Sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20-23% - Tạp chí Đẹp

Sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20-23%

Tin Tức

Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thuế suất thấp hơn

Đây là điểm nổi bật nhất trong dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính vừa hoàn tất.

Theo Luật hiện hành, mức thuế suất phổ thông là 25% được áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, không phân biệt giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Bộ Tài chính dự kiến đối với thuế suất phổ thông, sẽ giảm xuống còn 23%.

Riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được áp dụng thuế suất thấp hơn là 20%. Tiêu chí nhóm đối tượng này là trong thời gian ổn định 2 năm liền kề trước, các DN sử dụng bình quân dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu bình quân năm không quá 20 tỷ đồng. Nếu luật thông qua, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể thêm như đối với doanh nghiệp thành lập mới thì việc xác định DNNVV trong kỳ tính thuế đầu tiên sẽ dựa trên doanh thu tạm tính và số lao động đăng ký sử dụng. Khi quyết toán thuế năm sẽ điều chỉnh theo số thực tế.

Đối với doanh nghiệp hoạt động chưa đủ 2 năm thì dựa trên doanh thu và số lao động sử dụng toàn thời gian bình quân của năm đầu thành lập.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế như vậy vừa phù hợp với lộ trình trong Chiến lược cải cách thuế, cũng đã đặt mục tiêu, đến năm 2020, thuế suất chỉ còn 20%.

Đồng thời, mức thuế trên cũng phù hợp với xu hướng chung, đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực.

DN sẽ được giảm thuế thu nhập trong 1 năm tới (ảnh: Theo Thanh niên) 

Ví dụ, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia hiện đang áp dụng thuế suất 25%, Philippines là 30%. Trong đó, Malaysia đã có tới 4 lần giảm thuế phổ thông. Thái Lan cũng đã giảm thuế suất từ 30% xuống 23% năm 2012.

Các nước này cũng đã có quy định DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn. Tại Trung Quốc, Malaysia,  nhóm DN này đã có thuế suất là 20%. Thái Lan là 15%.

Về áp lực đối với cân đối ngân sách, Bộ Tài chính đánh giá việc giảm thuế không gây tác động giảm thu đột ngột và cũng không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi.

Ước tính, nếu năm 2014 chính sách thuế TNDN không thay đổi thì dự kiến thu ngân sách nhà nước từ thuế này  khoảng 150.800 tỷ đồng. Khi giảm thuế xuống 23% thì thu ngân sách ước giảm khoảng 12.064 tỷ đồng, Nếu áp dụng thuế suất 20% đối với DNNVV thì dự kiến giảm thu ngân sách còn nhiều hơn. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp NSNN về thuế TNDN của nhóm DN này lại nhỏ nên sẽ không ảnh hưởng lớn tới nguồn thu.

Bù lại, việc giảm thuế sẽ có tác dụng hỗ trợ cho DN tích lũy, có vốn tái đầu tư phát triển, từ đó, sẽ có nhiều đóng góp hơn cho Ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh trong thực tiễn sẽ được đưa vào diện phải  xác định riêng và kê khai nộp thuế. Đó là thu nhập từ các hoạt động chuyển nhượng quyền kinh doanh như chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản; chuyển nhượng quyền góp vốn đầu tư, quyền tham gia dự án…Tuy nhiên, các khoản này sẽ được bù trừ lãi, lỗ với nhau, Trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn bị lỗ, doanh nghiệp được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế.

Lãi trả cho khoản vay vượt 4 lần vốn chủ sở hữu phải chịu thuế

Điểm mới thứ hai của dự thảo sửa Luật thuế TNDN là quy định khống chế các khoản lãi vay được trừ trong thu nhập chịu thuế.

Theo đó, lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ an toàn tài chính thì không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Cụ thể, DN sẽ không được trừ vào thu nhập chịu thuế các khoản chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu.

Riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 10 lần vốn chủ sở hữu.

Đối với một số ngành, lĩnh vực, DN đã có quy định của pháp luật về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định đó.

Thời gian áp dụng sẽ muộn sau 2 năm so với thời điểm Luật có hiệu lực, từ 1/1/2016 và áp dụng đối với các khoản vay, hợp đồng vay vốn ký từ ngày này.

Theo giải thích của Bộ, tỷ lệ trên là dựa trên quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Ví dụ, ở bất động sản, doanh nghiệp phải có tối thiểu 20% vốn tự có đầu tư vào dự án (tỷ lệ 4:1) thì mới đảm bảo điều kiện về khả năng tài chính để thực hiện dự án. Các doanh nghiệp BOT, BTO, BT hiện nay cũng phải đáp ứng tỷ lệ vốn chủ sở hữu từ 20% – 30% (tỷ lệ 4:1 hoặc 3,3:1) tuỳ theo từng dự án mới được quyền tham gia dự án.

Đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng, tỷ lệ đảm bảo an toàn tài chính theo Thông tư 13/2010 của Ngân hàng Nhà nước 9%.

Bộ Tài chính cho hay, nhiều DN có “vốn mỏng”, vay vốn vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính. Việc sử dụng vốn vay càng nhiều dẫn tới chi phí tiền lãi phải trả càng tăng. Trong khi đó, theo Luật hiện hành, khoản lãi tiền vay này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN. Vì vậy, số thuế doanh nghiệp phải nộp sẽ giảm đi, từ đó làm giảm thu ngân sách Nhà nước. Hiện tượng “tránh thuế” theo cách tận dụng “vốn mỏng” này ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Ngoài ra, dự thảo sửa Luật thuế TNDN cũng nâng mức khống chế cho các phần maketing, đối ngoại từ 10% hiện nay lên không quá 15% thì được trừ vào thu nhập chịu thuế. Đó là các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí.. liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điều này cũng phù hợp với thực tế kinh doanh cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp cần phải tăng cường quảng bá sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ, chiếm lĩnh thị trường.

Giảm thuế nhưng nguồn thu vẫn tăng

Theo Bộ Tài chính, mặc dù thuế TNDN giảm từ 28% xuống còn 25% trong giai đoạn 2009-2011 nhưng số thu NSNN về thuế TNDN vẫn tăng trưởng.

Trong giai đoạn 2009 – 2012, số thu thuế TNDN (không kể thu từ dầu thô) đạt mức bình quân khoảng 90 nghìn tỷ đồng/năm với mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 25%.

Cụ thể: Năm 2009 đạt 52.191 tỷ đồng, chiếm 19,3% trong tổng thu NSNN và bằng 3,15% GDP.

Năm 2010 là 82.297 tỷ đồng, chiếm 22,5% trong tổng thu NSNN và bằng 4,15% GDP.

Năm 2011 là 96.600 tỷ đồng, chiếm 22,4% trong tổng thu NSNN và bằng 3,81% GDP.

Năm 2012 dự kiến là 129.391 tỷ đồng, ước bằng 4,83% GDP.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

12/12/2012, 14:33