Nói tới sao màn bạc là nghĩ đến diễn viên, tương tự nói đến sao ca nhạc không ai khác ngoài các ca sĩ. Sự tỏa sáng trực diện của họ tạo nên sức hút lớn cho đám đông công chúng. Sự có mặt của họ thay lời đảm bảo sức hấp dẫn của phim. Chỉ cần tên tuổi họ trên poster quảng cáo đã đủ để người xem ùn ùn tới mua vé. Các nhà sản xuất bắt buộc phải săn đón họ. Thù lao của các sao đương nhiên là… trên trời cao.
Như chàng trai vàng Leonardo De Caprio ngay sau Titanic đã nhảy một bước từ mức khiêm tốn 1,5 triệu USD lên hàng ngũ những ngôi sao cát-sê 20 triệu USD (nhưng tất nhiên, phim có sự góp mặt của Leo chắc chắn thu về hàng trăm triệu USD). Không so sánh ở mức Hollywood như vậy, trên thực tế điện ảnh Việt đã từng có những ngôi sao màn bạc thực sự. Thế Anh, Trà Giang từng là biểu tượng đẹp cho nhiều thế hệ. Chen chúc mua vé để coi mặt bằng được Thế Anh trong bộ phim ăn khách nhất của lịch sử chiếu bóng Việt Nam Mối tình đầu, nhiều mệ Huế chấp nhận bị giật mất cả dây chuyền mà không tiếc! Thế hệ Như Quỳnh, Phương Thanh, Thanh Quý, Vũ Đình Thân, Trọng Trinh… rồi đến Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh… mỗi thời tuy mỗi vẻ nhưng sự cuốn hút của họ với số đông công chúng thì không khác bao nhiêu. Đến thời Diễm Hương, Lý Hùng… giá trị của sao đã được qui ra thóc, đóng một phim kỷ lục của ngôi sao Lý Hùng là 30 triệu tương đương hàng chục cây vàng thời đó.
Phim bây giờ làm ra là để hấp dẫn khán giả, để khán giả bỏ tiền mua vé tới rạp chứ không phải làm phim đem cất kho hoặc làm phim theo kế hoạch như trước. Phim có khán giả sẽ tạo ra các diễn viên ngôi sao, cả về giá trị nghề nghiệp lẫn giá trị thương mại. Có lẽ chúng ta sẽ không phải chờ lâu nữa.
Khi phim mì ăn liền chết, giá trị thương mại của các ngôi sao cũng chết theo. Trong đà leo thang tất tần tật vật giá, riêng cát-sê ngôi sao điện ảnh lại dần teo như tấm da lừa. Các ngôi sao màn bạc một thời phải chuyển nghề tay trái ca hát, giao lưu trên các sân khấu tỉnh lẻ, thậm chí cả nơi vùng sâu vùng xa. Diễn viên xuất sắc LHP cũng phải mở quán café để có thêm trang trải. Diễn viên điện ảnh nhất loạt chuyển sang “ăn cơm” truyền hình đến độ tại LHP khán giả giao lưu lại chỉ nhận ra diễn viên nhờ… phim truyền hình. Cũng phải thôi, khi ấy ngôi sao chỉ là cái danh mà giới điện ảnh tự phong cho nhau tại các LHP (LHP nào cũng có đủ cả nam, nữ diễn viên xuất sắc nhất). Phim không có thị trường, người xem không tới rạp, thì ngôi sao cũng tắt. Ngôi sao là sản phẩm của điện ảnh có khán giả, điện ảnh có thị trường.
Sau Gái nhảy, điện ảnh Việt sôi sục trước ngưỡng cửa một thị trường điện ảnh mới với một tầm vóc chuyên nghiệp hơn, ít nhất ở chất lượng phim nhựa chứ không phải phim video của thời mì ăn liền mươi năm trước. Kỷ lục doanh thu hiện nay là Gái nhảy: 10 tỉ đồng. Những phim sau cứ thế mà chạy đua: Lọ lem hè phố hơn 7 tỉ, Những cô gái chân dài hơn 5 tỉ, rồi Chuyện tình Sài Gòn đang hoàn tất, rồi chuẩn bị bấm máy Hạt mưa biến mất, Áo lụa Hà Đông, Sài Gòn trăng khuyết… Phim tấp nập ra và chuẩn bị ra lò, nhưng những gương mặt sao… thì sao vẫn cứ mờ ảo.
Thật “hot” trong Gái nhảy, Minh Thư tưởng đã bay lên thành một ngôi sao mới, hấp dẫn, bốc lửa. Nhưng lửa càng ngày càng nguội dần ở Lọ lem hè phố và Lấy vợ Sài Gòn.
Mỹ Duyên đã để mất cơ hội ở thời kỳ thanh xuân đẹp nhất của nghề diễn, giờ đây hình ảnh những cô gái thơ ngây trên màn bạc của chị không còn đáng yêu và khiến người ta tin được như Lương Tâm (trong Lương tâm bé bỏng), Nguyệt (trong Lưỡi dao).
