“Shang Chi”: Bàn đạp cho công lý và tính đại diện của dòng phim siêu anh hùng gốc Á ở Hollywood

Tuy không được Marvel tập trung quảng bá lại ra mắt vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành, nhưng “Shang Chi” (tên đầy đủ: “Shang Chi and the Legend of the Ten Rings” – Shang Chi và Huyền thoại Hội Thập Nhẫn) lại có cú lội ngược dòng ngoạn mục không chỉ về mặt doanh thu, mà còn cả sức ảnh hưởng của nó đến dòng phim siêu anh hùng với nhân vật chính là người gốc Á trên toàn cầu. 

Với sự tham gia của hàng loạt ngôi sao người Mỹ gốc Á và châu Á như Lưu Tư Mộ (vai Thượng Khí), Lương Triều Vỹ (vai Văn Vũ/The Mandarin), Awkwafina (vai Katy), Trần Pháp Lai (vai Ánh Lệ), Dương Tử Quỳnh (vai Ánh Nam), Trương Manh (vai Hạ Linh)… dự án đánh dấu một chương mới thú vị trong lịch sử của Marvel, đồng thời bày tỏ sự tôn trọng với những bộ phim kung fu đã ảnh hưởng đến phim hành động của điện ảnh phương Tây trong hàng thập kỷ.

Cốt truyện của “Shang Chi” không dài lê thê, xoay quanh về nguồn gốc của siêu anh hùng Thượng Khí. Anh được nuôi dạy để trở thành một sát thủ hoàn hảo và thấm nhuần triết lý của phương Đông. Nhưng sau đó phát hiện ra rằng tất cả những điều đó là để phục vụ cho người cha độc ác của mình, anh đã nổi dậy chống lại điều đó.

Kỷ lục doanh thu được xem là một loại “công lý” tại Hollywood

Ra mắt từ ngày 3/9 tại phòng vé Bắc Mỹ giữa lúc tình hình dịch Covid-19 vẫn là mối lo hàng đầu, “Shang Chi” của nhà làm phim Destin Daniel Cretton đã mang về tổng doanh thu nội địa trong 3 ngày là 75.5 triệu đô la từ 4.300 địa điểm, trở thành bộ phim có doanh thu mở màn nội địa lớn thứ 2 trong năm, sau “Black Widow” (Góa phụ đen) với 80.3 triệu đô la vào tháng 7. Doanh thu toàn cầu của phim (tại các thị trường khác như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil và Mexico) ước tính là 127.6 triệu đô la. Bộ phim dán nhãn PG-13 cũng đã nhận được những đánh giá tích cực, điểm A từ Cinemascore, điểm số 92% từ các nhà phê bình và 98% từ khán giả trên chuyên trang Rotten Tomatoes,…

Sau 4 ngày tính cả kỳ nghỉ Lễ Lao động (nhằm ngày 6/9), doanh thu của “Shang Chi” ước tính khoảng 90 triệu đô la. Bên cạnh đó, chỉ có 4 phim khác trong lịch sử có kỳ nghỉ Lễ Lao động kéo dài 4 ngày đạt doanh thu hơn 100 triệu đô la, dẫn đầu là “Halloween”, “The Butler”, “Guardians of the Galaxy” và “The Possession”. Con số 90 triệu đô la có thể thấp hơn một chút so với mức trung bình của những bộ phim khác, nhưng đây là một thành tích đáng khen ngợi với  “Shang Chi”.

Tính đến thời điểm hiện tại, “Shang Chi” là một chiến thắng cho trải nghiệm điện ảnh tại thời điểm mà biến thể delta tiếp tục cản trở lượng người đến rạp phim. Doanh thu phòng vé khổng lồ của “Shang Chi” cũng có thể được hiểu rằng những câu chuyện của người Mỹ gốc Á đáng để đầu tư, khán giả muốn thấy những gương mặt người Mỹ gốc Á trên màn ảnh rộng và rằng các siêu anh hùng người Mỹ gốc Á cũng có giá trị như người da trắng của họ.

Mặt khác, thành công của “Shang Chi” được xem là một loại công lý vì Hollywood hiếm khi dành chỗ cho các bom tấn kinh phí lớn, mà trong đó người châu Á, da màu, Latin, phụ nữ và đồng tính là những anh hùng trong câu chuyện của riêng họ.

Tính đại diện cho bản sắc châu Á 

Sau thành công của “Black Panther” (2018), Marvel Studios đã tiến thêm một bước nữa để hướng tới sự toàn diện và thể hiện đa dạng văn hóa với bom tấn “Shang Chi”. “Black Panther” đã chứng kiến ​​thành công đột phá về mặt thương mại và nội dung, khi giới phê bình và người hâm mộ ca ngợi bộ phim đại diện cho văn hóa người da màu.

