San Ong Makeup: Phụ nữ là rắc rối của mọi vấn đề

– Chào San, bạn đã đến với nghề làm đẹp từ bao giờ và như thế nào?

Từ nhỏ tôi đã thích vẽ, nhưng do không có ai định hướng nên đành đi học ngành kinh tế cho giống với số đông. Năm thứ 4 đại học, trong lúc bạn bè đi thực tập đúng ngành thì tôi chỉ xin số liệu để làm báo cáo, còn thực tế, thời gian đó tôi đi làm cho một hãng mỹ phẩm Nhật Bản. Đó là công việc đầu tiên của tôi trong lĩnh vực làm đẹp.

Đến năm 2015, tôi xây dựng dự án startup Sewow. Ý tưởng của tôi là tạo cho phụ nữ một không gian không chỉ để học làm đẹp, mà còn là nơi chia sẻ và thư giãn, giúp họ giải tỏa tâm lý.

san-ong-makeup-1

– Bạn dạy gì cho họ trong những buổi học đó?

Tôi chọn làm đẹp – điều mà phụ nữ nào cũng yêu thích dù không phải ai cũng có cơ hội để bộc lộ – làm cầu nối giúp mọi người chia sẻ những băn khoăn. Nhiều học viên của tôi có câu chuyện rất đặc biệt, có người đi học trang điểm sau khi biết chồng ngoại tình, có người từng bị trầm cảm đến mức muốn tự tử vì tự ti, có người phải đợi hơn 20 năm mới thực hiện được ước mơ của mình là cầm vào cây cọ trang điểm vì từ khi lấy chồng, cuộc sống chỉ xoay quanh những lo toan tất bật. Tôi tạo thói quen cho các học viên trong lớp nói lời khen với nhau thường xuyên, dần dần, họ tin rằng mình đẹp và hoàn toàn xứng đáng được hạnh phúc.

– 27 tuổi, chưa có gia đình, là một cô gái trẻ trung, năng động và vui vẻ, điều gì khiến bạn có sự đồng cảm sâu sắc với những người phụ nữ trung niên đến như vậy?

Từ nhỏ tôi đã chứng kiến cảnh ba mẹ không hạnh phúc. Đến năm tôi học lớp 10 thì ba mẹ chia tay. Lúc đó tôi thương ba hơn thương mẹ vì ba chăm cho tôi nhiều hơn, còn mẹ chỉ lo làm lụng tối ngày. Sau này lớn lên, tôi mới thấy thương mẹ và hiểu vì sao gia đình mình lại như vậy.

Mẹ tôi là típ phụ nữ truyền thống điển hình, bà lúc nào cũng làm quần quật, đang bưng bát cơm cũng bỏ đó để đi làm. Mẹ không chăm chút cho bản thân, nói chuyện với ba cũng không mềm mỏng. Lúc nào mẹ cũng bảo mẹ làm vì mày, vì gia đình này chứ vì ai… Có lần mẹ nói với tôi một câu khiến tôi ám ảnh đến tận bây giờ: “3 năm nay mẹ không mua bộ đồ nào hết”.

Tôi hoàn toàn nhìn ra vấn đề của mẹ và những người phụ nữ tôi từng gặp. Họ không ý thức được cách chăm sóc ngoại hình, cách ăn nói, cư xử, vì thế mà hạnh phúc gia đình không trọn vẹn. Hành trình “Mộc khoe sắc” mà chúng tôi thực hiện cũng xuất phát từ chính sự đồng cảm dành cho những người phụ nữ trung niên thiệt thòi như vậy.

– Đi qua 21 tỉnh thành cùng “Mộc khoe sắc”, hình ảnh đọng lại trong San sâu đậm nhất là gì?

Đó là những cô lao công trong siêu thị. Nhìn thấy sân khấu chương trình, các cô rất thích nhưng do công việc không được phép đứng yên một chỗ, họ phải vòng qua vòng lại rất nhiều lần để cố gắng nghe hết những bài học của tôi. Cuối buổi, nhiều cô chạy lại nắm tay tôi nói cảm ơn con vì đã chia sẻ tận tâm chứ không bán hàng như nhiều chương trình cô vẫn gặp, có người thì hỏi: “Cô cũng có quyền làm đẹp đúng không con?”, “Nhìn các con cô thích quá”. Trong lời nói và ánh mắt của họ, tôi thấy có sự tiếc nuối thời thanh xuân. Làm chương trình ở đâu tôi cũng để dành vài phần quà để cuối buổi đem tặng họ.

