Sẽ trưng bày bảo vật "hộp vàng hoa sen"? - Tạp chí Đẹp

Sẽ trưng bày bảo vật “hộp vàng hoa sen”?

Tin Tức

Bảo vật hộp hình hoa sen bằng vàng mới được phát hiện tại H.Đông Triều, Quảng Ninh – Ảnh: Trung tâm nghiên cứu kinh thành cung cấp

Đáng mong đợi

Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu kinh thành đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép UBND H.Đông Triều được trực tiếp quản lý, bảo quản chiếc hộp vàng này để có kế hoạch trưng bày, quảng bá rộng rãi tới công chúng.

“Điều này sẽ giúp phát huy giá trị tổng thế và quần thể di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại đây”, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm cho biết.

Không những thế, nếu được trưng bày ngay tại Đông Triều, nhân dân cũng sẽ được tiếp cận với các bảo vật quốc gia vốn chỉ được trưng bày tại các thành phố lớn. Hộp vàng này, khi đó sẽ trở thành hiện vật bằng vàng có niên đại cổ nhất tại Việt Nam được trưng bày cho công chúng thưởng lãm. Bởi, hiện nay 5 đĩa vàng từ thời Lý (tìm thấy tại Hưng Yên) vẫn được bảo quản trong kho bạc.

“Công chúng mới chỉ được xem 5 hiện vật vàng này qua ảnh trên trang mạng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia”, TS Vũ Quốc Hiền – Phó giám đốc Bảo tàng quốc gia nói.

TS Trí cũng nhận định hộp vàng có khả năng do thợ khéo của Hoàng cung Thăng Long làm nên, do đó chiếc hộp càng quý. Trong đợt khai quật năm 2002-2004 tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các di vật bằng vàng tìm thấy đều là mảnh vỡ nhỏ, không xác định được hình dáng cụ thể của đồ vật.

Bảo vệ nhiều lớp

Chính vì vậy, nếu muốn trưng bày tại khu di tích đền An Sinh như các nhà khoa học đề nghị, sẽ phải có phương án chắc chắn để bảo đảm an toàn cho chiếc hộp. Tuy nhiên, mô hình trưng bày đã được TS Trí sơ thảo phác họa dựa trên một mô hình trưng bày hiện vật tại Hàn Quốc.

Phương án trưng bày bảo vật bằng vàng hộp hình hoa sen có từ thời Trần – Ảnh: Trung tâm nghiên cứu kinh thành cung cấp

Trong phương án trưng bày này, ánh sáng căn phòng sẽ rất nhẹ, còn tủ kính trưng bày hiện vật sẽ được chiếu sáng mạnh. Đèn sẽ được hắt từ trần lẫn đế tủ. “Nhiều khả năng người ta sẽ không dùng đèn bình thường vì nhiệt độ của nó sẽ làm hỏng bảo vật. Do đó, việc chiếu sáng bằng cáp quang sẽ được cân nhắc”, TS Vũ Quốc Hiền – Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ quan điểm. Quan điểm này của ông có được dựa trên kinh nghiệm khi thực hiện trưng bày “bảo vật hoàng cung” gồm rất nhiều đồ vàng ngọc hồi năm 2010.

Cũng theo kinh nghiệm của TS Hiền, kính bảo vệ sẽ là loại chịu lực, búa tạ đập vào cũng không có vết gì.

Tuy nhiên, đây là phương án trong phòng trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử. Còn với địa điểm đền An Sinh, chắc chắn, việc bổ trợ các phương án bảo vệ khác là điều đương nhiên.

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

07/07/2012, 08:56