“Loại như Cậu, có chất cả đống đồ hiệu lên người cũng không khá hơn!” Ô, nói như thế thì có nghĩa là đồ hiệu có khả năng nâng con người ta lên sao? Mà rõ ràng nói vậy là thừa nhận rồi còn gì. Trách chi bao nam thanh nữ tú cứ mở miệng là “bắn” ra toàn nhãn mác
Cũng không cần bàn đến sự đúng sai trong câu nói cửa miệng này, nhưng trong xã hội quả là đang có một số người thuộc loại say đồ hiệu. Nam giới mới đáng nói, chứ phụ nữ thì là chuyện không có gì ngạc nhiên. Đã phải dùng chữ “say” thì thấy là họ mê đến mức nào rồi. Họ không phải loại có tiền thì thích chơi sang, họ mê thật.
Mới chỉ khoảng 10 năm trước, mặc một cái áo Ralph Lauren ở giữa thành phố có khi cũng chẳng ai thèm để ý cái hình vận động viên polo cưỡi ngựa, nhưng bây giờ ra đường thấy đủ các loại tên tuổi từ các trung tâm thời trang lớn nhất nhất thế giới – Paris, London, Milan, New York, Tokyo. Các hãng thời trang cao cấp cũng nhận ra thị hiếu đó của dân Việt và nhanh chóng mở một loạt các cửa hàng sáng trưng tại các thành phố lớn.
Song ai cũng biết có nhiều cái gọi là đồ hiệu. Đồ hiệu thật, tất nhiên, đồ hiệu “nhái” như thật, đồ hiệu “nhái” nhìn-qua-biết-ngay và đồ hiệu “siêu lởm khởm”. Những kẻ bạ đâu mặc đấy thì xin không nhắc đến ở đây, nhưng có không ít người khoác lên mình đầy những Versace hay Gucci mà chẳng hề biết là những cái thương hiệu này “chui” từ đâu ra.
Thấy thiên hạ đeo thắt lưng Louis Vuitton thì mình cũng phải sắm cho được một hai cái, ngồi quán café đã cảm thấy bản thân tăng lên… mấy chân kính. Thấy nhiều người đeo bút Mont Blanc thì cũng cố làm một chiếc ở túi áo, tuy thực chất chẳng mấy khi cần viết (và như thế chỉ cần… nắp bút là đủ).
“Tớ vừa làm một con kính Ạcmànì rất oách, hơi đắt nhưng phải nghiến răng, 2 triệu” một chàng sành điệu hớn hở. Ô, anh này không biết rằng một chiếc gọng kính nam Giorgio Armani thật phải có giá từ 250-400USD, mà mua đồ “dỏm” với giá đó thì quá đắt. Có một dạo rộ lên phong trào dùng bật lửa Dupont, đi đâu cũng thấy tiếng “poong” đầy khiêu khích. Về sau mới biết toàn là hàng “đánh” từ Trung Quốc về, mua bên đó với giá khoảng 750.000 đồng, về Thủ đô toàn bán được 3 triệu trở lên.
Người say đồ hiệu thì không bao giờ thèm chơi đồ theo kiểu thể hiện với hàng xóm. Họ chơi đồ hiệu không phải để cho người ngoài ngưỡng mộ, đơn giản là họ thấy phải và cần như thế để thỏa mãn nhu cầu bản thân. Họ chơi cho chính bản thân mình. Họ sắm sanh rất có chọn lọc, chỉ đến các cửa hiệu quen và phớt lờ cái băng-rôn “Hàng mới nhập” nhan nhản ngoài đường. Những người có nhiều cơ hội đi công tác hay du lịch nước ngoài thì dễ dàng thỏa mãn nhu cầu này hơn. Bên cạnh một số ít dư thừa sẵn sàng bước vào cửa hàng Dunhill hay Zegna mua liền dăm chiếc sơmi, vài cái cravat, thậm chí “bê” tới hai bộ vest có giá đến mấy ngàn đô, không ít “tín đồ” hàng hiệu cất công “window shopping” cả ngày để tìm bằng được một hai món đồ vừa ý với giá cả hợp lý. Cả chuyến đi năm ngày, có khi chỉ một chiếc áo Hugo Boss chất cotton mát lịm, màu vàng sẫm kẻ ô to xanh chìm cùng đôi măng-xét Bvlgary đã làm quý ông thỏa mãn.