– Những câu hỏi bạn nhận được nhiều nhất trong các buổi chia sẻ này là gì?

Họ thường hỏi tôi làm sao để hết nám, hoặc mang cho tôi xem các hũ kem của họ, hỏi sản phẩm này có tốt không, mà toàn kem trộn không à… Chị em phụ nữ nông thôn hay bị những lời quảng cáo làm trắng da cấp tốc đánh lừa như vậy đấy.

san-ong-makeup-3

– Được biết San cũng dạy trang điểm cho những người điếc câm. Việc này đã mang lại cho bạn những cảm xúc nào đặc biệt?

Ban đầu, tôi tưởng những người điếc câm sẽ có sự mặc cảm, e ngại, nhưng trái lại, họ rất cởi mở và lạc quan. Tôi dạy họ những điều rất đơn giản như đánh má và đánh môi chỉ bằng một cây son dưỡng ửng hồng nhè nhẹ, họ đáp lại bằng đôi tay rằng cảm ơn cô, chúng tôi thích lắm. Khi tôi hỏi lần gần nhất các chị trang điểm là khi nào, những đôi tay đó trả lời: 40 năm, 20 năm, 18 năm…

Bình thường khi tôi đi dạy, phía dưới học viên sẽ nói chuyện tương tác. Còn trong lớp học đặc biệt này, bầu không khí lặng như tờ. Cô Thảo là người phiên dịch của buổi học, cũng là mẹ của một người con điếc câm, hôm đó cô nói với tôi rằng trước giờ đã có nhiều tổ chức cho quà, cho tiền, nhưng chưa có ai cho tình thương như vậy.

– Tiếp xúc với hàng ngàn phụ nữ trên mọi miền đất nước, bạn nhận thấy kĩ năng họ đang thiếu nhất là gì?

Đó là kĩ năng giao tiếp. Tôi thấy đa số họ có thói quen nói chuyện nhẹ nhàng, dễ nghe, khéo léo với người ngoài, còn với những người thân thiết nhất trong gia đình, họ lại bỗ bã, cáu bẳn, thậm chí sẵn sàng buông lời nói gây tổn thương vì cho rằng người ta đã hiểu mình quá rồi, có sao cứ bộc lộ đúng như vậy.

Thực ra ai cũng muốn nghe những lời nhẹ nhàng, mềm mỏng, chẳng riêng gì đàn ông. Tâm trí con người tồn tại ở 2 trạng thái vô thức và ý thức, khi bạn nói với âm vực lớn, tần sóng cao, não người nghe sẽ tiếp nhận bằng ý thức; còn khi bạn nói bằng âm vực nhỏ nhẹ, trầm ấm, lời nói đó sẽ đi vào vô thức. Khoa học đã chỉ rõ như vậy rồi, nói nhỏ nhẹ khiến người nghe cảm thấy dễ chịu, dễ đồng tình, cuộc nói chuyện như vậy là thành công.

Tôi hay nói phụ nữ là rắc rối của mọi vấn đề, nhưng cũng chính họ là người nắm giữ chiếc chìa khóa giải quyết được mọi vấn đề. Gia đình hạnh phúc hay không phụ thuộc rất lớn vào sự khéo léo, mềm mỏng của người phụ nữ.

– Nỗ lực thay đổi suy nghĩ của hàng ngàn phụ nữ, vậy đến giờ, bạn đã thay đổi được mẹ mình chưa?

Mẹ tôi bây giờ thì… khỏi nói! Giờ mẹ diện lắm, mua đồ hiệu để dùng không à!

Cảm ơn San về những chia sẻ này!

Ông Đức Kim Hạnh (San)

– Sinh năm: 1991

– Tốt nghiệp Đại học Tài chính Marketing (Tp.HCM) và học viện SMA (Thái Lan) chuyên ngành trang điểm ứng dụng, nghệ thuật, sân khấu và hóa trang phim ảnh

– Nghề nghiệp: makeup artist, Youtube vlogger, người sáng lập của sewow.vn

– Năm 2017, cô thực hiện dự án “Mộc khoe sắc”, đi 21 tỉnh thành dạy làm đẹp cho 10.000 phụ nữ Việt Nam


From the same category