Sau mùa quả đắng

Seri Live show ca nhạc “Bài hát Việt Nam” của VTV3 đang khởi động bằng những ca khúc hoàn toàn mới. Các nhạc sĩ lại có một cuộc chơi, một cuộc thử sức sau nhiều scandal sáng tác. Những thông tin nhiều chiều phong tỏa người nghe nhạc thời gian bằng một trạng thái u mê, không phân biệt được thực hư. Giới sáng tác có vì thế mà chùn chân? Câu hỏi này được đặt ra với gần 20 nhạc sĩ, những người đang có nhiều việc phải làm hơn cho thị trường sản xuất âm nhạc nước nhà trong năm đầu tiên Công ước Bern có hiệu lực. Khán giả thì vẫn hồ nghi, nhưng công việc thì vẫn cứ phải làm…

Nhạc sĩ trẻ Đỗ Bảo, từng có hẳn một bài luận dài tỏ rõ quan điểm của mình với khán giả. Vấn đề của Bảo đặt ra rất lý thú “Tại sao lúc nào bạn cũng thấy nhạc Tây hay?”.

Ở cương vị một người làm nhạc, Đỗ Bảo rất tự tin, cho dù lúc đó album “Cánh cung” của anh chưa hoàn tất. Bảo tự tin ở chỗ, anh dám đặt câu hỏi trúng vào tâm lý người nghe nhạc. Họ thắc mắc mà không dám hỏi. Có nghĩ đến mà vì tự ti, không dám ủng hộ chuyện học hỏi đương nhiên kia của nhạc sĩ… Âm nhạc giải trí – âm nhạc cộng đồng – âm nhạc tiên phong… trên thế giới đã sải những bước cách mạng, mà ở đó nhiều dòng nhạc đều ở độ tuổi lão làng, có thành tựu rõ ràng. Ta là kẻ đi sau, học tập – thậm chí là bắt chước cũng chẳng qua là một điều tất yếu. Không được dạy và truyền nghề, học lỏm học mót, thậm chí là “nuốt trộm hạt ngô vào bụng” đem về nước chẳng phải là phát triển nghề trồng ngô sao?

Khán giả, những người mang số đông, chiếm thế thượng phong trong những cuộc tranh luận. Mà ở đó, cái lý thuyết nhạc Việt không hay bằng nhạc Tây (hiển nhiên), là một phát ngôn ấu trĩ, cực đoan và bảo thủ. Rõ ràng, ta còn phải học nhiều, bắt chước nhiều, từ hình thức đến nội dung để đi đến việc hoàn thiện một hình hài.

Hay nhìn lại chúng ta đi, nhạc nhẹ đã bắt đầu từ đâu. Thử nghĩ nếu thị trường âm nhạc mà chỉ có những tranh – bầu – sáo – nhị, quan họ – ca trù – nhã nhạc thì sẽ đứng ở đâu trong bản đồ thế giới đương đại. Âm nhạc phục vụ đời sống, phổ biến nhất là nhạc nhẹ, phải mang được hơi thở và phản ánh cuộc sống. Người nghe không nên đánh đồng những khía cạnh khác nhau của âm nhạc. Chúng ta đã thiếu khách quan với những nhạc sĩ mà họ đang phải làm cái gọi là nhạc nhẹ – đương đại.

Rõ ràng, sự phát triển chững chạc của nhạc nhẹ vẫn còn phải trông đợi nhiều vào các nhạc sĩ hiện đại có kiến thức âm nhạc tốt, có tinh lọc, có sự hội nhập thế giới và quan trọng, là phải hiểu “nhạc nhẹ thế giới đang diễn ra thế nào?”. Quốc Bảo là một người không may khi là quá lồ lộ “Tây học”, nhưng anh ta không phải là kẻ đầu tiên. Trước đây vài năm, Vũ Quang Trung, Huy Tuấn, Anh Quân là người bị kỳ thị vì các bản hòa âm, những sound nhạc vi tính… giống nước ngoài. Sau này thì Võ Thiện Thanh, Đức Trí… cũng bị nghi ngờ. Toàn những người thuộc dạng nhạc sĩ hiện đại, biết nhiều, nghe nhiều, được quan tâm nhiều… nên cũng dễ dàng bị ganh tị cũng nhiều. Mà sâu xa hơn nữa, tân nhạc thời kỳ đầu chẳng hạn, có khúc tình ca nào thoát được khỏi những giai điệu và nhịp chuẩn của âm nhạc Châu Âu (valse, tango… ) đâu? Nhạc sĩ Huy Tuấn, cũng nói: “Chẳng có gì mà đến mức dư luận phải ồn ào thái quá. Nhạc nhẹ đang phát triển chuyên nghiệp. Hay để chúng tôi làm đúng phong cách quốc tế đã trước khi muốn nhận ra chất Việt Nam, chất riêng”.

“Mùa quả đắng” của Bảo Chấn, Quốc Bảo… đã thấy rõ. Những nhạc sĩ đang được đánh giá cao cũng không ngoại trừ với những… nghi án. Thậm chí những cái “nghi” ấy không có ai có thể giải quyết thắc mắc được cho họ. Người có quyền chưa chắc đủ trình độ. Người có trình độ thì nói ai nghe? Giới nhạc vì thế mà xuề xòa qua nhanh giai đoạn này. Những nhạc sĩ trưởng thành chín chắn thì đã sẵn có một tâm lý mặc kệ, bước qua dư luận mà làm việc. Cho đến giờ phút này, ngoại trừ nhạc sĩ Bảo Chấn lánh nạn ở Pháp, tất cả các “nghi can” vẫn đang làm việc như thường.

