Siem Reap: Đi đâu khi đêm buông xuống - Tạp chí Đẹp

Siem Reap: Đi đâu khi đêm buông xuống

Sự Kiện


Hồi sinh rực rỡ

Cũng có thể, dân vẫn nghèo, đời sống vẫn khó khăn nhưng Siem Reap với dân số chưa đến 800.000 người đã được gọi là một trong những thành phố sôi động và hấp dẫn du khách nhất trong những năm gần đây.

Thường sau một ngày đi chơi mệt nhoài, bạn sẽ chỉ muốn đi ngủ dưỡng sức cho cuộc chinh phục vào ngày mai. Nhưng, hãy đừng làm thế với Siem Reap, bởi Siem Reap ban đêm sẽ đem lại cho bạn những niềm vui, sự thư giãn thoải mái, tiện nghi, và tạo cho bạn một cảm giác hưởng thụ thoải mái; dĩ nhiên, nếu bạn… “dám-chơi-hết-mình”.

Quanh Siem Reap vẫn còn các khu nhà, khách sạn, nhà nghỉ theo dạng guest house mang phong cách Pháp bởi Campuchia từng là thuộc địa của Pháp. Chính vì vậy, với sự kết hợp của kiến trúc ngoại cùng với văn hóa của người Campuchia đã tạo nên những nét riêng biệt kiến trúc thú vị của một thành phố đang trẻ lại.

Phsar Chas quá khoái!

Trung tâm của Siem Reap, của các cuộc “ăn chơi”, mua sắm thả cửa chính là khu chợ cũ hay còn gọi là Old Market, Phsar Chas. “Đi chợ rất khoái!” – đó sẽ là câu nhận xét của nhiều người sau khi đi chợ ở đây về. Người Campuchia dựng lên khoảng hơn 100 gian hàng, sắp đặt đều nhau ở giữa, hai bên là hai dãy cửa hiệu trên phố, có thể hình dung giống như khu chợ đêm của Hà Nội ở phố Hàng Đào.

Có vẻ như khu Phsar Chas này đã tồn tại và hoạt động trước khu chợ đêm Hàng Đào của Việt Nam và nó hoạt động có hiệu quả, bởi du khách thường thích thú đi lại mua bán, dắt tay nhau dung da dung dăng mà không sợ bị… móc trộm đồ hay va chạm xô xát gì. Mua bán cũng thích bởi: Mua mà không sợ bị mắng, bị đắt, bị hớ. Người Campuchia nói thách không quá nhiều, tuy nhiên đừng mua gì mà không mặc cả. Tôi vẫn thường thích gọi đây là đất nước “một đô”, bởi cái gì nho nhỏ xinh xinh cũng dễ dàng trả về… cái giá một đô-la.

Hàng hóa được ưa chuộng chính là đồ lụa, tơ tằm. Bạn có thể đặt may một bộ quần áo lụa và lấy nó trong vòng 24-48 giờ. Điều này thật giống như ở Hội An, hoặc Huế, khi bạn may áo dài, hoặc đóng 1 đôi giầy, một bộ vest ưng ý từ chính tay những người thợ may dân dã.

Khăn kẻ caro – chiếc khăn truyền thống của người Khmer trở thành món hàng được mua nhiều nhất khi đi chợ đêm Siem Reap. Giá của nó bình dân, mua nhiều được giảm giá, tùy theo từng chất lượng mà dao động từ 1 – 10 đôla/khăn. Khăn kẻ caro được người Campuchia sử dụng quanh năm suốt tháng. Nghe rằng, nếu khi nào bí bách quá, chiếc khăn không chỉ có tác dụng đội đầu, quàng che cổ, mà còn được sử dụng như một chiếc váy quấn cho người đàn bà; với đàn ông, nó trở thành cái khố mỗi khi lội… suối. Quần kiểu “alibaba” ở Siem Reap, váy quây có hoa văn họa tiết nhỏ cũng được chị em quan tâm nhiều.