Anh Thư, Dương Yến Ngọc, Bằng Lăng, Nguyễn Phi Hùng… được xem là những “phát hiện mới” có tiềm năng (cả 3 đều được mời tham gia không chỉ 1 phim), nhưng cũng giống các ca sĩ Lam Trường, Quang Dũng, Phương Thanh… chưa có gì chứng tỏ họ muốn sống chết với nghề diễn viên màn bạc hiện phận vẫn còn khá… bạc này.
Giống những cuộc dạo chơi, họ rất tuyệt ở những vai gần giống (hoặc y chang họ) trong đời thật, nhưng không dễ hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau, dài hơi hơn mà vị trí của một ngôi sao đòi hỏi. Cũng vì thế, xem phim khen cho diễn xuất tự nhiên của họ là chính, nhưng sức hút của bản thân các tên tuổi này với khán giả của điện ảnh gần như vẫn là con số không. Trong con mắt của các nhà sản xuất họ cũng chưa bao giờ là ngôi sao. Thù lao của các diễn viên trong các bộ phim kể trên thuộc thời kỳ điện ảnh thị trường mới vẫn ở mức 5-7 triệu đồng/vai thứ, 15 triệu đồng/vai chính, hầu như không thay đổi so với mức thù lao của phim tài trợ Nhà nước.
Nhưng có hai thứ đã vọt lên trên thị trường phim ảnh hiện nay, được đối xử như “sao”, là đạo diễn và… quay phim! Chuyện này thật chứ không đùa. Trong khi Mỹ Duyên chỉ nhận được 15 triệu cho vai diễn của mình trong Nữ tướng cướp thì đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Lê Hoàng đã ôm trọn 250 triệu. Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản phim Khi đàn ông có bầu Phạm Hoàng Nam cũng nhận được xấp xỉ 150 triệu.
Đạo diễn và quay phim lên giá “dữ dội” như vậy bởi họ bị “săn lùng” cũng rất dữ dội. Hãng phim Thiên Ngân mạnh tay ký độc quyền 3 phim liên tiếp với 2 đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Lê Hoàng. Vừa đóng máy Khi đàn ông có bầu đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã được mời gọi cho nhiều dự án làm phim mới.
Các cameraman cũng đắt hàng không kém. Từ mức thù lao khiêm tốn “chào hàng” tác phẩm đầu tay Những cô gái chân dài chỉ 13,5 triệu, tay máy hàng đầu hiện nay Trinh Hoan đã từ chối Khi đàn ông có bầu khi nhà sản xuất không chịu nổi mức giá tới 85 triệu.
Chưa từng quay phim nhựa nhưng tay máy trẻ K’Linh (quay Dốc tình của TFS) đã được ít nhất là 2 dự án làm phim có đầu tư nước ngoài lựa chọn (một với Hạt mưa biến mất và một với Khách sạn không đèn – bộ phim thể loại kinh dị có thể là đầu tiên của Việt Nam). Lâm Lân Triết từ một tay máy không gây được ấn tượng gì trong các video clip, thế chỗ bất ngờ cho Trinh Hoan trong Khi đàn ông có bầu lại làm nên chuyện và đã kịp hoàn thành thêm Chuyện tình Sài Gòn…
Họ được các nhà sản xuất coi như sao trong một logic cực kỳ đơn giản: khi không có diễn viên ngôi sao hấp dẫn, khi lòng tin của công chúng với phim nội còn khi mờ khi tỏ, sức hấp dẫn của phim không gì khác ngoài chính nó, ở đó đạo diễn và quay phim là 2 nhân tố chính. Cũng cần mở ngoặc thêm điều này: họ mới được các nhà sản xuất trọng vọng như sao chứ chưa được công chúng coi là sao, ở ta chưa có đạo diễn ngôi sao theo kiểu phim tác giả (như thương hiệu Trương Nghệ Mưu chẳng hạn).
Dưới một chút nữa là nhạc sĩ viết nhạc phim, giá cũng đang tăng vọt, kỷ lục là hợp đồng của nhạc sĩ Đức Trí trong phim Nữ tướng cướp lên tới 100 triệu đồng, gấp 10 lần mức thù lao thông thường trước đây. Nhưng số lượng quá hữu hạn khiến giới đạo diễn và quay phim được ưu ái hơn. Một thời gian dài điện ảnh “đứt bóng” khiến cho nhiều người trong nghề chuyển sang làm việc khác, số khác bị cùn mòn trong cơ chế bao cấp, số nữa mất dần khát vọng làm nghệ thuật.
Giới cameraman trẻ được xem là có khả năng nhất ở TP.HCM hiện nay không quá con số 6. Lớp đạo diễn trẻ có tay nghề có khả năng đáp ứng yêu cầu mới của thị trường điện ảnh cũng không hơn thế. Họ được các hãng phim o bế là phải vì phim bây giờ làm ra là để hấp dẫn khán giả, để khán giả bỏ tiền mua vé tới rạp chứ không phải làm phim đem cất kho hoặc làm phim theo kế hoạch như trước.
Phim có khán giả sẽ tạo ra các diễn viên ngôi sao, cả về giá trị nghề nghiệp lẫn giá trị thương mại. Có lẽ chúng ta sẽ không phải chờ lâu nữa./.
Chia sẻ bài viết này