Sao ơi ở đâu?

 

 Ca sĩ Mỹ Tâm

Tháng 9 này, khi Vietnam Idol kết thúc năm tháng ròng rã kiếm tìm “thần tượng ca nhạc Việt Nam 2007” thì SuperStar – Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình Tp.HCM – bắt đầu khởi động cuộc tìm kiếm các “siêu sao ca nhạc Việt”.

SuperStar kết thúc (tháng 12) là đến lúc các nhà làm Sao Mai – Điểm hẹn (SMĐH) 2008 chuẩn bị bắt tay vào cuộc “đến hẹn lại lên”. Những cuộc tìm kiếm không biết mệt mỏi, không tiếc tốn kém, và không ngán ngại phải “điếc tai” vì dư luận, vì báo chí cứ co kéo chuyện loạn thi, loạn nhắn tin tìm sao.

Nhưng có một thực tế, dù có chê trách ỉ eo này nọ là chả có gì mới, dù định chuyển qua kênh khác cho nhẹ người, rút cuộc chuyện tìm sao vẫn cứ nóng từ năm này qua năm nọ, từ cuộc thi này sang cuộc thi khác (bởi thế, chẳng có cuộc nào thấy buồn chán mà rút lui, ngược lại, chỉ đẻ thêm cuộc mới, “New comer” của năm 2007 chính là cuộc thi Tiếng ca học đường vừa vãn hồi không để lại mấy tiếng vang).

Đơn giản vì cái cần tìm, người cần tìm, vẫn bặt vô âm tín.

Nói tới ngôi sao là nói tới tầm ảnh hưởng đến công chúng của họ (ở đây ngôi sao thuộc về phạm trù xã hội chứ không phải phạm trù âm nhạc, nên đương nhiên phải thừa nhận thực tế có những ngôi sao của công chúng lại không được giới chuyên môn đánh giá cao).

Trước năm 2004, các ngôi sao (ca nhạc) ở ta đều hình thành và tỏa sáng một cách, phải nói là tự phát. Dù đoạt giải, như Mỹ Linh ở cuộc thi hát Học sinh sinh viên Hà Nội, như Lam Trường ở một cuộc thi hát tiếng Hoa, như Đan Trường ở một cuộc thi hát cấp quận, như Mỹ Tâm ở Thượng Hải, Đàm Vĩnh Hưng ở Tiếng hát truyền hình, hay như Phương Thanh thi đâu trượt đấy… thì các cuộc thi và các giải thưởng hầu như chẳng liên quan đến việc thành sao của họ.

Thậm chí công chúng, các fan của họ có khi còn chẳng biết cuộc thi, giải thưởng ấy mặt mũi ra sao.

SMĐH 2004 khơi mào cho những cuộc thi, những cuộc tìm kiếm ngôi sao ca nhạc mang tư duy chuyên nghiệp hoàn toàn mới, chủ động và đặt ra mục tiêu rõ ràng: ngôi sao của công chúng.

Từ đó mới có “lệ” ban tổ chức trao quyền quyết định cho khán giả. Theo gót SMĐH như một xu thế không thể cưỡng lại, Tiếng hát truyền hình Tp.HCM chuyển thành Ngôi sao tiếng hát truyền hình.

Và Vietnam Idol thì điều này quá rõ ràng ngay từ format. Việc tổ chức các cuộc thi này cho thấy sự bài bản và ngày càng chuyên nghiệp.

Thế nhưng, nghịch lý là A đã không dẫn tới một cách logic, hay nói cách khác, cái đích đến của những cuộc tìm kiếm bài bản và chuyên nghiệp vẫn còn cách xa mục tiêu.

Ngay năm 2004, lứa SMĐH đầu tiên “ra ràng” với một loạt gương mặt mới mẻ và cá tính, nhiều người đã tưởng Kasim “bốc lửa”, Tùng Dương “độc đáo”, Ngọc Khuê “lẳng lơ” sẽ nhanh chóng thế chỗ những ngôi sao đang cũ dần trên bảng phong thần nhạc Việt.

Một thương hiệu danh tiếng còn vội vã ký ngay hợp đồng quảng cáo với ngôi sao vừa ló rạng.

Và “phù thủy lăng xê” Tuấn Thaso, người vẫn được truyền tụng với câu chuyện “đầu năm trăm ngàn, cuối năm chục triệu” (nâng cátsê cho ngôi sao), thì đã “chấm” Sao Mai Cao Thái Sơn ngay từ vòng ngoài.

