“Sex Education” mùa 4: Trọn vẹn dù chưa hoàn hảo

Trở lại không quá rầm rộ như những phần trước, “Sex Education” mùa 4 vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo công chúng đã theo dõi bộ phim từ mùa đầu tiên. Vậy đâu là những lý do khiến giới chuyên môn lẫn khán giả yêu thích phần kết của series ăn khách này?

Hành trình trưởng thành của các nhân vật

Sang đến mùa 4 của “Sex Education”, các nhân vật đã lựa chọn những hướng đi riêng cho mình sau khi rời trường Moordale. Bộ phim đã cho các nhân vật một hành trình phát triển mới có phần khắc nghiệt nhưng thực tế khi mỗi người đều học được những bài học của riêng mình.

Tiêu biểu là nhân vật nữ chính Maeve Wiley (Emma Mackey) đã có một bước ngoặt mới khi cô đã quyết định đến Mỹ để theo đuổi ước mơ trở thành nhà văn của mình. Tại đây, Maeve bị người thầy mình vốn ngưỡng mộ cho rằng cô không đủ khả năng theo nghiệp viết văn, hay phải thích nghi với môi trường mới toàn những “cậu ấm cô chiêu” khiến cô càng thêm tự ti về gia cảnh của mình. Nhưng cũng nhờ vậy mà Maeve cũng đã có thể đối mặt với nỗi sợ của mình, một phần nhờ vào lời khuyên từ Jean – mẹ của Otis và sự an ủi từ những người bạn thân. Xuyên suốt cả 4 mùa phim, Maeve vốn đã luôn nghi ngờ bản thân, nhưng phải đến mùa cuối, những suy nghĩ đó mới được giải tỏa khi cô nhận ra rằng: Chỉ bản thân cô biết điều gì là phù hợp và tốt nhất cho tương lai của mình, ý kiến của những người khác chỉ mang tính chất tham khảo.

Ngoài ra, nhân vật Adam Groff (Connor Swindells) cũng có hành trình phát triển nổi bật. Sau nhiều lần tổn thương và bị tổn thương bởi những người xung quanh, Adam đã dũng cảm đối diện và chấp nhận mặt tối của mình thay vì trốn chạy như trước. Cậu thậm chí dám thừa nhận mình là một người song tính với ông bố có phần bảo thủ – điều mà trước đây Adam còn không dám thừa nhận với bản thân.

Tính bao hàm và đa dạng

“Sex Education” vốn là một series cởi mở về giới tính. Nhưng trong mùa 4, bộ phim còn đẩy sự đa dạng lên một tầm cao mới khi mang đến một bức tranh toàn cảnh hơn về giới tính, tôn giáo và người khuyết tật. Các nhà làm phim “Sex Education” đã thể hiện màu sắc LGBTQ+ đa dạng và thực tế hơn khi đặt các nhân vật trong ngôi trường Cavendish – một nơi đề cao tính dân chủ của học sinh.

Những trải nghiệm tại đây đã giúp Eric Effiong ( Ncuti Gatwa) thêm trân trọng và tự tin thể hiện cá tính bản thân với sự khích lệ từ những người bạn mới tại Cavendish. Câu chuyện của nhân vật như Cal (Dua Saleh) cũng đã cho người xem hiểu hơn về những khó khăn của cộng đồng người chuyển giới, thể hiện qua chi tiết Cal phải chịu gánh nặng về chi phí phẫu thuật khổng lồ nếu muốn sống đúng với bản thân.

Một vấn đề nhạy cảm như tôn giáo được “Sex Education” lồng ghép khéo léo, vừa đủ là một nét chấm phá khác biệt trong quá trình phát triển nhân vật. Đại diện chính là Eric và hành trình khám phá đức tin của chính mình.  Bên cạnh đó, tính bao hàm và đa dạng cũng được thể hiện qua những nhân vật như Isaac (George Robinson) và Aisha (Alexandra James). Phân cảnh họ cùng đứng lên diễn thuyết về quyền của người khuyết tật cũng đã truyền cảm hứng rất nhiều cho người xem, đồng thời nhắc nhở mỗi người nên nhạy cảm hơn trước nhu cầu và mong muốn của những người yếu thế trong xã hội.

Mọi tổn thương đều có thể được chữa lành

“Sex Education” chủ yếu xoay quanh những học sinh trung học đang loay hoay khám phá và tìm hiểu bản thân. Vì thế, những lầm lỗi, mông lung, hay cả những sang chấn thời thơ ấu là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là các nhân vật lựa chọn giải quyết và đối mặt với những khúc mắc của mình như thế nào.

Thế nên, dù là một bộ phim khá thực tế, “Sex Education” vẫn cho khán giả những hy vọng về một thế giới tốt đẹp khi truyền tải thông điệp về sự tử tế. Sự tử tế có thể tồn tại dưới rất nhiều phiên bản, đó có thể là sự công nhận từ những người xung quanh đã cho Maeve thêm động lực theo đuổi đam mê viết lách, hay những động viên an ủi từ bạn bè mà Aimee (Aimee Lou Wood) nhận được đã giúp cô vượt qua tổn thương tâm lý sau khi bị quấy rối.

Mặt khác, bộ phim cũng truyền đi thông điệp không bao giờ là quá muộn để xin sự giúp đỡ qua câu chuyện của Tiến sĩ Jean, khi bà cuối cùng đã thừa nhận căn bệnh trầm cảm và tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh.

Yếu tố giáo dục giới tính xuyên suốt

Thành công nhờ yếu tố giáo dục giới tính đúng như cái tên của series, “Sex Education” tiếp tục giữ được giá trị này sau 4 mùa phim. Dù được nhận xét rằng mùa cuối cùng đã chú trọng các vấn đề về tâm lý nhiều hơn, song, bộ phim vẫn truyền tải được những kiến thức giáo dục giới tính thông qua các câu chuyện trong mỗi tập phim. Chi tiết Jean cùng các học sinh mới tại trường Cavendish điều hành phòng tham vấn giáo dục giới tính càng nhấn mạnh hơn nữa về triết lý giáo dục cởi mở, đúng đắn khi tiếp cận các vấn đề nhạy cảm một cách thẳng thắn với lòng thấu hiểu chân thành.

Có thể nói, “Sex Education” khép lại với một cái kết trọn vẹn khi mỗi nhân vật đều học được những điều mới theo những cách riêng và có cho mình một tương lai đầy hứa hẹn. Bộ phim không vẽ ra một câu chuyện cổ tích hoàn hảo, thay vào đó muốn thể hiện thông điệp rằng cuộc đời của mỗi nhân vật sẽ luôn tiếp diễn, và họ sẽ buộc phải trải qua nhiều biến cố để trưởng thành. Sau cùng, “Sex Education” vẫn là một bộ phim đáng xem với những ý nghĩa nhân văn đầy tính giáo dục dành cho không chỉ thanh thiếu niên mà còn cho cả người lớn.


From the same category