Sến hay Kitsch trong mĩ thuật



Thưa anh Như Huy, sến theo góc nhìn của anh là gì?

 
Nói không ngoa, hỏi có hiểu sến là gì không thì cũng khó trả lời y như việc, hỏi cái đẹp là gì, nghệ thuật là gì. Sở dĩ nói vậy là bởi, sến, theo tôi nghĩ, không phải là một vật thể, nó là một dạng cảm năng. Như tôi hiểu, sến là một dạng cảm năng ưa loè loẹt, dễ dãi, chuộng những gì cường điệu, nhất là về mặt tình cảm, cảm xúc.

 
Và như vậy, cái cảm năng sến này, theo thiển ý của riêng tôi, nếu không phải toàn bộ, thì cũng có liên quan rất lớn đến cái gọi là Kitsch (tạm dịch là cái rởm), một trong những khái niệm xưa nhất, thô sượng nhất, và nhòe mờ nhất để diễn tả về nghệ thuật đại chúng trong các xã hội hiện đại. Đã có vô số học giả nghiên cứu hoặc viết về Kitsch, bao gồm Clement Greenberg, trong bài viết “Tiền Phong và Rởm”, cho rằng Kitsch có nguyên nhân từ sự xói mòn của "nền văn hóa cao cấp" có tính chất chuyên tinh (elite), sự tiêu vong của nền văn hóa dân gian mang tính địa phương, và sự "đần hóa" (dumbing down) mà các xã hội hiện đại mang tới.

 
 Tác phẩm của Margaret Keane


Trong mỹ thuật cũng có sến?
 
Tôi cho rằng, cái “sến” ở Việt Nam có liên quan nhiều hơn tới cái Kitsch theo quan niệm của Herman Broch khi liên nối nó với chủ nghĩa lãng mạn. Theo ông, cả cái Kitsch lẫn chủ nghĩa lãng mạn đều hứa hẹn một chuyến bay hiện đại lạ đời từ hiện thực tới cái thế giới được bảo vệ tách biệt khỏi mọi trạng thái căng thẳng và lưỡng lự của đời sống hiện đại.

Bài viết của ông: "Notes on Problem Kitsch" (Những ghi chú về vấn đề Kitsch) đã chỉ ra việc cái Kitsch đã ngỏ lời đường mật ra sao nhằm thuyết phục rằng việc trốn thoát khỏi hiện thực chính là một trải nghiệm có tính chất mộng mơ hạnh phúc nhất, yên tĩnh nhất, hài hòa ngọt ngào nhất, cũng như là một chuyến không du êm ái tới quê hương của sự nhàn nhã. Như vậy, bởi là một cảm năng như đã nói ở trên, ta thấy việc cái sến có mặt trong nền mỹ thuật Việt Nam (và theo tôi nghĩ, có nhiều là khác), chả có gì sửng sốt cả.
 
Nếu như sến có mặt trong nền mỹ thuật Việt Nam, và theo anh, nhiều là đằng khác, vậy, biểu hiện rõ ràng của chúng là gì?
 
Đó là tất cả những tính chất nông, dễ, loè loẹt, chuộng những gì cường điệu về mặt tình cảm, cảm xúc, và mầu sắc. Nếu có thời gian tản bộ dọc các Gallery, xem tranh của những nghệ sỹ bán chạy nhất hiện tại, ta đều có thể nhận rõ điều đó. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề mang tính xã hội: Đó là việc, khi những bức tranh ấy bán chạy, có nghĩa là cảm năng sến ấy đã không chỉ là một dạng năng thức một chiều, mà nó đã có sự sẻ chia và tiếp nhận ở một phần lớn xã hội (ở những khu đô thị lớn).
Và ngay khi đó, nó không còn là dạng cảm năng tĩnh nữa, mà thậm chí còn mang tính tạo sinh, chi phối ngược trở lại không gian văn hóa.

Chúng ta hẳn thấy quá rõ những điều này, khi đọc các tác phẩm của rất nhiều nhà văn nhà thơ trẻ nổi đình nổi đám hiện nay. Tuy nhiên, điều này cũng không hẳn là một điều gì xấu xa. Bởi như Jean Baudrillard từng nhận định về cái Kitsch, Kitsch là bằng chứng cho mọi xã hội đang chuyển động. Với tôi, cái sến khi mở rộng ra khỏi phạm vi thẩm mỹ và trở thành một dạng cảm năng chi phối xã hội, nó cũng trưng ra cái bằng cớ kiểu ấy, cho những xã hội như kiểu Việt Nam. Nó là bằng chứng cho một xã hội đang chuyển động.

