Với những người vượt qua được thì đột quỵ để lại những di chứng rất rõ ràng trên cơ thể và ở tinh thần. Theo thống kê, chỉ khoảng 26% bệnh nhân đột quỵ phục hồi được. Phục hồi như thế nào, phục hồi được bao nhiêu lại phụ thuộc vào sự cố gắng của chính người bệnh.
Nỗ lực mỗi 365 ngày
7 năm trở lại đây, người dân làng Đại Yên (Ba Đình, Hà Nội) càng thêm khâm phụ anh Nguyễn Đức Chất bởi những nỗ lực của anh chống lại những di chứng của cơn đột quỵ của 8 năm trước.
8 năm trước, về nhà sau cú shock mất cha, anh Chất lao vào hoàn thiện nốt căn nhà 5 tầng đang còn dở dang để quên đi nỗi buồn. Thế nhưng, khoảng 11 giờ trưa của một ngày thứ Hai, khi đang cùng mấy người thợ hoàn thiện nốt căn nhà, anh đột ngột thấy tê cứng nửa người bên phải, mắt phải cũng hầu như không nhìn thấy gì rồi gục xuống. Anh chỉ ú ớ gọi được những người xung quanh rồi nửa tỉnh nửa mơ khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Saint Paul, sau đó chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai.
Gần 1 tháng nằm viện, anh Chất về nhà trong trạng thái liệt nửa người phải, hầu như nằm một chỗ và cần sự chăm sóc đặc biệt của người thân trong gia đình. “Vợ tôi vừa lo công việc ở cơ quan, vừa chăm con, chăm chồng, rồi còn hoàn thiện nốt căn nhà nên gầy rộc đi trông thấy. Rồi tôi nghĩ, không thể ở tình trạng này mãi được, phải cố gắng đứng dậy, phải đi được, để vợ con đỡ khổ. Nhưng từ nghĩ, từ quyết tâm đến thực hiện lâu lắm”. 3 tháng là khoảng thời gian mà anh Chất tập để có thể tự mình ngồi dậy mà không cần người giúp. Chị Minh vợ anh kể rằng, có những lúc tập mệt lắm rồi mà anh vẫn cố, tự mình xoay chuyển trên giường, cố để đặt được chân xuống đất để nâng mình dậy.
Vượt qua được đoạn khó khăn đầu tiên, anh Chất bắt đầu tập đi trong nhà. Lần từng bước một, nhờ chiếc xe tập đi đặc biệt nên anh không bị ngã. Bàn tay phải bắt đầu tập dần những động tác cầm nắm. Bát, đũa, cốc, chén đều được chuyển sang đồ nhựa cho đỡ bị rơi vỡ. Mỗi ngày 3 lần tập, mỗi lần tập 15 phút với sự giúp đỡ của vợ và cậu con trai cả. Sau 6 tháng, anh có thể tự tập đi một mình. Mỗi ngày từng chút một. Bước xuống các bậc cầu thang là khó khăn nhất. “Chỉ có 4 bậc cầu thang thôi mà cũng mất 3 tháng mới khắc phục được đấy”, anh Chất kể.
Sau 2 năm tập luyện cần cù, mưa cũng như nắng, anh Chất đi bộ ngày 3 lần vòng quanh làng. Tính ra phải hàng nghìn cây số đi bộ, anh Chất có thể chuyển từ dùng xe sang dùng gậy chống và cuối cùng là bỏ gậy. 3 năm tiếp theo, anh Chất tập với xe đạp. Giờ thì, mỗi ngày anh Chất cố gắng đạp xe 3km/lần và 2 lần mỗi ngày. Hàng ngày, anh còn có thể chở hoặc đón cô con gái đang học cấp 2 cách nhà 2km. Anh cười bảo: “Hôm trước đi khám lại, bác sỹ có giới thiệu cho tôi với một chị chuyên làm nghề thủ công, xâu vòng, gấp giấy để đôi tay khéo léo hơn nữa”.
Câu chuyện của anh Chất không phải là câu chuyện duy nhất của những người đã phục hồi sau cơn đột quỵ. Họ cần sự chăm sóc tốt hơn về dinh dưỡng, cần tập luyện một cách bài bản và hơn cả, họ cần một sự nâng đỡ về tinh thần của những người xung quanh.
Chế độ ăn thế nào?
Người bị đột quỵ thường ăn uống khó khăn. Hãy đảm bảo các đồ ăn được chế biến kỹ, mềm, dễ ăn để đảm bảo dinh dưỡng. Các nhu cầu dinh dưỡng cần thiết của bệnh nhân đột quỵ bao gồm:
Lượng đạm (protein) cần giữ ở mức 0,8gr/kg cân nặng/ngày. Nên chọn thực phẩm ít choleserol và nhiều đạm thực vật (đậu đỗ, đậu tương, đậu phụ) và đạm động vật (cá biển, cá đồng, sữa, thịt nạc…).
Chất béo nên giữa ở mức 25 – 30gr chất béo/ngày, trong đó 1/3 là chất béo động vật và 2/3 là chất béo thực vật như lạc, vừng
Ngoài ra các loại acid béo trong dầu thực vật có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là do cục máu đông trong lòng mạch máu não.
Vitamin và chất khoáng có trong các loại hoa quả chín, rau củ, sữa. Chúng chứa nhiều kali, có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp ở người bệnh. Trung bình một quả chuối có 400mg kai, tương đương với 1 ly nước cam hay một củ khoai tây nướng. Người tiêu thụ dưới 1.500 mg kali/ngày sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 28% so với người tiêu thụ 2.300 mg kali/ngày. Dùng acid folic ít nhất 300mcg mỗi ngày sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim, so với người dùng dưới 136mcg/ngày. Acid folic có tác dụng chống xơ vữa động mạch, giảm huyết áp và hàm lượng cholesterol trong máu. Nó có trong các loại quả có vị chua, rau lá xanh, các loại đậu, gạo, mỳ và các sản phẩm từ ngũ cốc. Gan cũng chứa nhiều acid này.
Những điều nên làm: – Giữ thân nhiệt hợp lý với thời tiết chuyển lạnh hay khi nắng nóng. – Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh. – Tránh mất ngủ . – Tránh táo bón. – Kiêng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích. – Tránh vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chạy nhanh. – Phòng ngừa tình trạng đông máu bằng thuốc… – Ăn uống theo đúng chế độ được hướng dẫn, chẳng hạn người tăng huyết áp phải ăn nhạt, người tăng mỡ máu phải ăn ít thực phẩm chứa nhiều chất béo, người đái tháo đường phải hạn chế ăn chất bột, đồ ngọt… |
Các bài tập khắc phục di chứng
– Tập những động tác như cầm cốc, cầm sách, gấp quần áo, tập nâng những đồ vật kích cỡ nặng nhẹ khác nhau: mỗi ngày tập 20 phút cho đến khi tự làm được đông tác này. – Tập tự ngồi dậy trên giường, chuyển từ giường sang xe lăn và ngược lại. – Tập làm mọi việc bằng một tay. – Tập đi bộ hàng ngày, từ 5 phút mỗi lần, ngày 3 lần và tăng dần thời gian. Ngoài 6 tháng, tăng cường thời gian đi bộ. Có thể tập cùng với xe đạp nếu tay đã linh hoạt hơn. – Tập tung – bắt đồ vật. – Tập nghe và kể lại những câu chuyện trên báo chí, truyền hình. Tập những kỹ năng này với độ khó tăng dần, khoảng 20 giờ mỗi tuần. |
Theo Hiên Vân
Tiêu&Dùng