Showbiz Việt được mùa drama tràn ngập theo cả nghĩa đen lẫn bóng

Drama (kịch bản) vốn là dạng thức văn học được tạo ra cho bộ môn kịch nghệ, tuy nhiên đối với khán giả Việt ngày nay, thuật ngữ drama khiến người nghe liên tưởng ngay đến những câu chuyện giật gân, kịch tính. Không thể phủ nhận sự thống trị của drama trong guồng quay tự nhiên của showbiz vốn ngập tràn chuyện đời tư ngôi sao trên mặt báo, drama truyền hình hàng trăm tập đều đặn khung giờ vàng, hay những MV dài lê thê như phim ngắn trụ hạng dai dẳng trên top thịnh hành YouTube. Bằng nhiều hình thức, drama quyết định danh tiếng, sức ảnh hưởng và khả năng chi phối truyền thông của giới giải trí Việt Nam.

1. “Giọng hát Việt”: Lò đào tạo tài năng hay cameo của showbiz?

“Giọng hát Việt” 2019 kém sức hút, chỉ được báo chí nhắc đến nhờ drama vô lễ của thí sinh.

Năm 2019 trở thành mùa thi nhạt nhòa của “Giọng hát Việt”. Công bố dàn huấn luyện viên (HLV) tuy giàu thâm niên nhưng không nhiều sức hút trên mặt báo, chương trình đứng trước câu hỏi phải làm gì để duy trì sức ảnh hưởng trên sóng giờ vàng? Đã qua rồi một thời truyền thông phải ráo riết săn đón bộ ba Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh (2012). Người xem cũng không được lắng nghe nhận xét từ dàn HLV vững chuyên môn như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Quốc Trung (2013). Ghế nóng không còn những ngôi sao nhạc nhẹ như Mỹ Tâm, Thu Phương, Tuấn Hưng (2015). Ngay cả nỗ lực trẻ hóa dàn HLV với Đông Nhi, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh (2017-2018) cũng chẳng gây nhiều chú ý.

Do đó, năm nay, nhà sản xuất đã dùng thí sinh làm chiêu bài cuối cùng để cứu vãn tình thế. Đây xét cho cùng vẫn là một phương án tốt, nếu chương trình sở hữu những nhân tố như Hương Tràm, Đinh Hương, Vũ Cát Tường, Đức Phúc… như các mùa đầu tiên. Nhưng vì không có ai như vậy, nhà sản xuất đã giới thiệu đến chúng ta Bảo Yến Rosie và Hà Thu. Một người yêu cầu phải được gọi đúng tên mới ra biểu diễn, một người dũng cảm tuyên bố “không biết Đông Nhi là ai” dù đang thể hiện lại ca khúc của đàn chị. Thật khó để phân định bộ drama nào sẽ đạt rating cao hơn!

Hà Thu và Bảo Yến Rosie cùng tạo drama để bước chân vào showbiz

Song khách quan mà nói, cũng cần đặt dấu chấm hỏi về vai trò của nhà sản xuất trong việc kiểm soát nội dung chương trình và định hướng thí sinh. Chẳng hạn phân đoạn Bảo Yến Rosie đứng trong cánh gà và nói vọng ra: “Nhầm tên”, nó hoàn toàn có thể được cắt khỏi phần phát sóng vì không phục vụ cho màn biểu diễn của chương trình. Còn với trường hợp của Hà Thu, cô gái sinh năm 1996 đã quá hấp tấp ra mắt showbiz bằng việc lôi kéo Đông Nhi vào vai cameo bất đắc dĩ.

Dù đây là ý đồ của ai chăng nữa, “Giọng hát Việt” vẫn cho thấy sự bế tắc khi phải sống thoi thóp trên mặt báo nhờ những màn drama độc hại.

2. Mỹ Tâm đưa drama ra đời thực

Kiên trì cống hiến suốt hai thập kỷ bằng tài năng đích thực, Mỹ Tâm lần đầu tiên gây xôn xao bằng tin đồn tình cảm. Khán giả đã thấy quen thuộc đến nhàm chán những chuyện “anh kia cặp chị này”, nhưng riêng với “chị Tâm” thì khác. Khởi đầu là cặp đôi ăn ý trong diễn xuất từ MV ca nhạc “Đừng hỏi em” đến phim điện ảnh “Chị trợ lý của anh”, Mai Tài Phến đã đổi vai sang “chàng trợ lý” kém 10 tuổi khi liên tục xuất hiện cùng đàn chị. Cuối tháng 6, đời tư của Mỹ Tâm bỗng trở thành một bộ drama được trình chiếu khắp hang cùng ngõ hẻm.

Mối quan hệ giữa Mỹ Tâm và Mai Tài Phến hội tụ đủ yếu tố của một bộ drama gây sốt: phim giả tình thật, cách biệt 10 tuổi, chênh lệch về độ nổi tiếng…

Còn nhớ năm 2016, mối quan hệ của Trấn Thành và Hari Won cũng từng bị phanh phui trên mặt báo với lối tác nghiệp tương tự. Hệ quả mà nó để lại cho 2 nhân vật chính vẫn âm ỉ đến ngày nay khi đâu đó dưới những bài viết sánh đôi của họ, luôn có những bình luận gợi nhắc người cũ của một trong hai.

