New Zealand có tên gọi là Aotearoa theo tiếng Maori, tộc người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Có nhiều giả thuyết giải thích cho tên gọi này, một trong số đó là Ao (mây), tea (trắng), roa (dài), tức Aotearoa nghĩa là dải mây trắng.
Không khó để cầm lái ở xứ kiwi
Trên thực tế, lựa chọn thuê xe tự lái khi du lịch New Zealand là quyết định đúng đắn. Thứ nhất, New Zealand tuy là đất nước phát triển nhưng hệ thống giao thông công cộng lại bị “thất sủng” vì đa số người dân đều chọn phương tiện di chuyển cá nhân, nhất là ở các vùng quê hẻo lánh thì mỗi chuyến tàu hay xe buýt cách nhau 1-2 tiếng là chuyện bình thường. Giữa các thành phố lớn hẳn nhiên có các hãng vận tải đường dài nhưng chi phí khá cao, không khác gì vé máy bay và luôn hết vé nếu mua quá cận ngày.
Thứ hai, tôi không chỉ muốn nhìn thấy các tòa nhà chọc trời, những cánh buồm du thuyền sang trọng ở Auckland, thử trò chơi cảm giác mạnh, hay thư giãn tại một nhà hàng ven hồ nào đó ở Queenstown, mà còn muốn được đắm chìm vào không gian thiên nhiên với núi non hùng vĩ, cảnh sắc bạt ngàn, và tận hưởng vẻ đẹp bốn mùa đa sắc. Hay nói một cách khác, tôi háo hức “mặt đối mặt” với thiên nhiên của hòn đảo này theo cách đơn sơ, mộc mạc nhất. Vì lẽ đó, không gì lý tưởng bằng chính mình cầm lái làm chủ mọi cung đường.
Dù đã từng nhiều lần ngồi sau tay lái thế nhưng một khi “on the road” ở nước ngoài thì chắc chắn sẽ có không ít trải nghiệm đầy hứng khởi. Tại New Zealand, hệ thống đường cao tốc quốc lộ chỉ có một làn đường mỗi chiều với tốc độ lưu thông trung bình là 100km/h. Ban đầu còn khá bỡ ngỡ chúng tôi lúc nào cũng chỉ mong sớm đến “passing lane” (đoạn đường vượt xe) hoặc “slow vehicle bay” (khu vực dành cho xe chạy chậm). Một phần để các xe sau có thể vượt lên trước, một phần để có thể dừng lại ngắm quang cảnh dọc đường, điều mà nếu di chuyển bằng xe buýt là không thể.
Một điều thú vị không kém được vô tình phát hiện nhờ thời tiết đột ngột chuyển biến xấu. Cơn mưa xối xả khiến tôi không thể nhìn thấy bất kì thứ gì ngoài khoảng cách 10m. Trong khi đó, New Zealand lại không có hệ thống đèn đường trên các tuyến quốc lộ. Chính vào lúc này, lần đầu tiên tôi phát hiện ra một thứ mà ở Việt Nam tác dụng của chúng rất nhạt nhòa: Vạch phân luồng đường! Phản quang từ đèn xe của các đường phân luồng là dấu chỉ duy nhất có thể nhận thấy được. Bởi thế, dù phía trước gió bão mịt mù, xe ngược chiều pha đèn hoặc tạt nước, đường uốn lượn, lên xuống thế nào, tôi chỉ việc bám đúng theo luồng kẻ đường là có thể di chuyển an toàn.
Và những cung đường dễ khiến ta… lạc tay lái
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ đảo Bắc tại thành phố Rotorua – nơi tập trung rất nhiều làng dân tộc Maori. Từ Rotorua, lăn bánh về phía tây bắc là Matamata để mục sở thị bằng được ngôi làng Hobbiton, đại phim trường của loạt phim kinh điển “Lord of The Rings” và “The Hobbit”, với những căn nhà nhỏ xinh khoét vào sườn đồi và nốc một ly bia gừng trong quán Con Rồng Xanh (The Green Dragon). Tiếp tục thẳng hướng tây là ngôi làng Waitomo với các hang động quang trùng (glow-worm) độc đáo. Rồi cũng từ Rotorua, chúng tôi lái về phương nam để băng qua cung đường đầy ngoạn mục, có thác Huka mạnh mẽ và hung tợn, để đến thành phố Taupo.
Xuôi về đảo Nam, từ “thành phố vườn” Christchurch, xe chúng tôi lăn bánh đến thị trấn Twizel – nơi ngự trị của các hồ nước và đỉnh núi Cook lừng lẫy. Tôi không kiềm nén sự phấn khích khi lượn quanh cung đường đèo hùng vĩ từ vùng Canterbury đến Otago, chạy xuyên thị trấn Cromwell, Bannockburn, vượt qua Queenstown nổi tiếng với những trò chơi cảm giác mạnh để “sống chậm” tại Glenorchy yên bình bên bờ hồ Wakatipu. Đích đến cuối cùng là thành phố Dunedin nổi tiếng về giáo dục và nghệ thuật.
