Không hẹn mà gặp, tháng 7 được chọn là thời điểm khởi động của những xu hướng giải trí mới, các chương trình truyền hình thực tế lần đầu xuất hiện, những cái tên cũ rục rịch quay lại, và cuộc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ khán giả.
Thời đại giải trí của thế hệ Z đang thành hình
Mùa hè luôn là thời điểm sục sôi của các bản hit. Trái với dự đoán, sản phẩm ấn tượng nhất không thuộc về Sơn Tùng M-TP. Sự trở lại của ngôi sao gốc Thái Bình dù nhận được nhiều kỳ vọng nhưng đọng lại trong tâm trí người xem chỉ là những thành tích trăm triệu view. Trong khi, mỗi ca khúc hay cần có đời sống của riêng nó. “Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh xứng đáng là MV thú vị nhất kể từ đầu năm đến nay khi đã mang tới những cái kết khác cho các nhân vật văn học kinh điển, và đặc biệt, không hề bị kiểm soát bởi nhà tài trợ.
Nhưng xui cho Linh, dù đã tốt nghiệp từ rất lâu, cô vẫn không tránh khỏi số phận bị… “tủ đè”. Hóa ra Đen Vâu mới là người được ngưỡng mộ nhất khi MV “Hai triệu năm” của anh vô tình gợi liên tưởng đến tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” trong đề thi THPT Quốc gia. Chỉ trong vòng nửa ngày, vị trí dẫn đầu của top trending trên YouTube có sự thay đổi và cạnh tranh mạnh mẽ vì đề thi tốt nghiệp cấp ba môn ngữ văn. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra khi nó cho thấy quyền lực tối thượng của lứa khán giả trẻ, mà dẫn dầu là những cô cậu bé sinh năm 2001.
Vì thị trường âm nhạc Việt Nam không được vận hành bằng việc mua bán những bản thu âm hay đĩa nhạc, cho nên mọi yếu tố tạo nên thành bại của một ca khúc đều được quyết định bằng từng cú click tương ứng với lượt nghe, xem, bình luận, chia sẻ, tương tác. Những thế hệ khán giả sinh ra và lớn lên cùng smartphone, máy tính bảng, mạng xã hội đương nhiên nhạy cảm nhất với các trào lưu, và là đối tượng khán giả chủ yếu của nền giải trí.
Không riêng gì người nghe, ngay cả nghệ sĩ cũng phải trẻ hóa. Chính Hoàng Thùy Linh cũng thừa nhận ý tưởng thực hiện ca khúc về Mị vốn xuất phát từ bộ ba nhà sản xuất đang là thực tập sinh của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong – nhóm DTAP, với thành viên lớn nhất sinh năm 1996. Và không thể không nhắc đến việc “bộ đôi sóng gió” Jack (1997), K-ICM (1999) đã soán ngôi cả Sơn Tùng M-TP trên top thịnh hành khiến nhiều người bất ngờ không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thế giới giải trí bị thu nhỏ bằng một chiếc màn hình. Những chủ đề trong âm nhạc thay vì bay bổng mơ hồ cần xuống gần mặt đất và phải tạo được hiệu ứng lan truyền trong bất kỳ câu hát nào. Sự chuyển giao quyền lực trong thời đại này vừa là ưu thế cho những nghệ sĩ trẻ, vừa đặt ra thách thức cạnh tranh sòng phẳng giữa các thế hệ nghệ sĩ.
Màn ảnh Việt nửa cuối năm 2019: Làn gió tươi mát
Sau nửa đầu năm được mùa doanh thu với rất nhiều dự án trăm tỷ, màn ảnh Việt nửa cuối năm 2019 hứa hẹn sẽ mang đến những màu sắc tươi mới, trong sáng với “Mắt biếc” và “Thưa mẹ con đi”. Hai tác phẩm điện ảnh cuối năm thu hút sự chú ý của truyền thông sau khi hé lộ những hình ảnh đầu tiên cùng dàn diễn viên rất trẻ. Không rõ vô tình hay hữu ý, cả đạo diễn Victor Vũ và Trịnh Đình Lê Minh đều chọn những cái tên lần đầu đến với điện ảnh: Trúc Anh – Trần Nghĩa (“Mắt biếc”) và Lãnh Thanh – Gia Huy (“Thưa mẹ con đi”).
