Thả gà ra đuổi!
Theo Luật Quảng cáo, những hàng hóa, dịch dụ (dịch vụ khám chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ, các loại thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, vắc xin, thực phẩm chức năng…) do ngành y tế quản lý là hàng hóa dịch vụ đặc biệt, khác với các dịch vụ, hàng hóa thông thường bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe thậm chí tính mạng của người sử dụng hàng hóa, dịch vụ này nếu nó không bảo đảm.
Vì tính chất đặc biệt này nên muốn quảng cáo, tổ chức, cá nhân có dịch vụ, hàng hóa trước khi quảng cáo phải gửi hồ sơ đến cơ quan y tế để thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã thẩm định.
“Dù kiểm soát nhưng trong thời gian qua đã có quá nhiều vi phạm về quảng cáo trong lĩnh vực y tế như quảng cáo phòng khám đông y Trung quốc quảng cáo giải phẫu thẩm mỹ quá với giấy phép hành nghề dẫn đến người bệnh đã sử dụng các dịch vụ này và có trường hợp đã tử vong gây bức xúc dư luận xã hội. Còn trường hợp quảng cáo vòng đeo tay chữa bệnh huyết áp cao, thực phẩm chức năng chữa ung thư, HIV… không phải ít, gây hậu quả xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu lại bỏ đi việc xác nhận, thẩm định của cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực quảng cáo liên quan đến y tế thì e rằng càng “loạn” thị trường và người tiêu dùng là người chịu thiệt thòi”, ông Phong nói.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc các phòng khám tư, đặc biệt các phòng khám có yếu tố nước ngoài quảng cáo về hoạt động của phòng khám quá mức thực tế là rất phổ biến. Điều này rất nguy hiểm cho người dân xem quảng cáo. Họ tin vào quảng cáo đó, đến nơi khám bệnh và nhiều khi phải chịu rủi ro khi các phòng khám này quảng cáo, thực hiện khám chữa bệnh quá nội dung cho phép. Vì thế, phải kiểm soát việc quảng cáo đúng với nội dung cho phép để định hướng cho người dân khi đi khám bệnh. Giám sát nội dung quảng cáo phải làm, vì nó quảng bá hình ảnh của cơ sở ấy, nếu không giám sát dễ dẫn đến tình trạng quảng cáo quá mức cho với thực tế hoạt động.
Các Luật chuyên ngành như Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật ATTP đều có chương riêng quy định chặt chẽ về nội dung quảng cáo. Như trong luật ATTP cũng quy định chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận”.
Người bệnh gánh họa
Ông Phong cho rằng, việc không giám sát, thẩm định nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế sẽ rất nguy hiểm và người gánh họa chính là người dân. Ảnh: Tú Anh
“Nếu dự thảo này đặc thông qua theo hướng đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt không cần phải thẩm định nội dung thì sẽ rất nguy hiểm cho xã hội. Vì với quy định này, nhà quảng cáo muốn làm gì thì làm, phó mặc tính mạng người tiêu dùng. Luật Quảng cáo quy định “Cấm quảng cáo sai sự thật”, nếu hàng hóa, dịch vụ thông thường quảng cáo sai thì người tiêu dùng chỉ thiệt hại về kinh tế, còn hàng hóa, dịch vụ do ngành y tế quản lý nếu bị quảng cáo sai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng”, ông Phong lo lắng nói.
Theo thống kê 10 tháng đầu năm 2012 Cục An toàn thực phẩm nhận được 1.011 hồ sơ đăng ký quảng cáo TPCN, tuy nhiên có tới 90% hồi sơ có vấn đề bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung sao cho đúng với tác dụng của sản phẩm. Nếu nghị định kia được áp dụng, nội dung quảng cáo không cần cơ quan y tế thẩm định thì cũng cớ tới từng đó sản phẩm được quảng cáo “có vấn đề” so với công dụng thực tế của sản phẩm và người tiêu dùng sẽ phải là người gánh chịu hậu quả.
Bên cạnh những bất cập trên, nghị định này còn trái với các Luật chuyên ngành về y tế (mà Nghị định của Chính phủ là văn bản dưới Luật không được phép trái Luật). Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ đề nghị phải đưa nội dung xác nhận quảng cáo các loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt do ngành y tế quản lý vào Nghị định hướng dẫn Luật quảng cáo để hạn chế tình trạng quảng cáo “vống”, quá chức năng, công dụng để bảo vệ sức khỏe người dân.