Người Siem Reap quen tiếp khách… “quốc tế” có khác, niềm nở, vui vẻ, dễ mến, thử ra thử vào, không thích thì trả lại, chẳng bị làm sao cả, chẳng sợ gì cả… Chính vì thế khách lại vì quý thái độ mà mua thêm rất nhiều. Một sở thích nữa, đó là áo phông chất cotton được bán với giá rẻ vô cùng. Từ 1.5 – 3 đôla cho một cái áo bình dân, có hình đặc trưng các kỳ quan thế giới ở Siem Reap. Đa phần người mua là thanh niên rất thích loại áo phông này, chúng cũng thích hợp để làm quà tặng cho các bạn bè cùng lứa tuổi.

Người Campuchia bây giờ quả là có ý thức, du lịch là con đường sống của họ. Bởi khác với Việt Nam, họ chẳng có rừng vàng biển bạc nhiều như ta, ngoài Biển Hồ và sông Mê Kông. Chính vì vậy mà người dân đang tự trở thành các hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tập tành nói tiếng Anh (thú thực là tốt hơn cả người Trung Quốc ven biên giới). Từ người lái xe tuk tuk đến trẻ con đều thích giao tiếp với khách du lịch chẳng chút e dè.Điều này mang đến làn gió mới cho Siem Reap và Campuchia.

Chính vì vậy mà tiền tiêu ở đây lại chủ yếu là tiền đôla Mỹ, tiền bạt, tiền Việt Nam, tiền Campuchia được… “đối xử” như nhau, nhưng ưu tiên và quá thông dụng, vẫn là tiền đôla Mỹ. Bây giờ bạn cứ hình dung, một bà bán ngô hay bán cơm lam dạo, đi trên chiếc xe đạp cà tàng bán quanh thành phố, vậy mà đã tiếp xúc với sự giao lưu “thương mại” bằng tiền đôla không chút e dè, sợ tiền giả tiền thật gì cả, bởi với họ là quá bình thường. Có lẽ vì thế mà dân Campuchia đang ngày càng hiện đại và tiến dần tới hội nhập hơn chăng?

Một trong những điểm hấp dẫn tại khu Phsar Chas này đó là các cửa hiệu bán đồ đá, đồ lưu niệm, tượng Phật, đồ cổ, và các bức tượng điêu khắc. Nếu tinh tường, bạn sẽ tìm thấy tượng Bayon 4 mặt bằng đá màu sữa, nhưng khi bạn chạm tay vuốt vào, mặt tượng sẽ có màu của đá xanh. Thật tuyệt, phải không?

Du khách nào thích chụp ảnh, lại hay thường ngó nghiêng tới các gallery tranh ảnh. Ở Phsar Chas, rất nhiều bạn Tây đến đây du lịch, nghiên cứu, rồi… ở lại. Bằng chứng là anh bạn tôi đã rất thích thú khi ngắm gallery của một nhà nhiếp ảnh người Mỹ mà thật tệ, tôi đã quên mất tên của anh. Cũng như các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp khác, khi say mê, họ thường sống ở đây hàng tháng trời, thậm chí… ở vài năm chỉ để nghiên cứu và ghi lại cuộc sống của con người nơi đây qua ảnh..

Mà đang đi chợ, nếu thấy mùi thơm ở đâu làm nước miếng ứa ra, đó chính là các quán lẩu Khmer, BBQ vỉa hè, sà vào đó, làm chai bia Angkor, thế là đã có một tối vui mà lại chẳng tốn tiền là bao. “Xa xỉ” hơn, nếu muốn thư giãn, hãy dừng bước bên hàng mát–xa chân, người ta sẽ làm cho bạn cảm thấy thoải mái cho đôi chân của bạn sau một ngày hoạt động. Quá thú vị!

Phố Pub nhộn nhịp thâu đêm

Ngay sát chợ chính là khu “Pub Street” – nơi mà khi màn đêm buông xuống, dân tình kéo về đây hưởng thụ không khí tưng bừng của quán xá. Đây là khu phố hai bên có toàn quán bar, cửa hàng ăn đồ Tây Âu, đồ Khmer hoành tráng, sang trọng và lịch sự. Hầu hết các quán pub ở đây mở cửa cả ngày nhưng dường như chúng chỉ thực sự hoạt động từ 5 giờ chiều đến tận 12 giờ đêm và có khả năng là… thâu đêm.

