Saudi: Trung Đông cấm cung - Tạp chí Đẹp

Saudi: Trung Đông cấm cung

Sự Kiện

Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”.

Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma rốc, và châu Á đến Ấn Độ.

Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu khởi đăng từ số tháng 2/2012.

Vào năm 570 sau Công nguyên ở Tây bán đảo Ả Rập (Saudi ngày nay), một cậu bé tên là Muhammad chào đời.

Cậu không may mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được một ông bác nuôi nấng. Năm 25 tuổi, Muhammad và bà chủ giàu có của chàng phải lòng nhau. Bà chủ động cầu hôn. Họ nên duyên và sống hạnh phúc trong suốt 25 năm cho đến khi Khadija qua đời ở tuổi 65. Làm thử một phép tính nhẩm, bạn sẽ thấy Muhammad 25 xuân xanh cưới Khadija khi bà đã 40 tuổi, góa chồng với 3 cô con gái từ cuộc hôn nhân trước.

Khadija là người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên trên thế giới. Bà không sống lâu để có thể thấy chồng mình làm nên một điều kỳ diệu, thống nhất các bộ lạc vùng bán đảo Ả Rập dưới một tôn giáo mới tên là Islam (người tuân lệnh). Tôn giáo ấy nhanh chóng tràn ngập vùng Trung Đông, cải đạo cả đế chế Ba Tư hùng mạnh và đẩy lui siêu đế chế Roma về phía châu Âu.

Trong vòng 6 thế kỷ, Hồi giáo tỏa ra khắp 3 châu lục, đạt đến đỉnh điểm của văn minh và kỹ nghệ vào thế kỷ 13 trong khi châu Âu còn mông muội vùi trong đêm trường Trung cổ. Ngày nay, Hồi giáo có số tín đồ lớn thứ hai thế giới (21%), chỉ sau Thiên Chúa giáo (33%). Một trong năm điều răn căn bản của Hồi giáo là nếu điều kiện kinh tế và sức khỏe cho phép, tín đồ phải một lần hành hương đến Mecca (Saudi), ăn mặc giản đơn và cầu nguyện cùng các tín đồ anh em từ khắp nơi trên thế giới.

Saudi như vậy đương nhiên là nơi tôi phải bắt đầu cuộc hành trình Hồi giáo của mình.

Dòng người đổ về thánh địa Mecca

Nhưng như tôi đã kể từ số báo trước, Saudi bây giờ khác với Saudi ngày xưa. Saudi ngày xưa phá biên giới nối liền các bộ lạc. Saudi bây giờ đóng cửa biên giới không cho cả khách du lịch vào thăm. Saudi ngày xưa chỉ có cát với cát. Saudi bây giờ ngụp trong vũng dầu, nhiều tiền đến mức có thể xây một bức tường thành toàn bằng vàng cao 1 mét quanh quốc gia làm đường biên. Saudi ngày xưa phụ nữ làm sếp, góa bụa vẫn lấy trai tân, lại còn chủ động đòi cưới. Saudi bây giờ phụ nữ còn không được lái xe, ra ngoài không có đàn ông đi cùng thì cứ việc nghỉ khỏe. Mấy năm trước, một vụ cháy nổ xảy ra nhưng các cô gái trong nhà bị ngăn không được phép chạy ra ngoài vì không có… khăn trùm đầu. Kết quả họ chết thảm thương.

Tôi mất gần 1 năm xin visa đi Saudi không được, rốt cuộc đành tính kế chót, bay đi Saudi với tư cách hành khách nối chuyến từ Mumbai đi Dubai. Không vào Saudi được thì thôi đặt chân đến cái sân bay cũng là chạm chân vào đất thánh rồi. Nhật ký hành trình của tôi ngày hôm ấy đại để là như sau:

09:00

Sau ba lần kiểm tra an ninh tại sân bay Mumbai, đi vào bên trong cửa hành lang nối máy bay rồi, tôi thở hắt ra khi nhìn thấy một cái bàn kê sát ngay lối lên máy bay. Ông nhân viên an ninh không thèm soát túi của tôi mà chỉ lo lắng: “Cô có cái áo nào trùm kín người không? Ở sân bay Jeddah (Saudi), người ta sẽ không cho cô vào sân bay hở hang như thế này đâu”. Tôi trỏ cái khăn lụa to tướng, nghĩ bụng áo hở có hai cánh tay thôi, che tý là được.