Nhưng mọi sự đã không như dự đoán. Thương hiệu danh tiếng “hố hàng” vì ngôi sao ký hợp đồng không bay cao và tỏa sáng như kế hoạch. “Phù thủy lăng xê” bó tay.com vì chiêu thức cũ không hiệu nghiệm.

Chỉ bằng tài năng và cá tính dường như vẫn chưa đủ để các Sao Mai làm một cuộc “cách mạng” trên bảng xếp hạng thị trường. So với lứa Sao Mai tài năng và cá tính này, lứa SMĐH 2006 còn nhạt nhòa hơn…

Cuối năm 2005, một “phù thủy” khác, “phù thủy trên sân khấu ca nhạc” nhận định như đinh đóng cột: năm 2006 sẽ là năm của… Hiền Thục. Quả là sau đó Hiền Thục ra liên tiếp ngũ album tự lột xác chính mình và xuất hiện khá ấn tượng trong liveshow của chính “phù thủy sân khấu” nói trên.

Nhưng gần hai năm sau lời tiên đoán, Thục vẫn chỉ “lên” so với chính cô mà chưa thể thăng hạng như mơ ước và như tiên đoán.

Trong hai năm 2006 và 2007, Mỹ Tâm gần như chỉ cần hoạt động cầm chừng (ra 1 album, không liveshow) cũng đủ để yên vị trên hàng top mà cô đã nắm giữ gần 5 năm nay.

Đàm Vĩnh Hưng dù có hát ca khúc xưa ơi là xưa, có đứng hát, ngồi hát hay… nằm hát thì từng ấy thời gian vẫn là một “hot boy” hay đúng hơn là một “hot guy” chưa có kẻ đối đầu.

Một sự yên vị hơi lâu so với quy luật trước đó, chỉ cần không đầy hai năm để cặp Đan Trường – Cẩm Ly thăng hạng sau Lam Trường – Phương Thanh và một thời gian như vậy để Mỹ Tâm xuất hiện còn Đàm Vĩnh Hưng thì rũ bỏ phận hát lót…

Vấn đề nằm ở những cuộc kiếm tìm? Ở chính các ngôi sao mới? Ở công chúng? Hay là…?

Ở các nước có nền âm nhạc chuyên nghiệp, ngôi sao gắn liền với từng thể loại nhạc, thể loại nào cũng có thị trường rõ ràng, nói cách khác, ngôi sao nào có âm nhạc ấy – đấy chính là dấu hiệu của sự chuyên nghiệp, từ sản xuất đến thị trường.

Kể từ khi nhạc Việt bắt đầu có “thị trường âm nhạc” (tính từ năm 1996 – 1997), các ngôi sao nhạc Việt cũng gắn tên tuổi mình với dòng nhạc của họ, cho dù sự phân dòng đôi khi rất mơ hồ.

Và cái gọi là “được khán giả yêu thích” đôi khi mang tính xã hội nhiều hơn tính âm nhạc: với số đông nghe nhạc bằng cảm tính thì cái lạ, cái đáp ứng đúng phần đang thiếu sẽ dễ dàng được hoan nghênh.

Khi phim bộ truyền hình Việt Nam (phim truyền hình dài tập) bắt đầu phủ sóng và “được yêu thích” thì Mỹ Linh – tiếng hát của “Chị tôi”, của “Hà Nội đêm trở gió” (đều là ca khúc trong các bộ phim truyền hình dài tập) bắt đầu trở nên mê hoặc và ca khúc “Trên đỉnh Phù Vân” cũng là “đỉnh” của Mỹ Linh trong thời kỳ này.

 “Tình thôi xót xa” và hàng loạt các ca khúc Việt dòng Canto Pop cộng với phong cách và vẻ đẹp trai tựa những ngôi sao và tài tử Hồng Kông, Đài Loan đã làm nên một “anh Hai Lam Trường” trong giới học sinh đô thị vốn trước đó đang thần tượng các gương mặt của TVB.

 Hát dân ca với tiết tấu hiện đại, với ca từ… gây sốc thuở “Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra…” “cày nát” sân khấu Câu lạc bộ Bạn yêu nhạc, chàng nhân viên ngân hàng mê hát Quang Linh với ngoại hình khiêm tốn một bước lên sao, diệu kỳ chẳng kém gì vụ lăng xê của ông bầu Hoàng Tuấn.

