DepPodcast Banner 970x250

Sẽ xem xét bãi bỏ quy định chụp ảnh chủ thuê bao di động?

Quy định không cần thiết

Cuối tháng 4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Một trong những nội dung rất được dư luận chú ý trong Nghị định 49 là việc ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao di động cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ.

Theo quy định nói trên, thuê bao mới (sử dụng dịch vụ di động sau ngày Nghị định 49 có hiệu lực 24/4/2017) sẽ phải chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng, ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ chụp).

Trong khi đó, thuê bao cũ nếu có thông tin chưa đầy đủ, chưa chính xác sẽ phải đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để cập nhật lại thông tin và chụp ảnh tại thời điểm cập nhật như thuê bao mới. Với thuê bao mà doanh nghiệp viễn thông có sở cứ bảo đảm thông tin là chính xác (đúng người) và không cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng thì doanh nghiệp tự triển khai các biện pháp cần thiết để bổ sung thông tin thuê bao và ảnh chụp.

Khi đó, lãnh đạo Cục Viễn thông cho hay, việc ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như vân tay hoặc ảnh chụp là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật, bởi ảnh chụp giấy tờ tùy thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể làm giả, có thể được (nhân viên giao dịch) lấy của người này gắn cho người khác mà vô cùng khó để kiểm soát.

thue_bao_2
Điểm giao dịch của Viettel trên phố Phan Chu Trinh quá tải vì khách hàng tới đăng ký thông tin và chụp ảnh, phải đăng ký bên ngoài điểm giao dịch ngày 21/4. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Và, dù có các quy định quản lý thông tin chặt chẽ nhưng tính đến đầu năm 2016 “thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai.”

Cuối tháng Bốn vừa qua (1 năm sau khi Nghị định 49 có hiệu lực), các nhà mạng đã đốc thúc thuê bao của mình đi chụp ảnh bổ sung và việc này đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Nhiều người dân đã phải sắp xếp thời gian, nghỉ việc để đi chụp ảnh thuê bao. Trong khi đó, nhà mạng cũng phải dốc sức bố trí nguồn lực cả về con người lẫn máy móc, phần mềm… để bảo đảm công việc được suôn sẻ.

Thực tế, có nhiều điểm giao dịch tại Hà Nội và một số địa phương, người dân ùn ùn kéo đến các điểm giao dịch…

Theo tờ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp được các doanh nghiệp triển khai, người dân và các cơ quan báo chí đã có phản ứng cho rằng chụp ảnh là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân. Việc này cũng có thể gây lộ lọt thông tin riêng và không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân. Đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác (như thuê bao trả sau) mà vẫn yêu cầu bổ sung chụp ảnh là không cần thiết…

Cần xem xét bãi bỏ

Phía Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, sau khi nhận được các phản hồi từ người dân, đơn vị này đã báo cáo Chính phủ đồng thời chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan báo chí để trao đổi, làm rõ những quy định có liên quan nhằm tạo sự đồng thuận trong người dân, xã hội cũng như nghiên cứu, xem xét các vấn đề có liên quan.

Kết quả rà soát, đánh giá cho thấy để đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác thì nhất thiết phải có việc đối soát giữa thông tin thuê bao do doanh nghiệp viễn thông thu thập với cơ sở dữ liệu thông tin nhân thân đáng tin cậy của cơ quan nhà nước có trách nhiệm.

Tuy nhiên, nhà chức trách cho hay, hiện tại nước ta chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử để kết nối, đối soát dẫn tới các doanh nghiệp viễn thông thật sự không có cơ sở để đối soát, chứng minh thông tin thuê bao là chính xác hay không.

Vào tháng Tám vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công an và được biết cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử hiện mới triển khai xong ở 13 tỉnh/thành phố với khoảng 11 triệu căn cước.

Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh phí nên thời gian hoàn thành chưa thể xác định. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý và nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao (đặc biệt là các thuê bao đã có thông tin đầy đủ, chính xác như các thuê bao trả sau) đi bổ sung ảnh chụp (các doanh nghiệp ước tính còn khoảng 38 triệu thuê bao dạng này) sẽ lại tiếp tục gặp phản ứng và do đó “thực sự cần xem xét, bãi bỏ quy định này.”


From the same category