Mỗi một thành phố, một ngôi làng hay thậm chí chỉ là một điểm dừng chân ven đường cũng tạo cho chúng tôi những xúc cảm khó quên. Chẳng hạn như, thành phố Rotorua đích thị là “bảo tàng sống” cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của tộc người Maori. Khi đến tham quan những ngôi làng dân tộc Maori, đừng quên thưởng thức màn phun nước kỳ vĩ của những vòi phun nước nóng thiên nhiên (geyser) hay hồ nước khoáng nhiều màu sắc ở Te Puia, Wai-O-Tapu, Waimangu,… Những đường đèo uốn lượn với cánh rừng thông xinh đẹp hai bên cùng bãi chăn thả và nhiều ngôi nhà nhỏ xinh cứ trải dài trước tay lái. Ngày chúng tôi đi Taupo, cơn mưa nhẹ làm không gian mát dịu và vắt một dải cầu vồng trên thác nước Huka xanh biếc trên con sông Waikato như lời chào tạm biệt hoàn hảo.
Còn khi từ Christchurch đi Queenstown với khoảng cách 500km thay vì đi quốc lộ 1 dọc biển, nhóm tôi quyết định chọn quốc lộ 77 vì cung đường này vắng vẻ lại “khuyến mãi” cảnh núi non hùng vĩ, rất dễ khiến con người ta không kiềm nén được sự ham muốn. Một sự cố không may xảy ra khi chúng tôi vô tình khóa cửa xe và… để quên chìa khóa bên trong xe lúc dừng chân tại trạm thủy điện hồ Coleridge. Thời gian nhàn rỗi chờ đội cứu hộ được chúng tôi tận dụng triệt để khi quyết định dạo quanh khu rừng cạnh bên và một lần nữa phải bái phục cách mà người New Zealand không chỉ “trồng cây gây rừng” mà còn nỗ lực tối đa để bảo vệ từng chiếc lá, từng ngọn cây.
Một “đặc sản” khác không thể không nhắc đến khi khám phá đất nước này đó chính là các hồ nước. Với thời gian khá eo hẹp nên chúng tôi chỉ có thể tranh thủ tham quan những hồ nước dọc theo cung đường đã chọn. Tại đảo Bắc thì không thể bỏ qua hồ Rotorua, hồ Taupo; còn ở đảo nam thì “top 3 hồ” theo cung đường là hồ Tekapo, hồ Pukaki và hồ Wakatipu. Chúng tôi đến Tekapo khi hoàng hôn đã buông dần, hoa lupine đã tàn lụi nên đáng tiếc không tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp lộng lẫy như nó đã từng được nhắc đến. May thay, cảnh sắc của Pukaki đã bù đắp phần nào sự nuối tiếc. Ngọn Cook trắng tuyết lừng lững giữa dải mây ban sáng soi xuống lòng hồ được bao quanh bởi những hàng cây đa sắc tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ trong khí trời se lạnh. Riêng hồ Wakatipu lại đầy kích thích với những cung đèo ngoạn mục trong ánh hoàng hôn loang lổ nào xanh nào hồng phủ lên ngọn núi sừng sững bên kia hồ.
Chán chê những khu rừng xanh mướt, dãy núi tuyết trắng hay các hồ nước khổng lồ thì hãy đến “thiên đường hạ giới” Milford Sound với hàng trăm ngọn thác. Lộ trình từ Queenstown đến Milford Sound sẽ cho bạn cảm giác cực kỳ yên bình dưới tàng cây phiến đá địa y phong kín, băng ngang những trảng cỏ miên man hay chạy dọc những hồ nước lặng im soi bóng núi, xa xa là hốc băng neo giữa trời, cấp nước cho những ngọn suối trong xanh khiến cho đám lữ khách chẳng thiết tha quay về chút nào.
Nếu thời gian dư dả, bạn hãy thử nghiệm một cung đường cũng dễ khiến trái tim trật nhịp: Cung đường dọc theo hải cảng Otago từ trung tâm thành phố Dunedin đến lâu đài Larnach.
Và hãy nhớ luôn cầm chắc tay lái vì tôi không đảm bảo bạn có thể kềm lòng trước những họa cảnh nghẹt thở này!
Sải bước ngang dọc New Zealand
New Zealand là thiên đường dành cho những ai yêu thích walking hoặc hiking, gọi nôm na là những chuyến đi bộ ngắn ngày không hành xác. Đâu đâu cũng thấy những lộ trình gợi ý chi tiết tại các i-Site (trung tâm thông tin và hỗ trợ du lịch) theo các mức độ dễ – trung bình – khó, cùng thông tin về khoảng cách, thời gian hoàn thành trung bình, vô cùng tiện lợi để lựa chọn. Riêng với tôi, tôi sẽ chia các chuyến đi bộ này theo chủ đề lịch sử, văn hóa, và thiên nhiên.
