Sao “Biệt đội đánh thuê”: Đóng phim Việt Nam như làm… nô lệ

Ý của Gary Daniels là, khi tham gia diễn xuất tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, các diễn viên có ít người chăm sóc nên cùng với diễn xuất phải làm cả những công việc khác. Tuy vậy, anh thích sự thoải mái khi làm việc trong môi trường này. Gary nhấn mạnh, cảm giác như một “slave”  chỉ là để đùa vui.

Ngôi sao phim “The Expendables” (Biệt đội đánh thuê, phần 1), “City Hunter” lần đầu tiên đến Việt Nam, vào vai nhân vật Hanz trong bộ phim “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Anh vào vai một chàng trai người Đức xuất hiện trong suốt quá trình quay phim tại cả Việt Nam và Đức.

Đẹp Online đã có cuộc trò chuyện với Gary Daniels dịp ra mắt đoàn làm phim “Quyên”, trong khuôn khổ LHP HANIFF lần thứ ba.

Tạo hình của Gary trong “Quyên”.

Trong  “Quyên” tôi như vị cứu tinh, nhưng chẳng giống tôi thực chút nào

– Anh có thể nói đôi điều về nhân vật của mình trong “Quyên”?

– Tôi vào vai Hanz Paul, một người đàn ông trung niên sống và làm việc tại Berlin. Một trong những công việc của Hanz là phiên dịch cho những người tị nạn đến từ Việt Nam. Là người Đức, nhưng Hanz có thể nói tiếng Việt. Đó là con người hết sức hiền lành, tốt bụng, cẩn thận, nhiệt tình, như là vị cứu tinh của nhiều người khác. Những điều này thì chẳng giống tôi chút nào (cười).

– Vậy con người của anh ngoài đời thế nào?

– Tôi là người rất đơn giản, thích giao tiếp xã hội, có nhiều thời gian dành cho những thú vui bản thân. Kể ra thì nhiều lắm, tôi yêu thể thao, những hoạt động ngoài trời, yêu việc làm phim, đọc sách, ra ngoài tán gẫu với nhiều người khác nhau.

– Được biết đến như một diễn viên hành động, anh thích gì nhất trong công việc của mình?

– Một điều tuyệt vời là, tất cả vai diễn của tôi từ trước đến nay đều là vai diễn hành động. Dù vậy, mỗi vai diễn mang tính cách, số phận, với mức độ tham gia của tôi khác nhau. Tôi không muốn đóng một kiểu vai giống nhau mà muốn trải nghiệm qua nhiều nhân vật. Cho dù mỗi nhân vật đó là vai chính hay vai phụ, bạn diễn là nữ hay nam, điều quan trọng là tôi có thêm trải nghiệm.   

– Vậy là trong “Quyên”, anh được thử sức với cả hai thứ đầu tiên: đóng phim Việt và vào vai tâm lý, thay vì hành động ?

– Đúng là trong “Quyên” nhân vật của tôi khác xa các vai hành động trước kia từng tham gia. Nên tôi mới nói, Hanz không có gì của tôi ngoài đời cả. Và lần đầu tiên tôi tham gia dự án với các bạn Việt Nam. Thêm một thứ đầu tiên nữa là tôi lần đầu tiên tôi nói tiếng Việt trên phim (cười).

Là một diễn viên phim hành động, Gary sở hữu một thân hình lực lưỡng và mạnh mẽ.

Tôi đóng “Quyên” vì Dustin Nguyễn

– Thông thường, cát xê của diễn viên tương ứng với đẳng cấp của anh ta. Nhưng nếu tham gia một bộ phim có kinh phí thấp, đi liền đó là mức cát xê thấp, thì có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của người diễn viên đó. Anh có nghĩ vậy?

– Tôi không bận tận nhiều về vấn đề kinh phí của mỗi bộ phim. Điều tôi quan tâm đầu tiên là đạo diễn phim, kịch bản phim, các nhân vật và những người tôi tham gia cùng. Còn về kinh phí của bộ phim và cát xê, tôi cho rằng dù ít hay nhiều thì cũng không ảnh hưởng lớn đến diễn viên và bộ phim đó; hơn nữa, chi phí được nhận cho vai diễn thì mang tính riêng tư. Điều này cũng như tôi hỏi lương của bạn là bao nhiêu vậy.

– Kinh phí sản xuất “Quyên”, theo lời đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, chưa tới một triệu USD. Trong khi đó, ở Hollywood, anh đã tham gia những dự án có kinh phí rất cao, như phim “The Expendables” năm 2010 là 80 triệu USD. Lý do anh nhận lời tham gia “Quyên” là gì?  

