Sếp ơi là sếp! - Tạp chí Đẹp

Sếp ơi là sếp!

Sống

Sẽ rất tuyệt vời nếu thủ lĩnh của doanh nghiệp là một minh quân, sáng suốt chèo lái con thuyền đến đích cuối cùng bằng con đường ngắn nhất, ít hiểm nguy nhất. Nhưng sẽ là thế nào nếu vị thủ lĩnh đó khù khờ, yếu kém về chuyên môn và khả năng quản lí?

Nguyễn Lĩnh Nam (37 tuổi, Thư ký Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam).
Từng “phản kháng” sếp

Nếu “thủ lĩnh” của anh là một người yếu kém, anh cầm đèn theo sau hay tách ra làm một nhánh khác?
Tôi đã có kinh nghiệm một số năm làm việc với những vị lãnh đạo không có nhiều năng lực và tôi đã tách ra một nhánh khác, đôi khi cũng rong chơi một chút, nhưng cố gắng làm việc mà tôi nghĩ là đúng, có thể bị cô đơn trong công việc.

Anh thích sự ổn định và thiếu tự tin nên đã không thay đổi sự “cô đơn” bằng một môi trường làm việc tốt hơn?
Tôi vừa chia tay rồi, có nhiều lý do chứ không chỉ vì một ông lãnh đạo nào đó. Ở môi trường mới, cái chính là tôi có thấy phù hợp và hài lòng với công việc không, còn thu nhập chỉ là một phần.

Anh có thể đưa ra một con số cụ thể – sếp chi phối bao nhiêu phần trăm sự ra đi của anh?
60 – 70%. Tôi không nói một người cụ thể mà là hệ thống quản lí. Tôi phải làm việc với nhiều bộ phận và có nhiều sếp chứ không phải một người. Cả hệ thống điều hành bị trì trệ, không có những giải pháp tốt cho việc điều hành, nên tôi không có hứng thú làm việc.

Sếp kém nhưng trả lương cao anh có ở lại?
Hiếm có người nào đi làm chỉ nghĩ đến tiền. Thường là điều kiện làm việc, nội dung công việc, sở trường, sở đoản cộng lại với nhau và cộng thêm tiền lương, nên không việc gì phải đóng góp trí tuệ cho một người không có năng lực.

Theo anh, việc kiếm tiền sẽ dễ dàng hơn ở sếp khù khờ hay sếp giỏi?
Sếp giỏi đương nhiên họ biết cách “bóc lột”, nói đúng hơn là họ trả giá cho dịch vụ, nhân công rất phù hợp, thậm chí họ khôn hơn một chút là trả thấp hơn và đưa ra những điều kiện khác quyến rũ hơn. Còn nếu chặt chẽ quá, trả thấp hơn giá thị trường thì không phải là một người sếp khôn. Tất nhiên, sếp khù khờ kiếm tiền dễ hơn, vì anh ta dễ bị bịp.

Anh bình luận gì về chuyện nhiều người lợi dụng sếp khù khờ để “đào mỏ” và tỏ ra khinh thường hoặc nói xấu sếp sau lưng?
Tôi không cổ súy, cũng không phê phán, mà nhìn nhận chuyện “đào mỏ” như một phần của cuộc sống. Những lãnh đạo bất tài thì doanh nghiệp sớm muộn cũng nên đóng cửa. Đó là quy luật đào thải tự nhiên trong nền kinh tế thị trường. Tôi muốn sự rành mạch và rõ ràng trong một tổ chức, mọi quan hệ được minh bạch, chứ không thích chuyện nói xấu sau lưng, đùa cợt thô lậu đối với đồng nghiệp, người trên, người dưới.

Sau những khóa học ở Anh và Mỹ, anh mong muốn được làm việc với một sếp như thế nào?
Có thể sếp không phải là một người giỏi nhưng đầu óc lúc nào cũng mở, sẵn sàng chấp nhận những cái mới. Tôi thích người hơi mạo hiểm, chấp nhận một chút rủi ro, chứ đừng cầu toàn, vì cầu toàn thì không làm được gì.

Thuý Hà (PR manager công ty quảng cáo P.H.I)
Sếp hay giả bộ khờ lắm

Chị đã từng làm việc với Sếp cả trong nước lẫn nước ngoài, chị nhận xét thế nào về phong cách làm việc lẫn suy nghĩ của các sếp 2 nơi?
Sếp ở VN của tôi trước đây cũng là người nước ngoài. Về mặt công việc, cả hai nơi đều như nhau, nhưng do bề dày của cơ sở vật chất, tầm nhìn, trình độ chung của nhân viên… nên ở mỗi nơi sếp có cách hành xử hơi khác một chút. Đôi khi mình tưởng sếp… ngu nhưng không phải. Chẳng hạn, ở nước ngoài, mọi công việc đều được lên lịch báo cáo tất cả bằng mail, công việc cứ thế mà răm rắp triển khai, khoảng cách giữa sếp và nhân viên gần như không có. Ở VN thì khác, sếp nước ngoài lại không am hiểu văn hóa nước mình nhiều lắm nhiều khi gây hiểu lầm cho nhân viên. Chẳng hạn họ nói chuyện với nhân viên rất lịch sự, nhưng đấy là lệnh, bạn phải làm thật nhanh. Đừng nghĩ họ nói “vui lòng”, “làm ơn”… có nghĩa là bạn trì hoãn được công việc. Kinh nghiệm cho tôi thấy, sếp hay giả bộ khờ lắm, nhân viên nào mắc bẫy là hơi mệt đó.