 
 Tác phẩm của
Normal Rockwell

 
Có một nghệ sỹ đã nhận xét rằng: “Rất nhiều nghệ sĩ vì mặc cảm nên rất sợ mình bị sến” (theo nghĩa không hay, theo nghĩa là mauvais gout), vậy nên hiểu điều này thế nào?
 
Hãy lưu ý, mauvais gout hay sến không liên quan gì tới chủ đề cũng như hình thái của tác phẩm. Tác phẩm có thể có những chủ đề rất cao xa và triết lý, hình thái có thể rất đương đại và cách tân, song nó vẫn có thể sến, và mauvais gout.
Ở khía cạnh này, ta có thể nói ngắn gọn, những gì lười biếng, cường điệu, rỗng nghĩa, thiếu đi sự phản tư (self-reflexiveness) đều là những thứ mang yếu tố của kitsch, sến hay mauvais gout, bất kể chủ đề hay hình thái của nó. Và bởi vậy, người mauvais gout là người không có khiếu thẩm mỹ tốt, theo Hume, và không có năng lực phán đoán về cái đẹp, theo Kant.

 
Làm thế nào để phân biệt giữa sến, và không sến trong mỹ thuật?
 
Theo tôi, sự phân biệt giữa sến và không sến nằm ở năng lực phản tư của chủ thể và hành vi. Bất cứ chủ thể và hành vi nào sở hữu năng lực phản tư, có nghĩa là năng lực tham chiếu về bản thân trong mối tương quan với chính bản thân cũng như với môi trường xung quanh, đều khó có thể trở nên sến hay Kitsch.

Ở đây, có lẽ cũng cần phân biệt một chút giữa cái sến không tự biết nó là sến, cái mauvais gout không tự biết là mauvais gout, với những cái cố tình trở nên sến và mauvais gout. Một đằng là một dạng cảm năng sinh ra thụ động do những tác động về mặt xã hội (và sau đó tác động trở ngược lại xã hội), một đằng là một hành vi tuyên ngôn mang mầu sắc dấn thân của các nghệ sỹ hay nhà văn sử dụng chính các bộ chuẩn tắc của sến hay mauvais gout để biếm phỏng hay lột mặt nạ nó. Lẽ dĩ nhiên, cho tới nay, trong thực hành và thuyết nghệ thuật, các quan điểm và thái độ hướng về kitsch, sến hay mauvais gout cũng đã thay đổi rất nhiều. Song đó lại là một câu chuyện khác.
 
Xin làm rõ hơn nữa về Kitchs và sến?
 
Có lẽ ở đây, dường như có một ranh giới, dù nhỏ thôi, giữa sến và Kitsch. Kitsch, theo Greenberg, là một dạng thể bắt chước, hút tinh chất từ các chuẩn tắc cổ điển để làm giàu cho nó, theo cách luôn dễ hóa, cường điệu và lòe loẹt hóa chúng. Lấy ví dụ, cũng là một bức tượng thần Vệ nữ, song với cảm thức Kitsch, thì đó sẽ là một bức tượng được đổ hàng loạt và được sơn thêm môi đỏ, má hồng các ngón chân được đánh bóng và lớp da sẽ được vờn tỉa bóng nhoáng.

 
 Tác phẩm của Margaret Keane


Hoặc với một hình thái nghệ thuật phức tạp nào đó, như tối giản, lập thể, trừu tượng… vào tay cái Kitsch, nó sẽ đơn giản hóa tối đa, sao cho dễ gần và dễ diễn giải nhất với đại chúng bằng cách triệt tiêu đi mọi nội dung phức tạp về ý nghĩa cũng như kỹ thuật để đạt tới hiệu quả tối đa và dễ dãi nhất.

