Phương Vy – Sao của VN Idol |
Một năm sau thành công (tạm gọi), Vietnam Idol lại bắt đầu cuộc chơi, nhưng năm nay Vietnam Idol – sẽ “đụng hàng” với Sao Mai – Điểm Hẹn diễn ra cùng thời điểm… là cùng vào tháng 5.
Một năm sau thành công (tạm gọi), Vietnam Idol lại bắt đầu cuộc chơi (vốn trước đây nhà đầu tư và nhà sản xuất dự tính có thành công năm đầu mới tổ chức tiếp).
Format & luật chơi sẽ vẫn như cũ, chỉ khác một số điểm: thời gian – năm nay lùi đến tháng 5 mới bắt đầu – chờ qua hết các kỳ thi của học sinh, sinh viên; nhưng điều quan trọng hơn là Vietnam Idol – sẽ “đụng hàng” với Sao Mai – Điểm Hẹn diễn ra cùng thời điểm…
Thiên thời – tháng 5 nóng và “hot”
Sẽ rất nóng và “hot” cho cả khán giả lẫn thí sinh khi phải lựa chọn và chứng kiến hai cuộc thi khá giống nhau về format, quy mô (toàn quốc) và trùng nhau về thời gian này.
Năm ngoái, lần đầu tiên đổ bộ vào Việt Nam, Vietnam Idol có được cơ may không đụng hàng với Sao Mai – Điểm Hẹn (vốn đã “mượn tạm” đôi chút cách thức tổ chức và cấu trúc của Pop Idol, điển hình ở những vòng Gala hát nhiều thể loại nhạc). Nhưng năm nay, thiên thời cho Vietnam Idol không còn nữa.
Cùng lúc cạnh tranh với Sao Mai – Điểm Hẹn, Vietnam Idol sẽ phải chia sẻ sự quan tâm của khán giả và thí sinh với hằng hà sa số cuộc thi vừa và nhỏ khác như Tiếng hát truyền hình, phát thanh…
Địa lợi – so kè từng li
Vietnam Idol tuyển chọn tại 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM, Cần Thơ, truyền hình trực tiếp trên HTV9 cùng khoảng 10 đài địa phương khác. Sao Mai – Điểm Hẹn chỉ tuyển chọn tại hai thành phố Hà Nội, Tp.HCM và chỉ truyền hình trực tiếp trên VTV3.
Mới xem qua, sẽ cho rằng Vietnam Idol đang chiếm địa lợi, nhưng thực tế chưa hẳn đã vậy. Chỉ riêng khán giả của VTV3 đã trải rộng toàn quốc, tương đương với cả chục đài địa phương.
Về địa điểm tuyển chọn, tuy Vietnam Idol tổ chức nhiều nơi, thu hút nhiều thí sinh hơn, nhưng tinh hoa chủ yếu tập trung ở hai trung tâm văn hóa giải trí Hà Nội và Tp.HCM, ngoài ra, Sao Mai – Điểm Hẹn luôn có lượng thí sinh “ruột” từ cuộc thi Sao Mai cùng số lượng đông đảo sinh viên trường Nhạc.
Nhân hòa – không hòa mà chiến
Thấy rõ tính cạnh tranh “chiến đấu” gay gắt giữa hai cuộc thi tương tự nhau này.
Cạnh tranh từ khâu “gửi xe”. Dẫm lên nhau tổ chức, cũng có nghĩa là chia sẻ thí sinh cho nhau. Nhân tài ca hát nước ta dù phong phú đến mức nào hẳn cũng sản sinh không xuể với các loại thi hát sòn sòn một năm mấy cuộc.
Những giọng ca nghe được (và đi thi triền miên) thì nhiều đấy, nhưng làm sao khơi nổi cảm hứng cho khán giả vốn đang bội thực những chất giọng tầm tầm.
Nhìn danh sách dự thi Idol năm ngoái – đụng nhau chan chát với các thí sinh đoạt giải THTH-HTV, mặc dù họ đã là “ngôi sao”. Rớt cuộc này, không sao, còn cuộc kia nữa, chịu khó về tập luyện tháng sau thi tiếp.
Suy ra năm nay, sẽ có một loạt thí sinh ghi danh cùng lúc cả hai cuộc thi lớn này, một số nhân tài sẽ phải chọn lựa giữa một trong hai cuộc để đi sâu.
Sao Mai – Điểm Hẹn mang tính chính thống, đòi hỏi cao về chất lượng thí sinh – phần lớn thí sinh lọt vào vòng chung kết đều là dân chuyên nghiệp.
Vietnam Idol tương đối quần chúng hóa hơn, nhưng rốt cuộc những thí sinh vào vòng chung kết Idol cũng hầu hết toàn từ các “lò” trường nhạc mà ra.
Thí sinh sẽ chọn cuộc thi nào và khán giả sẽ hào hứng với bên nào?
Anh Khoa – Sao của Sao Mai Điểm Hẹn |
Tính về thí sinh, thành công sau cuộc thi là vấn đề mấu chốt.
Sao Mai – Điểm Hẹn tỏ ra vượt trội hẳn khi “đẩy” được thí sinh thành “sao”. Sau hai lần tổ chức năm 2004 và 2006, ít nhất về mặt hiệu quả thực tế, những thí sinh như Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Hoàng Hải… đã tạo được cơn sốt nhẹ trên thị trường ca nhạc, trở thành những ngôi sao khá ăn khách, tham gia nhiều chương trình lớn.
