Shangri La: Miền hạnh phúc vĩnh viễn

Năm 1933, nhà văn James Hilton ra mắt tác phẩm “Đường chân trời đã mất” kể về một vùng đất bí ẩn có tên gọi Shangri La, nơi hạnh phúc được lấy làm thước đo chuẩn mực của cuộc sống. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, người ta tuyên bố đã tìm ra Shangri La nguyên bản. Đó chính là các châu tự trị của dân tộc Tạng nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc, một trong số đó là Cam Tư thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Cơn mưa tuyết như một màn tiễn biệt vào buổi sáng chúng tôi rời Tân Đô Kiều

Cơn mưa tuyết đầu mùa

Cách Khang Định – thủ phủ của Cam Tư khoảng 70km về phía Tây, Tân Đô Kiều là một thị trấn nhỏ của người Tạng du mục. Thời điểm chúng tôi đến đây, thị trấn này vừa mới trải qua giai đoạn đẹp nhất của mùa thu. Những hàng cây từng nhuộm vàng mọi cung đường hai tuần trước nay chỉ còn lác đác những tầng lá sắp tàn. Hầu hết các ngôi nhà ở đây đều làm bằng đá sơn ba màu đỏ, đen, trắng tượng trưng cho mùa màng và thịnh vượng.

Từ một ngọn đồi có thể ngắm nhìn cả Tân Đô Kiều
Bữa ăn sáng với bánh ngô, trứng và cháo củ cải đỏ ở Đan Ba
Mâm cơm gồm xúc xích bò Yak, rau xào, bò hầm củ cải đỏ và ớt chuông xanh xào với thịt mà chúng tôi được chủ nhà thết đãi
Một dòng sông ở thôn Gia Du mà tôi chưa kịp nhớ tên

Một buổi tối ở Tân Đô Kiều, tôi có dịp trò chuyện cùng cô chủ một quán ăn ở trung tâm thị trấn, trong ngôi nhà treo rất nhiều cờ Lungta, tranh ảnh của các vị thần, hoa và pháp cụ tu tập của người Tạng. Là một phật tử Mật Tông có thói quen đi viếng tu viện mỗi sáng, cô kể, phật giáo Tạng luôn hướng con người đến cuộc sống tối giản. Dù giao thông và chất lượng đời sống nơi này đã phát triển hơn trước, hầu hết thực phẩm đều do người dân tự sản xuất, từ rau củ, nguồn thịt, sữa bò Yak. Những ngôi nhà của người Tạng được đắp bằng bùn và phân bò đơn sơ mà vững chãi. Mỗi ngày trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều người tay cầm chuỗi hạt, tay còn lại không ngừng xoay chuyển kinh luân để cầu nguyện. Ai đó đã nói: “Ở Shangri La không có hóa học, chỉ có tâm lý học”. Trên mảnh đất này, học thức không quá quan trọng, thứ được đề cao là tình yêu, hạnh phúc, sự tôn trọng và mối gắn kết thiêng liêng giữa con người với con người.

Tân Đô Kiều tiễn chúng tôi bằng một cơn mưa tuyết từ sáng sớm. Sắc vàng nhanh chóng bị vùi lấp dưới lớp tuyết trắng mỗi lúc một dày. Lúc này đang là mùa thu, tuyết rơi bất ngờ, nhiệt độ giảm xuống -2 độ C khiến chúng tôi lạnh cóng. Ghé tạm một cửa hàng quần áo ở ngoại ô, chúng tôi được dịp mua sắm phủ phê mà không cần nhìn giá bởi một chiếc áo ấm dày nhất, đắt nhất ở đây cũng chỉ 100 tệ (tương đương 330.000VND).

Ngôi làng có phụ nữ đẹp nhất Trung Quốc

Đêm cuối cùng ở Tân Đô Kiều, một thành viên trong nhóm xòe chiếc bản đồ Tứ Xuyên, chỉ cho cả lũ xem biểu tượng du lịch của Đan Ba: hình nét mặt nghiêng của một cô gái. Đan Ba được mệnh danh là ngôi làng có phụ nữ đẹp nhất Trung Quốc. Tò mò được kiểm chứng điều này, chúng tôi quyết định Đan Ba sẽ là điểm đến tiếp theo.

Bà lão người Đan Ba bán hoa quả ở cổng làng

Nằm ở độ cao khoảng 1.700m trên mặt nước biển, huyện nhỏ Đan Ba có phần lớn cư dân là người Tạng Trung Lộ. Từ trung tâm Đan Ba, chúng tôi đi thêm khoảng 6km tới thôn Gia Du về homestay. Những ngôi nhà nằm rải rác trên triền núi dốc đứng, lẩn khuất dưới những tán cây xanh rì, hướng mặt về vách núi đối diện cao hun hút. Phía dưới, dòng sông xanh nhẹ nhàng vắt qua như một tấm lụa mỏng.

