‘Sâu tai’ – thủ phạm tạo ra sự ám ảnh tâm trí của các bản nhạc

Theo Giáo sư Emery Schubert, việc nghiên cứu “sâu tai” (“earworm) có thể giúp giải đáp những câu hỏi về mức độ tỉnh táo và cách thức mà chúng ta xắp xếp cũng như ghi nhớ dữ liệu.

Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters.)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học Australia thực hiện đã xác định lý do vì sao một bài hát thường xuyên lặp đi lặp lại trong tâm trí của chúng ta một cách không có chủ đích. Nghiên cứu cũng chỉ ra cách thức giúp chúng ta loại bỏ hiện tượng này.

Hiện tượng trên được gọi là “sâu tai” (earworm), theo đó âm nhạc len lỏi vào bộ não của chúng ta trong lúc chúng ta thư giãn. Đôi khi điều này không phải do giai điệu hấp dẫn của bài hát mà vì chúng chứa các đoạn lặp đi lặp lại khiến não bộ của chúng ta quen với nó.

Giáo sư Emery Schubert tại Trường Nghệ thuật và Truyền thông thuộc Đại học New South Wales – tác giả của bài nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Âm nhạc & Khoa học – cho biết hiện tượng “earworm” được ghi nhận nhiều nhất ở phần điệp khúc của các bài hát.

Tuy nhiên, sự “lặp đi lặp lại” chỉ là một yếu tố dẫn đến “earworm”. Một số yếu tố có tính điều kiện ban đầu là hiện tượng xảy ra ở người vừa được nghe hoặc vừa được biết đến bản nhạc đó. Theo kết quả nghiên cứu, hiện tượng “earworm” kích hoạt ở người đang trong trạng thái thư giãn hoặc không tập trung.

Tác giả nghiên cứu cho rằng hiện tượng “earworm” thường được cho là dễ chịu, song nó cũng có thể trở thành “nỗi ám ảnh” nếu đó là bản nhạc “rất tệ.”

Theo Giáo sư Emery Schubert, việc nghiên cứu “earworm” có thể giúp giải đáp những câu hỏi về mức độ tỉnh táo và cách thức mà chúng ta xắp xếp cũng như ghi nhớ dữ liệu.

Giáo sư Schubert cũng cho biết có thể kết thúc hiện tượng “earworm” bằng cách dừng nghe bản nhạc, chú tâm đến một bản nhạc khác hoặc tránh các yếu tố dẫn đến kích hoạt “earworm” như những câu từ hoặc ký ức liên quan đến bản nhạc hay lời bài hát mà chúng ta đang nghe.


From the same category