Sau rất nhiều mất mát, cuối cùng Quốc Hội Hàn Quốc cũng xem xét “Đạo luật Sulli” ngăn chặn nạn bắt nạt "ảo" - Tạp chí Đẹp

Sau rất nhiều mất mát, cuối cùng Quốc Hội Hàn Quốc cũng xem xét “Đạo luật Sulli” ngăn chặn nạn bắt nạt “ảo”

Hậu Trường

Sul trong tiếng Hán nghĩa là “tuyết”, còn “Li” có nghĩa là “hoa lê”, Sulli đã giới thiệu nghệ danh của mình như thế trong một buổi phỏng vấn. Chẳng ai ngờ rằng, cái tên ấy sẽ có lúc trở thành đạo luật mới, mà đằng sau nó là rất nhiều xót xa.

Ngày 16/10, hai ngày sau khi Sulli – cựu thành viên nhóm f(x) tự tử vì bệnh trầm cảm, chính phủ Hàn Quốc đã để ý đến những lời kiến nghị của công chúng về đạo luật mới, yêu cầu phải dùng danh tính thật trên Internet và hạn chế những bình luận ác ý. Dù những lời công kích có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến Sulli quyết định kết thúc cuộc đời mình nhưng nó góp phần không nhỏ khiến căn bệnh trầm cảm của cô thêm tồi tệ.

Sự ra đi đột ngột của Sulli thực sự là một đòn giáng mạnh mẽ vào dư luận xã hội, đồng thời buộc chính phủ Hàn phải có những thay đổi mạnh mẽ để hạn chế việc bắt nạt trên mạng. Đã có ít nhất 9 thành viên của Quốc hội Hàn Quốc đồng ý tiến hành xem xét “đạo luật Sulli” này. Một tiểu ban sẽ được thành lập để thảo luận chi tiết các điều khoản trong luật mới dự kiến vào khoảng đầu tháng 12, tưởng niệm 49 ngày mất của Sulli.
Theo nhiều nguồn tin cho hay, tiểu ban sẽ có sự tham gia của những nghệ sĩ đã phải chịu đựng những lời bình luận ác ý trong quá khứ như Yoon Sang Hyun, Lee Ju Young, Cho Kyung Tae,… Ngoài ra, tiểu ban sẽ ghi nhận sự đóng góp từ các tổ chức lớn trong nước như Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Hiệp hội Bóng đá, Liên đoàn Lao động Giải trí Quốc gia, Hiệp hội Nhân viên Chính phủ Hàn Quốc.
Sulli không phải là nghệ sĩ đầu tiên chọn cách kết thúc cuộc đời mình khi phải chịu quá nhiều áp lực. Vì đằng sau sự hào nhoáng của ngành giải trí Hàn Quốc là sự khắc nghiệt đến tận cùng. Chưa kể một hành động không đúng mực cũng đủ để thổi bùng cơn giận dữ của đám đông. Và căn bệnh trầm cảm cứ thế kéo dài bởi sự cộng hưởng từ những lời chỉ trích tràn lan trên mạng xã hội.
Ở tuổi 25, với nhiều người vẫn còn một quãng đời dài rộng phía trước. Nhưng riêng Sulli, 15 năm gia nhập ở làng giải trí, những lời tung hô ngọt ngào đã đủ và đắng cay hẳn quá sức chịu đựng. Chừng ấy năm tập trung cho diễn xuất và âm nhạc cũng đã tước đi của Sulli cơ hội được nhìn ngắm thế giới ở góc độ khác. Cuộc đời cô chỉ gói gọn đứng trước ống kính, trên sân khấu. Đồng nghĩa với việc khi nơi ấy không còn là thiên đường yên ả, Sulli không tìm thấy ý nghĩa của việc mình tồn tại.
Không chỉ Sulli mà nhiều người khác cũng đã đặt cược vào canh bạc duy nhất, hoặc thành danh hoặc trắng tay sau một khoảng thời gian dài chỉ tập trung cho âm nhạc hay diễn xuất. Lộ trình để trở thành nghệ sĩ ở Hàn bao giờ cũng kéo dài ròng rã có khi lên đến 10 năm. Và dù mỗi người một tính cách nhưng hết thảy đều được ép vào một cái khuôn hoàn hảo. Như Sulli từng cảm thán: “Tôi không biết tại sao tôi buộc phải làm một số việc nhất định. Tôi chỉ được bảo là phải làm nó. Có lúc, tôi nhận ra rằng nó không phù hợp với mình”.
Sau rất nhiều sự ra đi của các nghệ sĩ, từ Park Yong Ha, Choi Jin Sil, Jonghyun (SHINee) đến Sulli, có lẽ, thời điểm này là hơi muộn màng khi Quốc hội Hàn mới quan tâm đến việc thắt chặt những bình luận trên mạng xã hội. Nhưng hy vọng, đạo luật mới có thể khiến nhiều người biết nghĩ suy trước khi gõ những lời khiếm nhã lên trên bàn phím. Bởi vẫn còn một danh sách dài những nghệ sĩ vẫn đang vật lộn với bệnh trầm cảm cùng các sự “ném đá” của cư dân mạng. Mong rằng, sẽ chẳng còn điều đáng tiếc nào xảy ra.

Tác giả: An Yên

16/10/2019, 16:36