Lứa nhạc sĩ trẻ hơn cũng thế, vẫn phải viết nhạc với một tâm lý thận trọng. Lương Bằng Quang (sinh năm 82 – top ten Làn sóng xanh 04) khẳng định: “Bây giờ tôi vẫn viết nhạc đều đặn, tự chủ động vạch ra hướng hòa âm riêng. Song bản chất âm nhạc của tôi là một phong cách phổ biến ở nước ngoài, không thể nói mình không chịu ảnh hưởng được. Tuy thế, tôi biết mình học tập cái hay của họ, học những nguyên tắc cấu trúc tác phẩm thì chẳng có gì là sai cả”.

Một khía cạnh chuyên môn nữa mà dư luận rất dễ đẩy nhạc sĩ vào thế “ăn cắp”. Nguyễn Nhất Huy (Hội viên CLB sáng tác trẻ Thành đoàn TP.HCM) nói: “Nhạc sĩ chỉ quyết định được 30% số phận của đứa con mình. Phần còn lại phụ thuộc vào người hoà âm và ca sĩ thể hiện. Nếu muốn ca khúc thành nhạc Hồng Kông, rất dễ để ca sĩ và nhạc sĩ hòa âm biến tướng nó được ngay. Với mỗi nhạc sĩ, chẳng ai muốn con mình sinh ra giống anh hàng xóm đâu”.

Năm qua, rõ ràng, dù cho dư luận có ồn ào đến thế nào thì giới sáng tác vẫn đang có chiều hướng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Lực lượng sáng tác nhiều hơn, có nhiều cái tên mới xuất hiện. Những Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn, Trần Minh, Võ Thiện Thanh… sẽ còn hào hứng nữa để viết, sau những phản hồi tích cực của thị trường.

Ngay cả ở Hà Nội, nơi vốn được coi là chậm trong việc đáp ứng thị hiếu, lực lượng sáng tác đang tăng lên theo số lượng, đang dần được biết đến như Hồ Hoài Anh, Trịnh Minh Hiền, Mạnh Hùng, Tuấn Hùng, Bùi Anh Dũng, Mạnh Quân…

Thậm chí thị trường nhạc Việt còn hấp dẫn nhiều nhạc sĩ trẻ đang du học ở nước ngoài muốn quay trở về hòa nhập như Nguyễn Xinh Xô (Con trai nhạc sĩ Nguyễn Xinh, đang ở Mỹ), Jazzy Dạ Lam (Con gái nhạc sĩ Trương Tuyết Mai – Đức), Trần Lê Quỳnh (con trai nhà văn Trần Hoài Dương – Anh), Dương Đức Hiển (Úc)… Những nhân vật “Tây học” này chắc chắn sẽ là môt nguồn lực sáng tác bổ sung trong thời gian tới, nhưng cũng rất có thể sẽ là tâm điểm của những sự săm soi… học Tây hay bắt chước Tây…

Thời điểm hiện tại, khá nhiều ca sĩ tự động não viết nhạc như Ngọc Anh, Lương Bằng Quang, Mỹ Tâm, Hoàng Bách, Đình Bảo, Duy Mạnh… để thực hiện album riêng cho mình. Thậm chí những ca sĩ không trải qua đào tạo trường nhạc giống các ca sĩ kể trên như Lam Trường, Đan Trường, Thanh Thảo, Đăng Khôi, Lâm Vũ… cũng đang dò dẫm bút trên 5 dòng khuông nhạc.

Phong trào trên có vẻ đang phát triển sau vài tiêu điểm ca sĩ thành công với bài hát tự viết như Duy Mạnh, Lương Bằng Quang. Thanh Thảo đã từng “rào trước”: “Tôi biết chắc bài hát của mình ảnh hưởng nhạc Hoa, nhưng tôi vẫn viết và hát. Cố gắng để lần sau sẽ khá hơn”.

Họ là những người viết nhạc không chuyên, thiếu chuyên môn thì… chuyện “giống nhau” sẽ không có gì là lạ cả. Quan trọng là chúng ta phải chấp nhận một cách thụ động rằng: có người thì muốn giống… cái gì đó, hoặc cũng có khối người… cố tình muốn như thế!

Để kết, chúng tôi đặt một câu hỏi cuối với nhạc sĩ Quốc Bảo – nghi án lớn của cơn giông nhạc Việt vừa qua: “Khán giả sẽ ngày càng văn minh hơn – nghe nhiều và biết nhiều hơn. Anh có ngại không?”. “Sao l:i sợ? Công chúng văn minh cũng không thể thay thế được nhạc sĩ văn minh. Mà nhạc sĩ văn minh thì mong mỏi công chúng của mình văn minh chứ.”. Nhưng ở khía cạnh người viết, sự văn minh là sự công tâm thưởng thức và chia sẻ, chứ không phải là những chuyện kèn cựa và gièm pha. Bằng nỗ lực của VTV, hy vọng mùa quả mới của giới sáng tác (kể cả nhạc sĩ và ca sĩ viết nhạc) có được những trái ngon chín tới, lai gien trội thì càng hay (!).

Vĩ Thanh


From the same category