Chị và sếp cũ có thường xuyên mâu thuẫn với nhau không? Khi mâu thuẫn xảy ra có bao giờ chị là người chiến thắng?
Tôi may mắn được làm việc và tiếp cận với nhiều sếp. Tuy vậy, chuyên ngành của tôi là về quảng cáo tiếp thị truyền thông, các sếp nước ngoài hoặc sếp Việt kiều đều là những người rất am hiểu về lĩnh vực này. Khi làm việc ở trong nước, sếp trực tiếp cũng là người được nhận nhiệm kỳ tại VN. Đa phần những mâu thuẫn giữa chúng tôi đều là những mâu thuẫn rất tích cực. Không có mâu thuẫn không thể phát triển được mà. Cũng có lúc tranh cãi quyết liệt, tôi đã thầm “nguyền rủa” sếp dốt không biết bao nhiêu lần. Nhưng sau đó, thực tế chứng minh, tôi mới là… kẻ ấy chứ không phải sếp…

Chị có rơi vào trường hợp phải nghiến răng làm vì tiền?
Tôi thì không việc gì phải nghiến răng, cái gì thích và thấy có khả năng, tôi sẽ làm. Tôi đi làm là để được học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm. Nếu đủ điều kiện, tôi sẽ mở công ty riêng. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là không quan tâm đến thu nhập, nhưng quan niệm của tôi là thu nhập sẽ đến với bạn một cách xứng đáng khi bạn có năng lực và lòng nhiệt tình trong công việc.

Chị cũng đang giữ vị trí cao trong công ty, sau lưng bạn có khi nào nhân viên xì xầm: bà này… ngu lắm?
Vậy thì chắc là tôi… ngu thật. Nhưng nếu đúng như vậy thì chắc tôi cũng chẳng còn tồn tại lâu nữa đâu. Quy luật đào thải sẽ tự động hất ra những mắt xích hỏng hóc trong cỗ máy hoạt động trơn tru mà…

Phạm Quang Minh (25 tuổi, cổ đông của Intello)
Sếp sai, con thuyền không đi đến đích

Về VN làm việc, anh học được gì từ sếp của mình?
Tôi học được cả ưu lẫn khuyết điểm, cả cái thành công và chưa thành công. Ở nước ngoài, giám đốc được coi là một nghề và anh phải được đào tạo. Còn ở VN, các giám đốc thường đi lên từ kinh nghiệm, nên yếu điểm lớn nhất của họ là chưa được đào tạo bài bản. Nhưng bù lại họ có kinh nghiệm thương trường. Nếu có kiến thức đào tạo, nhưng thiếu kinh nghiệm thương trường ở Việt Nam cũng rất khó thành công.

Điểm yếu lớn nhất của một sếp không được đào tạo là gì?
Là cách làm việc kiểu tiểu nông, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Nhân viên muốn phát triển công ty, sếp lại muốn làm thế nào để kiếm tiền nhanh nhất, mà không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Hệ quả là có thể sếp vẫn thu được một cục tiền, nhưng công việc của nhân viên không ổn định, ăn đong thời vụ.

Số phận một doanh nghiệp sẽ như thế nào nếu thủ lĩnh không có năng lực chuyên môn?
Lãnh đạo sai thì con thuyền không đến đích, hoặc đến đích nhưng sẽ phải trả giá rất đắt và mất một thời gian rất dài. 80 – 90 % doanh nghiệp đó thất bại, nếu thành công là do may mắn. Ngoài ra là một bi kịch khác trong quan hệ giữa sếp với nhân viên: sếp thấy sự ngu dốt, yếu kém của mình nhưng vẫn không dũng cảm từ chức để người khác giỏi hơn, tốt hơn lên thay. Dẫn đến tình trạng nhân viên coi thường, nói xấu sau lưng sếp, sếp biết mà bất lực.

Anh có dám thẳng thắn phản đối nếu sếp không có năng lực hay sẽ “mặc ông” để mức thu nhập hậu hĩnh của mình được an toàn?
Chắc chắn tôi sẽ bộc lộ quan điểm với sếp, trước hết là những gì liên quan đến công việc của tôi, nếu sếp vui vẻ tôi sẽ “tấn công” thêm. Người lãnh đạo kém ở điểm nào thường dẫn đến hệ quả, đó cũng là kinh nghiệm cho tôi trước khi ra đi.

Sếp yếu kém nhưng trả một mức lương ngoài sức tưởng tượng, anh có đành lòng ra đi?
Khi làm việc thì phải có quyền lợi, nhưng không thể vượt qua công việc. Được làm cái mình thích, cái mới, tôi sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn. Còn mức lương “ngoài sức tượng tượng” như bạn đưa ra là không có, hiện nay đều có một mức trần giới hạn, nên tôi càng không phải băn khoăn về chuyện sếp kém trả lương cao.

Theo anh, các sếp khù khờ có trọng vọng thế hệ Tây du?
Có sếp không thích, vì người đi học nước ngoài thường thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung, họ thích áp dụng cái mới, mà với một sếp trì trệ thì họ không muốn thay đổi. Nhưng cũng có sếp thích, vì đôi khi chúng tôi là đồ trang sức cho sếp!./.

(Dương Thuý, Tuyết Hường thực hiện)

Thực hiện: depweb

23/05/2005, 16:11