Tài năng của các thí sinh cũng khá đồng đều và được đánh giá cao. Và bởi Sao Mai – Điểm Hẹn do VTV3 trực tiếp tổ chức, nên những thí sinh vào chung kết đều được nhà đài tạo cơ hội lăng-xê cho “gà nhà” trong nhiều chương trình lớn bé, ít nhiều tạo được chút tên tuổi để… chạy show.
Trong khi đó, lứa thí sinh của Vietnam Idol lần 1 tính đến thời điểm hiện tại, nghĩa là sau nửa năm kết thúc cuộc thi, ngoại trừ “thần tượng” Phương Vy khá ăn khách, ký được hợp đồng với Music Faces và vừa ra album riêng, Trà My thì nhờ “quan hệ riêng” được một đại gia kiêm nhạc sỹ bảo bọc và lập hẳn một kế hoạch lăng-xê tổng tấn công các trường ĐH bằng những đêm nhạc miễn phí, còn lại các gương mặt top-ten của Vietnam Idol vẫn chưa khẳng định được khả năng cả về chuyên môn lẫn thị trường, bấp bênh đi hát kiếm sống, thậm chí có người không theo nghề ca sỹ.
Xem ra, những thí sinh có chuyên môn sẽ vẫn chọn Sao Mai – Điểm Hẹn, còn những thí sinh (tự biết) kém tài hơn, nhưng có những khả năng khác, như làm hề gây cười, phong cách/cá tính độc đáo chẳng hạn, sẽ tìm đến Vietnam Idol để chứng tỏ bản thân.
Sự giao thoa thí sinh giữa hai cuộc thi cùng lúc này hẳn sẽ làm hao tốn giấy mực báo chí, bởi tuy đem lại ít nhiều hấp dẫn, nhưng sẽ ảnh hưởng không ít đến chất lượng cả hai cuộc thi.
Tính về nhu cầu khán giả, cuộc nào hay, vui và hấp dẫn thì họ sẽ xem thôi.
Vui – phải chọn ngay Vietnam Idol (vòng Audition) với những tình huống khôi hài, thậm chí đến mức lố bịch, khiến khán giả cười ngả cười nghiêng, với những câu nhận xét hóm hỉnh của nhạc sĩ Tuấn Khanh hay trớt quớt kiểu “oh yeah” Siu Black.
Hay – chưa biết cuộc nào sẽ hay hơn, bởi còn phụ thuộc vào yếu tố tài năng thí sinh.
Hấp dẫn, điều kiện này xem ra hơi khó so kè.
Vietnam Idol có những vòng thi song ca, tam ca… thu hút khán giả, những vòng loại trực tiếp đầy kịch tính, đầu tư mạnh về sân khấu, MC và ngoại hình thí sinh.
Sao Mai – Điểm Hẹn lại ghi điểm về chuyên môn – thí sinh biểu diễn cùng ban nhạc sống, rất hào hứng và chứng tỏ được bản lĩnh sân khấu của thí sinh, chứ không bật đĩa cho thí sinh hát theo như Vietnam Idol.
Ngoài ra, còn một điều quan trọng, Sao Mai – Điểm Hẹn không bị bó buộc về format như Vietnam Idol, nên có thêm nhiều giải thưởng khác (Giải Hội đồng nghệ thuật, giải triển vọng) bên cạnh giải Thí sinh được khán giả yêu thích nhất, giúp người xem giải tỏa nỗi ấm ức khi thí sinh đoạt giải nhất lại không giỏi nhất mà chỉ thắng nhờ tin nhắn.
“Hàng” nào sẽ thắng?
Phải khẳng định một câu “muôn năm cũ”: khán giả sẽ là người chiến thắng!
Đúng vậy, có cạnh tranh sẽ sanh hấp dẫn, để rồi khán giả chính là người được thụ hưởng những cái hay, cái đẹp ấy.
Vietnam Idol mùa đầu tiên đã ít nhiều khiến đời sống ca nhạc quần chúng trở nên sôi động hơn với cách thức thi tài thú vị, mang tính thực tế cao (reality show), và với hành trình kéo dài. Qua năm thứ hai, chắc hẳn BTC sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm trong khâu tổ chức.
Tuy nhiên, chính Vietnam Idol sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ cuộc canh tranh thú vị sắp đến, cũng như chịu sức ép từ chính cơ cấu tổ chức mỗi năm một lần của nó.
Sao Mai – Điểm Hẹn với bề dày hai lần tổ chức thành công cùng ê-kip lành nghề và tính chuyên môn âm nhạc cao, hẳn sẽ dễ dàng trên đường chạy của mình mà không mấy e ngại “đối thủ” Vietnam Idol.
Với thời gian tổ chức hai năm một, VTV không phải lo lắng mấy về tài năng cũng như thành công của thí sinh.
Ai sẽ trở thành Sao Mai? Ai sẽ là Thần Tượng? Thật ra điều này chẳng quan trọng mấy khi mà cuộc thi thực sự của các thí sinh còn rất dài trên con đường họ đã chọn lựa, tùy thuộc vào sự vận động tự thân của mỗi cá nhân, và tùy thuộc cả vào “gu” nghe nhạc thất thường của công chúng.
Một bất ngờ thú vị cuối cùng: cả hai cuộc thi này có chung một nhà sản xuất: ĐôngTây Promotions!
Lê Lê |