Sao lại chảnh?

Mới đây, tôi và một người bạn – cũng làm việc trong giới showbiz – ngồi “tám” chuyện với nhau. Bạn tôi bực dọc, sao ca sĩ trẻ bây giờ chảnh quá, chỉ mới bước ra từ một cuộc thi nào đó thôi đã tự cho mình là “sao” để “lên mặt” với bầu show và truyền thông. Bạn tôi đơn cử hai ví dụ là Uyên Linh và Văn Mai Hương – những người thành danh chưa đến hai năm, kể từ khi đạt danh hiệu Quán quân và Á quân tại cuộc thi Thần tượng âm nhạc 2010. Lý do bạn tôi đưa ra để kết luận cho “sự chảnh” của hai cô gái này là: khó liên lạc, mời show thì đòi cát sê cao ngất ngưởng, nói chuyện thì… thấy ghét… Nói chung là trăm ngàn lý do để cho rằng hai cô này chảnh. Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân của bạn tôi thôi, vì tôi không phải bầu show và cũng chưa bao giờ liên lạc với cá nhân hai cô ấy để phỏng vấn, nên không dám khẳng định là họ có chảnh thật hay không. Trước giờ tôi cũng chỉ “nghe nói”, mà những gì nghe từ người này sang người kia thì mức độ chính xác chắc cũng vơi bớt… 80%.

10

Để nói về chuyện “sao Việt” chảnh thì đến… 24 giờ 7 ngày chắc cũng không hết, bởi chảnh hay không chảnh đôi khi còn phụ thuộc vào cảm giác. Cùng một hành động, người này thấy bình thường, còn người kia thì lại bực mình. Bởi vậy, nhiều khi thấy cũng tội nghiệp các “sao” nhà mình.

Nhớ cách đây chừng 10 năm, tôi mê Việt Quang lắm. Tôi cũng không rõ tại sao mình lại có số điện thoại của anh ấy. Một lần, tôi đánh liều lấy điện thoại bàn gọi vào số di động của Việt Quang lúc 8 giờ tối. Tiếp chuyện tôi là một người con trai tự nhận là trợ lý của Việt Quang. Anh ta nhỏ nhẹ trả lời tôi rằng Việt Quang đang bận hát nên không nghe điện thoại được, có gì sẽ gọi lại cho tôi sau. Dù biết chỉ là lời hứa suông (vì sau đó Việt Quang đâu có gọi lại cho tôi), nhưng với một đứa học sinh 18 tuổi lúc đó thì chỉ cần như vậy cũng đủ… sướng cả đêm rồi. Còn bây giờ, tôi làm phóng viên mảng văn hóa, nếu gọi cho Việt Quang không được mà sau đó anh ấy không gọi lại, chẳng biết tôi có nghĩ là Việt Quang chảnh hay không? Nói chung, còn phải phụ thuộc vào mối quan hệ giữa tôi và Việt Quang thế nào nữa mới dám kết luận.

phuong-thanh

Một lần “dở hơi” khác của tôi trong năm 2002 là gọi điện thoại đến… nhà Phương Thanh và gặp ngay… mẹ của chị Chanh. Tôi nhớ như in, bà tiếp chuyện tôi rất lạnh lùng, vì thật ra bà có biết tôi là thằng cóc qué nào đâu. Bà chỉ nói vỏn vẹn rằng Phương Thanh đang ngủ rồi cúp máy. Lúc đó tôi tổn thương dễ sợ, và cũng nghĩ thầm trong bụng là sao cả mẹ lẫn con nhà chị ấy chảnh quá, mất công mình hâm mộ. Ít lâu sau, chị gái tôi còn kể thêm chuyện gặp Phương Thanh đi ngoài đường đeo kính đen, gặp chị tôi mà mặt cứ… hất lên trời nhìn ghét lắm. Khi nghe chuyện ấy tôi buồn mất mấy ngày vì không nghĩ thần tượng của mình lại chảnh như thế. Sau này nghĩ lại tôi cứ buồn cười mãi, bởi không hiểu tại sao chúng ta cứ tự cho mình cái quyền đánh giá người này thế nọ, thế kia dù mình và họ chẳng quen biết gì cả.

Không ít bạn bè đồng nghiệp của tôi cũng khá nhiều lần nhận định cô này chảnh hay anh kia “chọe”, lý do cũng chỉ xoay quanh việc chào hay không chào nhau khi “đụng” mặt ở sự kiện. Thú thực, tôi thấy làm “sao” cũng mệt thật. Gặp ai cũng cười thì bị nói là “thảo mai”, còn giữ mặt nghiêm nghị lại bị cho rằng… coi thường người khác. Chưa kể, nghệ sĩ thì mỗi ngày gặp hàng trăm người với những khuôn mặt na ná nhau. Cuối cùng chẳng biết ai quen, ai lạ để mà… cười cho khỏi mang tiếng chảnh.

Thật ra, trách người nhưng ít khi chúng ta nhìn lại mình. Chẳng cần nói đâu xa, khi mới vô nghề (nghề nào cũng vậy), ai cũng như con nai tơ. Thế nhưng, chỉ cần có chút thành công hoặc đã thành “ma cũ”, mấy ai còn giữ được vẻ ngây thơ như thời chập chững đi làm. Ai cũng ít nhiều “ăn to nói lớn”, cho mình cái quyền này, hành nọ, đặc biệt là “đặc quyền” chỉ trích người khác. Bởi vậy, nghệ sĩ khi chưa có “name” thì cũng vậy thôi, ngơ ngác và dễ chịu. Khi đã thành tên tuổi lớn, áp lực vây quanh cùng với những trải nghiệm trong quá trình làm nghề, hẳn nhiên họ sẽ thay đổi. Tâm lý đó không riêng gì nghệ sĩ, mà bất kỳ ai phàm là người đều có. Bởi vậy, việc không chào hỏi nhau, không cười, không gật đầu khi vô tình chạm mặt ở sự kiện nhiều khi chỉ là một vấn đề rất nhỏ. Có lẽ chúng ta ưa quan trọng hóa nó lên rồi cứ phải đặt ra câu hỏi “sao lại chảnh thế?”, hay là cảm thán “ngôi sao lại bắt đầu chảnh”.

Hàn Quốc Việt/alt


From the same category