Giờ này đứa bạn thân đang dọn cơm cho chồng con, giờ này mình vẫn không chung sống cùng ai. Còn nhớ trên tạp chí Cosmopolitan, người ta bảo “cooking is sexy” – nấu ăn cũng thật gợi tình! Những người đàn bà được mặc định cái công tác chăm sóc dạ dày của gia đình, cần phải nghĩ gì về các món ăn và việc nấu nướng nhỉ? Ngày càng “sốt ruột” muốn được bắt tay vào cái công tác ấy, vậy mà tôi vẫn chưa có cớ để bước vào hôn nhân.
Cái cớ
Nhiều người đàn ông dại dột đến mức, chỉ vì cái má lúm đồng tiền mà cưới nguyên cả một cô gái. (Stephen Leacock)
Hôm nay tôi mua một túi hạt nêm to nhất, vì người ta gắn kèm vào đó một quà tặng rất xinh xắn. Đó là chiếc đĩa thủy tinh cao cấp tuyệt đẹp, không kém gì một món đồ pha lê. Nhưng tất nhiên tôi không mua hạt nêm khi mà tôi không cần nó. Nó là một thứ gia vị đơn giản, nhanh gọn, tạo nên mùi vị đậm đà cho những món canh và xào mà tôi thường tự làm cho mình.
Những món ăn đó sẽ được dọn ra trên những chiếc đĩa sứ mà tôi thừa hưởng từ mẹ và bà mình. Còn chiếc đĩa thủy tinh xinh đẹp này, tôi dùng nó để bày món trái cây tráng miệng. Tôi vui vẻ nghĩ đến điều đó, lúc đứng ở quầy tính tiền của siêu thị.
Buổi tối, vừa rắc hạt nêm vào món thịt bò xào nấm rơm, tôi vừa nghĩ đến những người quen đã kết hôn vì một hoặc nhiều lý do như sau: tuổi tác, danh dự, tiền bạc, địa vị, xuất ngoại… và cả sinh lý nữa. Mọi lý do đều có thể trở thành một cái cớ để họ tổ chức đám cưới và bắt đầu sống đời vợ chồng.
Trong “Cuốn theo chiều gió”, nàng Scarlett O’Hara ba lần lấy chồng: lần thứ nhất vì danh dự, lần thứ hai vì tiền, lần thứ ba vì một cái hôn cuồng nhiệt. Chính bản thân tôi, nhiều khi chỉ vì thấy mình “đến tuổi” cũng sốt sắng bàn chuyện xa xôi với một người, đôi lúc muốn tiến thân đến nỗi cũng tính kế làm “phu nhân”. Những phút băn khoăn trong nhu cầu sinh lý của một cơ thể trưởng thành, tôi cũng từng nghĩ phương án cưới… bừa một tấm chồng để mà làm vợ, làm mẹ.
Có điều là, cho dù luôn nghĩ đến hôn nhân như một món ăn hấp dẫn vừa ngon vừa đẹp, tôi vẫn không thể coi kết hôn dễ như mua một túi hạt nêm hay bất cứ loại thực phẩm nào khi trong túi có đủ tiền. Kể cả được hứa hẹn một món quà tặng khuyến mãi cực kỳ long lanh, như tình yêu chẳng hạn.
Cách đây hơn một năm, tôi gặp một người đàn ông hơn tôi bảy tuổi, anh có vẻ “đói” vợ lắm rồi. Anh tạo cho tôi cảm giác anh là người chồng lý tưởng: một người đàn ông phong độ, lịch thiệp, vui tính, luôn dịu dàng với phụ nữ, sinh lý tốt và đang sẵn sàng làm đám cưới. Chúng tôi nhanh chóng quấn quýt với nhau, anh nói rằng tôi hãy sinh cho anh một đứa con.
Có bầu là cái cớ “hay” nhất để quyết định cưới nhau, vì chỉ sau hơn một tháng quen biết thì chẳng ai dám nói chắc mình có yêu, mình có muốn chung sống hay không. Tôi, khi đó, cũng thấy “đói” chồng con ra trò. Nhưng tôi lại bỏ đi, đến sống ở một thành phố khác, rồi suốt hàng tháng trời cứ tiếc hùi hụi “người chồng lý tưởng” ấy, trách mình đã từ bỏ một cơ hội bước vào hôn nhân với “đối tác” hoàn hảo như thế. Tại sao tôi cứ phải cần một cái cớ thuyết phục hơn?
