Shalimar – Nơi trú ngụ của ái tình

Nước hoa mùa thu

Christian Dior nói: “Nước hoa của một người phụ nữ nói về cô ấy nhiều hơn chữ viết tay của chính nàng”. Mặt khác, chính người phụ nữ chủ động miêu tả và biểu lộ tâm tư của mình qua mùi hương mà cô chọn mỗi buổi sáng. Chính vì vậy, thay vì những mùi hương mô phỏng đơn giản ban đầu, nước hoa ngày nay là một thế giới đa dạng và phức tạp, với hàng ngàn mùi hương, dành cho các lứa tuổi, tính cách, và cả khoảnh khắc thời gian khác nhau. Không khí dịu mát và khung cảnh lãng mạn của mùa thu là lúc người ta tìm tới những dòng nước hoa có mùi đậm hơn, nữ tính và quyến rũ hơn…

Trong dòng nước hoa Pháp Guerlain – một trong năm loại hương phẩm có ảnh hưởng lớn nhất và tồn tại lâu nhất với lịch sử ngót nghét gần một thế kỷ – Shalimar luôn được coi là biểu tượng kinh điển của hương mùa thu. Trong gần 100 năm, hình ảnh lọ nước hoa Shalimar với mùi hương nồng nàn gợi tình đã trở thành một huyền thoại.


 

Hình ảnh siêu mẫu Natalia Vodianova trong quảng cáo nước hoa Shalimar

Shalimar được tạo ra bởi Jacques Guerlain năm 1925, như một món quà vinh danh chuyện tình huyền thoại giữa Quốc vương Ấn Độ Shah Jahangir và Hoàng hậu Mumtaz Mahal. Trước khi xưng vương, tên ông là Hoàng tử Khurram. Theo giai thoại, Hoàng tử Khurram đã gặp một thiếu nữ trong một khu chợ. Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của nàng, hoàng tử đã đem lòng yêu nàng. Sau khi trở thành quốc vương, ông đã lấy nàng làm vợ, đổi tên thành Mumtaz Mahal. Tên hoàng hậu có nghĩa là “Châu báu của cung điện” trong tiếng Phạn.

Sau đám cưới, Vua và Hoàng hậu luôn sát cánh bên nhau như hình với bóng, trong thời chiến cũng như thời bình. Hoàng hậu sinh hạ 13 đứa con và đã qua đời trong lần lâm bồn thứ 14 ở tuổi 39. Nhà vua đau xót tột độ trước cái chết của người vợ và năm 1619, ông đã cho xây một khu vườn tuyệt đẹp mang tên Shalimar, nghĩa là “Nơi trú ngụ của ái tính”. Khu vườn này thuộc địa phận thành phố Lahore, Pakistan ngày nay.

 

Khu vườn Shalimar 

Một giai thoại khác lại kể rằng khu vườn đã được xây trước đó và cặp uyên ương đã dành nhiều năm tình tứ mặn nồng ở đó. Người ta đã mất 6 năm để hoàn thành kiệt tác này với hàng nghìn công nhân. Tagore đã miêu tả khu vườn như một “giọt nước mắt thống thiết và đơn côi trên gò má thời gian”. Và sau đó Vua Jahangir cho xây ngôi đền Taj Mahal lừng danh để tưởng nhớ đến người vợ và mối tình bất diệt của mình.

 

Shalimar – “nơi trú ngụ của ái tình” 

Giá trung bình của một lọ Shalimar 100ml điển hình là 165 euro. Đặc biệt có những lọ Limited Edition (chỉ sản xuất 10 chai) với nắp đính kim cương có giá lên đến 850 euro. Ra mắt lần đầu năm 1925, đến năm 1987, doanh số của nó tăng gấp đôi năm 1986. Hiện đây là một trong 10 nhãn hàng nước hoa bán chạy nhất hành tinh, bên cạnh Bijan, Joy, Tiffany, Diva, Opium, Caleche, Arpege, Chanel No.5 và I’voire.

