lý và cư xử của "ông chủ" mới Hãng phim truyện Việt Nam - Tạp chí Đẹp

Siêu mẫu Hà Anh bức xúc trước cách quản lý và cư xử của “ông chủ” mới Hãng phim truyện Việt Nam

Giải Trí

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của Hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Hơn 50 năm qua, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Đời cát”,… Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều dự án của Hãng liên tục thua lỗ.

20170207153352-hang-phim-truyen-viet-nam
Hãng Phim truyện Việt Nam đã được bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy vào tháng 6/2017 và hiện mang tên là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam

Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa và Tổng Công ty vận tải thủy hoàn tất quá trình mua lại Hãng vào tháng 6/2017. Hiện tại, Hãng mang tên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam – đứng đầu là ông Nguyễn Thủy Nguyên – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vận tải thủy.

Liên quan đến việc các nghệ sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam bức xúc trước tình trạng chậm lương, trả lương thấp và việc đơn vị mua lại hãng không có định hướng làm phim, chiều 19/9, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) tổ chức cuộc họp với các nghệ sỹ. Cuộc họp diễn ra căng thẳng trong mấy giờ đồng hồ nhưng hầu như hai bên chưa tìm ra tiếng nói chung.

Trước cách quản lý và điều hành của “ông chủ” mới Hãng phim như chấm công bằng dấu vân tay, bán “đồng nát” những đạo cụ có giá trị của Hãng, và nhất là cho đến thời điểm này Ban lãnh đạo mới không có động thái hay định hướng làm phim?… khiến rất nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng bức xúc, trong đó có nghệ sĩ Quốc Tuấn, NSND Thanh Vân, NSND Hồng Ngát, NSND Trà Giang, NSƯT Minh Đức, NSND Thế Anh, nhà văn Chu Lai… Và trong một lần đối thoại căng thẳng trước cách điều hành của Ban lãnh đạo mới, nghệ sĩ Quốc Tuấn đã bị ông Nguyễn Thủy Nguyên gọi là… Chí Phèo!

Là con của NSƯT – họa sỹ thiết kế Vũ Huy (người đã công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam 40 năm), siêu mẫu Hà Anh cũng lên tiếng bức xúc trước cách cư xử và quản lý của ông chủ mới Hãng phim – Ông Nguyễn Thủy Nguyên.

Siêu mẫu Hà Anh viết:

“Lạy ông chủ!

Nhiều tháng qua, rất nhiều các nghệ sỹ của Hãng Phim truyện Việt Nam, trong đó có ba của tôi, Nghệ sỹ Ưu tú – họa sỹ thiết kế Vũ Huy đã lên tiếng về những bức xúc khi Hãng phim – nơi ông đã cống hiến gần 40 năm làm nghề, được (bị) tư nhân hóa và “ông chủ” mới là một đối tác không hề có chuyên môn về Điện Ảnh.

Có thể khi đọc đến đây, có nhiều người nhún vai và không mấy quan tâm, bởi đây là vấn đề quá “vĩ mô” đối với họ, quá to lớn, rắc rối, và thậm chí quá “phiêu”, để họ cần phải nghĩ tới.

Chúng ta vẫn thường có thói quen, nếu cái gì không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của chúng ta thì chúng ta cũng không cần tò mò, cũng chẳng cần quan tâm.

Tôi hiểu!

Đặc biệt đối với những thế hệ trẻ, khi chúng ta không thấy bất kỳ phim nhựa nào của Hãng phim truyện Việt Nam được trình chiếu ngoài rạp trong nhiều năm nay, và được yêu thích bởi đông đảo quần chúng.

Tuy nhiên tôi xin khẳng định, chúng ta NÊN, thậm chí là CẦN phải quan tâm đến với những vấn đề tôi đang nói đến. Bởi hôm nay là “họ”, ngày mai sẽ là “mình”. Nếu tất cả chúng ta đều bàng quan đối những lợi ích chung, thì tập thể chúng ta, xã hội chúng ta sẽ không bao giờ phát triển được, và lại càng không bao giờ phát triển, tiến bộ đồng nhất.