09:30

Chuyến bay cất cánh với một bài kinh cầu đức sáng thế (Ala/God) phù hộ cho hành khách và phi hành đoàn đi đến nơi về đến chốn.

Khung cảnh xung quanh tôi như một cuốn phim quay bởi một đạo diễn mù màu. Những người đàn ông chậm rãi trong áo dài trắng và khăn trắng. Những người phụ nữ tóc búi cao trùm khăn kiêu hãnh bước bên cạnh trong áo choàng đen.

 

09:45

Tôi mở hàng loạt kênh ti vi. Bên cạnh 80% phim Hollywood là các chương trình Hồi giáo. “Ask Huda” chẳng hạn, nhận điện thoại từ các tín đồ khắp nơi trên thế giới và trả lời đủ các câu hỏi thập cẩm. Một chương trình khác toàn các cậu chíp hôi hỏi về tình yêu, kiểu “Bố mẹ chọn vợ cho con, xin hỏi con có thể cưới cô ấy và mong tình yêu rồi sẽ đến?”. Chương trình cuối cùng tôi xem trước khi ngó ra ngoài cửa sổ nhìn sa mạc trải dài dưới cánh máy bay và lăn quay ra ngủ là một diễn đàn về mối tương quan giữa Kinh Koran và Khoa học.

13:00

Máy bay hạ cánh xuống Jeddha. Như lời dặn, tôi lập tức đến trình báo ở bàn đón tiếp gần nhất. Cầm chiếc vé máy bay của tôi gí mũi vào xem đến 10 phút, người đàn ông to béo phía sau máy tính mới hiểu ra là tôi nối chuyến một mình. Là đàn bà con gái mà lại đi một mình, dù là nối chuyến đi nữa, thì ở cái sân bay Hồi giáo này cũng là một sự kiện.

Ông lập tức kêu tôi đưa hộ chiếu và quay lại với hai nhân viên sân bay. Họ bàn cãi, gọi điện, hỏi ý kiến hết ban này đến phòng nọ. Một anh an ninh chạy đi chạy lại như đèn cù, mỗi lần trở về lại chỉ trỏ sang tôi mặt nhăn như phải bả. Rõ ràng là họ không biết nên làm gì để xử lý cái con bé tôi đang ngồi vắt chân chữ ngũ, mặt không giấu nổi vẻ tò mò (cố nén mà không được!). Có một giọng nói đắc thắng vọng ra từ trong cái đầu tinh quái của tôi: “Ờ! Đấy! Chị hai này bay được đến đây rồi đấy! Có giỏi thì nhét chị đây quay lại Mumbai đi! Để xem mấy người xử trí vụ này thế nào. Đã đến được đây rồi kiểu gì thì chị cũng cóc sợ!”

14:00

Quyết định đầu tiên được đưa ra. tôi được dẫn giải đến một cái xe buýt to tướng, trống hoác, đầu xe đề “Đặc biệt khẩn cấp”. Anh an ninh khoát tay kêu tôi lên xe rồi vọt lên cabin ngồi cùng tài xế. Xe chạy chừng 5 phút thì dừng lại. Một anh an ninh khác đến tận cổng xe đón tôi. Họ trao đổi với nhau thông tin, trao tay giấy tờ hộ chiếu của tôi, và… mời tôi lên một chuyến xe khác, cũng chỉ có một mình tôi là hành khách, đầu xe cũng đề: “đặc biệt khẩn cấp”.

Chỉ có điều lần này “anh giai” an ninh táo tợn ngồi xuống cạnh tôi. Anh hỏi han tí đỉnh, rồi… chạm vào tay tôi tý đỉnh. Tôi miệng cười như nghé nhưng bụng hoang mang không biết xe còn đi bao lâu, nếu cái gã chết tiệt này nổi cơn dê cụ lên thì mình nên đạp cửa kêu cứu hay đá cho một phát vào cái chân giữa. Có lẽ nên kêu cứu thì an toàn hơn, lỡ gây thương vong gì thì toi. Nghe đâu cái xứ này phạt nhau toàn quật roi mấy trăm cái rồi cho ngồi tù dưỡng thương.