Lịch sử rạng ngời

Ra mắt năm 1925 tại Paris sau 5 năm được pha chế, Shalimar đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa nhân loại, không chỉ bởi các chiến dịch quảng cáo hiệu quả của nhà Guerlain, mà còn bởi sự cám dỗ đến từ loại nước hoa kinh điển thượng thặng. Trong nhiều năm, nó được người tiêu dùng trên khắp thế giới bình chọn là một trong năm nhãn hiệu nước hoa được yêu thích nhất. Stamelman, tác giả của cuốn “Perfume: Joy, Obsession, Scandal, Sin”, gọi nó là “một trong năm loại hương phẩm vĩ đại nhất của thế kỷ 20.” Calkin và Jellinek thì miêu tả nó là “một trong những loại hương thơm vĩ đại và nghệ thuật nhất từng được làm ra” (cuốn “Perfumery: Practice and Principles”). Đối với xã hội hiện đại, thật khó để hình dung đến một lúc nào đó không còn Shalimar.

Sau khi Aimé Guerlain thành công với loại hương thơm nhân tạo hiện đại đầu tiên – Jicky, hậu duệ của ông là Jacques Guerlain đã tiếp bước để tạo nên một lịch sử chói sáng của Shalimar. Là “truyền nhân” của Jicky, Shalimar được Jacques bổ sung vani, khiến hương thơm của nó dậy mùi sexy và biến nó thành một huyền thoại của thế kỷ. Shalimar là người thừa kế xứng đáng của dòng “nước hoa cảm xúc” và mở ra một trang mới trong công nghiệp nước hoa hiện đại. “Bố tôi đã dạy tôi yêu chất vani kỳ diệu vì nó bổ sung chất gợi tình đậm đặc vào nước hoa”, Jacques Guerlain viết trong hồi ký. “Với nó, Shalimar như một quý cô diện đầm dạ hội duyên dáng đeo thêm một chiếc vòng cổ lộng lẫy khiến nàng nổi bật trong đám đông”.

Có lẽ để nhấn mạnh tình yêu với vani như một chất kích thích tình ái, Jacques Guerlain đã gọi kiệt tác của mình là “Shalimar”, đặt theo tên một khu vườn ở Pakistan ngày nay, chứng nhân cho mối tình đi vào lịch sử của Quốc vương Ấn Độ Shah Jahangir. Trong tiếng Phạn, từ này có nghĩa là “Nơi trú ngụ của ái tình”.

Hương liệu đột phá

Shalimar thuộc dòng Oriental (hay Ambered – đa hương tổng hợp). Có lẽ không ai “bật mí” về thành phần của nó cảm xúc hơn website đánh giá nước hoa trứ danh Perfume Shrine: “Shalimar của Guerlain chứa đầy đam mê bạo liệt của tinh dầu cam hương, được làm nền bởi hương táo ngọt, nhanh chóng quyện vào các loài hương hoa rồi chẳng mấy chốc sửa soạn cho mối hiểm nguy tiềm ẩn đầy sắc dục và ấm áp của mùi xạ hương quyến rũ. Việc se duyên giữa tinh dầu hoắc hương và cỏ vetiver với một chút như là bách lý hương Địa Trung Hải, cùng cảm giác se lạnh của loài chanh ngát hương, hợp nhất với các thành phần nhựa thơm lừng thành một hợp chất bền vững lưu lại nhiều giờ trên da cũng như y phục người phụ nữ”.

Shalimar có một mùi hương ngọt nồng và gợi tình, nhưng không hề nặng. “Nó gợi tình đến nỗi nó đến rất gần biên giới của dục tính. Những gì khiến nó trở nên đầy ma lực là cách nhạc trưởng Jacques Guerlain hòa âm các nguyên liệu”, trang BeautyExpert bình luận, “Rất ít loại nước hoa trong dòng Oriental làm được điều đó”. Điều khó nhất của việc phối mùi là cân bằng mùi mạnh với êm, đậm và nhẹ, và phải luôn tươi mới. “Khi bạn tinh chế ra một thứ nước hoa gợi tình và mạnh mùi như Shalimar, bạn phải tìm ra một cách để cân bằng nó” (Roja Dove in Edwards, Perfume Legends).

