Siết nhập cư vào Thủ đô liệu có nảy sinh tiêu cực?

Sáng 5-11, tại phiên thảo luận về Luật thủ đô, đại biểu Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật cư trú, số người ngoại tỉnh chuyển về thủ đô tăng nhanh. Hiện Hà Nội có 1,8 triệu hộ dân thường trú, dân tạm trú là hơn 1 triệu người. Với tốc độ tăng hiện nay, dân số Hà Nội sẽ đạt 13-14 triệu vào năm 2020, chứ không theo quy hoạch là 10 triệu. Trong đó, quá tải dân cư nhất là quận Hoàn Kiếm, Đống Đa. Dân số tăng nhanh cũng gây áp lực cho chính quyền khi đảm bảo an toàn xã hội.

“Tôi muốn chuyển tâm tư của cử tri thủ đô mong Quốc hội thông qua dự luật để tạo cơ hội cho Hà Nội phát triển. Quá tải dân cư trong khi thủ đô không đủ công trình hạ tầng gây áp lực cho chính quyền, giảm chất lượng dịch vụ sống. Đề nghị Quốc hội đưa ra các điều kiện nhập cư để chính quyền có điều kiện quy hoạch, xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ”, ông Nguyễn Đức Chung phát biểu.

Phó đoàn đại biểu TP HCM Huỳnh Thành Lập cũng cho rằng các đô thị đang đối mặt với tình trạng quá tải khiến chất lượng cuộc sống xuống cấp, khả năng cung ứng các dịch vụ không phát triển kịp mà còn phá vỡ quy hoạch. Bức tranh chung ở nhiều đô thị là bước ra đường gặp kẹt xe, xe cấp cứu cũng không có đường đi, công chức bị xáo trộn đời sống vì tắc đường. Chính quyền đã có biện pháp giảm xây dựng nhà cao tầng song chưa thể làm ngay được.

Nhân dân có quyền tự do cư trú theo hiến pháp, có quyền học hành, tự do đi lại, song đến đâu cũng phải chen chúc. Nếu không có biện pháp sẽ suy giảm chất lượng sống của người dân. Phương án 1 về đăng ký thường trú là cần thiết vì thủ đô đang quá tải, tạo điều kiện cho cuộc sống tốt hơn cho người đang thường trú và sắp thường trú tại nội thành”, ông Huỳnh Thành Lập nói.

 Ảnh: Hoàng Hà.

Đại biểu Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Cũng trong đoàn Quốc hội Hà Nội, đại biểu Đào Trọng Thi nói: “Nhà nước và bộ ngành, địa phương, nhân dân cả nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho thủ đô hoạt động hiệu quả, thuận lợi. Các chính sách ưu tiên không phải ưu ái, là sự tự nguyện của nhân dân thủ đô và sự đóng góp của nhân dân cả nước dành cho thủ đô”.

Theo đại biểu Đào Trọng Thi, quản lý dân cư, nhập cư bằng chính sách kinh tế và hành chính là cần thiết, như điều kiện nhập khẩu vào nội thành cần chặt chẽ hơn như người dân phải có chỗ ở ổn định 3 năm và diện tích nhà ở trên 5m2/người…để đảm bảo mức sống cao hơn của dân nội thành.

Tuy nhiên, không ít đại biểu bày tỏ quan ngại về những điều kiện nhập cư, tăng mức phí phạt giao thông… Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận xét, biện pháp quản lý dân nhập cư bằng 2 phương án trong dự luật không đủ sức thuyết phục. Mặc dù môi trường sống không tốt song thủ đô vẫn có sức hút, có thể do quy hoạch hiện nay có vấn đề, khi các trung tâm giáo dục, bệnh viện, trung tâm thương mại được xây dựng quá nhiều.