Loạt “Giã từ dĩ vãng”, “Trống vắng”… và phong cách (tạm gọi) rock bình dân đưa Phương Thanh lên hạng top trong sự bất bình của khối nhạc sĩ hệ chính thống. “Mãi yêu”, “Cây đàn sinh viên”, “Nhé anh”… và phong cách pop trẻ trung, khỏe khoắn đã khởi đầu cho “Niềm vui chiến thắng” của công chúa pop Mỹ Tâm…

Gần đây nhất, phải tới khi vang lên “Chuông gió”, 13 năm sau khi đăng quang cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Tp.HCM, Thu Minh mới thực sự bước ra ánh sáng, mặc dù lâu nay ai biết Thu Minh đều biết cô hát hay, kỹ thuật điêu luyện có khi còn hơn đứt một số sao được phong hạng trước cô.

Vấn đề nằm ở chỗ đơn giản, ai cũng biết: ngôi sao, ở đâu, ở thời nào cũng phải đi cùng dòng nhạc và những bản “hit” (ca khúc được yêu thích) của chính họ. Hát hay không quan trọng bằng hát cái gì.

Và nếu “cái gì” đó đáp ứng đúng cơn khát của đám đông, thì ôi thôi, ca sĩ đổi đời ngay lập tức (cứ trông Duy Mạnh sau “Kiếp đỏ đen” thì biết). Nhưng đây lại chính là vấn đề của các “ngôi sao tương lai” ở các cuộc tìm kiếm ngôi sao.

Ở SMĐH 2004 Tùng Dương và Ngọc Khuê lên ngôi với dòng nhạc dân gian hiện đại mà đích danh là nhạc Lê Minh Sơn. Nhưng tiếc thay, hoặc cơn khát của công chúng với dòng nhạc này chỉ nhất thời hoặc chính Tùng Dương, Ngọc Khuê và dòng dân gian đương đại của họ cũng lâm vào sự bế tắc trong ngõ hẹp.

Hà Anh Tuấn là một hiện tượng thú vị của SMĐH 2006. Tuấn “ăn điểm” với hình ảnh một thế hệ trẻ văn minh, có học thức – thần tượng mới của giới học sinh, sinh viên và “cư dân mạng”, bệ phóng tốt để Hà Anh Tuấn có thể thành một “Lam Trường mới” trong một hoàn cảnh mới.

Nhưng Tuấn vẫn đang thiếu những ca khúc phù hợp với hình ảnh này để tạo nên phong cách thần tượng của mình.

Còn hai người đăng quang ở hai SMĐH (2004 và 2006) là hai chàng trai hát rock – thể loại không mới nhưng vẫn rất khó có đất sống ở Việt Nam.

Chỉ Phạm Anh Khoa nhờ nhà sản xuất có uy và có tiếng là mát tay trên thị trường Đức Trí mà tự tin bước lên con đường rock với album “P.A.K” mới phát hành.

Song Khoa tự tin bao nhiêu thì những người “biết” rock và “biết” Khoa thấy lo ngại bấy nhiêu: ngoài hình ảnh bìa đĩa và kỹ thuật hát đang cố “rock” ra, thì phần quan trọng hơn cả, phần hồn của âm nhạc, cái làm nên chất rock thực sự gần như chẳng thấy đâu.

Để tạo nên một rocker thực sự cần cả một rock band và nuôi dưỡng nó bằng thứ âm nhạc mang tinh thần rock, văn hóa rock chứ không phải chỉ là những bản phối mang phong cách rock – đây là một thách thức lớn đối với tất cả những ca sĩ và ban nhạc rock Việt Nam. Với rock quen quá là quen còn vậy, nói chi tới soul, tới jazz, tới hip-hop…!

Và thách thức lớn hơn với các ngôi sao tương lai lúc này ở chỗ họ đang trong điểm rơi lưng chừng của ca khúc Việt và thị hiếu nhạc Việt.

Sau thời kỳ hoàng kim 1997 – 2000, ca khúc Việt vừa trải qua một thời kỳ khủng hoảng: khủng hoảng thế hệ sáng tác, khủng hoảng đạo nhạc và khủng hoảng ca từ.

Một lực lượng sáng tác mới, với ngôn ngữ và thông điệp đương đại đang thành hình nhưng chưa đủ sức để vượt nhanh qua khủng hoảng và tạo dựng thời kỳ hoàng kim mới.

Ngôi sao ca nhạc không rơi từ trên trời xuống, nó phải sinh ra từ chính đời sống âm nhạc.

 Thủy Phạm

 Ảnh: Hoài Nam

 


From the same category