Nghệ thuật giống như mê lộ, rất nhiều người đi mãi không thành đường, nhưng ai đó chỉ khoát tay “bâng quơ” cũng có thể thành dấu mốc để cho chính bản thân và nhiều người khác tự định vị rồi nung nấu hẳn một ý chí mở lối. Minh Thành với những tác phẩm sắp đặt – khái niệm có thể là một trong số hiếm hoi ấy của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Qua hơn 10 cuộc triển lãm, bắt đầu từ triển lãm mang tên “Nghệ thuật sắp đặt” (10/1996 tại nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, HN) cho tới triển lãm mới nhất “Những quân bài” (hoạt động hợp tác với Hội đồng Anh, trưng bày ở ĐH Mỹ thuật HN, tháng 12/2004) Minh Thành luôn bộc lộ rõ tố chất của một khả năng tiên phong mặc dù không phải là người mở đầu cho loại hình nghệ thuật này trong nền mỹ thuật đương đại. Thông qua nghệ thuật sắp đặt-khái niệm, Minh Thành bày tỏ trực tiếp những xung động tình cảm, bức xúc của đời sống cá nhân cũng như cộng đồng nhưng với cách của bọn trẻ ở quê chơi khăng, đánh đáo hay trốn tìm… Các tác phẩm của Thành có ngôn từ, chất liệu giản dị, giai điệu mộc mạc như những khúc đồng dao mà ý tứ thì đủ gõ “nhẹ” tới những chuyện động trời.
Có gì đó đằng sau sự tương phản giữa hình hài giản đơn của tác phẩm với những ẩn khuất suy tư. Đối lập với dáng vẻ thư thái, luôn khép mình là những khát vọng sáng tạo. Hình như thân phận này đã đối diện với những vật vã, khổ ải, nhục nhằn đâu đó trong tiềm thức hoặc giả là ở kiếp trước xa lắc xa lơ.
Cũng có thể Minh Thành không tự rơi mình trong những bê bấn của đời sống mưu sinh như quá nhiều những họa sĩ cùng thời. Nhiều kẻ, mỗi lần cầm cọ, đần mặt trước khung toan, muốn tìm kiếm ấn tượng áp đo về màu là vấp phải Đào Hải Phong, muốn “bày tỏ” chữ nghĩa, ý tứ, khái niệm là vướng Lê Thiết Cương, đôi khi muốn níu mình về không gian tĩnh lặng mơ hồ nào đó thì Hồng Việt Dũng nhắc vở, chợt thèm thơ ngây tí chút lại ám ảnh một Hoàng Phượng Vỹ, thương hoặc nhớ quê lại đắn đo trước bác Thành Chương, chợt hoài niệm phố thì y như rằng không thoát khỏi anh Phạm Luận cùng Lê Thanh Sơn…
Thế mới hay bóc nõn thân phận để có thể phi lộ được một tác phẩm là đồng nghĩa với loay hoay, luống cuống, khổ nạn vô cùng. Làm sao không rơi vào tình trạng hôn mê sâu khi thấy người khác danh nổi như cồn, tiền thu căng nở két sắt, nhà biệt thự mặt tiền phố lớn, xe ô tô sang trọng, vợ đẹp như mơ cùng những chuyến đi thưởng lãm các kỳ danh trời Tây, trời Mỹ…?
Làm sao thoát xác khỏi những trì trệ, bế tắc và mặc cảm?
Minh Thành không cảm tính, khó tự chuyển đổi như Đào Anh Khánh, không hay tuyên ngôn, nói nhiều làm ít như Đinh Công Đạt, không gồng mình lên như Đinh Gia Lê… Ai đó nói rằng trong sáng tạo Minh Thành luôn thành thật, tự tin, tự tại với chính mình.
Có thể tìm thấy điều ấy trong tác phẩm “Một câu chuyện giống như mọi chuyện khác” (bày ở số 6 Nhà Thờ HN-1997) với lóc cóc tiếng Tình-Tiền khua trên phố Đời ồn ào. Thật khó quên khoảng triết lý vừa mơ hồ vừa rành rọt đến lạ lùng trong những cái khóa đổ bóng xuống những cái chìa mỏng manh của tác phẩm “Hãy nên như hình với bóng” (bày ở Viện Goeth tháng 10/2003). Và mới đây nhất khi Thành bày ra “Những quân bài” với những ván chơi may rủi như “Chiến tranh.com”, “Danh tiếng.com”, “Thành tích.com”, “Tình yêu.com”…
Minh Thành thản nhiên coi cuộc sống riêng là một cuộc chơi nhưng lại quá lo ngại nếu cuộc sống ấy với tất cả sự nghiêm túc, đam mê chỉ là trò chơi của ai đó. Đáng nể cách chơi Hình – Màu – Ngôn từ của Thành.
Năm 1996, khi Thành trình làng tác phẩm đầu tiên, không ít những tay phê bình mỹ thuật bảo thủ lớn tiếng cảnh báo tình trạng “thuổng” chất liệu dân gian, mượn hồn vía dân tộc và giả vờ lai vãng quá khứ để đánh bóng vài ba ý tưởng lụn vụn. Những năm tiếp theo vẫn thấy Minh Thành xuất hiện với chó đá, bỏng gạo, chân hương, kim chỉ, dao thớt… nhưng cách kể chuyện bây giờ không dài dòng hay luống cuống vì sợ người ta không hiểu nữa. Thay vào đó là cách tìm ý, ly tứ từ những chất liệu tưởng như rẻ tiền, vớ vẩn nhất những cách nhìn và quan niệm rất hiện đại về nghệ thuật và đời sống.
Thấp thoáng đâu đó giấy dó, guốc mộc, bu gà, chân hương… người mến mộ Minh Thành không thể dễ quên đi những chân dung tác giả với cặp mắt bình lặng đến xao lòng. Những ánh mắt khép của khả năng thấu thị những biến dịch ở cõi nhân luân. Ánh mắt mở to của mục đồng nằm ngửa trên lưng trâu ngắm nhìn cánh diều la đà cùng những vì sao mọc sớm.
Cậu bé Minh Thành có mãi phiêu diêu trong những khoảng không kỳ lạ đó?
Chia sẻ bài viết này