Điều đặc biệt là “Thưa mẹ con đi” từ chối lối xây dựng tình yêu đồng tính rập khuôn, gai góc và ngang trái như các tác phẩm cùng chủ đề. Nội dung phim chỉ đơn giản xoay quanh hành trình công khai bản thân với gia đình của hai chàng trai – một người là cháu đích tôn của dòng họ và người kia là Việt kiều mới về nước. Ngay từ tên gọi, “Thưa mẹ con đi” đã khiến người xem an tâm phần nào về câu chuyện và thông điệp truyền tải bởi nó hoàn toàn không dùng đến những từ khóa kích thích trí tò mò như “đồng tính”, “mỹ nam” hay “hot boy”…
Cùng quan điểm đó, đạo diễn Victor Vũ không sử dụng danh tiếng của mình để chiêu mộ những ngôi sao phòng vé nhằm đảm bảo doanh thu cho “Mắt biếc”. Có lẽ vì bản thân cái tên Victor Vũ đã là một bảo chứng về chất lượng. Anh được trao toàn quyền quyết định diện mạo của Ngạn và Hà Lan trong phim. Thoát khỏi sự đóng khung về nhân vật nhưng cũng không dựa dẫm vào bất kỳ tên tuổi diễn viên nào, anh để bộ phim tự làm chủ số phận của nó.
Rõ ràng, số lượng diễn viên trẻ (có thể thành danh) mà điện ảnh Việt đóng góp cho showbiz mỗi năm vẫn là quá ít so với nhu cầu của khán giả. Có lẽ là vì những dự án thiếu vắng ngôi sao thường khó xin tài trợ và không cung cấp nhiều chất liệu khai thác cho giới truyền thông. Hy vọng cả “Thưa mẹ con đi” và “Mắt biếc” sẽ thành công rực rỡ để có thể giới thiệu đến khán giả 4 cái tên tiềm năng và mang tới làn gió mới mẻ, trong lành cho màn ảnh.
Truyền hình thực tế: Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Đăng quang giữa thời điểm thuận lợi khi xã hội đang ra sức tôn vinh sự khác biệt, cộng thêm sự chân thành và câu chuyện về nghị lực của người yếu thế, H’Hen Niê vượt qua cái bóng “hoa hậu truyền thống” rất hoàn hảo của Phạm Hương, trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thành công nhất trong lịch sử. Cảm hứng mà cô truyền lại đã giúp mùa thứ 2 của “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” thu hút được rất nhiều thí sinh chất lượng. Công chúng vì thế mà dành sự quan tâm lớn cho chặng đường tìm kiếm người kế nhiệm vương miện. Khi người ta đã thuộc nằm lòng những yếu tố giúp H’Hen nổi bật giữa top 5 hoa hậu thế giới, người kế nhiệm cô sẽ phải như thế nào đây?
Cán cân truyền hình thực tế về thời trang có sự chênh lệch đáng kể sau màn đổi chủ ngoạn mục của “The Face”. Nắm tới 2 quân bài quan trọng trong tay, đơn vị sản xuất Multimedia đưa “Vietnam’s Next Top Model” trở lại sau hai năm nghỉ ngơi nhường chỗ cho “The Face”. Liệu trong năm nay, “The Face” có còn là con cưng của nhà sản xuất, hay sẽ đứng ngoài cuộc chiến sắp tới giữa “Vietnam’s Next Top Model” và “Siêu mẫu Việt Nam”?
Được sản xuất bởi công ty Cát Tiên Sa, “Siêu mẫu Việt Nam” vốn có định hướng đầu tư khác biệt. Không thể phát huy bề dày tên tuổi đã duy trì một thập niên, chương trình chỉ có thể chôn mình trong vũng lầy drama từ thí sinh và dàn huấn luyện viên, bù đắp lại chất lượng vô cùng yếu kém. Năm nay, mọi thứ có vẻ vẫn được giữ nguyên vì không có dấu hiệu nào cho thấy Cát Tiên Sa sẽ thay đổi chiến lược và định vị lại phân khúc người xem.
“Cuộc đua kỳ thú” bất ngờ tái xuất sau 3 năm vắng bóng trên mặt trận show truyền hình vận động. Chương trình kỳ cựu này không thể thoát khỏi việc bị đem lên bàn cân so sánh với tân binh “Chạy đi chờ chi” (Running Man Việt Nam) khi cả hai có cùng giờ lên sóng. “Lỡ tay” khiến hàng loạt thí sinh từ bỏ thử thách xuyên suốt những tập đầu tiên, “Cuộc đua kỳ thú” rơi vào tình thế “bình mới rượu cũ” và hụt hơi trước đối thủ. Ngược lại, “Chạy đi chờ chi” gây tiếng vang và thống trị các trang báo suốt những tuần phát sóng nhờ những màn tương tác “mặn mòi” của các thí sinh và sự chuyên nghiệp trong kịch bản, sản xuất – thứ được thừa hưởng từ phiên bản gốc của Hàn Quốc.