Sao…đổi chỗ ?

Mấy năm nay, dòng chảy các nghệ sĩ hải ngoại đổ về trong nước đã trở thành chuyện quá đỗi bình thường.

Không đâu có sinh hoạt ca nhạc suốt các ngày trong tuần như ở Việt Nam và đó chính là điểm dừng chân lý tưởng cho các ngôi sao đã hoặc chuẩn bị hết thời ở hải ngoại.
 
Ngay cả vào thời điểm sân khấu ca hát TP.HCM “xuống sề” như hiện tại thì một ngôi sao cỡ Elvis Phương vẫn có khoảng 10 show diễn/tháng, mức cát sê trung bình (tùy từng điểm diễn) từ 5-10 triệu đồng/show. 

Thế nhưng đừng tưởng thị trường ca nhạc Việt tại hải ngoại thế là đi đứt. Trái lại, thế chân cho dòng các sao cũ hải ngoại về, lại có một dòng chảy khác ngược từ Việt Nam đi. Không kể các đoàn nghệ sĩ thay phiên sau bay show, rất nhiều người đã “cắm sào” trên miền đất mới.

Kỳ cựu có Trần Thu Hà, Bằng Kiều, Thu Phương, Huy MC, mỗi người mỗi cảnh nhưng đều tiếp tục lấy ca hát làm nghiệp chứ không lặn mất tăm như một vài ngôi sao khác ra đi cùng thời với họ.

Lần lượt tới 3 thành viên Trio 666 Phương Loan, Hoài Giang, Bích Châu từng người từng người một “bay” – coi như nhóm nữ này rã đám không kèn không trống.

Ca sĩ nhiều scandal Nguyễn Hồng Nhung một đi không trở lại ngay sau lần tới Mỹ biểu diễn đầu tiên. Ca sĩ “mắt nai” Hồng Ngọc sau cuộc chia tay với cây bass Minh Nhiên, cũng thấy mất dạng luôn. Tháng 8 này cô sẽ cho ra đời một baby và dự định về nước ra mắt album mới thay cho lời tuyên bố về “bến” mới mà cô đang “cắm sào”.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay không thấy lên tivi hát “Ba ngọn nến lung linh”, cặp Phương Thảo – Ngọc Lễ đóng cửa phòng thu gia đình để bế con về “quê ngoại” (cha Phương Thảo người Mỹ).

Hiện nay Ngọc Lễ đầu quân về một hãng băng đĩa người Việt tại đây. Nhạc sĩ Bảo Chấn đã chính thức có working visa vào Mỹ thời hạn 3 năm, hiện nay thời gian sống và làm việc của anh chủ yếu ở California, trong một công ty về tổ chức biểu diễn của người Việt.

Nếu dòng chạy từ hải ngoại về hầu như không làm suy suyển gì đời sống ca nhạc trong nước thì dòng chảy ngược, dù không còn đủ sức mạnh của thời hoàng kim, vẫn làm cho thị trường ca nhạc bên bờ kia chao đảo.

Theo chân anh, một số nhạc sĩ khác cũng đã lên đường thăm dò thị trường mới để chuẩn bị cho những cuộc di cư chính thức. Thị trường nhạc Việt tại hải ngoại dường như đang nhộn nhịp với những nhân vật mới?
 
Bản chất hai kẻ đổi chỗ cho nhau chẳng có gì khác: đều là cảnh “cũ người mới ta, cũ ta mới người” – những ngôi sao từ hải ngoại về hầu hết đã hoặc gần hết “date”, ngược lại, những người buộc phải đi đều vì những lý do tế nhị mà họ có ở lại hoặc trở về cũng… buồn.

