Sau 11 năm, ngai vàng Oscar của Disney cuối cùng cũng bị thách thức?

Tại đêm trao giải Quả Cầu Vàng 2019, “Spider-Man: Into the Spider-Verse” đã vượt qua hai đại diện của Disney để trở thành phim hoạt hình xuất sắc nhất. Đây cũng là bộ phim hoạt hình có đánh giá chuyên môn cao nhất trong năm 2018 với số điểm ấn tượng 97% trên Rotten Tomatoes. Tất cả những điều này đều hứa hẹn một tương lai tươi sáng của “Into the Spider-Verse” tại Oscar năm nay, tuy nhiên đừng quên rằng đối thủ của Sony lại là một Disney vốn chẳng biết mùi bại trận ở giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.

spiderverse_cropped-0
“Spider-Man: Into the Spider-Verse” thiết lập nên tiêu chuẩn mới cho dòng phim hoạt hình nói chung và dòng phim siêu anh hùng nói riêng.

Ngôi vương vững vàng của Disney trong một thập niên

Cùng với Pixar, Disney chiến thắng tới 10 lần ở giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất, kể từ năm 2001 khi hạng mục này được đưa vào Oscar. Không một studio ngoại bang nào thắng quá một lần chứ đừng nói đến sánh ngang với thành tích của Disney: DreamWorks ( “Shrek” 2001), Studio Ghibli (“Spirited Away” 2002), Aardman (“Wallace & Gromit: The Curse of the Were-Rabbit” 2005) và Nickelodeon (“Rango” 2011).

collage
2 đại diện hùng mạnh của Disney tại Oscar năm nay.

Làm nên thành tích bất khả chiến bại này của Disney có lẽ nhờ vào danh tiếng và quyền lực khổng lồ của hãng, giúp cho hầu hết những bộ phim được xuất xưởng tại đây đều có đầy đủ yếu tố ăn khách: từ việc gần gũi với nhiều khán giả và giới phê bình cho tới chất lượng và độ nổi tiếng của phim. Tất nhiên không thể bỏ qua các chiến dịch vận động đắt đỏ và ráo riết mà Nhà Chuột không tiếc tay chi tiền.

Bằng quyền lực, tầm ảnh hưởng và tài năng của đội ngũ sáng tạo, Disney cũng như Pixar đã thiết lập nên 1 tiêu chuẩn dành cho các “bộ phim hoạt hình thắng Oscar” suốt bao năm qua: câu chuyện đơn giản nhưng không kém phần ý nghĩa, đồ hoạ đỉnh cao luôn được nâng cấp qua từng năm, nội dung phù hợp với mọi lứa tuổi,… Dù đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành công nghiệp phim hoạt hình cũng như sở hữu nhiều tác phẩm thuộc hàng kiệt tác, tầm ảnh hưởng quá lớn của Disney đã vô tình đè bẹp những studio tài năng khác.

maxresdefault-2
Chiến thắng liên tiếp của Disney đã thiết lập nên tiêu chuẩn cho 1 bộ phim hoạt hình của Oscar: doanh thu khủng, câu chuyện cảm động vừa phải, hiệu ứng kỹ xảo xuất sắc.

Cũng có những năm, đại diện Disney thậm chí còn có chất lượng thua kém tất cả đối thủ còn lại trong hạng mục. Tiểu biểu có thể kể đến chiến thắng của “Big Hero 6” trước 4 tác phẩm “The Boxtrolls“, “How to Train Your Dragon 2“, “Song of the Sea“, “The Tale of the Princess Kaguya” từng tạo nên vô số tranh cãi sau khi lễ trao giải kết thúc. Nhiều ý kiến cho rằng, với nhiệm vụ là 1 lễ trao giải vinh danh các tác phẩm xuất, Oscar nên chia đều cơ hội cho các tác phẩm và studio khác để duy trì sự đa dạng cho hạng mục.

