"Siêu đại chiến" và chuyện phim “bom tấn” - Tạp chí Đẹp

“Siêu đại chiến” và chuyện phim “bom tấn”

Review

Xét về độ ăn khách, bộ phim có nhân vật nữ điều khiển robot khổng lồ “Pacific Rim” không thể sánh bằng hai phim đình đám, đạt doanh thu cao nhất tính từ đầu năm là “Iron man 3” (tựa Việt: “Người sắt 3”) với trên một tỷ USD và “Despicable me 2” (tựa Việt: “Kẻ trộm mặt trăng 2”) với 700 triệu USD sau một tháng ra rạp.

Cặp đôi diễn viên chính của “Pacific Rim” (Ảnh: Nerdist )

Nhưng nếu so về chất lượng, độ hoành tráng thì đạo diễn người Mexico Guillermo del Toro có thể tự hào về sự nổi trội so với các phim gắn mác “bom tấn” khác. Phim được chấm 7,7/ 10 điểm trên IMDB, 82% khán giả yêu thích trên Rotten Tomatoes.
Chuyên mục “Điện ảnh thứ Năm” của mục Giải trí Đẹp online sẽ gửi tới bạn đọc các bài bình luận phim vào mỗi thứ Năm hàng tuần. Chuyên mục rất mong nhận được bài vở đóng góp của độc giả. Hãy gửi bài viết và hình ảnh bạn có cho mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Kinh phí sản xuất 180 triệu USD đủ để xếp “Pacific Rim” vào hàng đầu tư “khủng” nhưng con số này còn thua những “bom xịt” vô cùng tốn kém khác của mùa hè như “The Lone Ranger” (tựa Việt: “Kỵ sĩ cô đơn”, 250 triệu USD), “World War Z” (tựa Việt: “Thế chiến Z”, 200 triệu USD), “Man of Steel” (tựa Việt: “Người đàn ông thép”, 225 triệu USD).

Những trái “bom xịt” này có nội dung không đến nỗi tệ, không phim nào bị xếp vào hàng “thảm họa”. Tuy nhiên, do những nhà sản xuất “vung tay quá trán”, đổ quá nhiều tiền của đầu tư cho chúng; bởi vậy, mức hồi vốn chẳng thấm tháp gì.  

Đến lượt “Pacific Rim”, không ít người cho rằng nếu bộ phim về đội robot khổng lồ Jaeger chống lại lũ quái vật biển Kaiju có sự tham gia của một vài ngôi sao hạng A thì chắc chắn sẽ làm mưa làm gió tại phòng chiếu. Nhưng nhìn sang các “bom xịt” vừa kể sẽ thấy dẫu có sự góp mặt của “cướp biển” Johnny Depp, siêu sao Brad Pitt hay ngôi sao mới nổi Henry Cavill… thì vẫn lỗ vốn như thường.

Cái khó của các phim ra rạp vào hè năm nay là luôn ở giữa muôn trùng bom tấn. Cũng một phần vì hết phim này đến phim kia quăng “bom tấn tự phong” nên nhiều khi khán giả bị hoa mắt. Phần khác là trong cùng thời điểm, có nhiều phim lớn xuất hiện cùng lúc, vì thế, nhiều phim đứng trước rủi ro thất thu lớn. Điều này là hết sức dễ hiểu ở trong thực tế phân bổ rạp chiếu, khi cứ phim nào ăn khách nhất sẽ được xếp lịch dày đặc, đồng nghĩa với những phim ít phù hợp với thị hiếu phải thu hẹp suất chiếu hoặc chịu “giờ xấu”. Cùng từ đây có cảnh nhiều phim đầu tư lớn, quảng cáo rầm rộ nhưng khi ra rạp đã bị những phim có kinh phí đầu tư thấp hơn lấn lướt.

 Nữ diễn viên Rinko Kikuchi trong phim (Ảnh: Film of Filia)

Dù vẫn đụng những phim lớn khác nhưng “Pacific Rim” thoát “nạn” đó khi thành công cả về mặt thương mại lẫn việc nhận những đánh giá tốt từ khán giả và giới phê bình. Thông thường, các “bom tấn” khác thường “uy hiếp” người xem bằng những đại cảnh chiến đấu, cháy nổ hoành tráng hoặc phô trương kỹ xảo cầu kỳ mà thiếu câu chuyện có nội dung khác lạ, lớp lang tâm lý đầy đặn. Còn “Pacific Rim” thì có cả hai điều này.