22489848_10156944643455620_1816397109918594797_n
Hà Anh chụp với diễn viên Thế Anh trong cảnh quay phim Đêm Hội Long Trì. Bộ phim có ba Hà Anh tham gia làm họa sỹ Vũ Huy và Hà Anh vào vai “quần chúng”

Hãng phim truyện Việt Nam, thành lập năm 1953 vốn là của nhà nước Việt Nam, đại diện sở hữu là Bộ Văn hóa và Thể thao Du lịch Việt Nam. Hãng phim là gương mặt đại diện cho ngành điện ảnh Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, hãng phim đã sản xuất được hơn 400 phim nhựa với những bộ phim nổi tiếng, khắc họa về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam có thể kể đến như “Chị Dậu”, “Chị Tư Hậu”, “Đêm Hội Long Trì”, “Em bé Hà Nội”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Số Đỏ”, “Thằng Bờm”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”…

Hãng phim vốn được hoạt động bởi cơ chế subsidize (trợ cấp) bởi nhà nước. Nhà nước quy định kinh phí mỗi năm, đội ngũ làm phim của hãng sẽ chịu trách nhiệm viết kịch bản, trình bày kịch bản cho nhà nước phê duyệt, và sau đó là chịu trách nhiệm sản xuất bộ phim và phát hành.

Điện ảnh, là một trong tứ đại của nghệ thuật: Điện ảnh, Âm nhạc, Hội họa, Nhiếp ảnh – được công nhận và trân trọng trên toàn thế giới; được coi là vũ khí văn hóa đầy sức mạnh, là nguồn giải trí cho quần chúng, là sản phẩm thúc đẩy văn hóa và tiêu thụ lifestyle như du lịch, thời trang, nhà hàng…thúc đẩy sự phát triển của những nghệ thuật còn lại.

Chúng ta cũng đã thấy rõ, từ hơn 10 năm trở lại đây, Hãng Phim truyện Việt Nam bị nhà nước cắt giảm chi phí sản xuất phim. Một năm chỉ được cung cấp kinh phí để làm đủ 1 – 2 phim, chưa kể tiền lương cho nghệ sỹ của Hãng trong nhiều năm nay, kể từ khi ba tôi, họa sỹ Vũ Huy tham gia làm nghề, thường xuyên phải đến 1 năm mới nhận một lần.

Đồng lương mỗi tháng không bằng lao động cơ bản khiến nhiều nghệ sỹ có khi phải từ bỏ nghề, có những người cố bám trụ, chỉ vì quá đam mê nghệ thuật, và không nỡ bỏ nó.

Các kịch bản đưa lên nhà nước duyệt đã đi vào lối mòn “phục vụ cách mạng”. Đến lứa trẻ như chúng tôi cũng nói đùa “Sao mà làm nhiều phim tuyên truyền, chiến tranh thế? Thời bình lâu rồi mà?

Chính vì vậy những bộ phim không còn hấp dẫn và mang tính thời đại đối với công chúng, giới trẻ nữa.
Điều này nói lên sự thất bại, cũng như đầu hàng của nhà nước mà đại diện là Sở Văn hóa đối với việc quản lý chị đại của tứ đại nghệ thuật này!

Đọc đến đây chúng ta đều thốt lên “Vậy tư nhân hóa là điều tất yếu còn gì! Mọi thứ tư nhân hóa đều tốt hơn, đặc biệt những người quản lý cũ cũng đi vào ngõ cụt trong việc quản lý, đầu tư. Thì tại sao không cho đơn vị tư nhân hóa đầu tư, phát triển, mang lại lợi nhuận cũng như những điều kiện, kiến lược quản lý, làm việc tốt hơn cho hãng phim?”

Vâng, tôi cũng thấy điều này logic, hãy tư nhân hóa đi!

Nhưng vấn đề là AI SẼ THỰC HIỆN VÀ LÀM CHỦ QUÁ TRÌNH TƯ NHÂN HÓA NÀY?

Các nghệ sỹ bức xúc rằng, nhà đầu tư là một công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Rằng, họ đã mua đứt được Hãng Phim truyện Việt Nam với giá 30 tỉ đồng, trong khi riêng về giá trị đất mà toàn bộ Hãng Phim truyện Việt Nam sở hữu có giá trị được ước tính lên tới trên 2000 tỉ đồng.