Guerlain đã tinh tế pha trộn vào đó chất hedione, khiến cho nó có hương caramel và nhài ngọt ngào, hương liệu mà – cùng với hoắc hương – thay vì hương dòng Leather, giúp Shalimar giữ được thăng bằng như một diễn viên xiếc đi trên dây.

Trước Jicky và Shalimar, nguyên liệu của hầu hết các loại nước hoa rất đơn giản, chủ yếu dựa vào một hoặc một số loài hoa. Đây là một trong những loại nước hoa đi tiên phong trong dòng nước hoa đa hương và sử dụng hương liệu nhân tạo tổng hợp. Nó tuy không phải khởi đầu cho cuộc cách mạng hương thơm nhưng là đại biểu hoàn hảo và cân bằng nhất trong cuộc cách mạng ấy.

Shalimar Ode à la Vanille

Shalimar đa hương đến nỗi chỉ những cái mũi kinh nghiệm nhất mới có thể giải mã được thành phần của nó. Nó mở ra một triết lý hoàn toàn mới và hiện đại trong công nghệ nước hoa, mà theo Jean Claude Ellena, đó là “một hương phẩm đa cảm không còn cố bắt chước mùi hương của các loài hoa, mà là để giúp cảm xúc thăng hoa”. Thay vì sao chép tự nhiên, loại dầu thơm này đã cải tạo tự nhiên.

Không biết bao lời tán dương được dành cho siêu phẩm của Jacques Guerlain. Ngay cả Estee Lauder cũng không tiếc lời ngợi ca: “Shalimar có chất lượng trường tồn qua thời gian và không gian. Nó đã trở thành một khái niệm kinh điển”.

Ca khúc mang tên “Shalimar”

Ai cũng biết Shalimar là loại nước hoa đẳng cấp ngoại hạng cho phái đẹp. Nhưng có một điều ít người biết là nó được phổ biến và thành công ngoài mong đợi trên đất Mỹ và sau đó là khắp thế giới trong chuyến du ngoạn tình cờ đến New York trên du thuyền Normandie của Raymond Guerlain và người vợ tuyệt đẹp của mình.

Phu nhân Guerlain, người khi đó đang dùng thử Shalimar, đã gây xôn xao khi “khiêu khích” toàn bộ cánh đàn ông trên tàu. Tất cả quý ông đều quay sang hít lấy hít để hương thơm ngây ngất của bà, trong khi các quý bà thì bám lấy để hỏi nơi bán nước hoa. Thậm chí, ban nhạc trên tàu cao hứng đến nỗi họ đã sáng tác ra một bài hát mang tựa “Shalimar”.

Niềm say mê này chưa bao giờ suy giảm. Như một huyền thoại sống, Shalimar là một cuộc phiêu lưu liên tục được tái sinh và làm mới. Nồng nàn và cám dỗ như thuở nào, nó là một hình mẫu tối thượng của các loại dầu thơm khác, chỉ hé lộ bí mật riêng tư cho những quý cô quý bà sẵn lòng thả lỏng buông mình vào vòng tay của nó…