Có thể vì sự cô đơn hoặc quá chán ngán món độc thân, họ thấy cần phải ăn món hôn nhân, họ nhất định muốn ăn cái món mà nhiều người xuýt xoa khen ngợi và thèm muốn. Quan trọng hơn, họ vẫn luôn nghĩ mình nấu được món đó. |
Một năm sau lần cuối cùng gặp nhau trước khi tôi bỏ đi, anh xuất hiện và tình tứ với tôi, như thể chuyện anh cưới vợ trước đó nửa năm và vợ anh đang mang bầu bảy tháng chỉ là chuyện bịa. Tôi cố gắng chứng tỏ mình đã biết rõ chuyện anh lập gia đình rồi, anh cũng công nhận, nhưng vẫn âu yếm tôi như xưa. Anh sẵn sàng biến tôi thành cô bồ bé nhỏ. Với vợ anh, tôi không biết cô ấy có coi đó là sự phản bội không.
Còn với tôi, tôi cảm thấy bị xúc phạm, anh chỉ đến với tôi như một chỗ “giải tỏa” trong những ngày vợ bụng to. Chuyện này vượt quá sức tưởng tượng của tôi, đập tan cái tượng đài “người chồng lý tưởng” trong lòng tôi. Tôi vừa buồn bã thất vọng, vừa mừng vui cho mình đã không dại dột cưới nguyên cả một người đàn ông như anh. Những thứ “lý tưởng” ngày xưa tôi nhìn thấy ở anh, những thứ đã có thể trở thành một cái cớ để tôi lấy chồng, giờ chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Tôi tự hỏi mình, cái cớ nào là tốt nhất cho tôi?
Món ăn
Có những món mà nếu không được ăn ít nhất một lần thì ta sẽ luôn cảm thấy thật… áy náy, không yên.
Theo thói quen, tôi mở tivi lên rồi ngồi vào bàn ăn. Ở Việt Nam, người ta ưa xem tivi trong khi dùng bữa. Vả lại tôi cũng chẳng có ai để trò chuyện. Lúc nấu nướng có thể nghĩ đến mọi thứ mà mình có trong bếp, nhưng khi nấu xong và ngồi ăn, quả là khó diễn tả cảm giác không có tiếng người xung quanh mình.
Trong suy nghĩ của tôi, hôn nhân đích thực là một món ăn ngon do hai người cùng nấu và cùng ăn. Hạnh phúc tăng dần khi nghe tiếng nước sôi ùng ục hay chảo rán xèo xèo, thấy mùi thơm ngào ngạt, nước bọt ứa ra, rồi nếm miếng đầu tiên và rùng mình sung sướng. Nhìn thấy nhau ngon miệng, no bụng nữa, sau ngần ấy công phu nấu nướng, còn gì hả hê và vui vẻ hơn!
Cha mẹ tôi chính thức ly hôn khi nào, tôi không rõ, nhưng tôi nhớ là lúc họ không chung sống nữa thì tôi đã nhận thức được sự hấp dẫn của một món ăn – món ăn mà mọi người phải tự nấu nếu thấy thèm. Có thể vì sự cô đơn hoặc quá chán ngán món độc thân, họ thấy cần phải ăn món hôn nhân, họ nhất định muốn ăn cái món mà nhiều người xuýt xoa khen ngợi và thèm muốn.
Quan trọng hơn, họ vẫn luôn nghĩ mình nấu được món đó. Tôi thấy ở họ, ly dị và tái hôn cũng giống như nỗ lực chứng tỏ khả năng của mình sau thất bại của việc nấu món hôn nhân đầu tiên, hòa vào đó là cái khát khao được nếm hạnh phúc trên thành phẩm cuối cùng.
Nấu ăn
Hành làm cho người ta khóc, nhưng rõ ràng là chưa có ai sáng chế ra được loại rau củ làm cho người ta cười. (Will Rogers)
Nấm rơm thật thơm ngon, nó đã hút cái ngọt từ thịt bò và gia vị, nó ướt mềm khi quyện dầu ăn… tôi thưởng thức những miếng đầu tiên từ thành phẩm vừa làm xong. Gắp một miếng hành tây, cũng mềm và thơm ngon, tôi nhớ đến lúc mình bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu làm món xào này. Mắt cay xè khi thái hành, tôi đã cảm thấy thế nào nhỉ? Giá mà có… một ai đó lấy khăn giấy cho mình chấm nước mắt ứa ra, một ai đó tình nguyện thái hành thay mình, hoặc một loại hành gây cười!
