Sếp = + nữ trẻ

Ở lứa tuổi cô ấy, hầu hết mọi người làm việc 8 tiếng/ngày, nhưng cô ấy thì thường xuyên mang việc về nhà; Mọi người được nghỉ 2 ngày/tuần, nhưng cô ấy có thể chỉ được nghỉ 1 ngày. Cô ấy là “sếp – nữ – trẻ”.

Nữ tính và “nữ quyền”

Hầu hết các nguyên thủ quốc gia trên thế giới là nam, đa số giám đốc điều hành cũng là nam, và thêm một quan niệm coi nam là phái mạnh, nữ là phái yếu, chừng đó cũng đủ để nhiều người, hoặc “ngả mũ kính nể”, hoặc xem thường vai trò quản lý của người phụ nữ.

Ý nghĩa của câu chuyện này càng đi xa hơn, nếu sếp nữ còn là người trẻ. Vậy thì nhà quản lý này làm sao để chứng tỏ với nhân viên rằng: tôi là sếp của các anh chị?!

Tôi đặt câu hỏi này với Diễm Châu (26 tuổi), Trưởng phòng Kinh doanh CTCP Phần mềm và Truyền thông Việt Nam (Hà Nội), chị cho rằng: “Cần phải có sự phân định rạch ròi giữa công việc và con người.

Tôi là sếp của các nhân viên khi tôi được giao quản lý bộ phận đó, với những công việc cụ thể, mọi người sẽ nhìn nhận tôi với vai trò người chịu trách nhiệm với công việc, chứ không phải tôi là nam hay nữ, nhiều hay ít tuổi. Đó là nguyên tắc mà những người nghiêm túc trong công việc sẽ tôn trọng. Tôi sẽ giúp mọi người tôn trọng nguyên tắc ấy bằng năng lực và nghệ thuật quản lý, cũng như phong cách riêng của mình”.

Một trong những “cái bẫy” mà các nhà quản lý trẻ thường rơi vào là gắng “gồng” để chứng minh “phẩm chất lãnh đạo”, giống như phải mặc một cái áo quá rộng mà lại tỏ ra là vừa vặn lắm. Nó làm cho phong cách của nhà quản lý khô cứng, dễ lúng túng và kém tự nhiên. “Quyết đoán là một trong những tính cách cần có của người làm quản lý, nhưng có điều kỳ lạ là càng có nhiều kinh nghiệm làm quản lý, tôi lại thấy mình càng "mềm" đi.

Ở tuổi 20, tôi luôn nghĩ cần phải thật tự tin và quyết đoán để khẳng định mình. Nhưng càng ngày, tôi càng hiểu rằng ngoài quyết đoán sao cho hiệu quả thì "đắc nhân tâm" cũng là một nghệ thuật vì giữa sự quyết đoán và độc đoán chỉ cách nhau một lằn ranh”- nữ lãnh đạo trẻ của một công ty lớn trong lĩnh vực dịch vụ nhân sự chia sẻ.

Dẫu không “gồng”, nhưng việc phải chịu trách nhiệm với nhiều quyết định quan trọng trong công việc có dễ khiến người phụ nữ trẻ tuổi sớm trở thành một người nóng nảy và hay cáu gắt? “Hoàn toàn không! Trong công việc tôi học được chữ “nhẫn”, và nó giúp tôi giữ được sự cân bằng giữa cá tính của người phụ nữ với trách nhiệm ở công ty. Nói cách khác thì chính công việc làm cho tôi trở nên… đằm thắm hơn” – Diễm Châu tự tin cho biết.

Lợi thế và thách thức

Không phải ai cũng có chất giọng Huế rất “ngọt” như Diễm Châu, nhưng nữ quản lý trẻ luôn có những lợi thế nhất định để quản trị đội ngũ và công việc cũng như các mối quan hệ ngoài công ty. Một trong số lợi thế ấy là cách tiếp cận và giải quyết vấn đề nhẹ nhàng, đặc biệt là với những mâu thuẫn nội bộ. Tìm hiểu và thuyết phục có thể là con đường hơi dài để đi đến đích, nhưng nó giúp giải quyết tận gốc vấn đề và hạn chế sự lặp lại trong tương lai.

Ở góc độ chủ quan, có một số điểm mà nữ quản lý trẻ cần tránh:

1. Không kiểm soát được cảm xúc. Người phương Đông gọi đây là “nữ nhi thường tình”. Cần phải nhắc lại rằng, nữ quản lý trẻ không nên “gồng” trong giao tế nhân sự, nhưng rất nên kiểm soát cảm xúc (vui mừng, buồn, lo lắng, xúc động thái quá) trong công việc và trước đội ngũ.