Một anh bạn tôi có nguyên tắc như sau: sơmi, giày, bộ vest dứt khoát phải là đồ hiệu và chỉ mua ở nước ngoài. Lý do của anh là ở nước ngoài thì có nhiều thương hiệu hơn và chủng loại cũng đa dạng hơn, khi đi mua cảm thấy… sướng hơn. Làm việc cho một công ty liên doanh lớn nên mức lương của anh cũng khá cao, nhưng anh biết rằng nếu chạy theo đồ hiệu thì có lương gấp đôi hiện tại cũng không đủ. Trót mê hàng hiệu, anh tranh thủ những chuyến đi công tác để săn lùng những món đồ mình thích. “Nhiều khi ra nước ngoài lại mua được đồ rẻ hơn trong nước, nhất là quần áo. Nhưng tất nhiên là phải chịu khó một chút để tìm,” anh cười. “Tôi hơi quá khổ nhưng thế lại là may vì các cửa hàng ở nước ngoài thỉnh thoảng bán hạ giá quần áo loại lớn vì ít người mua. Chỉ khổ những ông dáng người chuẩn, suốt ngày phải mua đồ đắt”.
Một anh bạn khác làm việc lâu năm ở nước ngoài, cũng thuộc loại hay đi mua quần áo nên được cấp thẻ “Khách hàng đặc biệt”. Cứ hai tháng một lần anh có giấy mời đi… mua hàng tại một cuộc hội ngộ của nhiều thương hiệu lớn ở Tokyo. Điều thú vị là mỗi hãng có một số lượng nhất định hàng hạ giá được đưa ra bán nhiều đợt trong ngày, như một biện pháp thu hút khách chứ không phải vì hàng lỗi mốt. “Lần nào đi tớ cũng ôm được một bộ vest của Christian Dior hay Durban với giá chỉ bằng một phần ba bình thường,” anh nói bằng cái giọng của một chuyên gia mua sắm.
Nam giới chơi đồ hiệu tốn kém hơn phụ nữ – đó là chân lý không cần phải bàn. Tất nhiên, đây cũng là vì thủ thuật kinh doanh của các hãng mà thôi. Chị em thay đổi mốt xoành xoạch, bán đắt quá thì câu khách sao nổi. Trong khi đó, tuổi thọ các bộ cánh hay đôi giày của đấng mày râu kéo dài hơn, nên nhiều khi xếp hạng thì cũng ngang nhau nhưng đồ của đàn ông có thể đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với đồ của phụ nữ.
Đã trót chơi thì phải chịu chi. Nhưng cách chi của người biết chơi khác với cách chi của người thừa tiền cũng như những ông mới phất. Hàng phải hợp với người, chứ không phải cứ thấy nhãn hiệu thời thượng là vội vàng xô tới. Hãy tưởng tượng một quý anh lịch lãm, khoác bộ vest sẫm nuột nà, nhưng lại “choảng” chiếc thắt lưng kẻ ô nâu-vàng của LV thì còn ra thể thống gì nữa. Hàng Giorgio Armani cực đẹp, nhưng riêng áo sơmi thì theo phong cách hơi “playboy”, mấy anh nhỏ xương cứ ham khoác vào thì trông người chảy thượt.
Cuộc sống của người Việt đang khá hơn, và bên cạnh việc đón các đoàn du khách nước ngoài vào Việt Nam thì từng đoàn dân ta cũng nườm nượp đi chơi ngoại quốc. Trong hàng người chuẩn bị lên máy bay về nước luôn luôn có một số vị trông rất sành điệu, trên người toàn hàng hiệu và tay xách nách mang đủ loại túi mà chỉ nhìn vào những đường kẻ hay màu là những người biết chút chút đã hoảng hồn – vì cả một đống tiền đang chuyển động khơi khơi như là mấy mớ rau. Nhưng chưa chắc họ đã là những người thực sự biết chơi đồ hiệu.
Những kẻ say đồ hiệu thực sự đang đứng ở đâu đó trong hàng người, thong thả, điềm đạm…/.