Người Việt Nam ta có một câu nói: “diễn nôm”. Câu nói này, theo tôi, kể về cái Kitsch một cách rõ nhất. Còn sến, theo tôi hiểu thì khác, nó ở tầm mức nhỏ hơn. Nó chỉ cường điệu hóa chính bản thân, mà đặc biệt là ở các khía cạnh tình cảm và xúc cảm. Nó không có mẫu để bắt chước mà chỉ là một hành vi cường điệu liên miên. Ở khía cạnh cường điệu, nó rất gần với cái kitsch theo kiểu Greenberg, sự cường điệu các hiệu quả bề mặt và triệt tiêu nội dung, còn ở khía cạnh thiên về các cảm xúc, khía cạnh chủ yếu của nó, nó lại gần với cái Kitsch theo kiểu Herman Broch, sự lãng quên hiện thực để chìm vào một thế giới của mộng mơ.
 
Theo anh, ảnh hưởng của sến trong các bìa báo, tạp chí, các hình ảnh, các phong cách, ăn mặc, ngôn ngữ, dáng điệu… của ta hiện nay ở mức độ nào?
 
Tôi nghĩ rằng, bởi là những chất liệu thuộc về đại chúng, lẽ dĩ nhiên, các bìa báo, tạp chí, hình ảnh, phong cách ăn mặc, ngôn ngữ, dáng điệu (thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng) chắc chắn phải phản ánh rất rõ nhu cầu và sự đòi hỏi của mỹ cảm đại chúng. Như vậy, sự sến, kitsch, và mauvais gout chắc chắn sẽ phải hiện diện, hoặc là cố ý, nhằm mục đích thu hút quan tâm của đại chúng, hoặc là không tự biết, vì bị chi phối bởi cảm năng chung của xã hội.

 

Giá trị thẩm mỹ, cũng bị thay đổi nhiều do tác động của chúng ta và cái sến nó ở đâu trong sự thay đổi giá trị thẩm mỹ?
 
Xã hội Việt Nam, như chúng ta đều biết, trong khoảng một hai thập kỷ gần đã có sự chuyển đổi sâu sắc của các giá trị, trong đó có giá trị mỹ cảm và văn hóa. Về mặt nào đó, sự chuyển đổi này đã được thể hiện rất rõ nơi các hàn thử biểu về nội tình văn hóa của quốc gia, đó là những phương tiện truyền thông đại chúng.
Thay cho các chương trình dạy nghe nhạc giao hưởng, hay đọc truyện đêm khuya mộc mạc và hướng tới sự cảm nhận tinh tế của thời trước, là các chương trình hướng tới đại chúng như Zone FM, các trò chơi truyền hình, các chương trình giới thiệu album Vàng hay các giải thưởng theo kiểu Làn sóng xanh.
Thay cho các người hùng văn hóa với bản chất là năng khiếu, sự rèn luyện và khiếu thẩm mỹ đặc biệt, là các người hùng Pop với những cái tên sáng lóa theo kiểu phim bộ Hong Kong hay Đài Loan, với bản chất hy sinh nội dung cho các hiệu ứng bề mặt.
Thay cho những tấm gương xã hội về sự đào luyện và sự thấu hiểu đời sống và ngôn ngữ như những nhà nghiên cứu hay nhà văn biệt lập và độc lập như Từ Chi, hay Nguyễn Tuân là những nhân vật sở hữu các khả năng tương tác với đám đông như các MC truyền hình cùng những kiến thức theo kiểu đóng gói như là ngày sinh tháng đẻ của các nhân vật nổi tiếng, các sự kiện quan trọng…
Thay cho sự khó khăn của việc xuất hiện trên báo văn nghệ hay đài phát thanh như thời xưa, là các nhà sách tư nhân và theo đó là các tác giả trẻ xuất hiện vô số kể với tốc độ sáng tác mỗi tuần một tiểu thuyết lớn…

 
Quay trở lại với chính anh, anh có phải là người sến không?
 
Tôi đoán tôi là người sẽ sến nếu thấy cần thiết!

 
Còn câu slogan của anh: “Không phải nỗ lực để không sến, chúng ta đang sống trong thời đại cần nỗ lực để sến”, phải hiểu câu này như thế nào?
 
À, slogan này có liên quan tới câu trả lời trên của tôi. Theo kinh nghiệm riêng của bản thân tôi, nhiều khi phải nỗ lực lắm mới sến được ấy chứ!

Bài: Nguyễn Vũ Hạ Lam
Ảnh: PhatVat

From the same category