Có thể coi là một trong những nhạc sĩ trong nước đầu tiên nhận lời tới Mỹ theo hợp đồng làm việc chính thức (working visa), nhạc sĩ Bảo Chấn thành thực cho biết hiện tại vị trí “nhạc sĩ phối khí hàng đầu” của anh ở trong nước đã không còn khi hàng loạt những tên tuổi mới, những tài năng mới xuất hiện, điều này cũng đồng nghĩa với hợp đồng ít đi, công việc hẻo bớt…

Phương Thảo – Ngọc Lễ cũng ở trong cảnh tương tự khi dòng nhạc gia đình của họ trở nên lạc lõng trong “thời của những tình khúc huỵch toẹt”, đến mức một thời gian dài cả hai đi hát phòng trà phải “lội ngược dòng thời gian” quay lại hát những ca khúc nhạc ngoại thời họ chưa thành ngôi sao của nhạc Việt những năm 1997-2000.  

Nhiều ngôi sao kỳ cựu khác giảm show trong nước cũng phải tìm đường tích cực bay show nước ngoài để “bù đắp”… Một chuyện xem ra rất bình thường.

Song, nếu dòng chạy từ hải ngoại về hầu như không làm suy suyển gì đời sống ca nhạc trong nước (chưa kể không ít người về chưa bao lâu ánh hào quang đã nhanh chóng lụi tắt), thì dòng chảy ngược (dù không còn đủ sức mạnh của thời hoàng kim) vẫn làm cho thị trường ca nhạc bên bờ kia chao đảo.

Cát sê hàng đầu đang thuộc về những ca sĩ nhập cư. Nhân vật chính trong các show diễn là các ca sĩ nhập cư và những ca sĩ từ trong nước qua lưu diễn. Và một số ông chủ trong làng giải trí Việt tại hải ngoại bắt đầu tính tới việc dùng chính “dòng nhập cư” này để “thay máu” cho thị trường tại chỗ.

Đầu tiên là kế hoạch “thay máu” các show ca nhạc. Hiện nay các show ca nhạc của người Việt tại Mỹ chủ yếu chết dí trong các casino, làm nhiệm vụ mua vui cho khách châu Á tới chơi bài (ngoài show ca nhạc Việt, các ông chủ casino cho bầu show châu Á luân phiên tổ chức đêm nhạc Hoa, Sing, Mã… phục vụ cho đám khách da vàng đang ngày một gia tăng).

Những show diễn tại nhà hát đều chết yểu (mới đây nhất bầu show lỗ sặc máu khi đưa cả một diva từ Việt Nam sang nhưng cả show chỉ bán được hơn 50 vé!), chủ yếu vì chương trình không hề có dàn dựng, bầu show móc ca sĩ trong nước kèm theo ca sĩ tại chỗ là xong phần tổ chức, gần như bê nguyên kiểu “tả pí lù” ở sòng bài ra nhà hát, khán giả chán ngấy vì nhàm (các chương trình dàn dựng studio theo kiểu Thúy Nga Paris năm thì mười họa mới tổ chức được).

Nay, các bầu show muốn làm sống lại các live show tại nhà hát theo cách mà sân khấu trong nước đã làm và họ không tiếc tiền chèo kéo các nhân vật từ trong nước sang làm chủ xị. Ngoài nhạc sĩ Bảo Chấn, các tên tuổi khác của làng ca nhạc Thành phố Hồ Chí Minh như T.K, L.Q đều đã có lời mời và những kế hoạch khá cụ thể. Tính đường dài hơn, các bầu show hải ngoại còn tính tới việc đào tạo lực lượng ca sĩ mới tại chỗ theo kiểu ca sĩ trong nước, bằng chính “chuyên gia đào tạo” từ trong nước để hòng “cân bằng lực lượng”. 
 
Tình hình “chuyển giao địa bàn” xem chừng khá khả quan. Chuyện “đi, ở” giờ đây không còn quá nghiêm trọng đối với dư luận và các nhà quản lý. Nhưng biên giới của nhạc Việt và các ngôi sao Việt thật ra vẫn nằm trong đường biên giới cũ, thậm chí còn… cũ đi (vì những cái cũ còn đang được chào đón). Chỉ là một cuộc đổi chỗ thôi mà!


From the same category