Song một ngôi sao luôn tỏa sáng ở vị trí trung tâm showbiz suốt gần hai thập niên như Mỹ Tâm đâu dễ bị khai thác đến thế. Trong vòng chưa đầy một ngày, nữ ca sĩ đã nhanh chóng lật ngược thế cờ khi sử dụng chính những chất liệu thị phi để củng cố hình ảnh cho mình, từ việc xuất hiện đường hoàng cùng người tình tin đồn đến tổ chức họp báo để tái hiện khoảnh khắc tình tứ trước mặt toàn thể giới truyền thông. Tất cả diễn ra theo đúng ý đồ mà Mỹ Tâm mong muốn nhằm đảm bảo lợi ích cho cả ba bên: báo chí, khán giả và bản thân nữ ca sĩ. Thật là một cái kết tuyệt đẹp vì ai cũng có câu chuyện mang về.

Lấn sân qua lĩnh vực điện ảnh để làm đạo diễn bộ phim do mình đóng chính thôi chưa đủ, Mỹ Tâm đã đích thân ngồi ghế chỉ đạo drama của mình ngoài đời thực.

3. Nội chiến diva

Với phong độ sa sút kể từ bản hit “Đường cong”, Thu Minh dường như ý thức được rằng lần trở lại này phải giúp cô tái khẳng định vị thế của mình trong làng nhạc. Nhưng bằng cách nào đây, khi hàng ngũ diva đã chật kín chỗ, hàng dài các ngôi sao trẻ và ngày càng trẻ hơn đang nối đuôi phía sau. Câu trả lời được Thu Minh hé mở trong “I am diva”. Nội dung MV bám sát thông điệp bài hát: “Ai cũng là diva của cuộc đời mình”, thông qua hàng loạt hình ảnh được thậm xưng tối đa.

Mối quan hệ gây cảm giác bằng mặt mà không bằng lòng giữa hai ca sĩ Thu Minh và Tùng Dương.

Cùng thời điểm, Tùng Dương thể hiện quan điểm riêng (được hiểu là phản đối ngầm) trên trang cá nhân với bài đăng đề cập đến các diva và… không có Thu Minh. Anh có lý do chính đáng khi cho rằng nghệ sĩ nếu muốn được gọi bằng danh xưng thì trước hết cần sự đồng ý của khán giả. Việc mượn người khác để thể hiện tham vọng của bản thân chỉ khiến dư luận thêm phần hoài nghi và chia rẽ.

Trở lại với sản phẩm được thực hiện bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sáng tạo, Thu Minh khôn khéo sử dụng từ “diva” như một tính từ. Bởi đúng là như vậy, diva trong văn hóa đại chúng vốn là định nghĩa về những giọng ca nữ kiêu kỳ, có lối hành xử khác biệt. Thu Minh biết rõ, và cô chọn cách đưa ra một khái niệm mới thay vì ngông cuồng đánh sập đền đài mà lâu nay mọi người vẫn tôn thờ.

4. Phim truyền hình mang drama về đúng hình hài của nó

Sự đón nhận mà khán giả dành cho bộ drama gia đình “Về nhà đi con” là dấu hiệu đáng mừng của mảng phim truyền hình Việt Nam.

Sở hữu đề tài dễ gây xúc động và một loạt các tài năng diễn xuất, từ “ông bố quốc dân” Trung Anh đến hiện tượng Bảo Hân, Bảo Thanh và Quốc Trường…, phim dễ dàng chiếm trọn cảm tình của khán giả mọi lứa tuổi. Ở những nền giải trí phát triển, truyền hình vẫn là bệ phóng cho vô số ngôi sao vào nghề và tỏa sáng. Không kén chọn và chỉ tiếp cận lớp khán giả thành thị trẻ tuổi như điện ảnh, truyền hình đem quyền lực chia đều tới mọi phân khúc người xem, mọi độ tuổi, vùng miền, văn hóa địa phương. Ai cũng có thể chọn xem hoặc chuyển kênh, và gián tiếp điều khiển lĩnh vực được ví như xương sống của ngành giải trí.

Phim truyền hình “Về nhà đi con” chiếm trọn cảm tình của khán giả mọi lứa tuổi.

Những siêu sao Hollywood như Reese Witherspoon, Nicole Kidman và huyền thoại Meryl Streep (series “Big Little Lies”) chỉ là một phần nhỏ trong làn sóng diễn viên điện ảnh đang chuyển hướng sự nghiệp về màn ảnh nhỏ. Khả năng thống trị truyền thông toàn cầu của series “Game of Thrones” thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất cho quyền năng và sức ảnh hưởng của truyền hình. Đế chế mới nổi Netflix đang mang truyền hình lên một tầm cao mới giữa thời đại trực tuyến, khiến ngay cả ông lớn Disney cũng phải dè chừng ra mặt.

Khán giả nước nhà đang cần nhiều hơn những bộ phim chất lượng, hài hước, ấm áp và gần gũi từ chính người Việt để lưu giữ ký ức về thời đại này. Hy vọng đây sẽ là nơi dừng chân đúng nghĩa nhất cho khái niệm drama. Mặc cho những biến tướng và thị phi có thể kích động và chia rẽ dư luận, guồng quay tự nhiên của showbiz chỉ nên chứa đầy những tác phẩm phục vụ nhu cầu giải trí chính đáng của khán giả.


From the same category