Shark Thái Vân Linh: “Tôi không phiền khi được gọi là người đàn bà thép”

Không cố gắng khẳng định sự nữ tính, “nữ cá mập” quyền lực của chương trình khởi nghiệp “Shark Tank Việt Nam” thoải mái khi được ví là người đàn bà thép, thứ kim loại cứng cỏi nhưng vẫn có đủ độ uyển chuyển, mềm mại lúc cần thiết.

Cho bạn đời cơ hội được là chính mình

Người ta thường nói “vợ chồng bằng tuổi, nằm duỗi mà ăn”, chị có thấy mình “nằm duỗi” ở điểm nào chưa?

Chắc là “nằm duỗi” ở tư tưởng. Chúng tôi không cần tranh đấu quá nhiều về quan điểm sống. Tôi không tin vào quy luật những người khác nhau sẽ thu hút nhau, bởi ở những chủ đề cốt lõi như nuôi dạy con cái, tôn giáo, tiền bạc, vợ chồng tôi đều có cùng quan điểm.

Đã quen với các chiến lược kinh doanh, vợ chồng chị có “chiến lược” nào để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc?

THÁI VÂN LINH
• Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh tổng hợp tại Đại học Nam California, Mỹ
• Từng là Giám đốc Chiến lược và Vận hành của tập đoàn VinaCapital
• Một trong bốn nhà đầu tư chính của chương trình truyền hình thực tế “Shark Tank Việt Nam” mùa 1 và mùa 2
• Hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Vingroup Ventures

Chìa khóa cho một cuộc hôn nhân bền chặt là đảm bảo rằng bạn hạnh phúc. Để trở thành một người bạn đời tốt, trước tiên bạn phải được thỏa mãn với cuộc sống của chính mình. Chúng ta luôn mang năng lượng tích cực hoặc tiêu cực của riêng mình vào mối quan hệ vợ chồng. Vì vậy, tôi phải luôn đảm bảo mình đang làm những điều khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, để chỉ mang những điều tương tự đến cho chồng mình, cho dù đó là sự nghiệp hay đơn giản như một ngày để thư giãn.

Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tôi sẽ làm mọi thứ mình muốn. Một điều thực sự quan trọng khác mà một cuộc hôn nhân hạnh phúc phải có là giao tiếp. Tôi luôn thảo luận mọi thứ với ông xã. Nếu cả hai không thống nhất được ý kiến, chúng tôi sẽ cố gắng hiểu quan điểm của người kia, cân nhắc những ưu và nhược điểm nếu áp dụng suy nghĩ của từng người và sau đó đi đến quyết định cùng nhau.

Bình đẳng có lẽ là điều mà hai người luôn hướng đến?

Đúng vậy. Chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến đối phương và cùng nhau đưa ra những quyết định quan trọng trong gia đình. Tuy nhiên, nếu muốn có được sự tôn trọng, chúng ta phải chứng minh rằng mình đáng được tôn trọng. Kỳ vọng cao về những gì đối phương mang lại cho cuộc hôn nhân, đồng nghĩa với việc bản thân phải luôn cần mẫn để có thể đạt được kỳ vọng mà họ đặt lên mình. Ví dụ như chia sẻ công việc nhà, cung cấp tài chính cho gia đình. Tôi nghĩ rằng cuộc hôn nhân của mình luôn hạnh phúc bởi cả hai chúng tôi đều hiểu điều đó.

Ngoài ra, chúng tôi không bao giờ nhắc đến hai từ ly dị. Hôn nhân là một điều rất linh thiêng, không cần biết bạn đang tức giận như thế nào, bạn không bao giờ được phép nói ra từ đó một cách thiếu suy nghĩ.

Bài học quý giá nhất mà chị học được từ chồng mình là gì?

Ông xã đã dạy tôi hiểu một người bạn đời thật sự là người có thể làm cho bạn tin vào chính mình, là chính mình, và bất kể ở hoàn cảnh xấu như thế nào, họ sẽ giúp bạn tìm ra được một điểm tốt đẹp. Mỗi khi tôi phạm sai lầm, cách thể hiện của anh ấy khiến tôi cảm thấy mình luôn được hỗ trợ và yêu thương. Chồng tôi hiểu tôi là người rất nghiêm khắc với bản thân, anh ấy biết rằng điều tôi cần nhất là một người cổ vũ và sẵn sàng bên cạnh giúp đỡ khi tôi vấp ngã.

Con trẻ dạy cha mẹ ý nghĩa cuộc sống

Chị có thoải mái khi người ta gọi mình là “người đàn bà thép”?

Khi nghĩ đến thép, người ta thường nghĩ về một thứ gì đó cứng và lạnh. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng thép cũng rất dễ uốn theo nhiều kiểu dáng đẹp, dễ sử dụng và có thể được dùng trong nhiều loại công trình khác nhau.