Về lịch sử hãy chọn lộ trình mang tên “Coast to coast” tại thành phố Auckland xuất phát từ cảng Waitemata, vịnh Hauraki của Nam Thái Bình Dương đến cảng Manukau của biển Tasman hoặc ngược lại.
Chuyến đi dài 16km sẽ đưa người tham quan “dạo bước” qua lịch sử 600 năm của vùng đất này thông qua các địa điểm đặc trưng. Chẳng hạn như bảo tàng Auckland ở vị trí mang tính lịch sử chiến lược với nội dung vô cùng phong phú, công viên Melville là nơi tạo công ăn việc làm trong đợt đại suy thoái năm 1930,… “Coast to coast” cũng được đánh giá là một trong những con đường walking đẹp nhất New Zealand khi có công viên Albert với cây đại thụ Pohutukawa, đồi One Tree Hill với tầm nhìn bao quát tuyệt cảnh xung quanh. Hơn hết thảy là khu vườn Mùa Đông đầy kỳ hoa dị thảo cùng ngọn núi lửa Eden cao nhất Auckland.
Đối với những tín đồ nghệ thuật thì lộ trình “hội họa” ở Dunedin tin chắc sẽ là lựa chọn sáng suốt. Lộ trình qua 28 bức bích họa được thực hiện bởi các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng là những bức họa đôi khi rất to phủ kín cả tòa nhà nhiều tầng, đôi khi lại nhỏ bé xinh xắn ẩn nấp bên trong các tòa kiến trúc xung quanh. Trong khi đó, dạo quanh từng con phố ở Christchurch phần nào giúp tôi cảm nhận rõ nét thay đổi của thành phố này. Sau trận động đất năm nào, vùng đất một thời huy hoàng với kiến trúc Gothic Hồi Sinh, giờ đang chuyển mình thành một Christchurch với nhiều công trình đậm chất nghệ thuật đương đại. Con đường gỗ ôm theo cảng Lambton của Wellington lại được trang trí bằng nhiều tượng đài, công trình nghệ thuật, thậm chí là cả một bệ cầu chỉ để nhảy ào xuống biển.
Bên cạnh đó, lang thang trong các bảo tàng hay vườn thú ở New Zealand cũng là một trải nghiệm khác biệt. Mỗi khi bước chân vào những nơi này, lần nào tôi cũng tấm tắc thán phục vì sự đa dạng trong hình thức thể hiện, phong phú về nội dung và đặc biệt là mức độ sáng tạo trong trình bày. Điều này giúp đẩy tính tương tác lên rất cao, kích thích người xem tìm hiểu và ghi nhớ. Đặc biệt, tại các Trung tâm Khám phá (Discovery Center) của mỗi phân khu đều có nhiều trò chơi liên quan đến nội dung trình bày của khu vực đó, rất hấp dẫn và thú vị, giúp trẻ em vừa chơi vừa học một cách dễ dàng.
Kinh nghiệm tự lái xe tại New Zealand
– New Zealand chấp nhận bằng lái song ngữ hoặc đơn ngữ kèm với bản dịch tiếng Anh có chứng thực (bằng lái thẻ nhựa của Việt Nam hiện nay đáp ứng được yêu cầu của các hãng cho thuê xe).
– Có rất nhiều công ty cho thuê xe từ các đơn vị đa quốc gia như Hertz, Thriffy, Europcar, Avis, Budget đến trong nước như Jucy, Go, eziCar, Ace, Apex,… Những hãng này đều có quầy tại các sân bay lớn, chỉ một số ít hãng có văn phòng ở trung tâm thành phố.
– Mức bảo hiểm khác nhau sẽ ảnh hưởng đến giá thuê xe cuối cùng. Vì vậy nên đọc thật kỹ bản liệt kê chi tiết thành phần chi phí thuê để có thể yêu cầu chỉnh sửa và quyết định đúng đắn.
– Một điều cần lưu ý là giá xăng ở các trạm xăng không giống nhau. Chẳng hạn giá xăng ở đảo Bắc rẻ hơn nhiều so với đảo Nam. Vì vậy, lựa chọn trả tiền xăng trước hay sau trong hợp đồng thuê xe cũng cần phải cân nhắc. Ngoài ra, mua hàng ở PAK’nSAVE sẽ được giảm giá khi mua xăng tại đây.
– Địa điểm trả xe khác địa điểm nhận xe sẽ phát sinh thêm chi phí, là điều cũng cần cân nhắc khi lên kế hoạch.
– Trong trường hợp muốn dùng xe buýt đường dài để di chuyển, cần lên kế hoạch càng sớm càng tốt để có được giá tốt. Naked bus, Mana bus, Intercity, Headfirst vẫn có nhiều chương trình khuyến mãi vé 0 đồng như các hãng máy bay.
– Ngoài những hãng xe buýt nổi tiếng trên thì ở đảo Nam hoặc đảo Bắc đều có những hãng vận chuyển nhỏ, xe không được mới, không đi kèm dịchh vụ WiFi miễn phí nhưng chi phí rẻ và địa điểm đón trả khách thuận tiện hơn.