Mình là kẻ ghiền “chơi” đồ nhà bếp vì vậy khi thấy mọi người bắt đầu xôn xao về nồi ủ không cần xài điện, không xài ga, khỏi mất công đứng canh và rất tiện lợi, mình bắt đầu “vật vã” rồi tìm hiểu trên các trang mạng. Nhưng thấy ở Việt Nam có nhiều còn bên nước mình đang sống không có, vì vậy mình cũng quên dần. Một lần qua Thụy Sĩ chơi, vô khu vực nồi niêu của siêu thị bán sỉ mình ngắm nghía được một cái nhưng lúc đó giá cũng khá mắc nên mình cũng không dám mua. Đợt Tết thấy các bạn khoe nấu bánh chưng bằng nồi ủ khiến mình lại càng ghiền cái nồi này hơn vì chồng mình không thích mình nấu bánh chưng, bánh tét trong nhà làm hơi nước bốc lên gây hư, ẩm ướt hết tường.
Đợt rồi thấy chị dâu có cái nồi mua từ Việt Nam qua nhưng chưa xài, mình mượn xài thử vì muốn coi thịt ủ 5-6 tiếng thì mức độ mềm như thế nào? Và đây là cái nồi ủ chị đưa cho mình: Nồi của hãng Tiger Nhật Bản, dung tích 8 lít, mã NFI-A800.
Nồi gồm có hai lớp, lớp trong bằng kim loại thép không rỉ dùng để nấu trực tiếp trên bếp khi cần hầm xương hay nấu thực ăn. Còn lớp ngoài bằng các vật liệu giữ nhiệt như nhựa cao cấp, hợp kim hay inox.
Nắp nồi bằng thủy tinh chịu nhiệt, có thể quan sát thức ăn trong nồi. Thời gian giữ nóng có thể lên đến 20 giờ.
Và đây là lí do vì sao mình thích cái nồi này:
– Tiết kiệm thời gian nấu và chi phí điện, gas. Chỉ cần nấu sôi xương, hay thực phẩm, thức ăn từ 5 – 15 phút, sau đó cho thức ăn vào ủ trong nồi với khoảng thời gian nhất định (từ một tiếng trở lên), các bạn sẽ có các món ngon như ý mà không tốn điện hay ga. Đặc biệt, nồi ủ có thể giữ nhiệt từ 50 – 70 độ C trong thời gian 5-7 tiếng, kéo dài độ nóng của món ăn mà không bị nhừ hay nước đục như kiểu hầm của nồi áp suất.
– Mình có thể hầm xương để nấu phở bò, bún bò, và thậm chí có thể nấu bánh chưng bằng nồi này. Khi nấu bằng nồi phía trong xong, bạn đặt nó vào nồi ngoài và đậy nắp lại ủ từ 1 – 5 tiếng cho xương mềm, hoặc trong vòng 1 tiếng nếu bạn chỉ hầm những món đơn giản.
– Trong suốt thời gian ủ, nhà không bị bay mùi đồ ăn khi nấu các món như bò kho, ragu hay hầm gia vị phở, vì nồi ủ rất kín, hơi nước và mùi vị không bị bay ra ngoài nên giữ được hương vị thơm ngon của món ăn.
– Khi nấu các loại nồi khác bạn sợ cạn nước, cháy khét vì quên tắt bếp, còn nồi ủ này không hề bị cạn nước trong suốt thời gian ủ. Cái quan trọng nhất là ủ lâu hay mau bạn cũng không lo tốn tiền điện hay gas trong suốt thời gian ủ.
– Nhà mình thích ăn ragu vì vậy nấu từ chiều và ủ đến tối chồng về mình bưng lên bàn ăn vẫn còn nóng khi mở ra nên không cần hâm lại.
– Rất tiện khi nhà có khách hoặc cần mang đi dự tiệc, đến nhà bạn bè hay qua nhà họ hàng mình có thể mang nguyên nồi đi, chỉ cần sáng nấu bỏ vào nồi, và đem đi, đợi đến lúc nhập tiệc là có thể có nồi đồ ăn ngon lành.
Nhìn chung mình đang “mê muội” chiếc nồi ủ này và mình chưa có ý định trả lại nồi cho chị dâu, đến khi nào chị ấy cần lấy lại hoặc mình tìm mua được nồi bên Anh. Có thể với các bạn ở Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn hơn nhưng với những người con xa xứ như mình, trong điều kiện nấu nướng các món dân tộc bị hạn chế khá nhiều thì sự hỗ trợ của chiếc nồi ủ đối với mình là rất lớn. Nếu các bạn có ý định mua thì nên cân nhắc, tùy vào nhu cầu sử dụng mà chọn dung tích nồi lớn hay nhỏ nhé. Chiếc nồi mình đang dùng theo tìm hiểu được biết có giá khoảng 5.300.000VND, tuy giá thành ban đầu khá mắc nhưng tính về lâu dài lại tiết kiệm rất nhiều đó.
Xem thêm: Bộ dụng cụ tỉa hoa quả Spritta của IKEA