Từ đầu năm tới nay, đài truyền hình Tp.HCM đã phải hủy bỏ hàng chục chương trình vì khó khăn từ phía nhà tài trợ – ông Nguyễn Chí Tân, Phó giám đốc HTV, tiết lộ. Ở các công ty tổ chức sự kiện, tình hình từ đầu năm 2008 tới nay cũng căng không kém. Theo Giám đốc công ty Bạn yêu nhạc MFC, hai chương trình event tương đối lớn mà công ty đã lên kế hoạch từ năm 2007, đến nay khách hàng hủy vì không kham nổi khoản chi phí. Chi phí sản xuất một chương trình hiện nay đã đội giá lên tới 50% so với trước đây khiến nhà sản xuất phải thắt lưng buộc bụng – Giám đốc điều hành công ty truyền thông và tổ chức sự kiện Square, xác nhận.
Showbiz Việt đang bắt đầu những ngày gian khó…
Khi nhà tài trợ thắt chặt hầu bao
Chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện Trái tim Việt Nam, được truyền hình trực tiếp trên cả HTV9 lẫn VTV4, có mặt hai ngôi sao ăn khách hàng đầu hiện nay là Tuấn Ngọc, Mỹ Tâm… diễn ra hôm 25/6 vừa rồi, theo lẽ thường là một show “ngon ăn” (“dính” tới ca sĩ nổi tiếng, lại là ca sĩ ít lên tivi, “dính” tới 2 sóng truyền hình trực tiếp của hai đài lớn). Thế nhưng đến tận giờ chót, 1 ngày trước họp báo, nhà sản xuất mới thở phào hú hồn vì “tóm” được Mạnh thường quân.
Âm thầm chuẩn bị cho một tour diễn nho nhỏ tại các trường đại học để “làm nóng” trước khi bắt tay vào album thứ hai, nhưng giờ này ca sĩ Nguyên Thảo đành buồn bã thông báo: các nhà tài trợ tiềm năng đều lắc đầu.
Từ nay tới cuối năm, tương đối chắc chắn chỉ có 2 liveshow ở trong tình trạng bắt buộc phải thực hiện. Một là liveshow Quang Dũng kỷ niệm 10 năm đi hát, dự định tổ chức vào ngày đẹp 8/8/2008. Và hai là liveshow Hồ Ngọc Hà dự định vào tháng 9, sau rất nhiều lần dời đi hoãn lại, được kỳ vọng là liveshow được đầu tư “đã” nhất trong năm nay. Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất của cả hai liveshow được chờ đợi này vẫn là vấn đề “đầu tiên”.
Tài trợ luôn là vấn đề của showbiz từ vài năm nay, nhưng vào thời điểm này, cái khó của tài trợ càng tăng lên gấp bội khi hầu hết các công ty đều phải thực hiện chủ trương “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm tối đa chi phí phát sinh, mà chủ yếu là chi phí để làm PR – trong đó một phần khá lớn tài trợ cho các hoạt động ca nhạc.
Các event ca nhạc và đặc biệt là các chương trình ca nhạc truyền hình sẽ giảm đi rõ rệt trong thời gian tới – ông chủ một công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện dự báo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lượng và tần suất xuất hiện các show ca nhạc sẽ giảm mạnh.
Tuy nhiên mối nguy không hẳn nằm ở chỗ mất show. Thành Trung, giám đốc điều hành công ty Square cho hay, khó khăn nhất hiện nay với các công ty tổ chức sự kiện là mức tăng giá chi phí đầu tư sản xuất chương trình lên chóng mặt không thua gì giá các mặt hàng lương thực thực phẩm thời gian qua. 50% là mức tăng trung bình chi phí sản xuất một chương trình ca nhạc event. Trung bình một show ca nhạc có truyền hình trực tiếp của HTV mức chi phí có thể lên tới 800 triệu đồng. Đó là chưa tính phần tăng của cát sê ca sĩ. Cách đây 2 năm, “giá” của Mỹ Tâm – hàng top – hát sự kiện vẫn được “định” là 43 triệu đồng, tương đương 3.000 USD. Hiện tại, chương trình tương tự, “giá” của Tâm là 55 triệu đồng, cũng tương đương 3.000 USD. Điều này cũng có nghĩa là, để có được “chất lượng sản phẩm” như xưa thì nhà sản xuất hoặc phải bỏ thêm khoản “trượt giá”, hoặc bớt xén các khoản đầu tư. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhà đầu tư nào cũng chọn phương án thứ hai, bớt xén. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng các chương trình ca nhạc event và ca nhạc truyền hình vốn vẫn có vấn đề lâu nay, nay lại tiếp tục bị kéo tụt xuống.
