Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy mối liên hệ mật thiết và mạnh mẽ về sự đồng điệu giữa hai trái tim hơn hẳn những điều ta hình dung từ trước đến nay. Theo đó, bên cạnh niềm vui được đập chung một nhịp suốt cả cuộc đời với người thương, trái tim của những người yêu nhau sẽ nhạy cảm hơn rất nhiều nếu chẳng may “nửa kia” xảy ra bi kịch nghiệt ngã.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Rice đã có một khám phá bất ngờ rằng những người tan nát cõi lòng do trải qua sự mất mát về người thân sẽ phải đối diện với chứng viêm cơ tim là rất cao. Trong khi đó, những ai biết tìm nguồn an ủi vui sống khác sẽ vượt qua được nguy cơ mắc bệnh này.
“Trước đây viêm được chứng minh là tác nhân làm nặng hơn hầu như mọi loại bệnh ở người lớn tuổi”, Phó Giáo sư Chris Fagundes, học giả và là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, “Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rằng ở người trải qua sang chấn do mất mát thường dễ bị trầm cảm hơn do ảnh hưởng bởi tình trạng viêm nhiễm mức độ nặng, từ đó dẫn đến một chuỗi các bệnh chí mạng ở người già. Và đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng một tâm hồn phải đeo mang sự đau đớn cực độ (trong một thời gian dài) hoàn toàn có thể khiến sức khỏe dần bị hủy hoại”.
Nghiên cứu được Chris Fagundes và các cộng sự thực hiện trên 99 người đã phải trải qua giây phút gạt nước mắt vĩnh biệt bạn đời của họ. Bằng chứng của sự viêm nhiễm tìm thấy trong mẫu máu của những người này phản ánh các cấp độ sang chấn tinh thần khác nhau họ đã trải qua, và tất cả cho thấy tình trạng sức khoẻ xuống dốc đáng báo động so với những người không rơi vào suy sụp khi đối diện với thực tế đau lòng. Cụ thể, người đau buồn nghiêm trọng hơn có mức độ viêm cao hơn tới 17% so với số có triệu chứng đau buồn ít hơn. Trên thực tế, một phần ba số người thống kê gặp nhiều khó khăn nhất (trong việc xoa dịu nỗi đau) có mức độ viêm cao hơn 53.4% so với một phần ba ít để nỗi buồn ngự trị nhất.
Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu khác cũng được tiến hành bởi Chris Fagundes cho thấy người góa bụa (chồng hoặc vợ qua đời) có nguy cơ mắc các bệnh về tim và thậm chí có khả năng tự tử lên đến 41% trong vòng 6 tháng sau cái chết của bạn đời.
Chris Fagundes đã đút kết rằng: “Kết quả nghiên cứu đã khẳng định sự phát triển của bệnh tật sẽ dựa trên khả năng chịu đựng sự suy sụp về tâm lý. Và nhờ phát hiện này chúng ta có thể đưa ra chương trình can thiệp, tập trung hoá giải nguy cơ trên bằng các hướng tiếp cận dược học hoặc trị liệu hành vi”.
Thành quả nghiên cứu y học trên đã làm sáng tỏ rằng sự mạnh khỏe và tích cực của tinh thần có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nên nó xứng đáng nhận được sự quan tâm và nuôi dưỡng. Dù niềm đau hay nỗi buồn là điều không thể tránh khỏi trong đời của mỗi người nhưng nếu trong những ngày tuổi xuân còn rực rỡ, ta mãi đắm chìm, buông xuôi trong cảm xúc tiêu cực thì con tim sẽ khó mà vui trở lại.