Rằng sau khi hoàn thành phi vụ mua bán, Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc của Vạn Cường, đơn vị mua lại Hãng, đã có những hành vi “phi điện ảnh” như :

Bán đạo cụ làm phim cho đồng nát, thâu tóm toàn bộ kịch bản của hãng, đóng cửa lối ra vào phía trước của hãng (vì lý do tiết kiệm chi phí 15 triệu đồng?!), đòi lắp máy lấy vân tay để chấm công các nghệ sỹ làm phim của hãng…

Tôi nghĩ gì?

Tôi khẳng định rằng, công ty tư nhân mua lại cổ phần của Hãng để hoàn tất quá trình tư nhân hóa, thực sự cũng không nhất thiết phải là một người “am hiểu về điện ảnh”, bởi, nếu họ thực sự có kế hoạch “kinh doanh điện ảnh”, họ có thể sử dụng những nhà chuyên môn hàng đầu để vẽ ra chiến lược đầu tư vào cái cơ sở vốn hàng chục năm nay đã trở nên sập xệ, và biến nó thành con gà đẻ trứng vàng!

Nhưng không!

Điều tôi ngạc nhiên nhất ở đây là Bộ Văn hóa đồng ý bán đứt hơn 70% cổ phần cho công ty cơ sở hạ tầng này với giá 30 tỉ đồng, mà không cần họ đưa ra bất kỳ kế hoặc ngắn hạn – dài hạn nào về việc đầu tư, phát triển cho Hãng phim truyện Việt Nam?

Hay có, mà tất cả các nghệ sỹ, mấy trăm người của Hãng chưa được thông qua?

bomehaanhtaihoptrongdamhoicuacongai
Siêu mẫu Hà Anh và bố (NSƯT – họa sỹ thiết kế Vũ Huy (người đã công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam 40 năm) và mẹ – nhà báo, dịch giả Lệ Hà

Bán/mua Điện Ảnh nó khác bán/mua một cân thịt, một mớ rau thế nào?

Nếu như bạn mua mớ rau, bạn không phải giải thích với bà bán hàng sẽ có ý định sử dụng mớ rau đó như thế nào. Thì mua một đại diện của Điện Ảnh với chủ quản là Nhà nước Việt Nam, thì chí ít bạn cũng phải chứng minh được sẽ làm gì để có thể cải thiện, chứng minh năng lực quản lý đứa con tinh thần này chứ?

Tôi là người được học qua nguyên lý cơ bản của chuyên ngành Business, nên tôi cũng hiểu sơ sơ rằng, người muốn đầu tư để mua lại cổ phần của bất cứ doanh nghiệp nào, vốn được quản lý bởi nhà nước, ngoaì việc trả món tiền thỏa đáng, còn phải đáp ứng được những kế hoạch cụ thể trong vòng ngắn hạn 1-3 năm và dài hạn 5-10 năm, phải chứng minh khả năng cũng như kinh nghiệm quản lý, trình bày đối tác chiến lược chuyên môn thuyết phục, và cả chứng mình nguồn tiền sẽ là bao nhiêu để đổ vào vận hành, đầu tư bộ máy này…

Đơn cử như:

1. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng: Xây dựng, làm mới lại cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích vận hành hãng phim như phòng làm việc nơi các nhà biên kịch có thể có điều kiện làm việc thoải mái để viết kịch bản, sửa chữa, làm mới trường quay, căng tin ăn uống, phòng nghỉ ngơi, phòng chống ẩm đạt chuẩn cao để lưu giữ an toàn những tư liệu phim đã sản xuất …

2. Đầu tư vào phương tiện máy móc: Đầu tư mua các phương tiện làm phim hiện đại, cập nhật mới, giúp cải thiện phương tiện làm phim như máy quay, các hệ thống đèn, máy tính, ô tô vận tải để đoàn di chuyển…

3. Đầu tư vào con người: Thực hiện chính sách đãi ngộ, tăng lương cho những thành phần chuyên môn giỏi, cốt cán, để họ có thể tập trung sáng tác cho Hãng (thay vì mức lương hiện tại là 3,4 triệu đồng/tháng có thể tăng lên 10-15 triệu đồng/tháng). Có thể cắt giảm biên chế những lao động chưa hiệu quả (tuy nhiên phải xác định được đúng thế nào là chưa hiệu quả). Đầu tư vào những nguồn nhân lực còn thiếu thốn hoặc chưa đi kip thời đại, như kỹ xảo điện ảnh chẳng hạn.

