Bom tấn siêu anh hùng mới nhất của nhà DC đang nhận được cơn mưa lời khen từ khán giả quốc tế cũng như giới chuyên môn.
“Shazam!” là bộ phim siêu anh hùng thứ 7 của hãng DC, tiếp nối các bom tấn có phong độ thất thường trước đó như “Man of Steel” (2013), “Batman v. Superman: Dawn of Justice” (2016), “Wonder Woman” (2017) và “Aquaman” (2018). Với nội dung hài hước, xoay quanh một cậu bé 14 tuổi tình cờ được trao siêu năng lực, trở thành anh hùng mang hình hài người lớn, bộ phim đánh dấu một bước chuyển rõ ràng của hãng DC: từ đen tối, nặng nề tới vui tươi, trẻ trung, nhiều màu sắc hơn.
Captain Marvel của DC
Trước khi bộ phim ra mắt, nhiều người hâm mộ DC đã tỏ ra bất an khi thấy khâu quảng bá của “Shazam!” tậm tịt hơn hẳn so với các phim cùng thời điểm. Dù đã tung trailer đầu tiên từ khá sớm – vào tháng 7 năm ngoái, nhưng phải mất cả nửa năm sau, hãng phim mới chịu tung một đoạn teaser ngắn tiếp theo. Riêng trailer chính thức thứ hai thì chỉ được tung ra một tháng trước ngày “Shazam!” ra rạp.
Chưa hết, bộ phim còn ra mắt ngay giữa hàng loạt phim siêu anh hùng nặng kí khác gồm “Captain Marvel“, “Hellboy“, “Avengers: End Game“. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Shazam vốn là nhân vật truyện tranh có thâm niên lâu đời. Tuy nhiên, suốt hàng chục năm đầu tiên sau khi ra mắt, siêu anh hùng này được biết đến với một cái tên hoàn toàn khác chính là… Captain Marvel. Sau này, vì tranh chấp mà hãng DC đã để mất bản quyền cái tên này cho hãng Marvel đối thủ, khiến nhân vật buộc phải sử dụng tên mới là Shazam. Vậy nên, bản thân cái tên này chưa chắc đã có sức nặng đối với đại chúng Mỹ như những đồng đội Batman, Superman, Wonder Woman.
Song trái với sự thấp thỏm lo lắng của người hâm mộ, hãng DC và nhà sản xuất “Shazam!” vẫn tự tin vào sức hút bom tấn của mình. Và sự bình tĩnh của họ đã được chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Hiện tại, dù vẫn chưa chính thức ra mắt tại quê nhà – nước Mỹ – “Shazam!” đã nhận được một cơn mưa lời khen ngợi từ giới phê bình. Trên chuyên trang Rotten Tomatoes, từng nổi tiếng với những lần chê bai phim của DC, cũng đã đánh giá “Shazam!” ở mức 93%, cao hơn cả đối thủ “Captain Marvel” của Marvel Studios (78%).
Giảm kỹ xảo, đầu tư vào câu chuyện: thành công không ăn may
Hiệu ứng tích cực này chắc chắn sẽ giúp “Shazam!” trở thành bộ phim được nhiều người tìm xem trong những tuần sắp tới trên khắp thế giới. Đối với hãng DC, họ dường như cầm chắc phần thắng đối với bom tấn này. Thứ nhất, “Shazam!” có kinh phí sản xuất thấp hơn hẳn các bom tấn trước của DC. Để làm ra bộ phim, DC chỉ chi ra khoảng 80 – 100 triệu USD, một con số rất khiêm tốn so với “Wonder Woman” (120 – 150 triệu USD) hay “Aquaman” (160 – 200 USD).
Điều này giúp Shazam chịu ít áp lực về doanh thu hơn nhiều bộ phim trước đây của DC. Thay vì 800 triệu tới trên 1 tỷ USD như trước, thì “Shazam!” chỉ cần thu về khoảng 350 triệu USD là quá đủ cho nhà sản xuất lời lãi. Đây là một mốc rất dễ vượt qua, trong bối cảnh bộ phim đang được khen ngợi không ngớt như hiện nay.
Không chỉ là bước ngoặt của vũ trụ mở rộng DC về khoản hài hước, tươi sáng; mà “Shazam!” cũng là tín hiệu tích cực cho làn sóng thay đổi mới của hãng. Trước đây, các bộ phim DC luôn thiên về xây dựng các cảnh phim hành động mãn nhãn, cùng kỹ xảo hoành tráng, đẹp mắt. Và kết quả, chúng ta có những “Justice League” (2017) hay “Suicide Squad” (2016). Đối với “Shazam!“, bộ phim vẫn có những cảnh hành động, nhưng chúng ít phức tạp và cầu kỳ hơn nhiều.
Thay vì vung tiền vào những thước phim tràn ngập hiệu ứng CGI, DC đã chuyển sang đầu tư kỹ về kịch bản, nội dung. Điều này vừa giảm bớt kinh phí sản xuất, vừa có lợi hơn cho bộ phim khi ra rạp. Vào tháng 10 tới, bộ phim tiếp theo của DC xoay quanh ác nhân khét tiếng Joker cũng sẽ thiên về thể loại hình sự, tội phạm, với kinh phí vỏn vẹn 60 triệu USD, thay vì nặng tính hành động bom tấn cùng kinh phí ngất ngưởng như trước.
Tuy khởi đầu không mấy suôn sẻ khi lần lượt “Batman v Superman“, “Suicide Squad“, rồi “Justice League” bị đánh giá thấp, nhưng với thành công của “Wonder Woman”, “Aquaman” trước đây và giờ là “Shazam!“, DC đã lấy lại phong độ gần như hoàn toàn. Thực tế đã chứng minh hướng đi đúng của DC chính là xây dựng tốt các bộ phim đơn lẻ của từng siêu anh hùng, đầu tư nhiều hơn về nội dung, trước khi trở lại với các bộ phim tập hợp nhiều siêu anh hùng cùng lúc.