Kết quả của đời sống tầm gửi
Đây chính là thời điểm thấy rõ nhất hệ quả của đời sống tầm gửi những năm gần đây của showbiz Việt. Hài lòng sống gửi vào các chương trình event và tài trợ trình diễn miễn phí (chủ yếu trên truyền hình), showbiz Việt đang tự làm mất đi cuộc sống độc lập của chính mình. Nếu như showbiz là một công nghệ, một cỗ máy kiếm tiền của thế giới giải trí ở nhiều nước, thì ở ta, như trong một bài viết trước đây trên Đẹp, vẫn chỉ “show” (trình diễn) mà chưa thể “biz” (kinh doanh). Khán giả bị đánh mất dần thói quen bỏ tiền mua vé đi xem ca nhạc bởi no nê với các nhạc miễn phí live và truyền hình. Khán giả cũng bị đánh mất luôn nhu cầu thưởng thức một show diễn thực sự bởi quen vị với các show miễn phí có cùng một kiểu dàn dựng và đầu tư, thậm chí phần lớn là hát nhép và hát chay không dàn nhạc – điều tối kỵ đối với biểu diễn ca nhạc. Cát sê ca sĩ vẫn không ngừng leo thang, ca sĩ có thể chỉ cần hát vài show event là đủ tung tăng trong cả tháng, ê kíp tổ chức show cũng lên giá theo thời và sống khỏe mấy năm qua nhờ tài trợ và event, nhưng showbiz đúng nghĩa đã bị bóp lại, sống lay lắt. Những liveshow diễn 4 đêm tại Nhà hát Hòa Bình mà vẫn bán sạch vé như “Mỹ Linh & Anh Em” năm 1997 hay Làn sóng xanh 3 đêm liền tại sân khấu Lan Anh vé chợ đen được dịp “quát” đã trở thành những giấc mơ xa vời. Giờ đây Làn sóng xanh cắt luôn liveshow kinh doanh (vì lường thấy khả năng kinh doanh ngày càng kém, không cẩn thận thành lỗ vốn). Và hầu hết các liveshow dàn dựng công phu, tốn kém cũng không bao giờ dám kéo dài sang đêm thứ ba, mà vé bán vẫn không hết!
So sánh có thể là khập khiễng, nhưng người Việt đi xem show ở New York hay Las Vegas bị choáng ngợp không phải chỉ bởi quy mô dàn dựng mà còn bị choáng bởi “quy mô kinh doanh” của họ. Liveshow “Một ngày mới” (A New Day) của nữ ca sĩ Celine Dion đã kéo dài tới 5 năm với số buổi biểu diễn lên tới 717 suất tại nhà hát Caesar’s Palace (Las Vegas). Thời gian biểu diễn trung bình của các vở musical tại khu Broadway (New York) trên dưới 10 năm. Thời gian sống của các show kéo dài tới mức nhà đầu tư có thể bỏ ra khoản tiền khổng lồ để thiết kế riêng cho mỗi chương trình tại một nhà hát. Tất nhiên có rất nhiều điều “khủng khiếp” trong giới showbiz Mỹ để có thể tạo nên các “bom tấn” giải trí ấy. Nhưng, chắc chắn có một điều ngược lại 180 độ với showbiz ở ta, là các chương trình biểu diễn kiểu này ở Mỹ không bao giờ có chuyện “free”, kể cả hình ảnh đến tờ giới thiệu chương trình! Tất cả đều phải trả tiền, và phải chịu sự kiểm soát của nhà tổ chức. Bạn sẽ không được phép chụp hình trong nhà hát, ngay cả khi chương trình đã kết thúc và chỉ là chụp một bức hình lưu niệm. Muốn có hình ảnh của chương trình, bạn phải mua (nó thường được bán ngay bên ngoài nhà hát, khi chương trình kết thúc). Không chỉ với các chương trình biểu diễn mà ngay tại các bảo tàng nghệ thuật, những bộ sưu tập quý hiếm nhà tổ chức muốn giữ cho nó sự đặc biệt thì bạn cũng không được phép chụp hình, mà phải bỏ tiền mua sách và băng video, với giá khá đắt.
Với những người quen nghệ thuật “free”, lần đầu tiếp xúc với kiểu nghệ thuật tính tiền kiểu Âu Mỹ như thế này đêçu khó chịu, bực mình. Nhưng sau tất cả, thì hiểu được cái cách người ta giữ giá cho nghệ thuật. Giá vé thưởng thức nghệ thuật live, các liveshow ca nhạc hoặc vở diễn ở Mỹ, Anh, Pháp… đều thuộc loại đắt đỏ. Diễn hàng trăm suất mà giá vé vẫn luôn ngất ngưởng trên dưới 100 USD là chuyện bình thường. Có thể đưa ra một so sánh thế này: Giá vé xem “Phantom of the Opera” tại New York từ 102 đến 182 USD/vé, tại Las Vegas từ 108 đến 160 USD/vé, trong khi một đôi giày hàng hiệu hạ giá có khi chỉ… 20 USD! Đủ để thấy “giá trị của nghệ thuật” ở nơi kinh doanh nghệ thuật là như thế nào! Và cũng cần nói thêm, kinh doanh chính là con đường tái đầu tư cho nghệ thuật. Các show diễn của Las Vegas thu bộn tiền, đồng nghĩa với việc khán giả ngày càng được mãn nhãn với các show diễn tiếp theo. Showbiz không kinh doanh, ngược lại, là một kiểu tự ăn thịt mình, tự chặt con đường tái đầu tư.
Tệ đi để tốt hơn?
Thời gian này chắc chắn khó khăn, nhưng tình hình sẽ tốt hơn khi giảm bớt các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp và các show miễn phí của nhà tài trợ – một ca sĩ đang “sống chính” bằng việc hát event khẳng định. Mục tiêu của cô vẫn là xuất hiện trong các liveshow thực thụ, nhưng lâu nay chấp nhận hát event (nhưng cố gắng không nhận xuất hiện miễn phí trên truyền hình) vì không còn lựa chọn nào khác. Một số ngôi sao, mới nhất là Mỹ Tâm, đã tuyên bố rút dần khỏi các phòng trà ca nhạc, cũng như trước đó đã rất hạn chế “lên” truyền hình để giữ giá hình ảnh và giọng hát. Bươn chải nhiều năm trong vòng xoáy showbiz, có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài, họ đã nhận ra con đường tất yếu của một nền showbiz là phải sống bằng chính mình, không thể tầm gửi mãi.