Từ 7 giờ tối trở đi, người ta sẽ cấm các xe chạy qua con đường này, và nó đã thực sự trở thành con đường vui nhộn dành cho khách du lịch phương xa tới. Hai bên lề đường, ghế được xếp sát vỉa hè, dân tình ngả ngớn ăn nhậu hưởng thụ sau một ngày trèo leo các đền đài bí ẩn, giờ là lúc xả hơi.

Những nhà hàng đông nghẹt khách, chiều chuộng chăm sóc khách đến từng chi tiết. Ở đây có thể tìm thấy đủ các loại ẩm thực từ Khmer, Thái, Ấn, Malaysia, Việt Nam, Ý, Pháp,… không thiếu thứ gì. Trong khi chờ các món ăn được bưng ra, hãy giải trí bằng cách… “ngắm” các décor trang trí của quán hoặc lơ đãng ngắm người qua đường đang đi bộ ngoài kia.

Các quán thường có ban nhạc riêng xuất hiện cùng các vũ công vũ nữ – bạn sẽ biết thế nào là điệu múa Apsara. Bạn sẽ lại lơ mơ liên tưởng tới các đường cong của các cô vũ nữ Apsara trên các bức tượng của các khu đền đài cổ xưa với các cô vũ nữ đang hiện diện trước mắt bạn. Thêm một chút rượu thốt nốt, đêm sẽ sóng sánh hơn, huyền ảo hơn theo đôi mắt và điệu lắc của nàng Apsara. Đêm Siem Reap sẽ ấm áp nồng nàn hơn!

Sau khi thưởng thức các món ăn, bạn vẫn muốn tiếp tục bar, cà phê? Bạn chọn đúng nơi rồi. Ở đây các hàng quán san sát nhau. Quán “The red piano” sừng sững đầu chợ với vị thế đẹp, món ăn ngon và trang trí quán đẹp. Khách cứ thế mà bước vào hưởng thụ thôi. Thích nghe nhạc sống? Có ngay! Có cả ca sĩ nước ngoài – ca sĩ nội địa lên hát phục vụ bạn, giá cả phải chăng, đừng nghĩ là thôi, mình tiết kiệm tiền, không nghe lại tính phí phục vụ…

Tôi thì cứ nghĩ trong cuộc sống, đôi khi – sống bằng cảm giác – thế nên bạn cứ thoải mái đôi chút. Sau này, sau chuyến đi, khi trở về, bạn lại “thong thả” mà kiếm tiền. Có như thế, mới rạo rực mong mỏi các chuyến đi, thả mình mà hưởng thụ những cảm giác khác lạ, thư giãn và cực… hưng phấn.

Sau khi “hưởng thụ” xong, bạn có thể đi bộ về khách sạn hoặc guest house nơi mình ở, hoặc khi… “chơi quá hóa mệt”, bạn có thể ngoắc tay, tìm một anh chàng tuk tuk đang chờ sẵn đưa về tận nơi với một thái độ không thể nào tìm thấy điểm để chê!

MÁCH BẠN *      
     
Điểm đến

– Nên tham quan Siem Reap ban đêm để thấy hết vẻ đẹp. Angkor ban đêm lộng lẫy ánh đèn, sẽ có các chương trình văn nghệ diễn ra trước cửa đền Angkor.

– Chợ cũ Old Market.

– Pub Street.

 Shoping

– Mua quà lưu niệm, khăn, đồ lụa, may đồ theo yêu cầu trong vòng 24 – 48 giờ tại Shop Samatoa – phố Pithnou; đồ lụa: Jassmine từ 9 am-10 pm.

– Những gì liên quan tới Ipod nếu chẳng may máy của bạn có trục trặc hoặc bạn có nhu cầu khác: Mappro, phố Pithnou.

– Lịch bưu thiếp, tranh ảnh đền đài, gallery: Mc Dermott.

 Ảnh, Photo:

– In ảnh rẻ rại Siem Reap ra đĩa DVD – SR Thmei Photo (phố Wat Bo) – phòng lab Fuji khá lớn.

Thuê xe đạp:

– Ngay tại nơi bạn ở (hotel, guest house) cũng thường cho thuê xe đạp, nếu không, bạn có thể ra khu chợ cũ hỏi cũng nhiều. Giá từ 1-2 đôla/ ngà. Có thể tham khảo trang www.thewhitebicycle.org.