Bây giờ thì mắt đã hết cay, cái nóng nực khi làm bếp cũng không còn nữa. Tôi rất hài lòng thưởng thức món ăn hôm nay, một phần vì nó vừa miệng, một phần vì tôi thao tác nhanh gọn hơn xưa rất nhiều. Tự nấu được cái thú vị là ngày càng thấy thân quen với món đó, sung sướng và tự hào gọi là “món tủ”, món mà mình thích ăn và mình tự nấu được. Đặc biệt, thích ăn kiểu gì thì tự chế biến, tự phục vụ, đôi khi có thể tự ý thay đổi gia giảm một chút để… xem sao rồi đúc rút kinh nghiệm hoặc là thay đổi, hoặc là trở về “như xưa”. Món thịt bò xào nấm này đã từng được tôi biến thành nấm xào thịt bò.
Khác với việc đi ăn nhà hàng, món lúc nào cũng chuẩn, mà không chuẩn thì mình rất bực bội, vì mình trả tiền để được ăn món ưa thích quen thuộc cơ mà. Còn việc phục vụ khách ở nhà hàng, tôi đã từng phải thay mặt Ban quản lý nhà hàng đứng ra xin lỗi thực khách. Đó là khi những món ăn sặc sụa mùi vị mâu thuẫn giữa các đầu bếp chuyên nghiệp của chúng tôi, cũng có lúc do khách hàng đang buồn bực và muốn gây sự với bất cứ ai, bất cứ chuyện gì. Để người khác nấu cho, cũng tiện, nhưng quả thật chẳng phải cứ lúc nào muốn là được như ý. Mà rõ ràng là nấu cho người khác ăn còn mệt hơn.
Tự nấu cho mình
Kết hôn có nghĩa là bạn tha hồ “thả bom thối” và ăn kem trên giường. (Brad Pitt)
Cuối ngày làm việc, tôi trở về nhà, chui vào căn bếp của một kẻ độc thân. Không còn thấy cảnh nấu nướng luôn tay theo yêu cầu của thực khách, công việc đó thật quen thuộc mà không hề nhàn hạ, đôi khi mọi thứ cứ loạn lên và mọi người trong bếp đều sôi sùng sục. Quả thật, tự nấu cho mình thật là nhẹ nhàng biết bao nhiêu.
Có một câu ngạn ngữ của nước nào không rõ: Cái bụng đói là người đầu bếp giỏi nhất. Trước đây, tôi thường để mình đói ngấu thì mới tìm cái ăn, bất kể giờ giấc. Nhưng rồi cũng phải khôn ngoan hơn để mà biết rằng mình có một sức khỏe để giữ, một vóc dáng để chăm chút. Ăn uống đúng bữa vì bản thân, thế thôi, chẳng cần biết ngon là gì. Đôi khi lơ đãng, làm cháy đen con cá hoặc bỏ quên hàng đống đồ chưa nấu bị hỏng bốc mùi, chỉ việc đổ tất cả vào sọt rác mà không ai có ý kiến. Tôi nghĩ, tôi vẫn chưa sẵn sàng với hôn nhân.
Chung sống với một người đồng nghĩa với việc có những bữa ăn chung. Tôi chỉ biết có mỗi món thịt bò xào nấm đơn giản và nhanh gọn, tôi biết làm gì nếu người đó yêu cầu một món cầu kỳ của nhà hàng? Nếu buộc phải từ bỏ nhiều thói quen và nấu cuộc sống của mình theo một cách khác, chắc tôi khó mà chịu được quá một tuần.
Phải đổi các món ăn để lấy được sự hài lòng của người chung sống với mình hay hạnh phúc gia đình, hay thứ gì khác? Tôi khó mà nghĩ đến ngày vứt bỏ tự do để trói mình vào một công việc – công việc giống như kinh doanh ăn uống. Tôi cũng chưa từng muốn trở thành một người đàn bà chán chường nuốt những bổn phận ngày qua ngày.
Phải có một cái cớ nào đó dành cho kẻ chưa sẵn sàng chứ?