“Nếu không thực hiện tốt quy hoạch chung thì không thể nào giải quyết mật độ dân cư, Luật thủ đô sẽ lại sớm đưa ra điều chỉnh. Nên xem lại quy hoạch đặc thù cho thủ đô, để bổ sung vào dự thảo trình Quốc hội thông qua”, đại biểu Nhân nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm cũng bày tỏ, cái gốc quá tải dân cư vào thủ đô là mất cân đối phát triển giữa các vùng miền, điều kiện hưởng thụ của người dân, nếu dùng biện pháp hành chính thì sẽ không hiệu quả, giảm người thường trú song vẫn tăng người tạm cư. Hệ lụy tiêu cực là người ngoại tỉnh sẽ “chạy” các điều kiện thường trú và nhiều người dân sẽ bị bất lợi vì không được hưởng các quyền lợi.

“Nếu chúng ta không làm phù hợp thì dân cư như nước chảy vào chỗ trũng, nước nếu không chảy vào dòng chính thì sẽ chảy qua các mạch ngầm”, đại biểu Tâm ví von.

Đại biểu này còn cho rằng, Luật thủ đô quy định thủ đô phải là trung tâm giáo dục chất lượng cao, song thực tế nhu cầu giáo dục có chất lượng đối với người dân ở địa phương khác ngoài vùng thủ đô, nên nếu ưu tiên cho thủ đô thì không công bằng.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu, Luật thủ đô hạn chế quyền cư trú của công dân, trong khi Luật cư trú lại thể hiện quyền tự do cư trú, do vậy cần phải xây dựng cơ chế đồng bộ. Để quản lý dân cư, quan trọng là di chuyển cơ sở giáo dục, xây dựng giao thông đồng bộ giữa nội thành và ngoại thành để kéo giãn dân, thay vì hạn chế dân trong nội thành.

Ông Vinh còn cho rằng, nếu thu phí cao như phí giao thông thì không hợp lý vì người dân buộc phải đến những nơi này học tập, làm việc, phí là số tiền được trả để cung cấp dịch vụ. Do vậy, chưa nên cho Hà Nội áp dụng đặc thù thu phí cao hơn.

Ảnh:

Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy định về hộ khẩu vẫn làm tăng người nhập cư trong trường hợp quan hệ huyết thống, nảy sinh làm chứng nhận giả về quyết định điều chuyển công tác, chứng nhận nhà ở… “Đối với người dân thủ đô cần phải tuân thủ các yêu cầu cao như tiêu chuẩn nhà ở, xử lý nghiêm các trường hợp thiếu văn minh, quấy rối người khác. Thậm chí cho phép lao động công ích nếu không có khả năng đóng tiền phạt”, ông Nghĩa nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, Hà Nội đã có không gian lớn nhất từ trước đến nay nên bên cạnh chế tài đảm bảo sự phát triển bền vững trong nội thành, cần có giải pháp đi cùng, kích thích sự cư trú người dân ra không gian còn lại. Người dân luôn suy nghĩ “đất lành chim đậu”, nên không thể co cụm tại cái lõi thủ đô nếu các khu vực khác có điều kiện phát triển tốt hơn.

Nhận xét về chủ trương tăng phí giao thông để hạn chế xe cá nhân, đại biểu Lê Văn Lai cho rằng, tăng phí giao thông để giảm ùn tắc là không đúng vì người nghèo vẫn phải đi xe máy để mưu sinh, nên tăng phí sẽ vô tình gây gánh nặng cho người thu nhập thấp. Nếu tăng phí lên 2 lần thì xe cá nhân vẫn không giảm. Do vậy không nên quy định trong Luật.

Tuy nhiên, quan điểm của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo lại trái ngược. Ông cho rằng, trong nội thành cần lấy ý kiến người dân hạn chế và cấm xe gắn máy theo lộ trình 5-10 năm, song song phát triển phương tiện công cộng. Nếu không không cấm xe máy thì Hà Nội không thể giải quyết được giao thông trong nội đô.

 Theo Vnexpress


From the same category