Thuê ô tô, xe máy:

– Ô tô: Giá 20-30 đô-la.

– Xe máy:Giá 6-8 đô-la. Nếu bạn có ý định đi Siem Reap bằng xe máy, thì tốt nhất nên thuê xe từ Phnôm Pênh rồi đi thẳng xuống Siem Reap, thuê trong vòng 2-3 ngày sẽ được giảm giá.

Remorgue – moto: còn gọi là tuk tuk rất dễ thương. Sẽ rất thú vị nếu bạn đi hai người trên 1 chiếc tuk tuk vòng quanh Siem Reap.

 Khách sạn, nhà nghỉ:

Có đủ giá tiền, từ bình dân tới tiện nghi, nhưng an tâm về giá cả ở đây khá vừa phải, hợp lý, đặc biệt bạn đi càng đông càng chi phí ít. Bạn có thể thuê từ 12-300 đôla/phòng tùy chất lượng.Victoria Angkor Resort&Spa: 285-440 đôla/phòng. Email: Resa. angkor@victoriahotels.asia; Tel: 063-760428; Ancient Angkor inn: 10-50 đôla/phòng. Email: Info@ancient-angkor.com. Tel: 012 772862; Angkor Friendship Inn: Giá: 13-25 đôla/phòng, Phòng rộng, có thể ở chung, cách khu chợ cũ 300m. Email: Reservation@angkorhomehotel.com;  Tel:063.965197; Mom’s Guesthouse. Giá: 9-20 đôla/phòng. Từ đây tới khu chợ cũ mất 10 phút đi bộ. Email: reservation@motherhomeguesthouse. com; Tel: 012.963438

Ăn tối

– Có rất nhiều nhà hàng đồ dân tộc Khmer, đồ ăn châu Âu rất chuẩn và ngon. Hãy thưởng thức bữa tối cùng với điệu múa Apsara. Gần đây, đêm Siem Reap với các bar, club thường mở tới 4 giờ sáng. Nhà hàng Shinta Mani- một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Siem Reap với các món ăn Khmer, Á, Âu; Khmer Family Res taurant: số 8 (Phố Pub-khu chợ cũ), các món ăn Khmer với hoa quả tươi, súp Kreung, vịt nướng mật ong, rượu, coctail, bia; Khmer Taste Restaurant: Phố Sivatha Blvd, cạnh Sok San. Địa điểm: 5 phút từ khu chợ cũ. Ẩm thực Khmer, salat Khmer, bia, cocktail, cà phê. Red Piano: số 8- phố Pub.

– Đồ ăn quốc tế, châu Á. Địa điểm: Đầu khu chợ cũ, có phong cách décor âm nhạc và đặc biệt có món cocktail Tomb Raider; Paris Saigon: Phố Tep Vong, đồ ăn Pháp – Việt Nam như món nem, phở… Một nơi khá lãng mạn. Rượu vang Pháp chất lượng cao. Email: Yvesbou-caret@online.com.kh

 Bar:

– Angkor what? Bar: Địa điểm: (phố Pub) mở từ năm 1998 có rất nhiều đồ uống, sàn nhảy.

– Lingar Bar (Phố Pub) – Thư giãn và nhấm nháp chút vang, đây là một nơi thú vị, thoải mái với những đồ uống ngon.

 Máy bay:

Vietnam Airlines, Royal Khmer Airline. Giá từ 80–100 đôla/khách. Xuất phát từ nhiều giờ khác nhau trong ngày.

Bus:

Chạy thẳng từ Sài Gòn. Giá khoảng 20 đôla – Sài Gòn – Siem Reap.


Tour:

Cho 4 ngày 3 đêm, tính từ Sài Gòn: Fiditour – 4 ngày 3 đêm. Trên 3 triệu đồng; Tel: 08.39141414 – Email: fidi@fiditour.com; Saigontour-ist: 168 đôla/khách (đường bộ); 380 đôla/khách (đường máy bay). ĐT: 08.8303029. Email: saigontourist@ sgtourist.com.vn.

Bài: Tuệ Thư
Ảnh: Quang Bảo – Hải Thanh
(* Thực hiện: Lan Anh)

Thực hiện: depweb

10/01/2011, 16:54