Vậy nên tôi không ngại khi được gọi là người đàn bà thép đâu. Tôi biết mình là một người mạnh mẽ và độc lập, mặt khác, tôi vẫn luôn sẵn sàng thảo luận về tất cả các chủ đề và quan điểm khác nhau. Một trong những câu nói yêu thích của tôi là: “Mình không biết những gì mình không biết”. Tôi cố gắng ghi nhớ điều này để bất cứ khi nào không đồng ý với ai đó, tôi sẽ kiên nhẫn lắng nghe tất cả các quan điểm vì không muốn bỏ lỡ cơ hội học hỏi từ những người xung quanh. Nếu ai đó có thể trình bày một cách logic các ý kiến của họ, tôi sẵn sàng thử luôn phương pháp ấy.

Dù có mềm dẻo, linh hoạt như thép, chị vẫn cần một thời gian biểu cụ thể để cân bằng giữa công việc và gia đình chứ?

Đúng thế. Khi tôi biết con đầu lòng của mình là một bé gái, tôi đã muốn mình phải là hình mẫu tốt nhất cho con. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là phải duy trì sự nghiệp song song với việc đảm bảo rằng bé sẽ nhận được tình yêu thương để phát triển thành một người phụ nữ tự tin và độc lập.

Nói về sự cân bằng, mọi người thường chỉ nghĩ đến hai thang đo là công việc và cuộc sống, nhưng đối với một người mẹ, nó được xét trên ba thang đo: công việc, cuộc sống gia đình và cuộc sống cá nhân. Lúc còn độc thân, thời gian cá nhân của tôi là những khi không ở công ty. Bây giờ, tôi phải tận dụng tối đa nếu muốn có thời gian cho bản thân, gia đình và công việc.

Ví dụ, tôi cố gắng thức dậy lúc 5 giờ sáng để có một tiếng đồng hồ đọc sách hoặc tập yoga. Một tiếng sau đó, tôi có thể chơi với con gái và giúp bé chuẩn bị sẵn sàng đến trường rồi đi làm. Khi đi làm về, tôi phải đảm bảo mọi người trong gia đình tắm, ăn, chơi và ngủ đúng giờ để có thể làm việc thêm một chút. Và để sau đó, tôi có thể xem các chương trình giải trí trên điện thoại rồi nghỉ ngơi đúng lịch trình.

Phương pháp dạy con của vợ chồng chị là gì? Có một thỏa thuận đặc biệt nào giữa bố mẹ và con gái?

Vợ chồng tôi hy vọng các con mình sẽ là người có suy nghĩ độc lập. Tuy nhiên, bọn trẻ còn nhỏ nên vẫn cần rất nhiều sự chỉ bảo. Thay vì ép buộc, tôi đưa ra cho con nhiều lựa chọn mà tôi có thể chấp nhận được. Ví dụ, thay vì: “Bây giờ chúng ta sẽ đi tắm”, tôi sẽ hỏi: “Hôm nay con muốn tắm với chiếc thuyền hay bạn vịt?”, hoặc với những món con trẻ thường ít hứng thú như rau thì: “Con muốn ăn rau cải trước hay sau khi ăn cơm?”.

Làm cha mẹ luôn là một hành trình thú vị. Chị nhớ nhất điều gì từ hành trình ấy?

Tôi hay nói với mọi người rằng: “Trong khi chúng ta cố gắng dạy bọn trẻ tất cả về cuộc sống, bọn trẻ lại dạy chúng ta ý nghĩa cuộc sống”. Ví như câu nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, tôi đã không hiểu cụm từ này cho đến khi nhìn vào đôi mắt của con mình. Các con luôn nhìn tôi bằng ánh mắt hồn nhiên và hoàn toàn tin tưởng, cùng rất nhiều sự ngạc nhiên và tò mò. Mọi thứ đều mới mẻ và hấp dẫn với bọn trẻ. Chúng nhắc nhở tôi phải luôn tìm kiếm những thử thách mới, những thứ khiến tôi ngạc nhiên. Bởi đó là cách duy nhất giúp tôi có thể tiếp tục phát triển.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

10s Q & A

Đâu là tính cách của người khác mà chị ghét nhất?
Quá quan tâm đến chi tiết.

Câu nói chị thường tự động viên mình mỗi khi mệt mỏi?
Cứ tiếp tục bước, tiếp tục bước.

Người chị biết ơn nhất?
Mẹ. Nếu mẹ không đủ dũng cảm bước lên con tàu sang Mỹ định cư thì đã không có Linh ngày hôm nay.

Tính cách mà chị mong muốn hai cô con gái của mình có được?
Lạc quan, đây là cốt lõi của sự tự tin và chăm chỉ.


From the same category