2. Buôn chuyện. Dĩ nhiên, chia sẻ chủ động hay bị động đều là nhu cầu của con người, đặc biệt là với phụ nữ. Nếu cần chia sẻ, thì sếp nữ cần đặc biệt lưu tâm trong việc chọn đối tượng để tâm sự. Tâm sự sẽ trở thành buôn chuyện nhảm nếu sếp nữ đưa quá nhiều chi tiết công việc gắn với trách nhiệm của mình vào câu chuyện.

3. Cả nể. Không phải không có lý khi người ta xếp phụ nữ vào “phái yếu”, cả về thể chất lẫn tinh thần. Ai cũng được quyền “thương”, hay cảm thấy “khó nghĩ” khi ra một quyết định nào đó, nhưng nếu thiếu quyết định ấy mà nhiều người sẽ bị ảnh hưởng không tốt hoặc để lại hậu quả xấu, thì không nên cả nể.

4. Đam mê công việc thái quá. Sự đam mê công việc của phụ nữ trẻ nhiều khi vượt qua cả đàn ông cùng lứa. Chưa nói đến quan niệm về hôn nhân, nhưng sức khỏe thường là cái giá phải trả cho sự đam mê. Nữ quản lý cũng không nên so sánh sức làm việc của mình với nam giới, vì thể chất của nam thường tốt hơn.

Trần Bích Nga, 32 tuổi
Phó Tổng giám đốc CTCP Le & Associates (Tp.HCM)

Chị làm cách nào để tránh tình huống nhân viên bất phục, đặc biệt khi cấp dưới là nam giới?

Cách giải quyết hợp tình hợp lý là điều tôi luôn cố hướng đến để tránh trường hợp nhân viên bất phục. Để làm được điều đó, tôi cho rằng cần có sự kết hợp hài hòa giữa nhu và cương. Tôi không bao giờ cố "gồng" lên với ai vì tôi hiểu đó không phải là cách hiệu quả để đạt được mục đích (dù cũng có đôi khi tôi bộc lộ sự nóng nảy).

Tôi nghĩ sự mềm mại của người phụ nữ cũng là một dạng "quyền lực", nhất là đối với nam giới. Tôi đang học cách khai thác loại "quyền lực" ấy dù cũng phải thành thực thú nhận là mình chưa được thành công lắm.

Chị có tâm sự với nhân viên của mình? Và khi gặp vướng mắc, chị tìm đến ai để trao đổi?

Tôi có nhiều bạn bè song tôi không quen tâm sự những điều sâu kín trong cuộc sống riêng tư và công việc của mình. Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn chia sẻ một số tâm tư, suy nghĩ với những người mà tôi tin cậy, trong đó có cả nhân viên của tôi.

Tôi cũng muốn lắng nghe tâm sự của nhân viên vì nhiều lẽ: thứ nhất, nếu họ tâm sự với mình nghĩa là mình đã có một chỗ đứng trong lòng họ; thứ hai, một đời sống tinh thần bình ổn và phong phú sẽ giúp nhân viên làm việc tốt hơn; thứ ba, đó là cơ hội để người quản lý hiểu thêm về nhân viên mình.

Khi gặp vướng mắc, tùy tình huống mà tôi sẽ có đối tượng phù hợp để trao đổi. Nếu là những vấn đề liên quan đến công việc, tôi sẽ tìm đến ai có khả năng giúp tôi "gỡ rối" nhiều nhất. Nếu là những vấn đề riêng tư, tôi thường tìm đến gia đình mình.

Công việc sẽ ở thứ tự thứ mấy trong các nấc thang ưu tiên của chị?

Tôi có nhiều điều ưu tiên trong đời và khó có thể "cân đo đong đếm" xem cái nào hơn cái nào. Được làm công việc mình yêu thích, được sống với người mình yêu thương, được tận hưởng những điều thú vị của cuộc sống…, với tôi tất cả đều quan trọng như nhau, và tôi hướng đến một sự kết hợp hài hòa.

Tôi thường làm việc rất khuya nhưng tôi cũng có những chuyến đi chơi dài ngày. Tôi rất thích một câu nói mà tôi từng đọc được ở đâu đó: "Hạnh phúc là buổi sáng muốn đi làm và buổi chiều muốn trở về nhà".

Trên hết, tôi cần một sức khỏe tốt và ngọn lửa nhiệt tình để có thể sống cùng những kế hoạch của cuộc đời mình.

Hạo Đông


From the same category