Ra mắt MV “Sáng mắt chưa?” vào những ngày cuối cùng của tháng 7, có lẽ Trúc Nhân cũng không lường trước được rằng bài hát của mình sẽ nhanh chóng trở thành “nhạc chủ đề” của làng giải trí vào tháng Tám. Khá nhiều chuyện xảy ra khiến người trong cuộc chỉ biết nhìn nhau mà nén tiếng thở dài: “Giờ đã sáng mắt ra chưa?”.
Hình tượng hoa hậu tan tành vì cuộc đua
Tham gia “Cuộc đua kỳ thú” năm nay, Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh liên tiếp gặp sự cố: lỡ lời trên sóng truyền hình, thực hiện thử thách hời hợt hay dính nghi án được thiên vị trong chặng thứ 7. Mỗi chặng đua phát sóng là một lần cái tên Đỗ Mỹ Linh được khán giả réo lên bất bình. Nếu cô không tham gia chương trình này, có khi ấn tượng đẹp của khán giả về một hoa hậu tươi tắn, giản dị, học vấn cao, cư xử mẫu mực sẽ còn mãi.
Những thử thách trong “Cuộc đua kỳ thú” được thiết kế để khai thác triệt để những khía cạnh tâm lý chân thực và bản năng nhất của người chơi. Nó bao gồm cả những xúc cảm tiêu cực – sự mệt mỏi, tâm trạng cáu gắt, thất vọng… Tất cả những điều này đều đi ngược lại hình ảnh chỉn chu mà Đỗ Mỹ Linh vẫn xây dựng trước công chúng. Chưa kể, nhược điểm thể lực cũng khiến cô gặp khó khăn khi hòa mình vào những trò chơi vận động. Và thế là, Đỗ Mỹ Linh thì chật vật trên màn ảnh nhỏ, còn khán giả lúc này mới ớ ra khi cô hoa hậu lâu nay họ vẫn cảm tình hóa thành một “bánh bèo” không biết làm gì ngoài than thở.
Bài học ứng xử cho các nghệ sĩ trẻ
Cặp bài trùng sở hữu MV triệu view Jack và K-ICM bị tố chảnh chọe khi đòi đổi nghệ sĩ cùng tham gia chương trình “Giọng ải giọng ai” vì sợ làm hỏng hình ảnh cá nhân. Đây không phải lần đầu tiên hai anh chàng làm phật ý các nhà sản xuất bởi không lâu trước đó, Jack và K-ICM được cho là đã đòi gỡ bỏ khỏi YouTube đoạn video ghi lại màn trình diễn của mình trong một chương trình truyền hình vì sợ ảnh hưởng đến vị trí top 1 thịnh hành của MV gốc.
Vụ việc làm dấy lên những tranh cãi giữa nhà sản xuất chương trình và công ty quản lý hai nghệ sĩ. Nếu những chỉ trích dành cho họ là thật, đã đến lúc Jack và K-ICM nên xem xét lại cách ứng xử của mình. Nghệ thuật là một nghề rất đặc thù, showbiz hoạt động không chỉ dựa trên các văn bản giấy trắng mực đen mà còn có các nguyên tắc bất thành văn. Dù về lý, hai anh chàng có vẻ không vi phạm bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng – bởi nếu có, thì phía nhà sản xuất đã chẳng bất lực tới độ phải lên Facebook than thở, nhưng về tình, họ đã có một nước đi dại dột.
Người ta thường dễ mủi lòng trước những câu chuyện “tình ngay lý gian”, nhưng những vụ việc “tình gian lý ngay” như thế này thì không. Con đường tiến thân của Jack và K-ICM trong showbiz chắn chắn từ giờ sẽ thêm phần khó khăn, bởi ai muốn hợp tác với những nghệ sĩ trẻ sẵn sàng quay lưng với đồng nghiệp, gây rắc rối cho nhà sản xuất chương trình chỉ vì một vài lý do lãng nhách? Quan trọng hơn nữa, một nghệ sĩ còn chưa có chỗ đứng vững vàng sẽ tiến được bao xa trên con đường nghệ thuật khi bài học vỡ lòng về sự chuyên nghiệp và cầu thị trong công việc họ còn chưa nắm rõ?
Mong rằng “sóng gió” không chỉ là cái tên MV triệu lượt view của hai anh chàng, mà còn là bài học vỡ lòng giúp Jack và K-ICM “sáng mắt ra” trong cách cân bằng giữa cảm xúc cá nhân và thái độ chuyên nghiệp.
Tội nghiệp những khán giả mộng mơ
Hãy nhìn cách mạng xã hội “nổ tung” trong những cảm xúc tiêu cực khi vợ chồng Song Hye Kyo và Song Joong Ki chia tay hồi tháng 7 vừa qua, hay khi Goo Hye Sun và Ahn Jae Hyun ly hôn vào một ngày gần đây. Những trái tim mộng mơ càng rạn vỡ hơn khi cặp đôi lý tưởng Miley Cyrus và Liam Hemsworth công bố ly dị, và Miley bị bắt gặp quấn quýt trong hộp đêm với bạn gái mới. Công chúng chưa bao giờ thôi mơ và ngừng vỡ mộng.