Trang phục truyền thống của các cô gái Đan Ba

Chủ homestay tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu, mời cả bọn thật nhiều quả óc chó – một trong những loại thực phẩm chính của vùng này. Gia Du có rất nhiều món ngon, ngoài óc chó là trái cây và thịt nướng. Mỗi ngày của chúng tôi trôi qua với những màn đi hái lê và táo dại mà chẳng sợ ai cấm cản. Chúng tôi sống như những thành viên thực sự của một gia đình người Tạng, ăn cơm cùng họ và giúp chủ nhà làm những việc vặt. Họ kể, khi Đan Ba chưa được nhiều người biết đến, một đoàn làm phim đã chọn ngôi làng này làm bối cảnh. Sau khi phim được phát sóng, hình ảnh những cô gái Đan Ba với vẻ đẹp mộc mạc được lan truyền rộng rãi, du lịch Đan Ba từ đó đã phát triển hơn.

Quốc Bảo Trung Hoa

Cầu bắc qua sông Cẩm, phía trước là khách sạn Shangri La 5 sao

Tôi thật sự thích cái không khí vui tươi, náo nhiệt nhưng lại không quá xô bồ của Thành Đô. Nếu Bắc Kinh, Thượng Hải mang đến cảm giác ngột ngạt giữa quá nhiều khối xám bê tông của các tòa nhà cao tầng thì Thành Đô lại có rất nhiều khoảng không xanh mát cùng sự hiện diện khắp nơi của lực lượng bảo an. Nơi này được bình chọn là thành phố đáng sống thứ hai ở Trung Quốc.

Nhiều người nói, một nửa lý do khiến khách du lịch chọn ghé thăm Thành Đô là vì “quốc bảo sống” ở nơi này: những chú gấu trúc ở khu bảo tồn gấu trúc Thành Đô. Với diện tích hơn 527 hecta, khu bảo tồn được chia thành nhiều khu vực nhỏ như khu gấu trúc mới sinh, khu gấu trúc 1-2 năm tuổi và các khu gấu trúc có tuổi đời lớn hơn bên cạnh khu nuôi dưỡng thiên nga đen. Sau giờ ăn sáng (khoảng 7-9 giờ), gấu trúc sẽ hoạt động năng nổ nhất. Chúng thích cầm cây tre chọc phá đồng loại, đùa giỡn nhân viên chăm sóc hay bò khắp chuồng với bộ dạng ục ịch khiến du khách bật cười.

Đền Vũ Hầu
Quảng trường Thiên Phủ, một trong những biểu tượng của Thành Đô
Hai bên bờ sông Cẩm ở Thành Đô luôn nhộn nhịp mỗi khi đêm xuống
Phố cổ Cẩm Lý vào ban đêm

Từng là thủ đô của Thục Hán, Thành Đô vẫn còn nhiều nét văn hóa và kiến trúc chịu ảnh hưởng của thời Tam Quốc. Tiêu biểu nhất là khu đền thờ Vũ Hầu, người có công khai phá và đặt nền móng phát triển cho Thành Đô. Khu đền này có niên đại khoảng 350 năm sau khi được trùng tu từ bản gốc bị cháy vào năm 1644, là một quần thể gồm Hán Chiêu Liệt miếu, đền Huệ Lăng và Vũ Hầu. Đêm về, cả khu phố Cẩm Lý bên cạnh đền được thắp sáng bởi những chiếc đèn lồng đỏ treo cao. Được xây dựng từ thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên), khu phố này chỉ dài 350m nhưng lúc nào cũng đông vui và náo nhiệt với những gian hàng bán đồ lưu niệm, mặt nạ hay ẩm thực Tứ Xuyên hấp dẫn. Dẫu hơi kỳ quặc, tôi nghĩ sẽ có nhiều người muốn trải nghiệm dịch vụ… lấy ráy tai ở đây. Họ sử dụng phương pháp âm thoa: bằng cách rung các dụng cụ vệ sinh tai khiến cho màng nhĩ lay động, những người thợ có thể vệ sinh tai cho khách thật dễ dàng.

Chuyến du ngoạn trên con phố cổ của chúng tôi kết thúc bằng màn trình diễn nghệ thuật Biến Diện, để giọng hát cao vút đặc trưng của những nghệ sĩ tài ba là một trong những món quà đặc biệt tôi mang về sau hành trình 12 ngày đêm trên đất Tứ Xuyên. Shangri La trong tiếng Phạn có nghĩa là chốn nghỉ bình yên, nơi tiền bạc, vật chất hoàn toàn là phù du, cũng là nơi chỉ có thể nhìn thấy được bởi những con người có tâm trí trong sạch và tin vào nghiệp báo.

Không thể không thử món lẩu Tứ Xuyên trứ danh khi đến Thành Đô
Gấu trúc ở Khu bảo tồn gấu trúc Thành Đô
Những chiếc túi vải được treo đầy trong khuôn viên Vũ Hầu Tự để cầu phúc

Tips

• Nếu đi vào mùa lạnh, bạn nên chuẩn bị kính mát, kem chống nắng, son dưỡng môi.

• Bạn phải trả khoảng 60 tệ cho phí tham quan Khu bảo tồn gấu trúc Thành Đô.

• Hẻm Rộng Hẻm Hẹp và khu phố Xuân Hy gần phố Cẩm Lý có rất nhiều mặt hàng lưu niệm, thời trang, mỹ phẩm cùng các quán cà phê sân vườn đẹp mắt.

• Nếu không muốn cầm nhiều tiền mặt, bạn có thể mang thẻ UnionPay. Thẻ này được chấp nhận thanh toán ở hầu hết các cửa hàng tại Trung Quốc.


From the same category