Khi sao Việt “lệch chuẩn”
Trong tuần lễ phim Việt – Hàn tại TPHCM vừa qua, ngôi sao nữ Cha Ye-Ryeon – đại sứ của chương trình, đã bất ngờ quay lưng rời thảm đỏ thay vì đứng lại chụp hình chung với hai sao Việt, lúc đó đã sẵn sàng tạo dáng. Một bức hình thì có gì khó khăn đâu nhỉ, nhất là trong một sự kiện có tính giao lưu văn hóa được truyền thông rộng rãi như thế? Nhưng vì sao một sao Hàn (không phải thuộc hàng “sao khủng”, thậm chí trông còn có phần “kém sắc” hơn nhiều sao Việt cùng tham gia sự kiện), lại từng góp mặt trong một bộ phim hợp tác với Việt Nam và đã có những giây phút thân thiện hết sức khi được chào đón tại sân bay, lại bỗng dưng “khó gần” đến thế?
Nhận định ban đầu là “chảnh” – cái từ cửa miệng vẫn được giới làm báo quen dùng với những ngôi sao bị cho là kênh kiệu, khó gần và khó phỏng vấn. Và với một số trang báo mạng, thì đó thực sự là một “khoảnh khắc vàng” để có thể giật những cái tít câu view: “Trúc Diễm tẽn tò vì bị sao Hàn chảnh chọe”, hay “Trúc Diễm tái tê vì bị sao Hàn ngó lơ”… Như vậy là thay vì một bức ảnh chụp chung có thể giúp ai đó ghi điểm thêm cho hình ảnh của mình, thì lại là những cái tít bài có thể khiến bất cứ một ngôi sao nào cũng phải cảm thấy nóng mặt.
Sao Hàn Cha Ye-Ryeon ứng xử rất chuyên nghiệp khi chỉ chụp chung với Johnny Trí Nguyễn theo thoả thuận trước.
“Chuyện nhỏ mà không nhỏ” là nhận định của đạo diễn Phan Đăng Di – người từng hơn một lần tham dự LHP Pusan cũng như nhiều LHP lớn khác, vốn không lạ gì ứng xử của các sao Hàn nói riêng và các “sao ngoại” nói chung trên thảm đỏ. “Như chúng ta đều biết, việc xuất hiện của một ngôi sao trên thảm đỏ tại một LHP, hay một vị trí trung tâm nào đó tại một sự kiện, dù chỉ gói gọn trong vòng mấy phút, nhưng là cả một hành xử đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao thì mới có thể hòa vào cái chuẩn chung của nguyên tắc giao tế. Và những điều đó đều được BTC quy định rất cụ thể từ trước, để cùng làm nên một kịch bản hoàn hảo. Vì vậy mà khi chúng ta, dù là trong tư thế khách mời hay chủ nhà, mà có những hành xử “lệch chuẩn”, thì những tình huống “tẽn tò” hay “tái tê” (một cách không đáng bị), chắc chắn sẽ còn lặp lại…”.
Tùy tiện quen rồi!
Sao Việt sống không lành mạnh, chơi xấu nhau trong hậu trường, dìm hàng nhau trên báo… – mảng tối ấy của showbiz Việt luôn là lời nhắc nhở cho những ngôi sao thực sự muốn giữ gìn hình ảnh của mình trước công chúng. Tuy nhiên, bằng ấy ý thức cũng mới chỉ giúp bạn trở thành một ngôi sao sạch chứ chưa đủ giúp bạn “sang” lên theo nghĩa tích cực của từ này.
“Sao Việt xuê xoa, suồng sã quá” là cảm nhận của một cây bút có tiếng trong mảng VHVN từng có thâm niên tiếp xúc với không ít sao Việt, trước thực tế là việc không ít sao Việt dễ dãi nhận lời lên báo khi không đáng phải lên. Tiêu biểu là vụ Long Nhật hết lên báo “thanh minh” cho Bảo Yến, lại khen Lâm Chí Khanh chuyển giới đẹp… Và gần đây là trào lưu sao Việt “hành nghề dự tiệc”. Hình ảnh sao Việt dập dìu đưa nhau đi dự tiệc, hay dắt vợ con hoặc bế chó mèo đến dự ra mắt phim để quảng bá cho bộ phim mới… còn tấp nập hơn cả hình ảnh chuyên môn chính của họ, đã ít nhiều làm hình ảnh sao Việt trở nên “thường” đi trong mắt công chúng.
Chưa cần nhìn sang sao ngoại, với các diễn viên Việt kiều cũng có những nguyên tắc ứng xử với truyền thông cho thấy sự khác biệt trong ý thức giữ gìn hình ảnh của họ (trên cả nghĩa đen). Trần Nữ Yên Khê (vợ đạo diễn Trần Anh Hùng) là một ví dụ. Nhớ hồi phỏng vấn chị, dù chỉ là một bài báo ngắn, nhưng phải mất đến ba lần qua lại, tôi mới nhận được nút “OK” của chị (ghi trực tiếp vào bản in), vì chị giám sát rất kỹ câu chữ lẫn hình ảnh của mình trước khi bài báo lên trang.
Nhưng ở ta, thì ngược lại: Mọi sự tiếp cận quá dễ dàng và khi không thuận tiện, thì sẽ ngay lập tức kết luận: Chảnh! Vì vậy, những chuyện kiểu như H.Y từ chối trả lời phỏng vấn (mà cô hứa là dành cơ hội độc quyền cho một tờ tạp chí nhân một sự kiện đặc biệt của cô) khi hình ảnh cô không được đặt ở trang bìa như cô nghĩ mình xứng đáng; hay chuyện nhạc sĩ Huy Tuấn chỉ đồng ý cho một số tờ báo mạng được đăng bức ảnh đứa con vừa chào đời của mình với điều kiện: Phải kết hợp tuyên truyền cho chiến dịch “Nghe có ý thức” mà anh đang phát động… quả là những động tác hiếm giữa cái thời người người thi nhau lên báo bằng mọi giá.
Mà không biết cho, trò đời, hiếm thì mới quý!
“Một bức hình chung – chuyện nhỏ mà không nhỏ là bởi ở đây nó liên quan đến chỗ đứng của một người, mà rộng ra, còn là thể diện của người Việt mình khi đi ra ngoài, cũng như khi đón khách. Vậy tốt nhất, thay vì đứng ké vào khuôn hình, chúng ta hãy đứng vào chỗ dành cho chúng ta, đứng một cách đàng hoàng, cho dù đó có thể chưa phải là chỗ trang trọng nhất. Còn nếu như chúng ta chưa hài lòng với vị trí đó, thì chỉ có một cách duy nhất là mỗi người cố gắng một chút, để cùng đưa nền điện ảnh của ta nhích lên được những bước xa hơn, như Hàn Quốc đã kiên trì làm được trong suốt hơn hai mươi năm qua, hơn là đứng ké bên cạnh ai đó chỉ để có được một bức hình”. Đạo diễn Phan Đăng Di |