14:15

Xe dừng lại trước Terminal 2. Anh dê cụ còn cố vớt vát một cái chạm tay nữa trước khi giao tôi cho anh an ninh thứ 4 trong ngày. Anh này mặt đằng đằng sát khí, kêu tôi ngồi chờ hẳn 20 phút để chạy đi lo giấy tờ và thông báo đến các phòng ban.

Khi anh quay lại, một bóng đen to tướng đi cùng anh, kín mít từ đầu đến chân. Tôi được khoát tay mời vào một cái cabin kín cửa. Cái bóng đen đi sát đằng sau. Khi cửa được khóa trái, cái bóng bỏ tấm khăn phủ kín đầu, để lộ một khuôn mặt phụ nữ cực kỳ xinh đẹp, da trắng mịn, mắt xanh sẫm, mũi dọc dừa, môi mọng ướt. Cái cô tiên ấy tươi cười sờ nắn góc tay góc chân tôi, một thủ tục an ninh rất bình thường trong sân bay. Trước khi cô tiên kịp che đầu biến thành bóng đen, tôi vọt miệng hỏi: “Không ai được nhìn thấy chị à?” – Cô tiên cười toét miệng: “Tất nhiên là chỉ có bố, anh em trai và chồng tôi thôi. Ai ngu gì mà cho mấy ông không quen biết xem mặt”.

14:45

Qua cửa an ninh, tôi được đưa đến khu cổng lên máy bay và chờ ở một quán cà phê sang trọng ngay sát phòng an ninh. Lần này không ai còn nhăm nhăm đứng cạnh tôi canh chừng nữa. Tuy nhiên tôi cũng không dám chạy quanh vì hộ chiếu và giấy tờ vẫn bị giữ, chắc có lẽ cho đến tận lúc lên máy bay.

Tôi nhìn quanh, ngắm nghía cái phần bé nhỏ của cuộc sống Saudi trong khu chờ sân bay. Khung cảnh xung quanh tôi như một cuốn phim quay bởi một đạo diễn mù màu. Những người đàn ông chậm rãi trong áo dài trắng và khăn trắng. Những người phụ nữ tóc búi cao trùm khăn kiêu hãnh bước bên cạnh trong áo choàng đen. Phần lớn họ che kín mặt, nhưng cũng rất nhiều người chỉ che phần tóc, để lộ những khuôn mặt đẹp bí ẩn. Mọi thứ xung quanh tôi đều sáng loáng, sạch bong, sang trọng và quý phái, hệt như một căn phòng triển lãm nội thất hiện đại theo trường phái tối giản minimalism.

15:30

Đúng 15 phút trước khi cổng máy bay mở, tôi được trao trả hộ chiếu. Tôi chuyển đến ngồi ở trên những băng ghế chờ, nhận thấy rõ ràng những ánh mắt tò mò chạy dọc trên cơ thể mình. Chiếc khăn lụa hồng của tôi bay theo từng bước chân. Có lẽ tôi là đốm màu sắc duy nhất di chuyển trong cái thế giới đen trắng nửa thực nửa mơ này.

 

15:40

Một nhân viên sân bay trẻ măng chủ động đến gần tôi và hỏi tôi có cần trợ giúp. Chúng tôi nói chuyện một hồi, lòng tôi bỗng thấy thanh thản lạ kỳ. Sau vô số nhân viên an ninh và xe đặc biệt khẩn cấp, đây là phần giao tiếp có tính người nhất Tôi nhận được từ lúc đặt chân lên Saudi. Abdullah 25 tuổi, rất ghét con gái che kín mặt và thích những ngón tay sơn màu nâu thẫm. Tôi lên máy bay, từ xa thấy Abdullah vẫy tay cười rạng rỡ.

 

Thở phào cho đoạn cuối cuộc hành trình tại Saudi: Thanh thản ngồi chờ lên máy bay 

* Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành hiện nay của Phương Mai ở Trung Đông bằng email tại blog www.culturemove.com

Trao đổi với tác giả tại địa chỉ www.facebook.com/
dr.nguyenphuongmai www.twitter.com/nguyenphuongmai

Các đơn vị có kế hoạch cộng tác hoặc có nhu cầu tài trợ kinh phí, công cụ tác nghiệp cho chuyến
đi xin liên hệ với tác giả qua địa chỉ email dr.nguyenphuongmai@gmail.com

Bài & ảnh: Phương Mai


Thực hiện: depweb

19/03/2012, 16:43