– Khi tôi và anh Dustin Nguyễn cùng tham gia một bộ phim hành động tại Thái Lan thì anh có giới thiệu với tôi về dự án phim “Quyên”. Sau đó, tôi gặp nhà sản xuất BHD tại London trong một buổi họp báo, anh Nguyễn Phan Quang Bình có nhớ đến tôi, rồi một thời gian sau đưa ra lời mời vì thấy tôi hợp với vai diễn. Tôi thích nội dung phim. Tuy chưa diễn kiểu vai này trước đó, nhưng tôi muốn có trải nghiệm mới nên nhận lời.

– Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm thú vị khi tham gia một dự án chung với các nghệ sĩ Việt Nam?

– Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với đoàn làm phim. Đây là công việc, nhưng cũng là một chuyến phiêu lưu của tôi. Nhờ có đó mà tôi có điều kiện rong ruổi ở Đức. Bản thân tôi vốn là người ham thích du ngoạn đây đó mà. Thực sự có rất nhiều niềm vui!

Gary Daniels và Ngọc Anh trong “Quyên”.

– Với góc nhìn cá nhân, đến thời điểm này, anh đánh giá thế nào về “Quyên”?

– Tôi chưa được xem phim, vì vẫn đang trong quá trình sản xuất. Dĩ nhiên tôi đã đọc kịch bản cho vai diễn của mình, nhưng đây là một bộ phim tâm lý, tình cảm, lãng mạn, với diễn biến, tiết tấu chậm hơn so với phim hành động, và tôi chỉ đóng góp một phần vào đây. Để phỏng đoán bây giờ là quá sớm, vì sau khi quay phim, còn có biên tập, với các bản phim chỉnh sửa và thêm nhiều công đoạn khác như âm thanh, kỹ xảo, cách thức kinh doanh, phát hành… nên bây giờ tôi chưa thể tưởng tượng được đây sẽ là một bộ phim như thế nào. Nhưng tôi hy vọng “Quyên” là một bộ phim tốt và được rất nhiều khán giả đón nhận. Riêng tôi thì vẫn tiếp tục tập trung cho vai diễn của mình trong phim, mà ngày mai chúng tôi lại tiếp tục bấm máy.

– Từng đóng chung với siêu sao võ thuật Thành Long (Jackie Chan) trong  “City Hunter”, anh thấy Thành Long như thế nào?

– Tôi luôn có ấn tượng sâu đậm với Thành Long. Anh ấy là một tài năng đặc biệt, một người làm việc vô cùng chăm chỉ. Tôi đã xem phim của anh ấy từ khi còn trẻ và sau này thật bất ngờ khi có cơ hội làm việc cùng anh ấy. Vượt qua những rào cản khác nhau, anh ấy đã hoà nhập được với công nghệ làm phim ở Mỹ và chứng tỏ được sức làm việc thật bền bỉ. Tôi rất ngưỡng mộ.

– Anh đã đóng phim tại Thái Lan, Philippines và nay là Việt Nam, vậy sự hợp tác với diễn viên và nhà sản xuất đến từ châu Á thì có gì khác với làm việc cùng ê kíp sản xuất của Hollywood?

– Cả quãng thời gian hoàn thiện một bộ phim ở Mỹ thường dài hơn. Cường độ làm việc trong ngày cũng dài, khắc nghiệt và căng thẳng hơn, có khi suốt 24/24 giờ. Diễn viên ở Mỹ được bảo vệ tốt hơn, nên an toàn hơn. Còn ở châu Á, diễn viên có thể chỉ làm việc 20 giờ mỗi ngày, thoải mái hơn, nhưng cùng lúc lại phải làm cả những việc khác ngoài diễn xuất, vì có ít người chăm sóc cho mình hơn, sự an toàn không được đảm bảo ở mức cao. Đôi khi có cảm giác mình như nô lệ vậy (cười lớn). Nhưng, đây là tôi đùa vui thế thôi nhé!

– Tôi được nghe một ý kiến cho rằng: với cùng một dự án phim có yêu cầu tương đương, nếu sản xuất ở Việt Nam hết 5 triệu USD thì làm ở Mỹ hoặc châu Âu có thể tốn đến 20 triệu USD. Anh đang đóng phim tại Việt Nam, anh thấy điều này liệu có đúng?

– Đúng là với chi phí thấp thì khó có điều kiện làm phim ở Mỹ. Tuy nhiên, điều này còn tuỳ thuộc vào từng dự án và mỗi nhà làm phim mong muốn gì. Tôi chưa chứng kiến một bộ phim nào vì làm ở Mỹ hết nhiều chi phí mà chuyển sang làm nơi khác để tiết kiệm hơn. Nhưng tôi cho rằng chi phí cao và nơi sản xuất không quyết định cho thành công và giá trị của một bộ phim.

– Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Bài: Bùi Dũng 

Ảnh: BHD cung cấp


logo 


From the same category