Khi cuộc chiến về việc lựa chọn diễn viên cho các bộ phim có yếu tố đồng tính nổ ra, nữ diễn viên da trắng Scarlett Johansson một lần nữa bước chân vào cuộc chiến.
Scarlett Johansson là tên tuổi không còn xa lạ với những lùm xùm chọn vai gây phản ứng dữ dội. Năm 2016, người đẹp 34 tuổi trở thành trung tâm của tranh cãi khi được chọn đóng chính phiên bản live-action của bộ phim hoạt hình Nhật Bản “Ghost in the Shell“. Người hâm mộ coi đây là hành động “tẩy trắng” thái quá khi chọn một nữ diễn viên da trắng hóa vai thành nhân vật Motoko Kusanagi.
Nữ diễn viên tiếp tục bị dư luận chỉ trích vào năm 2018 sau khi dự định đóng vai Dante Tex Gill trong phim tiểu sử “Rub & Tug”. Nhân vật của cô là một tội phạm sinh ra là phụ nữ, điều hành một đường dây massage và mại dâm tại Pittsburgh (Mỹ) vào thập niên 1970-1980 nhưng luôn nhận mình là đàn ông.
Không ít người thuộc cộng đồng LGBT cho rằng vai Dante Tex Gill nên được giao cho một diễn viên chuyển giới. Thông qua người đại diện, người đẹp đến từ Mỹ đáp trả một cách thách thức nhưng cuối cùng, minh tinh tuyên bố rời khỏi dự án “Rub & Tug”. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí As If, Scarlett Johansson cho rằng tính đúng đắn chính trị (political correctness) tạo sự đối chọi với nghệ thuật.
“Bạn biết đấy, với tư cách là một diễn viên, tôi nên được phép hóa vai thành bất cứ người, cái cây hay con vật nào bởi đó là công việc của tôi“, nữ diễn viên chia sẻ, “Dường như, có một xu hướng mới đang hình thành trong ngành công nghiệp giải trí nhằm đáp ứng một số vấn đề mang tính xã hội. Đôi khi, nó làm tôi không thoải mái vì gây ảnh hưởng đến nghệ thuật. Với tôi, nghệ thuật là không hạn chế“. Theo nữ diễn viên, xã hội sẽ trở nên kết nối hơn khi mỗi cá nhân có cảm xúc của riêng mình thay vì bắt ai đó có chung cảm nhận với bản thân.
Sau đó, Charlotte Clymer, một phụ nữ chuyển giới làm thư ký báo chí tại Chiến dịch Nhân quyền lên tiếng chì chiết Scarlett Johansson vì “không quan tâm đến những trải nghiệm của người chuyển giới“. Cô này tuyên bố sẽ không xem bất cứ bộ phim nào có mặt Scarlett Johansson vì đã coi thường những bất công mà cộng đồng người chuyển giới phải đối mặt.
Johansson sau đó đáp trả trên tờ The Washington Post rằng những bình luận của mình đã “bị chỉnh sửa” và “bị đưa ra khỏi bối cảnh” câu chuyện.
Theo ngôi sao “Avengers“, câu trả lời của cô nằm trong bối cảnh cuộc trò chuyện với nghệ sĩ đương đại David Salle về cuộc đối chọi giữa tính đúng đắn chính trị và nghệ thuật: “Theo quan điểm cá nhân của tôi, trong một thế giới lý tưởng, diễn viên nào cũng được hóa vai thành bất cứ ai và nghệ thuật – ở mọi hình thức – đều được tách biệt khỏi chính trị“. Scarlett Johansson bổ sung rằng ngành công nghiệp điện ảnh trên thực tế tồn tại sự chênh lệch lớn, họ thường thiên vị các diễn viên da trắng và không phải ai cũng được trao đặc quyền giống cô.
Trong những năm qua, không ít diễn viên đã từ bỏ các dự án phim lớn để tránh tranh cãi. Nam diễn viên người Anh Ed Skrein từng rời khỏi vai Ben Daimio trong tác phẩm “Hellboy” ra mắt năm 2017, vì nhân vật này là người Mỹ gốc Á theo truyện tranh gốc. Vai diễn cuối cùng thuộc về diễn viên người Mỹ gốc Hàn Daniel Dae Kim. Gene Park gọi đây là “kết thúc tốt đẹp hiếm có của vấn nạn tẩy trắng ở Hollywood”.
Quay trở lại với Johansson, nữ diễn viên bị chỉ trích dữ dội vì so sánh cộng đồng người LGBTQ với động vật và cây cối. “Đúng vậy, Scarlett Johansson có thể đóng vai một cái cây. Bởi vì những cái cây có vẻ không muốn vật lộn để đóng phim cho lắm. Thế nhưng, có rất nhiều diễn viên thuộc cộng đồng LGBTQ và cả những người không là diễn viên khao khát mang những nhân vật đồng tính/chuyển giới lên màn ảnh”, Stephanie Mickus, biên kịch của “Hope Springs Eternal” đăng tải tweet.