“Chú ngựa ô” mang tên “Spider-Man: Into the Spider-Verse”

Nếu “Into the Spider-Verse” được đề cử thì đây mới là đề cử hoạt hình Oscar thứ ba của Sony, sau “Surf’s Up” (2007) và “The Pirates! Band of Misfits” (2012). Nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản cơ hội chạm tay đến tượng vàng của Người Nhện, khi mà các năm qua Oscar luôn bị chỉ trích vì đã ngó lơ dòng phim siêu anh hùng và ngày càng xa rời đại chúng.

spider-man-into-the-spider-verse-miles-morales-1
Ít ai ngờ Người Nhện ở thế giới của chúng ta lại là 1 cậu bé da màu, có đầy đủ cả bố lẫn mẹ và biết tàng hình.

Trong khi đó, “Into the Spider-Verse” lại là bộ phim duy nhất ngang tài ngang sức với cả 2 đại diện của Disney năm nay: thuộc thể loại siêu anh hùng vốn đang cực thịnh, nhân vật là 1 trong 3 siêu anh hùng hạng A của thế giới truyện tranh, doanh thu vượt mốc 300 triệu USD bảo chứng cho mức độ phổ biến,… Một lợi thế khác của “Into the Spider-Verse” đó là hai ứng cử viên “The Incredibles 2” và “Ralph Breaks the Internet” đều là những hậu truyện so với phần phim gốc cực mới mẻ của Sony (trường hợp hiếm hoi Oscar trao cho một phần làm tiếp nhưng phải cực kỳ xuất sắc là “Toy Story 3“).

toy-story-3-image-toy-story-3-36556943-1280-720
Oscar hiếm khi trao giải cho 1 bộ phim hậu truyện, hoặc phải xuất sắc đến mức tuyệt đối như “Toy Story 3”.

Về mặt nội dung, “Into the Spider-Verse” là câu chuyện chưa từng được kể của Người Nhện – cậu bé Miles Morales, người mới chỉ được khai sinh trên mặt truyện trong vài năm trở lại đây, cùng dàn nhân vật phụ vô cùng độc đáo và sáng tạo. Bộ phim đã thách thức mọi quan điểm của người xem về hình tượng của Spider-Man: một cậu nhóc da màu được cả cha lẫn mẹ yêu thương, còn Peter Parker của thế giới chúng ta kỳ thực là một gã thất bại cả về sự nghiệp lẫn tình duyên? Thông điệp mà Stan Lee và Steve Ditko không ngừng gửi tới các thế hệ độc giả đã được bộ phim một lần nữa nhắc lại: một người anh hùng cần phải đấu tranh để trở nên tốt đẹp hơn.

photo-1-15444423301031349431459
Bộ phim có dàn nhân vật phụ cũng là các Người Nhện rất thú vị và cá tính.

Về mặt kỹ thuật, hai nhà sản xuất Phil Lord và Christopher Miller đã đem tới phong cách điện ảnh “lai” giữa 2D và 3D vô tiền khoáng hậu, khiến khán giả có cảm giác như lạc vào thế giới của từng trang truyện tranh với bảng màu rực rỡ khác xa với phong cách thực tế của phần lớn phim hoạt hình hiện nay. Có thể nói, bộ phim xứng đáng được xem là 1 trong những dấu ấn điện ảnh đáng nhớ nhất thập niên.

Ngoài giải Quả cầu vàng, hôm 14/1 vừa qua “Spider-Man: Into the Spider-Verse” lại được vinh danh tại Critics’ Choice Award 2019. Điều này một lần nữa chứng minh đây sẽ là đối thủ đáng gờm chặn đứng mạch chiến thắng của Disney. Hãy chờ đợi đêm trao giải vào sáng ngày 25/2 (giờ Việt Nam) để chứng kiến cuộc chiến gay tay đôi dữ dội nhất trong lịch sử của hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc.


From the same category