Hình ảnh chỉn chu của các nghệ sĩ trước công chúng không phải điều duy nhất khán giả khao khát được nhìn thấy. Đời tư của họ cũng trở thành một dạng “công việc ngoài giờ”. Cuộc hôn nhân giữa các nghệ sĩ không đơn thuần là chuyện của hai người, nó phải gánh cả niềm tin và kỳ vọng của khán giả.
Khi hai nghệ sĩ quyết định về chung nhà, phần đời bên nhau trở thành một dạng “dự án nghệ thuật” mà cả hai cùng có trách nhiệm đóng tròn vai. Họ có thêm một lượng người hâm mộ, thêm cơ hội thăng tiến, thêm nhiều hợp đồng quảng cáo gắn với một hình ảnh mới trưởng thành và đáng tin tưởng… Bởi tất cả những hấp dẫn đó, để đi đến quyết định chia tay, chắc chắn họ đã phải cân nhắc thấu đáo. Vậy nên thay vì khóc thương cho những cuộc hôn nhân đổ vỡ, khán giả hãy tỉnh táo và chúc mừng những người vợ, người chồng của công chúng ấy đi, bởi họ đã dũng cảm kết thúc một cam kết béo bở để được sống thảnh thơi là chính mình.
Sony và Disney cùng làm tổn thương khán giả
Năm 2016, Sony chấp nhận để Spider-Man xuất hiện trong một bộ phim thuộc vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), đánh dấu cuộc thương thảo thành công giữa hai ông lớn trong ngành điện ảnh. Nội dung của thỏa thuận giữa hai bên, tóm lại là Sony bỏ tiền làm phim và phát hành, Disney với đội ngũ thực hiện là Marvel Studios đảm nhận khâu sản xuất và bán các sản phẩm ăn theo thương hiệu.
Đây có thể được xem là cuộc “hôn phối” xứng đôi vừa lứa điển hình trong thế giới phim siêu anh hùng, bởi Spider-Man vốn là nhân vật truyện tranh nổi tiếng ngang tầm Batman, còn Disney lại là vị vua đương nhiệm của Hollywood nhờ nắm trong tay thanh bảo kiếm mang tên Marvel Studios. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn, cho đến tháng 8 năm nay, khi Sony lại muốn đường ai nấy đi với Disney.
Disney yêu cầu một tỉ lệ đầu tư sản xuất hợp lý hơn, từ 5% lên đến 50% kinh phí trong các bộ phim về Spider-Man, kèm theo đó là mức chia chác doanh thu tương ứng. Điều này đồng nghĩa với việc Sony – vốn là bên đầu tư và nắm giữ bản quyền – sẽ phải san sẻ quyền hạn với Disney, kéo theo tỉ lệ doanh thu giảm đi đáng kể.
Sony không thể dâng bảo bối của mình cho bên khác nắm giữ và tha hồ khai thác. Disney thì tự tin vào sự hùng mạnh của MCU sẽ giúp Spider-Man được nâng lên một tầm cao mới. Rõ ràng, “nhà Chuột” ngay từ đầu đã âm mưu đẩy Sony vào tình thế bị phụ thuộc. Với kinh phí do Sony chi trả, Disney để Marvel Studios sản xuất hai phần của series Spider-Man mới, rồi kết nối anh chàng với vũ trụ điện ảnh của họ bằng cả mối dây tình tiết lẫn tình cảm của khán giả. Trong hoàn cảnh ấy, bất kì động thái rút lui nào của Sony cũng đồng nghĩa với việc hãng phim đang đi ngược lại sự yêu mến của người hâm mộ.
Dù hai hãng phim lớn có làm hòa hay chia tay, chắc chắn một điều là sẽ không bên nào phải chịu thiệt hại nghiêm trọng. MCU của Disney không khốn đốn nếu thiếu đi chỉ một Spider-Man. Sony vẫn có thể yên tâm rằng khán giả sẽ bỏ tiền ra rạp xem phim siêu anh hùng. Chỉ có người hâm mộ Spider-Man là chịu thiệt trăm bề. Sự yêu mến của họ bị lợi dụng bởi Disney làm vũ khí áp đảo Sony, và bị Sony rũ bỏ không thương tiếc. Vụ việc này cuối cùng chứng minh hai điều: Spider-Man chưa bao giờ hết “nhọ”, và đứng trước lợi nhuận khổng lồ, khán giả sẽ là lựa chọn sau cùng của các hãng phim.
Sáng mắt chưa, hỡi những người hâm mộ?