“Shang Chi” là một bộ phim siêu anh hùng lấy chủ đề về sự đồng hóa và bản sắc. Chủ nghĩa anh hùng không đến với Thượng Khí một cách tự nhiên như những gì đã xảy ra với Steve Rogers (hay còn gọi là Captain America), hay Tony Stark (hay còn gọi là Iron Man). Mặc dù có nguồn sức mạnh to lớn tương tự như Thor, nhưng không có nghĩa là Thượng Khí cho rằng số phận mình buộc chặt với nó. Trở thành anh hùng là một khái niệm xa lạ với Thượng Khí và với bất kỳ ai trong chúng ta.

Trong vòng 15 phút đầu tiên, bạn có thể thấy con đường anh trở thành một Avenger là đi kèm với việc tìm kiếm chính mình, tìm ra điều gì khiến anh ta cảm thấy có ý nghĩa, sau đó mới quyết định xem anh ấy muốn trở thành người như thế nào, loại anh hùng nào. Vì vậy, Văn Vũ không thể hiểu được tại sao con trai của ông lại trốn tránh tất cả quyền lực thống trị thế giới mà ông đã tạo ra? Tại sao lại hành động như một người mà bạn không phải như vậy? Tại sao không tìm kiếm nhiều quyền lực hơn nữa, thay vì mãn nguyện với một cuộc sống của một thường dân?

Nói về việc làm sao để thể hiện tính đại diện của châu Á trong các bộ phim, Tư Mộ chia sẻ rằng giao tiếp cởi mở với các nhà biên kịch và nhà sản xuất là “tất cả những gì cần làm”, để đảm bảo tính chân thực của một bộ phim thấm đẫm văn hóa của người Mỹ gốc Á và châu Á. “Bạn đã có một dàn diễn viên tuyệt vời và những đạo diễn, biên kịch vô cùng tài năng có thể đóng góp ý kiến và thảo luận về mọi thứ. Nếu bạn muốn hãy cho họ cơ hội, và tôi nghĩ trong bộ phim này, chúng tôi hoàn toàn tận dụng được cơ hội đó.” – ngôi sao “Shang Chi” giải thích thêm.

Theo đó, đạo diễn Destin Daniel Cretton cho biết ý kiến ​​đóng góp từ các diễn viên đã giúp hình thành nhân vật của họ chân thật hơn rất nhiều. Cụ thể, từ sự khác biệt trong lời thoại, bộ phim tạo ra sự khác biệt giữa các nhân vật người châu Á và người Mỹ gốc Á. “Việc một diễn viên có thể vừa hòa mình vào văn hóa phương Tây vừa giữ được bản sắc của văn hóa Trung Quốc là vô cùng quan trọng.” – Destin Daniel cho hay.

Marvel trước đây đã bị chỉ trích vì cách hãng phim xử lý các nhân vật và cốt truyện châu Á, khi chọn Tilda Swinton, một nữ diễn viên da trắng vào vai The Ancient One trong “Doctor Strange” (2016). Trong khi ở tài liệu gốc, nhân vật này là một người đàn ông Tây Tạng và đây được xem là một ví dụ khác về việc Hollywood “white-washing” (sử dụng diễn viên, người mẫu hoặc người biểu diễn da trắng cho các nhân vật châu Á). Chủ tịch Marvel Studios – Kevin Feige đã thừa nhận sai lầm trầm trọng của mình, rằng khi nhìn lại, ông rất hối hận về quyết định này. “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi quá thông minh và quá tiên tiến.” – Kevin bộc bạch.

Một trường hợp khác cũng thành công thể hiện tính đại diện của mình đó là series “Sex Education”. Với cái nhìn thấu đáo về sắc tộc và giới tính, loạt phim này đã đánh bật những khuôn mẫu hời hợt trước đó. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mô tả của Hollywood về người Mỹ gốc Á thật sự có nhiều thiếu sót trầm trọng và có phần lệch lạc, khi hầu hết các nhân vật đều được mô tả rập khuôn “im lặng, biệt lập, mọt sách, trăng hoa và phản diện.” Từ “Shang Chi” đến “Sex Education” đều thể hiện tính đại diện của mình khi kể câu chuyện sát sườn thực tế cho cộng đồng (lẫn một khái niệm) mà họ đang hướng đến, đó là: người có siêu năng lực vẫn có thể không chắc về việc cứu thế giới, và người đồng tính thì luôn bóng bẩy, điệu đà.


From the same category