MV “Mơ duyên” của Quán quân dòng nhạc dân gian 2015 – Nguyễn Thu Hằng vừa phát hành, dựa trên ý tưởng một tích truyện mang tính huyền sử về mối tình đơn phương được cho là bi ai nhất trong lịch sử của một nàng công chúa triều Nguyễn và một vị thiền sư nổi tiếng. Hình ảnh trong MV khiến nhiều người liên tưởng tới ca khúc đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội “Độ ta không độ nàng”
Đây cũng là MV đặc biệt đánh dấu giai đoạn trưởng thành của Thu Hằng sau khi vừa hoàn thành 8 năm học tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam với bài thi tốt nghiệp đạt điểm 10 xuất sắc, đồng thời chính thức bước vào bước phát triển mới trong sự nghiệp của mình. “Mơ duyên” vốn là một sáng tác của ca sĩ, nhạc sĩ Phạm Phương Thảo và đã được nữ ca sĩ biểu diễn trong liveshow cùng tên của chính mình.
MV “Mơ duyên” tái hiện lại hình ảnh câu chuyện tình bi ai trong lịch sử của nàng công chúa triều Nguyễn và một vị thiền sư, được thực hiện bởi đạo diễn Xuân Chung, người đã từng góp phần mang đến thành công rực rỡ cho Thu Hằng với MV “Nhà em ở lưng đồi” hồi đầu năm 2019.
MV “Mơ duyên” của Thu Hằng gây ấn tượng mạnh khi dựa trên ý tưởng một tích truyện mang tính huyền sử về mối tình đơn phương được cho là bi ai nhất trong lịch sử của một nàng công chúa triều Nguyễn và một vị thiền sư nổi tiếng với tư chất thông minh và phẩm hạnh nghiêm mật. Vì phẩm hạnh ấy, thiền sư được vua xuống sắc, triệu ra kinh đô Huế để giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ và được cử làm pháp sư giảng thuyết Phật pháp trong nội cung của vua Gia Long.
Ngày ngày nghe Thiền sư thuyết giảng Phật pháp, nàng công chúa nổi tiếng nhan sắc hơn người, từng nguyện không lấy chồng chỉ ăn chay niệm Phật để cầu sự thái bình, thịnh trị cho triều Nguyễn đã thầm yêu trộm nhớ thiền sư. Bi kịch tình yêu nơi cửa thiền là điều không thể, giảng giải cho nàng không được, thiền sư đã chọn tránh duyên bằng cách xin về trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định.
Không chịu nổi nỗi đau tình, công chúa lại tìm đến cùng, thiền sư nhất định không chịu gặp mặt. Cuối cùng, sau khi không thể xin gặp được thiền sư cho thoả nỗi nhớ nhung, công chúa xin được nhìn thấy bàn tay của thiền sư để từ biệt. Đến khi thiền sư đưa bàn tay ra, công chúa đã không cầm được thương nhớ mà ôm lấy bàn tay ấy. Đêm đó, tịnh thất của thiền sư phát hoả, mọi thứ hoá thành tro bụi. Thiền sư đã chọn cách thiêu cháy tất cả để thức tỉnh công chúa. Mấy ngày sau, công chúa cũng tự vẫn, để lại một câu chuyện tình bi ai trong lịch sử.
Thương cho mối tình đau lòng ấy, khi đưa vào MV, Thu Hằng và ê-kíp đã chọn một kết thúc tốt đẹp hơn là thiền sư đã hóa giải được cho nàng công chúa si tình, để rồi nàng cũng đã nương thân mình nơi cửa Phật, tìm lấy sự bình an trong đời.
Sao mai Thu Hằng nói, cô đã cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định đồng ý thực hiện MV dựa trên ý tưởng câu chuyện này, vì cô e ngại sẽ “phạm” khi chạm đến hình ảnh thiền sư, đến Phật Giáo. Nhưng cuối cùng, đạo diễn Xuân Chung đã thuyết phục cô bằng sự tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc Phật giáo mật tông. Điều thuận lợi hơn nữa là trong ê-kíp làm phim, đạo diễn hình ảnh và quay phim đều là những đệ tử của Mật tông nên đã cố vấn cho những hình ảnh liên quan đến Phật giáo Mật tông có trong MV.
Khi xem MV, chắc chắn khán giả sẽ cảm thấy không ít ngạc nhiên với những hình ảnh được xây dựng rất chỉn chu từng chi tiết nhỏ nhất, từ vị thiền sư, đến chuỗi ngọc, bức tranh Mạn đà la… thể hiện sự cẩn trọng trong việc tìm hiểu và tái dựng hình ảnh Phật giáo. Bởi vậy, không chỉ đơn giản là xem một sản phẩm âm nhạc, khán giả còn được trải nghiệm một không gian văn hoá tôn giáo tôn nghiêm và chân thật.
Thu Hằng chia sẻ, bản thân cô rất hứng thú khi thực hiện MV “Mơ duyên”, và đã góp phần nhỏ vào việc tôn vinh những hình ảnh mang tính văn hoá truyền thống của người Việt. Cô đặc biệt ấn tượng với cảnh vị Thiền sư miệt mài vẽ bức tranh cát Mạn đà la sau đó xoá hết đi và thả xuống dòng sông. Đây cũng là cảnh quan trọng của MV mà đạo diễn và Thu Hằng muốn gửi gắm đến người xem.
Đạo diễn Xuân Chung cho biết: “Theo nghiên cứu của chúng tôi thì tranh Mạn đà la có một ý nghĩa rất đặc biệt, đó là biểu thị của sự luân hồi của kiếp người, các vị thiền sư thường vẽ cả tháng trời mới xong một bức tranh, sau đó sẽ gọi đệ tử đến và thực hành nghi lễ xoá bức tranh đi, thả xuống sông với hàm ý cuộc sống này là hư ảo, hạt cát cuối cùng cũng chỉ là hạt cát mà thôi, do vậy sống trên đời đừng vì yêu hận, công danh, lợi lộc… để mà mù quáng, xa rời những điều tốt đẹp. Việc xoá bức tranh chính là một sự hóa giải và thức tỉnh, giúp mỗi người tìm lấy sự an yên. Vị thiền sư trong MV đã chọn đúng lúc vẽ xong bức tranh để mở cửa cho Công chúa, và từ đây đã thức tỉnh, hoá giải nàng”.