Sẽ lủi như cuốc hay tiến lên quốc tửu?

Đó là Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng từ ngày 1-1, ngày được giới dòm ngó ghi nhận vẫn “một ngày như mọi ngày”, chỗ kia mấy ông khề khà “làm một cút”, chỗ nọ đám cưới rền tiếng khà…

Cái mác “quốc lủi” đã thành thương hiệu, niềm tin lâu đời. “Quốc” đây người ta không nghĩ là “nước” uống chui lủi, mà là “cả nước”. Nói đến nó là nghĩ đến những lò âm ỷ trong các gia đình nông thôn, chưa công nghiệp hoá, chỉ là tiểu thủ công truyền thống, cho dù có nơi phát triển cỡ quy mô “làng nghề”.

Thương hiệu chỉ truyền miệng, kiểm nghiệm chỉ là niềm tin, chỗ quen, nhưng nức lòng dân quen khề khà. Hầu như địa phương nào cũng có như vốn tự có: từ làng Vân, Trương Xá đến Bàu Đá, Gò Đen… đố thứ rượu ngoại nào chen chân được.

Tiền không là cái đinh, nhé. Hai Lúa vác cả bao tải tiền đi nhậu tới “ngoắc cần câu” có “chơi” các loại rượu tây danh tiếng cũng chỉ là đãi bạn. Về nhà, cứ là đập chân phủi bụi, xếp bằng trên bộ ván, làm vài ve “nước mắt quê hương” mới tới được “dạt dào tình thương mến thương”.

Tết này, không nhãn mác, các loại quốc lủi sẽ phải “chìm xuồng tại bến”? Tết nhất, làm tý “cay cay” cho hừng khí thế xuân mà không có chút lủi “đậm đà bản sắc”, sẽ phải nhắm mắt đưa cay loại “quốc tế lủi”?

Nga, nơi có đông dân hưởng ứng loại “nước huyền thoại”, vừa có một kinh nghiệm đáng nghĩ. Ngăn cản rượu tự nấu, tăng giá rượu Vốt-ka quốc doanh để hạn chế nạn say xỉn. Cuộc chiến này có từ lâu, nhưng nay quyết liệt, tăng giá cao ngất…

Tận dụng tình hình này, whisky nhào vô, hạ giá, khuyến mãi các trò cũng quyết liệt. Kết quả, dân Nga bao đời một lòng với rượu tự nấu, Vốt-ka buộc “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” sang whisky. Hãng rượu này sung sướng vì chiếm được thị trường vĩ đại. Thiệt về tiền đã to, Nga ngã người nhận ra gu rượu đang chuyển và tương lai thương hiệu mù mờ.

Từ chuyện ở Nga, nghĩ tới ta. Nếu một mai, quốc lủi dân tộc lùi, nhường miệng cho dân chúng quen hít hà rượu ngoại hương liệu công nghiệp hoá, hẳn xỉn lòng như xỉn rượu.

Chấn chỉnh quốc lủi vì thế nên đi cùng hiện đại hoá, tái cơ cấu, nâng ngành tiểu thủ công nghiệp này lên mức… công nghiệp địa phương để người uống rượu Việt ưu tiên dùng rượu Việt, sao phải né rượu Việt Nam chất lượng cao, chưa nói đến việc tạo dựng vài thương hiệu tầm quốc tửu.

Chuyện lâu dài ấy, bắt đầu từ từng bước kiểm soát việc sản xuất quốc lủi tản mác, mù mờ tình trạng vệ sinh, an toàn thực phẩm… Riêng năm 2012, trong số người thiệt mạng vì ngộ độc thực phẩm nói chung, đã có 26% người “xỉn hẳn” do ngộ độc rượu là một thống kê buồn giật mình.

Thế nên, dù có chút “rầy rà” (đăng ký với xã, vận chuyển có hợp đồng mua bán…), người thương quốc lủi vẫn chia sẻ, ủng hộ việc kiểm soát, thậm chí cần cả biện pháp kiểm tra pha chế nơi bán lẻ… 

Thời vật giá tăng, quốc lủi sẽ thắng nếu bảo đảm an toàn. Rượu quê vốn có tiếng ngon bổ, rẻ sẵn rồi và sẵn cả một văn hóa rượu quê.

Kinh nghiệm từng có của thời “bia lên cơn”, “rượu nhẹ có gas”, thậm chí một số loại bia ngoại vào thị trường Việt cũng bị “văng” vì gây đau đầu. Bị dân nhậu “cạch đến già” thì còn chơi được với ai.

Thương lấy quốc lủi quốc hồn quốc tuý là bảo vệ cho nó luôn trong sạch, vững mạnh, để Quốc lủi đậm đà bản sắc, toả hương như một quốc tửu danh tiếng.

Dịp Tết này, quốc lủi sẽ phải lủi như chim cuốc hay đàng hoàng tiến thêm một bước về phía một loại quốc tửu?

Trần Giang Phương


From the same category