Trong phim, thế giới loài người bị đe dọa trước sự xuất hiện của quái vật Kaiju từ kẽ nứt dưới đáy biển Thái Bình Dương. Lỗ hổng, nơi những Kaiju chui ra, như một ẩn dụ về tai ương mà con người phải đối mặt trước những sai lầm. Để chống chọi với thảm họa mới, một tổ chức đã phát minh ra các Jaegers – loại robot khổng lồ được hai người điều khiển cùng lúc thông qua việc khai thác hệ thống dây thần kinh của trí óc để chống lại Kaiju.

Trước nguy cơ thất bại cận kề, hy vọng cuối cùng của loài người được đặt vào tay hai phi công trẻ: Raleigh Becket (Chalie Hunnam) – người vừa mất đi người em trai sau một trận chiến và Mako Mori (Rinko Kikuchi) – nữ phi công thực tập đã mất cả gia đình. Cần ghi chú, đây là bộ phim hiếm hoi có người trực tiếp điều khiển robot là phái đẹp, khai thác cảm xúc của phụ nữ vào những khoảnh khắc cam go trong khoang điều hành…

(Ảnh: Film of Filia)

Nghe qua nội dung, khán giả dễ nghĩ đến mô típ kiểu “anh hùng giải cứu thế giới”, robot chiến đấu với quái vật. Nhưng với đạo diễn Guillermo del Toro, đây chỉ là phương tiện để kể một câu chuyện mang nhiều cảm xúc về cuộc chiến trải khắp vành đai Thái Bình Dương có sự kết hợp của 5 quốc gia lớn, qua hình ảnh đại diện của 5 robot có chiều cao từ 80 đến 100m. Trong câu chuyện lớn ấy có những lát cắt nhỏ về tình cảm anh em, cha con, đôi lứa ở giữa lòng tin và sự dũng cảm.

Một phim khác, có thể coi là “bom tấn” cuối cùng của mùa hè, vừa ra mắt là “The Wolverine” (tựa Việt: “Người sói”) dẫu được đánh giá khá tích cực, nhưng vẫn mang cốt truyện quen thuộc, thiếu đi những yếu tố khởi đầu mà “Pacific Rim” mang đến.

Không phải người chuyên trị phim “bom tấn” và giải trí, nhưng Guillermo del Toro có thế mạnh riêng khi đưa vào phim những yếu tố tâm lý, cảm xúc và triết lý.

Vị đạo diễn này từng gây xôn xao điện ảnh thế giới hồi năm 2006 khi cho ra mắt “Pan’s Labyrinth”, phim mang màu sắc thần thoại Mexico, với bối cảnh sau cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tác phẩm này đã được chọn chiếu khai mạc LHP Cannes năm đó, có tên trong đề cử phim nước ngoài xuất sắc nhất và giành 3 giải Oscar.

Giờ đây, “Pacific Rim” cũng mang đến thế giới viễn tưởng kỳ ảo mà “Pan’s Labyrinth” từng gây ấn tượng với khán giả, chỉ có điều sự hoành tráng, kỹ xảo, yếu tố giải trí mà bộ phim “bom tấn” mang đến đương nhiên vượt xa những bộ phim nghệ thuật của Guillermo del Toro và nhiều phim phần tiếp theo (sequel) chưa xem đã đoán được nội dung, kết thúc.

Xuất hiện muộn, sau nhiều bom tấn khác, “Pacific Rim” góp phần “cứu vớt” cho một mùa phim hè với nhiều bộ phim tốn hàng trăm triệu đô nhưng thiếu đột phá về đề tài, công thức câu khách đã vào lối mòn. Đó là chưa kể, trong thời kinh tế còn khó khăn, khủng hoảng, việc có quá nhiều bộ phim về thảm hoạ, trái đất đổ nát, đề cao vai trò cá nhân kiểu “siêu anh hùng”… sẽ khó chạm đến cảm xúc của người xem. Bởi lẽ, ngoài cuộc sống, mỗi khán giả điện ảnh đã thấy quá nhiều sự đổ vỡ quanh mình.

Bài: Bùi Dũng

Thực hiện: depweb

07/08/2013, 14:39