4. Đảm bảo và làm rõ chế độ bảo hiểm sức khỏe và lương hưu song song với việc thiết kế lại cấu trúc thời gian làm việc, miêu tả công việc cụ thể cho các thành viên trong hãng…

Những hạng mục như thế này sẽ được thực hiện trong thời gian và thứ tự tuần tự như thế nào? Và trình bày lên Sở Văn hóa, kế hoạch được thiết kế với sự hợp tác chặt chẽ của đại diện chuyên môn của các ban ngành liên quan của Hãng để sâu sát và hợp lý.

Nhưng không!

Không có bất cứ kế hoạch nào hết! Ngoài những hành động đóng cửa đi lại trước của hãng. Thách thức nghệ sỹ của Hãng là “Không đến làm đủ 8 tiếng thì không trả lương”, rồi bán đạo cụ cho đồng nát, lớn tiếng gọi nghệ sỹ là “Chí Phèo” trước truyền thông, ép nghệ sỹ thôi việc khi thấy họ có động thái phản đối trên Facebook cá nhân…

Vậy chẳng phải những suy đoán logic đều dẫn tới một mối:

“Chủ mới” của Hãng Phim truyện Việt Nam không hề có ý định vận hành hãng phim truyện, không hề có ý định kinh doanh điện ảnh-nói gì đến việc phát triển. Không hề lắng nghe, tôn trọng nghệ sỹ, không chịu lắng nghe, thấy hiểu và cố tìm tiếng nói chung với nghệ sỹ..!

Vậy có lẽ nào thuyết “bỏ 30 tỉ mua mảnh đất trị giá 2 nghìn tỉ” là đúng?

Lời cuối, tôi muốn nhắc đến gương mặt và giọng điệu của “ông chủ” khi bị các nghệ sỹ chất vấn “không trả lương” cho nghệ sỹ. “Ông chủ” hất mặt thách thức “Các anh có đến làm việc ở hãng 8 tiếng đâu mà đòi trả lương”.

Thưa ông, lạy ông, ông là “ông chủ” mới, ông tiếp quản thì phải trả lương đầy đủ cho nhân công thuộc hệ thống và biên chế cũ cho đến khi chính ông đề đạt cơ cấu hoạt đông mới, đổ tiền vào cho họ bắt tay vào thiết tạo những kịch bản mới, xây dựng ý tưởng cho những bộ phim mới, và sản xuất chúng. Nếu ông có kế hoạch cụ thể và tích cực, họ không những chỉ làm 8 tiếng ở “cơ quan”, mà họ sẽ lăn lê mỗi ngày 20 tiếng cho ông, bất kể đêm khuya, sáng sớm để làm phim cho ông!

Giờ tiền làm phim chưa thấy đâu, kế hoạch ông phát triển hãng không có, ông lắp máy lấy vân tay vào cửa hãng để ông “chấm công” họ, để chứng minh được cái gì?

Hay để tỏ vẻ “phải làm gì đó” để chứng minh cho công cuộc tư nhân hóa không có kế hoạch của ông nên ông thực hiện những động thái trẻ con này nhằm đánh lừa thiên hạ!

“Ông chủ” ơi, dân trí Việt Nam không ngu như ông nghĩ đâu, nói chi đến các nghệ sỹ đã được đào tạo bài bản và có trí thức của Hãng Phim truyện?!!!”


Phản ứng gay gắt của Hà Anh trước cách quản lý và điều hành của “ông chủ” mới Hãng Phim truyện Việt Nam 

14494694_10155463457570620_1421358149265910466_n
Siêu mẫu Hà Anh

 

Thực hiện: depweb

12/10/2017, 11:26