Đặc biệt từ những chi tiết phụ

Chi tiết tua trang trí – điểm nhấn duyên dáng cho thiết kế của Shalima

Cũng đẹp đẽ như tên gọi của mình, chiếc lọ hình cánh dơi của Shalimar là một kiệt tác, được thiết kế bởi Raymond Guerlain. Shalimar xuất hiện khi chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật trang trí và thiết kế đang rộ lên ở Pháp. Lễ ra mắt đã diễn ra đúng dịp khai trương Triển lãm Mỹ thuật Công nghiệp và Trang trí Quốc tế tại Paris. Do đó, Shalimar, với mẫu chai giàu nghệ thuật càng trở thành một chủ đề thời sự, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Mẫu chai Shalimar nguyên thủy, làm từ thủy tinh pha lê Baccarat, có dáng vẻ và màu sắc hết mực lịch lãm, trang nhã và thanh khiết. Nó được trưng bày trong vô số bảo tàng, như cách nó xuất hiện trong phòng ngủ của phụ nữ vậy. Mẫu chai này được giữ nguyên cho đến tận ngày nay, ngoại trừ một số chi tiết nhỏ như tua trang trí cổ lọ. Raymond Guerlain lấy cảm hứng từ giỏ đựng hoa quả Mughal, thường xuất hiện trong những lâu đài cẩm thạch cổ ở Ấn Độ. Tiêu biểu nhất phải kể đến lọ Shalimar Parfum Initial. Nó  xứng đáng với thứ “nội dung” siêu hạng mà nó chứa đựng: thân lọ hình cánh dơi, nắp đậy bằng sapphire tím thượng hạng và một chùm tua lụa trang trí màu tím duyên dáng. “Loại dầu thơm trở thành một niềm khát khao, ẩn mình trong phòng ngủ của bạn, dành riêng cho bạn và trao cho bạn một quyền lực và sức cám dỗ ghê gớm…”, BeautyExpert tinh tế bình luận.

Shalimar Parfum Initial

Nhắc đến Shalimar, hẳn chúng ta phải phải nhắc đến Natalia Vodianova, siêu mẫu và nhà từ thiện đương thời người Nga. Trong năm 2012, siêu mẫu sinh năm 1982 này đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng những người mẫu kiếm nhiều tiền nhất của Forbes, với thu nhập ước tính lên đến 8,6 triệu đô la/năm.

Bức ảnh quảng cáo Shalimar “nuy” mà cô làm đại sứ hình ảnh năm 2008, do nhiếp ảnh gia Paolo Roversi thực hiện, được ví như “quả bom tấn” Brigitte Bardot đương đại, gây chấn động làng truyền thông mỹ phẩm lúc bấy giờ. Với tư thế gợi cảm, da thịt nõn nà cùng những đường cong “chết người” của một Eva mới, cơ thể của cô gợi lên cảm giác về vẻ đẹp phồn thể của một thiếu nữ vừa bước vào tuổi phụ nữ chín muồi. Nét ngây thơ và sự quyến rũ khó cưỡng của “một tòa thiên nhiên” đã tạo nên một thứ cocktail bùng nổ. Sự thanh lịch, tuy nhiên, đã giành chiến thắng. Nét tinh tế nữ tính của vẻ đẹp rạng ngời và kiểu tóc tự nhiên hơi hoang dã đã giữ cho bức chân dung khỏa thân sự cân bằng kỳ ảo.

Với ánh mắt sâu thẳm nhìn trực diện và nụ cười chớm nở, nàng hùng hồn phát đi tuyên ngôn của mình qua nhãn hiệu nước hoa mà mình đại diện: Shalimar kể câu chuyện của nàng, định nghĩa nàng và ấp ôm lấy nàng trong vòng tay gợi tình của nó. Shalimar là chữ ký của nàng, là vân tay của nàng, là tên viết tắt của nàng, là những con chữ đầu tiên trong câu chuyện của nàng trong thân phận một phụ nữ.

Ngày nay chúng ta có xu hướng quên đi những thành tựu rực rỡ của ngày hôm qua. Đối với một số người, Shalimar là một cái gì đó cũ kỹ, sẽ làm chị em xấu đi khi nó từng dành cho những “bà già” thuộc thế hệ trước. Tuy nhiên, cách phối mùi siêu hạng của Shalimar vẫn giành hết chiến công này đến chiến công khác, và chúng ta sẽ còn xức loại dầu thơm này trong ít nhất là 100 năm nữa trong khi những loại nước hoa đương đại khác sẽ biến mất.

Cuối cùng, Shalimar không chỉ là một loại hương thơm thuần túy, nó là vũ khí “chết người” của phái đẹp. Và trên hết, nó là một văn hóa.

Bài: Lam Sơn Lê

Chuyên đề Nước hoa mùa thu

Bài viết đã đăng:

>> Shalimar – Nơi trú ngụ của ái tình

>> Khi người đàn bà trở thành Diva


From the same category